Sáng ngày 29/10 tại Hà Nội đã diễn ra chương trình “Toạ đàm về khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các dịch vụ phân tích dữ liệu tại Việt Nam” do Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông chủ trì.
Đại diện FPT IS, anh Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Công nghệ - đã có phần trình bày liên quan đến xu thế, nhu cầu phát triển dịch vụ phân tích dữ liệu trên thế giới bên cạnh sự tham gia của các diễn giả đến từ Viện nghiên cứu và các doanh nghiệp đã ứng dụng thành công dữ liệu thông minh trong kinh doanh.
Theo CTO FPT IS, Việt Nam còn rất nhiều cơ sở để khai thác nguồn dữ liệu lớn và trong tương lai việc phân tích dữ liệu sẽ được nâng lên ở mức cao hơn với việc đưa ra các phân tích mang tính dự báo. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là đơn vị tư vấn về chiến lược sử dụng dữ liệu, xây dựng nền tảng dữ liệu (data platform) với xu thế song hành là điện toán đám mây (cloud).
Anh Nguyễn Xuân Việt tại Tọa đàm về khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển các dịch vụ phân tích dữ liệu tại Việt Nam. |
Là đơn vị đồng hành rất nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, đại diện FPT IS đưa ra nhận định dữ liệu lớn - Big Data - và phân tích dữ liệu là nền tảng không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi số của quốc gia, của doanh nghiệp. Tại nhiều hãng công nghệ có tên tuổi trên thế giới, các giải pháp, công cụ về phân tích dữ liệu đã được ra đời dựa trên nhu cầu này và ứng dụng thành công trong các ngành về sản xuất, kinh doanh.
Với Tập đoàn FPT, việc phân tích dữ liệu lớn kết hợp AI/ML (trí tuệ nhân tạo/học sâu) đã được áp dụng cho nhiều lĩnh vực, ví dụ như ứng dụng cho FPT Telecom trong việc chăm sóc khách hàng, dự báo khách hàng rời mạng, nâng cao năng suất vận hành, quản trị hệ thống mạng cũng như giải quyết một cách thông minh bài toán phân phối nguồn lực hỗ trợ kỹ thuật. Với kinh nghiệm phong phú, FPT đang cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu cho khách hàng thuộc khối tài chính ngân hàng trong các công tác hỗ trợ ra quyết định và dự báo.
Tuy nhiên, anh Việt cũng nhấn mạnh đến đề xuất cần phải có chính sách về việc điều phối, chia sẻ dữ liệu cấp nhà nước (open data) để việc khai thác dữ liệu được tối ưu nhất. Đây cũng là ý kiến được 3 đơn vị doanh nghiệp Hitachi Việt Nam, Clever Group và Viettel đồng tình và cho rằng cần có sự thay đổi về chính sách pháp luật để bảo mật dữ liệu.
Ngoài ra, các vấn đề về khung pháp lý, quyền sở hữu dữ liệu, chống độc quyền dữ liệu, các chính sách khác cần có để thúc đẩy dịch vụ phân tích dữ liệu, cũng như cung cấp dịch vụ đa quốc gia cũng được bàn bạc trong phiên thảo luận.
Hà My
Ảnh: ĐVCC
Ý kiến
()