Chúng ta

Chủ tịch FPT tham gia Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT

Thứ sáu, 7/12/2018 | 10:30 GMT+7

Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT gồm 15 thành viên, trong đó có Chủ tịch FPT Trương Gia Bình.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vừa ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT. Theo đó, Ban chỉ đạo có Trưởng ban là Bộ trưởng GD&ĐT; Phó Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc; Ủy viên thường trực là Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD&ĐT Nguyễn Sơn Hải; và ông Huỳnh Quyết Thắng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là Ủy viên chuyên trách.

DSC-4503-1349-1544148220.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Với kỳ vọng mang công nghệ mới nhất vào ngành giáo dục để tạo bước thay đổi đột phá, Bộ trưởng Giáo dục đã mời 3 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam tham gia Ban chỉ đạo, gồm: anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT; ông Phùng Văn Cường, Tổng giám đốc Viettel Business Solutions; và ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch MISA.

Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT còn có 8 Ủy viên là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ bao gồm: Văn phòng, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Ban Quản lý các dự án.

Ban chỉ đạo về Chính phủ điện tử Bộ GD&ĐT có các nhiệm vụ: Nghiên cứu, đề xuất về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại Bộ GĐ&ĐT, ngành GD&ĐT; Tham mưu, giúp Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; Giúp Bộ trưởng điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo cũng có nhiệm vụ tham mưu, cho ý kiến về chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ GD&ĐT, ngành GD&ĐT; Sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT; Làm đầu mối liên hệ với Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử; và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Bộ trưởng.

Trước đó, vào ngày 28/8, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT. Ủy ban gồm có 17 thành viên, với Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình cũng là thành viên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

Anh Trương Gia Bình, sinh năm 1956, là tiến sĩ ngành Toán của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M. V. Lomonosov, được phong Phó Giáo sư (1991), Tiến sĩ (1982), Trưởng khoa Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội; Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT; Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA); Chủ tịch Hội đồng các nhà doanh nghiệp Trẻ Việt Nam (1998-2005), Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Chính phủ (từ 2017-nay).

Mới đây, tháng 11, anh Trương Gia Bình vừa tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) nhiệm kỳ 2019-2020.

>> Chủ tịch FPT: ‘Công nghệ chỉ là công cụ’

Tân Phong

Ý kiến

()