Chiều 10/6, tại thành phố Hải Dương, UBND tỉnh Hải Dương làm việc với Tập đoàn FPT về kết quả hợp tác chuyển đổi số và đề xuất đầu tư xây dựng tổ hợp giáo dục FPT trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cho biết, Hải Dương luôn mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực cao cùng đồng hành, đầu tư, tư vấn giúp tỉnh thực hiện chuyển đổi số để phục vụ người dân cũng như phát triển kinh tế, xã hội. Ngày 24/8/2021, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với FPT về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với 9 nội dung hợp tác. Tuy nhiên, việc hợp tác giữa Hải Dương và FPT trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên. Lãnh đạo tỉnh khẳng định, Hải Dương luôn tạo điều kiện tốt nhất và mong muốn hợp tác với FPT thực chất, cụ thể hơn nữa trong chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, thời gian qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đã cải thiện. Hải Dương đã hoàn thành quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; bên cạnh đó, đã ra quyết định ưu đãi về đất đai đối với các dự án đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường tại khu vực đô thị.
Đồng chí Triệu Thế Hùng đề nghị phía FPT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương của Hải Dương để tìm hiểu vị trí triển khai, lập dự án đầu tư xây dựng tổ hợp giáo dục. Với hơn 2,1 triệu dân và phát triển mạnh về công nghiệp, Hải Dương đang có nhu cầu rất lớn về giáo dục, lãnh đạo tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo sớm tìm cơ sở giáo dục của tỉnh để phối hợp với FPT triển khai ngay mô hình giáo dục nghề nghiệp.
“FPT luôn đưa ra mô hình đào tạo tiên tiến, phù hợp với yêu cầu của nguồn nhân lực tại Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp FPT luôn xin được việc ngay và có mức lương tốt. Vì thế, tỉnh rất mong muốn FPT đầu tư về cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Hải Dương có hơn 2,1 triệu dân, tỉnh phát triển công nghiệp với tỷ trọng lớn, hơn 300.000 lao động, số lượng không nhỏ là lao động phổ thông, chúng tôi thu hút công nghiệp công nghệ cao, bên cạnh cơ sở vật chất đất đai, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao. FPT là thương hiệu lớn trong công tác đào tạo, tỉnh hoàn toàn ủng hộ việc đầu tư của FPT tại tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chia sẻ.
Đối với hợp tác chuyển đổi số giữa Hải Dương và FPT, lãnh đạo tỉnh giao các sở, ngành, địa phương rà soát các nhiệm vụ chuyển đổi số, tham vấn ý kiến của các đơn vị, doanh nghiệp đã ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với tỉnh, trong đó có FPT để đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, chính quyền điện tử của tỉnh.
Đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ tại hội nghị. |
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn về công nghiệp phần mềm, đặc biệt là AI, chip bán dẫn. FPT đặt nhiều kỳ vọng vào chip bán dẫn. "25 năm trước FPT ra nước ngoài để xuất khẩu phần mềm khi không ai tin tưởng. Đến nay, FPT đã mang 1 tỷ USD về Việt Nam. Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về cung cấp nguồn nhân lực CNTT", anh Khoa chia sẻ. "Từ đầu năm 2024 về, FPT đã mời 11 đoàn nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất chip, thiết kế vi mạch, AI, dịch vụ CNTT. về Việt Nam. Nhu cầu để phát triển nguồn lực chất lượng cao của FPT tại các địa phương là rất lớn".
Lãnh đạo FPT bày tỏ mong muốn đem đến cho người dân Hải Dương môi trường học tập có chất lượng quốc tế nhưng mức học phí trong nước. Bên cạnh giáo dục đại học, FPT còn tổ chức giáo dục nghề nghiệp theo hướng sau khi học sinh tốt nghiệp cấp 3 và sau khi tốt nghiệp cấp 2 (9+) thì sẽ chuyển sang học trường nghề của FPT. Trong tương lai, FPT mong muốn đào tạo sinh viên nghề theo đúng nhu cầu của các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
CEO FPT bày tỏ khát vọng mang đến cho người dân dân Hải Dương trải nghiệm học tập tiên tiến, chất lượng quốc tế, giá cả trong nước. |
Về chuyển đổi số, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, FPT đã phối hợp với tỉnh Hải Dương triển khai chuyển đổi số cho gần 20 doanh nghiệp; lắp đặt hơn 300 camera cho 15 xã; miễn phí sử dụng phần mềm eCovax trong 6 tháng…
Trong giai đoạn 2024-2025, FPT dự kiến sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh xây dựng kế hoạch chuyển đổi số; triển khai các giải pháp về an toàn, an ninh thông tin; triển khai các mô hình của Đề án 06 như: FPT.Kiosk thông minh, khảo thí online và nền tảng xác thực căn cước công dân gắn chip FPT.IDCheck; giải pháp số hóa và nền tảng lưu trữ điện tử dùng chung, xây dựng và hình thành kho dữ liệu số cho tỉnh; triển khai hệ thống quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử và hệ thống quản lý hành nghề y tế.
Giai đoạn 2026-2030, FPT phối hợp với Hải Dương triển khai ưu tiên một số nền tảng số dùng chung phục vụ chuyển đổi số và đô thị thông minh như: không gian đô thị (GIS), internet vạn vật (IoT); các dịch vụ, tiện tích thông minh cho các ngành du lịch, công thương, nội vụ, xây dựng, y tế, giáo dục, giao thông…
Từ năm 2020 đến năm 2022, Hải Dương luôn có chỉ số chuyển đổi số (DTI) đứng trong số 15 tỉnh top đầu cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 đứng thứ 17 cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đứng thứ 22 cả nước.
Lãnh đạo FPT tặng quà lưu niệm lãnh đạo tỉnh Hải Dương. |
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng giao các sở ban ngành có liên quan rà soát, đánh giá những nội dung đã và sẽ hợp tác. Về chuyển đổi số, tỉnh nhất trí với các nội dung đề xuất của FPT. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ có buổi làm việc chi tiết giữa hai bên để trao đổi nội dung cụ thể triển khai cho năm tới.
Trần Huấn
Ý kiến
()