Chúng ta

FPT hỗ trợ ngành gỗ tổ chức thành công hội thảo trực tuyến

Thứ ba, 28/4/2020 | 21:15 GMT+7

Với tư cách đối tác chiến lược chuyển đổi số của HAWA, FPT đã sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ và kinh nghiệm để phối hợp tổ chức hội thảo bàn về phát triển bền vững ngành gỗ hậu đại dịch Covid-19.

Hội thảo trực tuyến: “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá. Phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch” được đồng tổ chức bởi dự án Forest Trends, Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA). Hội thảo được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác phát triển của Vương quốc Anh (DFID) và Vương quốc Na Uy (NORAD) cùng sự hỗ trợ của Dự án SIPPO. 

FPT đã hỗ trợ sự kiện trong việc tư vấn và cung cấp giải pháp tổ chức trực tuyến. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác chiến lược trong chương trình Chuyển đổi số ngành gỗ từ việc số hóa các hoạt động của HAWA như hội nghị, diễn đàn, hội chợ - triển lãm… FPT sử dụng các giải pháp, nền tảng công nghệ và kinh nghiệm đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông FPT trực tuyến vừa qua để phối hợp tổ chức hội thảo này.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch HAWA, đại diện Ban tổ chức, gửi lời cảm ơn FPT trong vòng 3 ngày gấp rút đã hỗ trợ giải pháp hội nghị trực tuyến, đào tạo đội kỹ thuật của HAWA nắm vững công nghệ để hỗ trợ sự kiệngiúp kết nối hơn 10 đầu cầu tại Hà Nội, TP HCM, Bình Định... thành công tốt đẹp.

Thông qua hội thảo, đại diện các Hiệp hội đã cung cấp một số thông tin ban đầu về tác động của đại dịch tới khâu xuất khẩu, nhập khẩu gỗ nguyên liệu và chế biến tiêu thụ nội địa; thảo luận về các cơ chế chính sách của Chính phủ, các hoạt động của doanh nghiệp, nhằm chuẩn bị cho doanh nghiệp sẵn sàng phục hồi và tăng tốc trong các hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi dịch chấm dứt.

hawa-7470-1588072426.jpg

FPT hỗ trợ ngành gỗ tổ chức hội thảo trực tuyến “Phục hồi - Tăng tốc - Bứt phá. Phát triển bền vững ngành gỗ giai đoạn hậu đại dịch”.

Đại diện các Bộ ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước cũng thảo luận về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các thay đổi căn bản cần thiết trong ngành, về cả khía cạnh thực tiễn và chính sách, nhằm giúp ngành giảm rủi ro, tạo bứt phá, phát triển bền vững trong tương lai.

Từ giữa tháng 3/2020, dịch bùng phát mạnh tại thị trường quan trọng nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam, bao gồm Mỹ (chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam) và EU (chiếm 10%). Dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Nhật Bản, thị trường tiêu thụ khoảng 13% các mặt hàng gỗ xuất khẩu của nước ta. Theo nhận định của các Hiệp hội, để các thị trường này khôi phục lại sức mua và các chuỗi cung như trước đây sẽ mất rất nhiều thời gian.  

Năm 2020, ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt 12 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Nhưng theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) dự báo, mục tiêu này khó thành hiện thực và ngành có thể không có tăng trưởng. Đại dịch cũng làm thị trường sản xuất và tiêu thụ nội địa bị ảnh hưởng nặng do nguồn cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu giảm ít nhất 70% về lượng nhập. Kết quả khảo sát nhanh từ 124 doanh nghiệp do các Hiệp hội ngành gỗ tiến hành cho thấy 100% bị ảnh hưởng từ Covid-19. 

Đại dịch đã cho thấy phương thức bán hàng truyền thống (offline) cần phải thay đổi, nhằm giảm rủi ro trong hội nhập và phù hợp với xu thế thương mại thế giới (online). Một trong những vấn đề cần kíp lúc này của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam là đẩy nhanh tốc độ ứng dụng công nghệ số để tối ưu bài toán vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng liền mạch và phát triển mô hình kinh doanh mới, từ đó phục hồi - tăng tốc - bứt phá. Chuyển đổi số cần diễn ra mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Qua đó định dạng lại tầm quan trọng của thị trường nội địa, sự quan tâm của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp tới thị trường này.

"Covid đã thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn", anh Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS - phát biểu tại hội thảo. Người lao động đã chuyển sang làm việc ở nhà, mọi nơi, mọi lúc, với mọi người trên thế giới. Điều tương tự cũng xảy ra với ngành gỗ. Dịch bệnh đã buộc tất cả phải bán hàng online, thiết kế online, marketing online. Đặc biệt, đang có sự chuyển dịch từ khái niệm "chuỗi cung ứng" sang "mạng lưới cung ứng".

anhson-7597-1588072427.jpg

Anh Phan Thanh Sơn - Giám đốc phát triển kinh doanh FPT IS, phát biểu tại hội thảo.

Tác động từ Covid-19 cho thấy các chuỗi cung xuất khẩu đồ gỗ hiện nay của Việt Nam rất mong manh, nhất là nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của liên kết. Doanh nghiệp trong ngành cần liên kết với các ngành khác có liên quan, thúc đẩy phát triển bền vững. Việc hình thành các chuỗi cung hoàn chỉnh tại Việt Nam sẽ giúp giảm thiểu sự đứt gãy, tăng cường sức chống chịu trước các biến động của thị trường và bệnh dịch.

"Thế giới sau dịch Covid-19 sẽ là thế giới khác với những quy luật khác. Các doanh nghiệp cần sự chuẩn bị để trở thành doanh nghiệp có sự mềm dẻo, từ đó bứt phá", đại diện FPT nhấn mạnh.

Bệnh dịch sẽ qua nhưng chắc chắn sự vận hành của ngành không thể duy trì theo cách như trước. Ngành cần có những hướng đi mới, với các thay đổi căn bản để phát triển bền vững. Thực hiện những thay đổi này đòi hỏi sự ưu tiên và tập trung nguồn lực từ cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. 

>> FPT hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số ngành gỗ Việt Nam

Thủy Minh

Ý kiến

()