Chúng ta

Cách sếp 9x FPT Software theo đuổi giấc mơ kỹ sư công nghệ

Thứ ba, 5/9/2023 | 14:53 GMT+7

Trần Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm 1992) "mê" Bill Gates, từng mua tạp chí công nghệ đọc và mày mò tự sửa chữa máy tính từ khi còn là cậu bé học cấp hai.

Khoa, cựu thủ khoa đầu ra Trường ĐH FPT khóa 6 hiện là Trưởng ban giải pháp và công nghệ FPT Software. Bộ phận của Khoa sẽ theo dõi và nghiên cứu các công nghệ Cloud, IoT, AI, Big Data... tạo ra khung giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực sản xuất và đảm bảo chất lượng của các giải pháp này cho khách hàng.

Trong vai trò quản lý, anh còn xây dựng đội ngũ chuyên gia kế cận để hỗ trợ các dự án trọng điểm của công ty. Anh cũng là người khởi xướng nhiều sân chơi cho cộng đồng kỹ thuật qua các sự kiện, diễn đàn, nhằm lan tỏa cảm hứng trong lĩnh vực công nghệ. Năm 2019, Khoa nhận danh hiệu Top 100 cá nhân xuất sắc FPT.

-9084-1693900364.jpg

Trần Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm 1992), Trưởng ban giải pháp và công nghệ FPT Software. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Khoa tiếp xúc với máy tính từ nhỏ, và mê đọc một tạp chí chuyên về công nghệ từ thời tiểu học. Tuần nào anh cũng mua đọc và làm theo các bài hướng dẫn, có đợt mày mò cao điểm anh phải cài lại hệ điều hành hai lần trong nửa tháng. Sau này vì muốn tiết kiệm tiền gọi thợ sửa, anh tự học luôn cách "cứu hộ" máy tính.

Khoa xem Bill Gates là "idol". Ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để làm thế giới tốt đẹp hơn cũng dần hình thành và hun đúc anh suốt thời gian học sinh. Khi học lớp 8, anh đã tự làm ra một hệ thống tính lương tự động cho công ty của gia đình cải tiến từ các tệp excel. Tận mắt thấy phần mềm của mình có giá trị khiến anh quyết tâm theo đuổi giấc mơ lập trình ngay từ khi học hết cấp hai.

Tốt nghiệp cấp ba, anh theo học chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm của Trường ĐH FPT bởi ấn tượng đề thi lấy học bổng, từ độ khó tư duy đến đề luận mở. Kết quả, anh nhận học bổng 100% và đã có những năm tháng sinh viên rực rỡ với thành tích xuất sắc như: danh hiệu sinh viên giỏi, thủ khoa đầu ra...

Môi trường học tập mang tính thực tiễn cao, trải nghiệm thực tập chân thật và rèn luyện khả năng tự học là những điều khiến Khoa ấn tượng về Trường Đại học FPT. "Những điều học được ở trường góp phần rất lớn vào thành công trong sự nghiệp của tôi, chưa bao giờ tôi hết biết ơn các thầy cô, anh chị ở trường", cựu thủ khoa đầu ra nói. "Hiện sau nhiều năm trong sự nghiệp, tôi vẫn thấy kỹ sư là nghề dễ hạnh phúc, vì được đem kiến thức của mình sáng tạo ra những giải pháp, sản phẩm có giá trị cho người dùng".

Thực hiện tôn chỉ công nghệ vị nhân sinh, mỗi khi có bài toán khó, Khoa và đồng nghiệp lại lao vào tìm lời giải không chỉ ở góc độ kỹ sư về bài toán kỹ thuật mà còn ở góc độ năng lực tư vấn giúp khách hàng đảm bảo hệ thống sẽ vận hành và giải quyết đúng vấn đề họ gặp phải. Trên tinh thần đó, mỗi khi công ty gặp bài toán khó về kỹ thuật, anh luôn được điều động để giúp đội dự án tháo gỡ, giải quyết vấn đề hiệu năng, hoàn thành dự án đúng cam kết với khách hàng.

