Chúng ta

‘Dân công nghệ’ có hiệu suất cao nhất khi làm việc từ xa

Thứ hai, 4/1/2021 | 09:26 GMT+7

Hơn 70% trong số 500 doanh nghiệp trên toàn cầu vẫn hoạt động ổn định trong suốt giai đoạn WFH (làm việc từ xa), đặc biệt ngành CNTT chiếm tỷ lệ cao nhất về hiệu quả lao động

66-Capgemini-WFH-1-JPG-6599-1609678400.j

Tỷ lệ doanh nghiệp muốn người lao động WFH. Nguồn: Capgemini

Trong báo cáo gần đây từ hãng tư vấn công nghệ Capgemini, 500 công ty tham gia khảo sát cho biết họ đang trở lại đà tăng trưởng thuận lợi kể từ quý III/2020 dù đang Work From Home (WFH). Năng suất làm việc của nhân viên có chiều hướng đi lên vì không mất thời gian đến công sở, giờ làm việc linh động và họ đã quen với cách làm qua mạng.

Trong đó, các doanh nghiệp công nghệ chiếm top 1 về hiệu quả làm việc với 68% lượt đồng tình khi khảo sát. Dịch vụ khách hàng ở vị trí thứ hai (60%), kế đến là kinh doanh và tiếp thị chiếm 59%, giữ vị trí thứ ba. Dựa vào thống kê, Capgemini đánh giá họ đã ứng dụng linh hoạt các mô hình công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) để giữ nhịp độ làm việc ổn định trong thời gian dài.

Mảng sản xuất, nghiên cứu và phát triển (R&D), hay chuỗi cung ứng đòi hỏi yếu tố con người nên năng suất làm việc hạn chế, chỉ chiếm 51%. Tuy nhiên, 88% doanh nghiệp đã giảm được chi phí thuê bất động sản trong 3-4 tháng qua khi không cần sử dụng văn phòng. Từ đó, hãng tư vấn của Pháp ước tính, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được ít nhất 32% vốn trong ngân sách khi không còn bận tâm về chi phí thuê cơ sở làm việc mỗi năm.

Theo so sánh, trước khi Covid-19 diễn ra, chỉ 9% trong tổng số 500 công ty cho hơn nửa lượng nhân viên làm việc từ xa nhưng đến nay con số đó đã tăng vọt thành 41%. Về tương lai, 47% doanh nghiệp cho biết họ sẽ điều chỉnh chính sách để cho phép 30-70% lượng nhân viên được ở nhà làm việc, tùy vào đặc thù của từng nghề.

Tuy thời điểm mở đầu thập kỷ mới với mô hình làm việc WFH đã khiến nhiều người còn lúng túng, Capgemini nhấn mạnh 70% nhà quản lý doanh nghiệp cho rằng WFH vẫn mang lại hiệu quả kinh tế lớn trong 2-3 năm tới. Nhờ vào làn sóng bùng nổ về công nghệ, làm việc qua mạng vẫn sẽ tồn tại như một xu hướng thức thời và song hành cùng môi trường làm việc truyền thống trong tương lai.

66-Capgemini-WFH-2-JPG-1830-1609678400.j

Biểu đồ về nhóm tuổi thường stress khi WFH. Nguồn: Capgemini

Cũng theo báo cáo, hãng nghiên cứu đã lồng ghép thêm các biểu đồ minh họa tác động của WFH đến tâm lý và lối sống của người lao động, chỉ ra những lưu ý mà các nhà quản lý nhân sự cần chú trọng.

Cụ thể, trong số 5.000 lao động tham gia khảo sát, trạng thái “burn-out” thường diễn ra nhất ở độ tuổi từ 31-35 với tỷ lệ 63%, 36-40 tuổi với 58% và 26-30 tuổi với 57%. “Burn-out” được hiểu là cảm giác mệt mỏi quá độ, bế tắc, xuống sức làm ảnh hưởng xấu đến kết quả làm việc.

Lý giải về điều này, họ cho biết việc phải thường trực mọi lúc với chiếc máy tính khiến họ căng thẳng. Nhưng nếu không làm điều đó, họ lo lắng vị trí hiện tại sẽ dễ dàng bị thay thế bởi người khác vì không có sự ràng buộc về mặt địa lý khi làm việc qua mạng Internet.

Đồng thời, họ cho rằng WFH đang giới hạn cơ hội để mở rộng mối quan hệ xã hội với đồng nghiệp, cấp trên. Có một số nhiệm vụ cần sự hợp tác cả bên trong lẫn bên ngoài nhưng WFH lại là rào cản để họ tìm được sự kết nối chung. Một số khác lại cảm thấy WFH làm giảm tốc độ phát triển trong sự nghiệp.

Claudia Crummeneri - TGĐ mảng People and Organization thuộc Capgemini Invent, nhận định WFH đã làm thay đổi cách con người làm việc. “Doanh nghiệp cần thay đổi phương pháp đánh giá hiệu quả lao động thay vì dùng chất lượng đầu ra và thời lượng hiện diện trên mạng của nhân viên để đo lường kết quả hoạt động”, bà cho hay.

Nhu cầu tâm lý của người lao động phải có vai trò trong cách nhà quản trị giúp nhân viên cân bằng công việc và cuộc sống, đặc biệt khi WFH là phương thức làm việc mới mẻ.

Ở Microsoft, theo Harvard Business Review, việc nhân viên không phải đi họp vào thứ 6 và nới rộng thời gian giải lao giữa các buổi họp đã giúp họ có thêm thời gian thư giãn. Sự dịch chuyển về khung thời gian họp hành cũng là một trong những yếu tố thay đổi khi toàn thể nhân viên Microsoft không còn phải đến công sở.

Bình thường, các buổi họp diễn ra từ 8- 11h sáng thì nay đã đổi thành 15-18h. Ngoài những buổi “Teams” với công việc, số lượng buổi họp trực tuyến để trò chuyện cùng nhau trong giờ cơm trưa, trong sinh hoạt hằng ngày cũng tăng đáng kể.

Từ đó nghiên cứu ghi nhận không chỉ nhân viên duy trì được các mối quan hệ hiện tại mà còn mở rộng kết bạn với nhiều nhóm khác, tạo ra một môi trường kết nối năng động. Nhân viên không còn cảm giác xa cách dù chỉ đang làm việc qua những chiếc màn hình.

Dường như nhờ vào việc triển khai hàng loạt chương trình gắn kết nội bộ phù hợp với hoàn cảnh đã duy trì được động lực tích cực cho nhân viên giúp Microsoft ghi dấu ấn kết quả kinh doanh đầy ấn tượng trong quý vừa qua.

>> Robot nhún nhảy mừng năm mới

Đình An

Ý kiến

()