Chúng ta

Chủ tịch FPT Software: 'Chuyển đổi số để hết nghèo'

Thứ bảy, 6/4/2019 | 16:41 GMT+7

Anh Hoàng Nam Tiến cho rằng, FPT Software dù có 15.000-16.000 người làm việc trên toàn cầu nhưng năng suất lao động chỉ bằng một nửa so với các công ty hàng đầu thế giới, điều đó lý giải vì sao Việt Nam vẫn nghèo.

Chia sẻ tại phiên thảo luận Câu chuyện đổi mới, sáng tạo - Từ thế giới đến Việt Nam trong Diễn đàn CEO năm 2019 với chủ đề "Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động" tổ chức ngày 5/4, Chủ tịch FPT Software - anh Hoàng Nam Tiến cho hay khoảng 8.000 tỷ đồng doanh thu của công ty là đến từ làm thuê.

8721-9065-1554543627.jpg

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến. Ảnh: Quang Phúc

Theo anh, để có thể đuổi kịp khu vực, đối với doanh nghiệp năng suất lao động là vấn đề sống còn. Tuy nhiên, để tăng năng suất thì những cải tiến hàng ngày, nhân sự làm thêm giờ, chăm chỉ hơn không có tác động nhiều mà quan trọng là phải chuyển đổi số. Chuyển đổi từ những cái nhỏ nhất, ít tốn kém nhất nhưng hiệu quả nhanh, cái gì làm quá 6 tháng không có kết quả thì bỏ đi, đừng làm vội.

"Chúng tôi đang có đội ngũ 100-120 người có năng suất lao động gấp đôi mức trung bình của những công ty hàng đầu thế giới nhưng số lượng còn quá nhỏ. Tuy nhỏ, nhưng là những lao động nhanh nhất, tiếp xúc những sáng tạo nhất trên giới sẽ là đầu tàu kéo số đông", anh Tiến nói.

Người đứng đầu nhà Phần mềm nhớ lại, cách đây 1 năm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: 20 năm FPT đi ra nước ngoài, vậy 10 năm tiếp theo FPT phải làm gì cho đất nước? "Sau đó, chúng tôi có những thay đổi rất lớn", Chủ tịch FPT Software nói và thông tin, thời gian gần đây, FPT đã tiếp xúc với hàng chục doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam để bắt tay chuyển đổi số. FPT cũng tập trung mọi nguồn lực vào hoạt động chuyển đổi số và kết quả, doanh thu từ chuyển đổi số đã chiếm khoảng 20% trong tổng doanh thu của FPT Software, tăng trưởng tới 80-100%/năm, so với mức bình quân 30% của các lĩnh vực khác.

Nêu quan điểm rằng 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam không tham gia. Diễn giả nhận định, nếu "lỡ tàu" cuộc cách mạng 4.0 thì rất khó có cơ hội bắt kịp thế giới.

Chia sẻ tại Diễn đàn CEO 2019, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng một công ty thành công, đứng ở vị trí số một thường sụp đổ khi xuất hiện những công nghệ mới, đột phá. Quy trình sụp đổ gồm 6 bước: công nghệ đột phá được các công ty thành công nhất phát triển; đội ngũ marketing thăm dò phản ứng của khách hàng và không nhận được sự ủng hộ; công ty thành công quay sang thúc đẩy các công nghệ mang tính duy trì, cải tiến sản phẩm cũ.

Sau đó, công ty mới được thành lập dựa vào công nghệ mới đột phá; công ty mới gia nhập thị trường sẽ tiến lên các thị trường cao cấp. Và cuối cùng, các công ty thành công nhập cuộc quá trễ nên không thể giữ được khách hàng cơ bản của họ, và sự đổi ngôi diễn ra. Theo ông Hùng, với góc nhìn này, các công ty lớn và thành công có những khuyết tật "chết người" và tạo cơ hội cho những công ty không có tên tuổi với công nghệ đột phá vươn lên số một thị trường.

f9a20190405145620img2277-01-15-3738-9720

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Ảnh: Quang Phúc

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, 4.0 là một cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên sử dụng Internet kết nối vạn vật, chuyển hoá thế giới thực thành thế giới số. Cuộc cách mạng này tác động mạnh mẽ tới kinh tế, xã hội và môi trường trên toàn thế giới và tác động tới tất cả các ngành, lĩnh vực với tốc độ đột phá chưa từng có trong lịch sử.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên không nằm ngoài cuộc cách mạng mang tính toàn cầu này. Trong cuộc cách mạng này, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng có cơ hội và vận hội mới để bứt phá và rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước. “Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với mục tiêu 10 năm tới FPT sẽ là tên tuổi về chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như trên thế giới, FPT đang tập trung giải quyết những bài toán chiến lược như chuyển đổi số cho các khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT... vào mọi lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số, ngân hàng số…

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

>> FPT Software là nơi làm việc tốt nhất ngành IT

Tân Phong

Ý kiến

()