Chúng ta

‘FPT là động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế do công nghệ số dẫn dắt’

Thứ năm, 17/12/2020 | 17:41 GMT+7

Theo Giám đốc Tư vấn chiến lược FPT Steven Furst, tham gia phiên họp kín do Google châu Á-Thái Bình Dương tổ chức là cơ hội để FPT khẳng định thêm vị thế và vai trò trong công cuộc phục hồi kinh tế dựa vào công nghệ số của Việt Nam và trên thế giới.

Nhà F là đại diện duy nhất của giới doanh nghiệp châu Á tại phiên họp Google APAC Beyond tháng 12. Đây là chuỗi phiên thảo luận quy mô nhỏ và kín do Google APAC (Google châu Á-Thái Bình Dương) tổ chức, nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu, các chuyên gia và nhà tư tưởng cùng nhau thảo luận về các vấn đề quan trọng đối với toàn cầu.

Phiên trao đổi trực tuyến lần này mang chủ đề “Sự phục hồi kinh tế do công nghệ số dẫn dắt”. Hai diễn giả của sự kiện là ông Scott Beaumont, Chủ tịch Google châu Á-Thái Bình Dương và bà Boutheina Guermazi, Giám đốc về Phát triển số của Ngân hàng thế giới (WB). Các đại biểu tham dự gồm: ông Steven Furst - Giám đốc Tư vấn chiến lược Tập đoàn FPT; ông Fukunari Kimura - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA); bà Mary Jean Pacheco - Trợ lý Bộ trưởng phụ trách Thương mại điện tử, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines; bà Meloney C. Lindberg - Quản lý chương trình Go Digital ASEAN và đại diện Campuchia tại Quỹ châu Á; và ông Saurabh Gaur - Thứ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ thông tin Ấn Độ.

rsz-google-apac-beyond-call-1-6390-16082

Diễn giả và đại biểu tại cuộc họp của Google APAC đều giữ vai trò quan trọng trong các tổ chức quốc tế, bộ ngành chính phủ các nước. Ảnh: Steven Furst.

Google APAC nhận định, 2020 là một năm đầy thử thách đối với mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, công ty khởi nghiệp và người tìm việc. Nhưng đồng thời, năm nay mang lại thời cơ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Kinh tế số chính là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế và việc tiếp cận với công nghệ thông tin có thể mở ra cơ hội cho tất cả. Tại phiên thảo luận, các khách mời cùng tập trung bàn những vận hội mà công nghệ số có thể mang lại cho nền kinh tế thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cách thức để đảm bảo mọi người đều được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số và xây dựng lại nền kinh tế, khiến nó mạnh mẽ hơn, bao trùm và bền vững hơn.

Ông Steven Furst cho biết, theo quan điểm của WB và các tổ chức quốc tế khác, vấn đề cốt yếu là đảm bảo mọi thành phần xã hội đều tham gia vào quá trình phục hồi kinh tế. “Để làm được điều đó, chúng ta cần tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng số cho mọi khu vực của mọi quốc gia và giúp người dân tiếp cận đầy đủ để họ tham gia tích cực vào công cuộc này. Cần xóa bỏ khoảng cách số”, ông khẳng định.

Chuyên gia nhà F nhấn mạnh, các khách mời còn dành mối quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng nhiều nội dung số hơn bằng ngôn ngữ địa phương, thiết lập định danh số quốc gia, áp dụng khuôn khổ pháp lý bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng và đảm bảo tài trợ cho đổi mới công nghệ cũng như cho khởi nghiệp.

rsz-10001-1598-1608201240.jpg

Những điểm nổi bật của phiên thảo luận được Google APAC tổng hợp lại một cách trực quan.

Có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành tư vấn và ICT, ông Furst cho rằng FPT hiện là một trong những công ty đi đầu trong việc thúc đẩy phục hồi kinh tế do công nghệ số dẫn dắt. Tất cả sản phẩm và dịch vụ của FPT đều liên quan đến công nghệ số và Tập đoàn làm mọi cách để tăng cường chuyển đổi số tại các doanh nghiệp Việt Nam cũng như trong xã hội. “Chúng tôi tham gia vào nhiều diễn đàn nhất có thể cùng Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy và khuyến khích các chính sách và chương trình, nhằm xây dựng một môi trường thuận lợi cho phát triển số. Tôi và nhiều chuyên gia khác của nhà F cũng tham gia những nhóm cố vấn cho các ủy ban và bộ ngành liên quan”, ông chỉ rõ.

Theo Steven Furst, từ năm 2018, Chủ tịch Trương Gia Bình là thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, giám sát chương trình chuyển đổi số quốc gia. Bản thân ông Furst cũng thuộc nhóm chuyên gia của Tổ công tác cho Chủ tịch Ủy ban. Sếp nhà F còn lưu ý, về mặt thương mại, FPT cũng là động lực cho công cuộc phục hồi kinh tế do công nghệ số dẫn dắt, bằng cách thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam thông qua chuỗi sự kiện Top 500.

Hoa Hạ

Ý kiến

()