“Dưới tác động của Covid, kinh tế số và chuyển đổi số là sống còn và đi đôi với thịnh vượng. Việt Nam sẽ là điểm đến số tiềm năng bởi nguồn nhân lực trẻ, nằm trong top quốc gia số trên thế giới và bởi Chính phủ có khung chính sách thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số”, anh Trương Gia Bình nhấn mạnh tại phiên khai mạc hội nghị “Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA”, do Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng EuroCham tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội.
Chủ tịch FPT phát biểu khai mạc hội nghị. Những nhận định và câu chuyện anh Bình mang đến diễn đàn tạo cảm hứng tích cực cho nhiều khách mời. |
Trong khuôn khổ sự kiện, người đứng đầu FPT kiêm Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), cũng cùng các diễn giả khác từ Phái đoàn EU tại Việt Nam, EuroCham và các cơ quan Chính phủ tham dự phiên thảo luận “Kinh tế số Việt Nam và EVFTA: Tác động tiềm năng - Chính sách và hành động ưu tiên để tối đa hóa lợi ích”. Thể hiện quan điểm, góc nhìn từ phía doanh nghiệp Việt, anh Bình đánh giá, khi đứng trước thách thức sống còn, các doanh nghiệp Việt Nam đoàn kết, hành động tập thể và đều biết tầm quan trọng của chuyển đổi số. “Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt chưa hiểu thực chất về công cuộc này. Đó là vấn đề lớn, chúng ta rất cần những doanh nghiệp đi đầu. Nếu đặt chuyển đổi số là sống còn, Việt Nam sẽ tiến rất nhanh”, anh Bình nhấn mạnh.
Chia sẻ câu chuyện chuyển đổi số tại FPT, anh Trương Gia Bình nêu rõ, cấu thành quan trọng nhất của chuyển đổi số là con người. Việc đào tạo để mỗi người đều biết sử dụng công nghệ số, thậm chí trở thành kỹ sư CNTT xuất sắc là cần thiết. “Mục tiêu chuyển đổi số phải được thực hiện bằng con đường số, vấn đề 4.0 không thể được giải quyết bằng phương pháp 3.0 trở xuống”, Chủ tịch FPT khẳng định. Anh cũng bày tỏ tin tưởng vào lợi ích lớn mà Hiệp định EVFTA sẽ mang lại cho kinh tế số của Việt Nam và quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Anh Trương Gia Bình trả lời báo chí về cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số. |
Đồng quan điểm với anh Trương Gia Bình, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, Hiệp định EVFTA là nền tảng rất tiềm năng để cùng chia sẻ những giá trị chung, không chỉ là lợi ích về kinh tế mà còn là giải pháp để hai bên cùng thắng. Đây có thể là giải pháp giúp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị của mình và có thể chứng kiến sự thay đổi ngoạn mục trong thời gian tới.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) Nguyễn Trọng Đường cho rằng EVFTA mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho các doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Hiệp định cũng đem lại môi trường đầu tư mở, thuận lợi hơn; triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI nhiều hơn.
Các diễn giả trong phiên thảo luận về kinh tế số Việt Nam và EVFTA. |
“Kinh tế số, chuyển đổi số tại Việt Nam và Hiệp định EVFTA” là hội nghị bàn tròn số 2 trong chuỗi 3 hội nghị bàn tròn do Phái đoàn EU tại Việt Nam chủ trì cho đến cuối năm 2020. Sự kiện thu hút hơn 100 đại biểu đến từ các Bộ, cơ quan chính phủ, các quốc gia thành viên EU cũng như các hiệp hội, học viện và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Các chủ đề của hội nghị lần này gồm: “Nền kinh tế số và sự chuyển đổi số của Việt Nam: Tình hình thực tế, Cơ hội và Thách thức”; “Hiệp định EVFTA và những đóng góp tiềm năng trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và chuyển đổi số ở Việt Nam”; “Nền kinh tế số: Xu hướng lớn toàn cầu và Xây dựng nền móng cho sự phát triển trong tương lai của Việt Nam”.
Dàn diễn giả cấp cao của hội nghị đến từ các cơ quan của EU, Chính phủ Việt Nam và các hiệp hội, tổ chức. |
Trong những năm gần đây, nền kinh tế số của Việt Nam có bước tiến vượt bậc, giúp Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế số ở Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ hiệp định EVFTA và tác động của dịch Covid-19.
EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) được Quốc hội Việt Nam phê duyệt vào ngày 8/6 có hiệu lực từ ngày 1/8. Hiệp định được phê chuẩn vào thời điểm Chính phủ Việt Nam liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững sau đại dịch Covid-19, trong đó có việc phát triển của các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp), sự thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sự liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển đổi số nắm giữ vai trò quan trọng.
Hoa Hạ
Ý kiến
()