Nhằm tạo điều kiện cho các đội thi đến từ 3 miền khác nhau, vòng chung kết được tổ chức với mô hình kết hợp (hybrid model), bao gồm thuyết trình trực tiếp hoặc thuyết trình từ xa. Điểm sáng của vòng chung kết Aura Hackathon chính là phần thi của 9 đội xuất sắc đến từ FPT Software, FPT Telecom, FPT University và FPT Polytechnic.
Đây đều là các dự án NFT đầu tiên thực sự được phát triển trên nền tảng Aura Network. Qua đây, các đội thi có cơ hội trực tiếp tương tác với đội ngũ chuyên môn của Aura Network, cũng như góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, công cụ của nền tảng.
Các đội trình bày ý tưởng và bản demo trước ban giám khảo. Ảnh: BTC. |
Ở buổi thi chung kết, các đề án kèm theo sản phẩm thử nghiệm thực tế đều được trình bày trực tiếp với Ban giám khảo trong vòng 20 phút. Sau đó, mỗi đội có 15 phút trả lời câu hỏi từ Hội đồng Ban giám khảo. Hội đồng Ban giám khảo đã thảo luận chọn ra các đội thi xuất sắc nhất dựa theo 3 tiêu chí chấm điểm sau: Tính sáng tạo và đột phá (30%); mức độ hoàn thiện của sản phẩm (50%); tính ứng dụng vào thực tiễn và khả năng ứng dụng rộng rãi (20%).
Trong đó, Hội đồng Ban giám khảo gồm Giám đốc Công nghệ FPT Vũ Anh Tú, Giám đốc điều hành (COO) FPT Software Trần Đăng Hoà, Founder & CEO Aura Network Trần Hoàng Giang, Founder & CEO Coin98 Finance Nguyễn Thế Vinh, ông Calvin Chu - Core builder Impossible Finance.
Đội EduGame đã giành giải Nhất với ý tưởng về một nền tảng kết hợp giữa giáo dục và Metaverse. Ảnh: BTC. |
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Ban giám khảo đã chọn ra 4 ý tưởng nổi bật hơn cả. Mỗi đề án đều có điểm đột phá riêng, vì vậy, Ban giám khảo đã quyết định trao thêm một giải Ba. Theo đó, các giải Nhất, Nhì, và 2 giải đồng hạng Ba thuộc về các đội: EduGame, F-Trade, NLZ và Meleport.
Riêng đội EduGame đã giành ngôi quán quân rất thuyết phục với ý tưởng về một nền tảng kết hợp giữa giáo dục và metaverse, lấy phương thức học kiến tạo xã hội làm kim chỉ nam. Bên cạnh tính sáng tạo và đột phá, ý tưởng được đánh giá cao về tính ứng dụng thực tiễn và độ hoàn thiện trong thời gian ngắn.
“FPT Software có trách nhiệm góp phần thúc đẩy tính ứng dụng của NFT. Aura Network cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ các nhà phát triển đưa ý tưởng dự án trở thành hiện thực. Từ đây, tôi hy vọng hệ sinh thái Aura Network sẽ ngày càng hoàn thiện, trở thành hệ sinh thái Blockchain Layer-1 đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, góp phần phát triển cộng đồng nhà phát triển tại Việt Nam nói riêng, trên thế giới nói chung”, anh Trần Đăng Hoà, COO FPT Software chia sẻ sau cuộc thi.
AURA x EduNext Hackathon - Hack to NFT And Beyond là cuộc thi dành cho toàn bộ CBNV FPT, đơn vị thành viên FPT và sinh viên FPT Education (gồm ĐH FPT, FPT Greenwich, Cao đẳng FPT Polytechnic, Swinburne). Các đội thi tham gia sẽ trình bày ý tưởng về những sản phẩm liên quan đến NFT, GameFi và SocialFi được xây dựng trên Aura Network. Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên đến 700 triệu đồng. Trong đó, giải Nhất có giá trị lên đến 256 triệu đồng cùng gói incubation program của Aura Network và đặc cách qua vòng ideas của Global Hackathon của Aura Network đồng tổ chức. Giải Nhì có tổng giá trị lên đến 116 triệu đồng, được nhận gói mentor từ CTO của Aura Network và đặc cách qua vòng ideas của Global Hackathon của Aura Network đồng tổ chức. Giải Ba có giá trị 40 triệu đồng và 1 chiếc hộp bí ẩn. |
>> Doanh nghiệp truyền thống và Blockchain gặp gỡ tại sự kiện của Aura Network
Sơn Thạnh
Ý kiến
()