Năm 2021, với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, Industry 4.0 Summit 2021 là nơi các cơ quan nhà nước cùng giới chuyên gia, doanh nghiệp trao đổi nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Sau khi Diễn đàn kết thúc, các nội dung ý kiến và đề xuất của giới chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Tại Industry 4.0 Summit, FPT tham dự 2 phiên hội thảo chuyên đề “Phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, nền tảng số trong xây dựng và quản lý hạ tầng kinh tế - xã hội” và “Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Với vai trò đồng hành và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, từ quan điểm của FPT, muốn thúc đẩy phát triển kinh tế số thì chỉ có cách thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ và toàn diện ở tất cả các lĩnh vực của chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp. Mà hạ tầng số là một thành phần chủ chốt của chuyển đổi số. Hạ tầng số phải đi trước, phải xây dựng một cơ sở hạ tầng số mạnh mẽ để làm nền tảng thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.
FPT đã tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực phát triển hạ tầng số ở Việt Nam, trong những năm qua, với các trụ cột của hạ tầng số bao gồm Mạng di động, Mạng Internet và Điện toán đám mây (Cloud). Đáng chú ý, với hàng triệu doanh nghiệp đang cần chuyển đổi số thì Cloud chính là chìa khoá để giải quyết các vấn đề từ đó tạo động lực để nền kinh tế số có thể tăng trưởng một cách đột biến, hướng tới mục tiêu đạt tỷ trọng 20% GDP đất nước đến năm 2025.
Cụ thể, thứ nhất, Could có khả năng cung cấp hạ tầng một cách nhanh chóng, doanh nghiệp chỉ mất vài ngày, thậm chỉ vài giờ để có một hạ tầng đầy đủ đáp ứng mục tiêu kinh doanh. Thứ hai, Doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ cloud một cách linh hoạt, trả tiền theo nhu cầu sử dụng dịch vụ. Thứ ba, Cloud giúp giải quyết các bài toán cao cấp, bao gồm sử dụng dữ liệu để phân tích, từ đó đưa ra những dự báo, khuyến nghị.
Anh Phan Hồng Tâm - Giám đốc hạ tầng FPT Smart Cloud - chia sẻ: “Chúng ta có thể nhìn thấy các thách thức từ chuyển đổi số, từ chiến lược đến hạ tầng, và phải áp dụng cách thức mới để giải quyết các vấn đề. FPT đã và đang phát triển nền tảng FPT Cloud dành riêng cho doanh nghiệp Việt với hạ tầng vững mạnh và các chuyên gia hàng đầu giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Tại FPT, chúng tôi tin rằng, mô hình Future is as a Service on e-Infrastruture tức là mô hình dịch vụ trên hạ tầng số sẽ là câu trả lời cho mọi doanh nghiệp”.
Không gian triển lãm hệ sinh thái điện tử của FPT tại Industry 4.0 Summit. |
Trong chiến lược phát triển hạ tầng số, chính phủ tập trung vào 5 lĩnh vực chính: Nông nghiệp, y tế số, giáo dục và đào tạo, thương mại điện tử và du lịch trực tuyến. Ngành Nông nghiệp là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, những năm gần đây vẫn chứng kiến xu hướng giảm của ngành. Đồng thời, mức tăng trưởng dù đạt mục tiêu Chính phủ đề ra nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tăng trưởng GDP.
Do đó, ngành Nông nghiệp Việt Nam cần có những bước chuyển dịch nhằm tăng hiệu quả trong canh tác, sản xuất để bắt kịp xu thế thị trường, đồng thời phát triển vượt mục tiêu 3,84%/năm. Chuyển đổi số sẽ là nền tảng hỗ trợ quá trình này.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số có thể bắt đầu tư những công nghệ đơn giản như truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị nông sản, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp.
Tại phiên chuyên đề “Chuyển đổi số nông nghiệp – nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, anh Lê Vũ Minh, Giám đốc khối tư vấn Chiến lược và Đổi mới sáng tạo, FPT Digital, đánh giá: “Xu hướng Chuyển đổi số đang tạo cơ hội để sản phẩm nông sản có cơ hội bứt phá: dựa trên tăng cường tự động hóa để nâng cao năng suất, minh bạch thông tin để nâng cao giá trị, hướng tới các thị trường cao cấp. Giá trị từ số bên trong sản phẩm là yếu tố quan trọng giúp nâng cao giá bán sản phẩm nông nghiệp. Sự chuyển đổi số ngành nông nghiệp cần sự tham gia hiệp đồng từ nhiều bên, trong đó lấy chủ thể là người người sản xuất nông nghiệp (nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp)”.
Bên cạnh các phiên hội thảo chuyên đề, trong khuôn khổ Diễn đàn diễn ra hoạt động triển lãm ảo các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực... Triển lãm năm nay được phân chia thành các khu vực trải nghiệm công nghệ, đem đến cho khách tham dự cơ hội trực tiếp sử dụng công nghệ thực tế ảo, tương tác và giao lưu với các robot thông minh… Theo đó, FPT đã mang tới triển lãm các sản phẩm FPT Cloud, Basework+, Bộ Giải pháp giao dịch số (bao gồm FPT.eContract, FPT.eInvoice, FPT CA, FDA)…
Toàn cảnh không gian triển lãm Industry 4.0 Summit. |
Trong hơn 25 năm qua, FPT đã cùng tiên phong với các cơ quan chính phủ, ngành, doanh nghiệp ứng dụng, xây dựng giải pháp CNTT trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, Internet, giáo dục – đào tạo, y tế, chính phủ… Với năng lực công nghệ, hệ sinh thái giải pháp, sản phẩm, dịch vụ toàn diện và hệ thống đối tác là những tập đoàn công nghệ hàng đầu dẫn dắt các xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0, FPT cam kết tiếp tục đồng hành với hành trình Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”.
Vân Anh
Ý kiến
()