"Việc không dễ dàng từ bỏ giúp tôi luôn vượt qua được giới hạn của bản thân", vị lãnh đạo chia sẻ. Anh tâm huyết với câu "If there's a will, there's a way" (tạm dịch: nơi đâu có ý chí, nơi đó có con đường). Tuổi trẻ nếu đã mơ thì càng cần phải mơ lớn, cứ hoàn thành một mục tiêu nhỏ thì anh lại đặt một mục tiêu lớn hơn.

-7783-1693900364.jpg

Trần Nguyễn Đăng Khoa làm diễn giả tại sự kiện diễn đàn công nghệ FPT Techday 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi khi đứng trước khó khăn, anh luôn tự nhủ việc dễ thì không đến lượt mình làm. Không có con đường màu hồng, chỉ có bản thân lựa chọn bỏ cuộc hay vượt qua khó khăn và kiên định đi tiếp trên con đường mình đã chọn.

Chia sẻ về bí quyết quản lý đội ngũ nhân sự Khoa cho hay, là thế hệ 9x nên anh luôn tâm niệm phải học hỏi để bù đắp khoảng cách kinh nghiệm và cả những kiến thức mình còn thiếu.

"Tôn chỉ của tôi là phải chuyên nghiệp và những khóa học về quản trị ở FPT đã giúp tôi rất nhiều trong việc dẫn dắt đội ngũ đạt được những mục tiêu đề ra", anh nói. "Xây dựng ra một môi trường chuyên nghiệp, rõ ràng về đánh giá là cách tốt nhất để các bạn kỹ sư yên tâm sáng tạo và làm tốt nhất công việc của mình".

Đứng trước những tình huống lệch khỏi dự định thì bí quyết của anh là chân thành. Anh luôn là người rời khỏi văn phòng cuối cùng vì nếu có ai đó gặp vấn đề thì anh sẽ kéo ghế cùng ngồi để họ không thấy cô đơn.

Theo anh, dự chân thành từ người quản lý sẽ giúp các nhân sự vững tin và đem lại những sản phẩm phần mềm chất lượng. Mỗi dịp tổng kết hay các ngày lễ, anh đều mời gia đình của đội ngũ cùng tham dự, để cảm ơn những đóng góp thầm lặng và để hiểu hơn về đồng đội. "Ở vai trò lãnh đạo, tôi tin sự chân thành là cách để xây dựng một tổ chức chơi chung, làm chung, mục tiêu chung", vị trưởng phòng nhận định.

Đánh giá thêm về ngành IT, anh Đăng Khoa cho rằng, công nghệ phần mềm, trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu đang là những ngành học tiềm năng hiện nay. Tuy nhiên, dù ở ngành nào, nếu ngừng cập nhật kiến thức, không theo kịp các xu hướng công nghệ thì chắc chắn tỷ lệ đào thải với ngành IT sẽ rất cao. Vì vậy, trong quá trình tuyển dụng, vị lão đạo này cho biết rất thích làm việc với các bạn tài năng và máu lửa, có khát vọng chinh phục bản thân và tinh thần làm chủ (ownership).

Những bạn có động lực phát triển bản thân và có tư duy phản biện trong công việc luôn là những bạn làm việc có hiệu quả và năng suất tốt nhất. Chính vì tinh thần muốn học hỏi và làm tốt hơn nữa mà các bạn sẽ không dễ hài lòng với kết quả, luôn đổi mới và sáng tạo cách làm để đạt thành quả tốt hơn thông qua tư duy phản biện.

Ngược lại, những bạn thiếu động lực và kỷ luật, nhất là kỷ luật tự giác bản thân thì sẽ khá loay hoay trong việc hoàn thành công việc, không thấy ý nghĩa trong việc tiến bộ và từ đó dẫn đến trạng thái nghỉ việc tư tưởng - zombie nơi công sở.

"Mỗi cá nhân sinh ra đã khác biệt nhau, là một bản thể độc nhất thì đừng chết như một bản sao. Ai cũng cần là nhân vật chính trong cuộc đời của mình, câu chuyện riêng của mình", vị lãnh đạo tâm niệm.

Nguyễn Phượng

Ý kiến

()