Chúng ta

FPT Software là nơi làm việc tốt nhất ngành IT

Thứ tư, 27/3/2019 | 16:05 GMT+7

Nhà Phần mềm chiếm vị trí đầu bảng CNTT trong danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2018 do Anphabe và Intage công bố sáng nay tại TP HCM.

Ngày 27/3, mạng cộng đồng nghề nghiệp Anphabe và Công ty nghiên cứu thị trường Intage tổ chức hội nghị công bố Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam, chủ đề “Together towards tomorrow – Đồng hành vững bước tương lai” với sự tham gia của 650 CEO và giám đốc nhân sự đến từ các doanh nghiệp trong cả nước.

Vinamilk tiếp tục được bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam - năm thứ 2 dẫn đầu hạng mục này. Tiếp đến là Vietcombank, Nestlé Việt Nam, Samsung Vina Electronics...

fpt-software-9376-1553676953.jpg

Mới đây (ngày 25/3), FPT Telecom giành ngôi đầu bảng và FPT Software chiếm vị trí thứ 4 trong Top 10 nhà tuyển dụng được yêu thích nhất năm 2018 do Mạng Việc làm và Tuyển dụng CareerBuilder.vn công bố. 

Ở hạng mục nơi làm việc tốt nhất theo ngành nghề, FPT Software ở vị trí đầu tiên trong ngành CNTT – Dịch vụ thuê ngoài (IT/Outsourcing). Các bảng khác gồm: Cargill Việt Nam (nông ngư nghiệp), KPMG Việt Nam (dịch vụ tài chính), Vingroup... Với bảng ngành nghề chung, FPT Software đứng vị trí 35.

Bình chọn nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2019 là năm thứ 6. Trong các năm, FPT và hoặc FPT Software đều lọt danh sách này. Riêng FPT Software, vị trí năm 2015 là 12/100 và năm 2016 là 24/100. Năm ngoái, FPT lọt Top với vị trí 12/100. Khảo sát năm nay được đo lường trên 674 doanh nghiêp, thuộc 24 ngành nghề với sự tham gia của 75.481 người đi làm có kinh nghiệm.

Dự báo về 2019, nghiên cứu cho biết, xu hướng thất thoát nhân tài trước khi gia nhập công ty ngày càng nghiêm trọng. Trong đó thất thoát nhận biết chiếm trung bình 34% ngành nhân sự, bao gồm 24% người không biết và chưa từng nghe về công ty và 10% biết nhưng không thích công ty dù bất kỳ giá nào. Còn thất thoát quan tâm chiếm tới 66% nhân sự trong ngành, trong đó có 53% ứng viên không quan tâm. Đáng báo động hơn, sau khi gia nhập công ty, xu hướng thất thoát vẫn tiếp diễn ở mức nguy hiểm, chiếm 51% nguồn nhân lực.

Để hạn chế thất thoát nhân tài, theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành Anphabe, lương thưởng, chức vụ, văn phòng đẹp, công ty danh tiếng là 4 yếu tố then chốt tác động tới quyết định của nhân sự. Ngoài ra 5 yếu tố nâng tầm động lực khác cũng có tác động tới nhân sự muốn ở lại với công ty như: sức khỏe tinh thần, tự chủ, năng lực, kết nối và ý nghĩa. Do đó, nếu đáp ứng được những tiêu chí trên thì việc giữ chân nhân tài sẽ dễ dàng hơn với doanh nghiệp.

Không phải nhân viên đi làm rồi nghỉ việc mới là mất mát, khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" nhấn mạnh tình trạng thất thoát nhân tài đã diễn ra liên tục ngay từ trước khi họ gia nhập doanh nghiệp. Trung bình một doanh nghiệp có thể mất tới 99% nhân tài mục tiêu, bởi trong 100 người lao động thì có đến 99 người lần lượt “thất thoát” qua 5 vòng.

Phân tích cụ thể, bà Thanh Nguyễn cho hay, trung bình trong 100 người thì có tới 34 người không biết hay chưa từng nghe về doanh nghiệp (thất thoát nhận biết); 53 người biết nhưng không quan tâm làm việc tại doanh nghiệp (thất thoát quan tâm); 6 người quan tâm nhưng không nộp đơn ứng tuyển (thất thoát ứng tuyển); 2 người nộp đơn nhưng không xác định doanh nghiệp là nơi làm việc lý tưởng (thất thoát khát khao) và 3 người dù được doanh nghiệp chọn nhưng lại không chọn doanh nghiệp mà chọn doanh nghiệp khác cùng đợt tuyển dụng (thất thoát ưu tiên chọn). Sự thất thoát này thực sự đáng báo động, khiến doanh nghiệp khó tuyển được người lao động phù hợp.

Không những thế, sự thất thoát vẫn tiếp diễn sau khi người lao động gia nhập công ty với mức nguy hiểm, lên tới 51% nguồn nhân lực theo 3 hình thức. Trong đó, 17% nhân viên không nỗ lực và sẽ ra đi; 5% nhân viên dù nỗ lực nhưng vẫn ra đi vì nhiều lý do và đây thực sự là thất thoát đáng tiếc cho doanh nghiệp; 29% nhân viên mắc “hội chứng zombie” (vật vờ như xác sống) dù ít nỗ lực, làm việc không hiệu quả nhưng lại không ra đi – và đó cũng là sự thất thoát, thách thức về hiệu suất công việc và văn hóa làm việc.  

>> FPT 'chiếm' 2 vị trí trong Top 5 nhà tuyển dụng được yêu thích nhất

FPT Software là đơn vị chuyên về phần mềm của nhà F. Thành lập năm 1999 với 13 người ban đầu, đến nay, FPT Software đã có hơn 15.000 CBNV làm việc ở 45 quốc gia/vùng lãnh thổ, là đối tác của nhiều khách hàng thuộc Forbes 500… Năm 2018, FPT Software ghi nhận mốc doanh thu gần 400 triệu USD với mức tăng trưởng lợi nhuận trên 30% so với năm 2017. Tất cả các thị trường chính: Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và châu Á, Thái Bình Dương đều hoàn thành các chỉ tiêu doanh số, lợi nhuận và có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018 năng suất lao động tăng hơn 10% so với năm trước, tương đương với mức tăng trưởng năng suất của 3 năm trước đó cộng lại.

 Tân Phong

Ý kiến

()