Chúng ta

Bị chấn thương tay vẫn tự tin thi chung kết ViOlympic

Chủ nhật, 15/4/2018 | 13:32 GMT+7

Phạm Hoàng Vinh, trường tiểu học Lạc Long Quân (quận 11, TP HCM) vẫn làm tốt bài thi, dù có chậm hơn các bạn khi chỉ có thể dùng một tay để làm bài.

Hinh-1-8086-1523770031.jpg

Khoảng 7h30 sáng nay (ngày 15/4), tại TP HCM, khuôn viên trường THPT Gia Định xuất hiện hình ảnh các thí sinh đến tham dự vòng chung kết kỳ thi ViOlympic 2017-2018. Đối tượng thi ca sáng là những học sinh khối 5 với môn thi là Toán tiếng việt. Bài thi diễn ra trong vòng 60 phút và thời gian bắt đầu là 8h sáng cùng ngày.

Hình ảnh thí sinh báo danh trước khi vào phòng thi.

Hinh-2-3656-1523770031.jpg

Sau nhiều năm tổ chức, ViOlympic có một số thay đổi, cải tiến về cả nội dung và công nghệ. Một trong những điểm thay đổi rõ nét nhất là việc giảm số vòng thi, sẽ không còn vòng thi các cấp mà chỉ gồm các vòng tự luyện.

Trước giờ “ra trận”, các em học sinh đã cầm sẵn trên tay vật dụng cần thiết như giấy nháp, bút chì, máy tính cầm tay, phù hợp với quy định của Ban Tổ chức. 

Hinh-3-3106-1523770031.jpg

“Thế mạnh của em là môn tiếng Anh. Tuy có hơi run ở môn Toán nhưng em đã sẵn sàng”, Lê Nguyễn Minh Thy, học sinh lớp 5/3 trường tiểu học Phan Đình Phùng, chia sẻ cảm nhận trước giờ thi.

Hinh-4-3573-1523770031.jpg

Đúng 8h, giám thị thông báo các bạn thí sinh kết nối với bài thi thông qua mã môn thi được hiển thị trên bảng tương tác (active board).

Tiếng gõ bàn phím “lạch cạch” rộn ràng, tiếng nhấp chuột ngân lên khắp căn phòng, các sĩ tử đang chăm chú vào màn hình với bộ não hoạt động công suất cao để vượt qua từng câu hỏi trước khi hết thời gian.

Hinh-5-2725-1523770031.jpg

Kiến thức của đề thi được gói gọn trong tầm hiểu biết của thí sinh, có câu dễ, có câu khó để phân loại chất lượng người thi. Ngoài ra, Violympic thi theo hình thức trực tuyến với các câu hỏi được sinh động hóa bằng ảnh hoạt hình nhằm tạo sự thoải mái cho các em khi tiếp cận với nội dung thi. 

Hinh-6-2571-1523770031.jpg

Toán là một môn thi đòi hỏi khả năng tư duy logic, nhanh nhẹn và chuẩn xác. Tuy nhiên, với Nguyễn Hoàng Tuấn An, học sinh trường tiểu học Giồng Ông Tố, em đã thi đấu bằng chiến thuật “chậm mà chắc”. Tuấn An giữ bình tĩnh, tính toán kỹ lưỡng sau đó mới chọn đáp án. Là cậu học trò ngây ngô, hay cười, em hào hứng nói đùa khi được hỏi về sự chuẩn bị trước khi đi thi: “Em chỉ mất có ‘1 phút’ để ôn hết nội dung”.

Hinh-7-1367-1523770031.jpg

Không chỉ các em học sinh đang “căng não” trước màn hình, bậc cha mẹ cũng lo lắng “đứng ngồi không yên” về phần thi của con mình.

Phụ huynh của em Đặng Quang Hào, chị Lê Thị Hồng Hạnh tâm sự, mục tiêu cho Hào tham gia kỳ thi là để kiểm tra lại kiến thức đã học, đánh giá trình độ học tập để có lộ trình học hiệu quả cho con. “Có một số nội dung hơi khó với con nên tôi cũng động viên để em cố gắng hơn.”

Về phía thầy Nguyễn Văn Đường, người phụ trách đội tuyển trường tiểu học Tạ Uyên, cho biết nhà trường cũng đã có những buổi cung cấp kiến thức bổ trợ, động viên các em tự tin làm bài thật tốt.

Hinh-8-7281-1523770031.jpg

Là một trong những học trò xuất sắc vượt qua vòng thi cấp trường để có mặt tại chung kết ViOlympic cấp quốc gia, em Phạm Hoàng Vinh (giữa) thuộc tuyển trường tiểu học Lạc Long Quân đã gặp sự cố ở tay trái trước đó ít hôm. Tuy nhiên, Vinh vẫn khấp khởi xách cặp “lên kinh ứng thí” dù có phần thiệt hơn so với đồng đội, nhưng “đó không phải là trở ngại của em”, Vinh khẳng định.

Kết thúc giờ làm bài, Vinh cho biết: “Lúc đầu em chỉ muốn thử thi cho biết nhưng khi vào sâu thì em rất thích, đặc biệt là thử thách sắp xếp câu”. Dù đây là lần đầu tiên Vinh tham dự ViOlympic nhưng khuôn mặt em tràn đầy sự lạc quan và đôi mắt trong sáng thấy rõ. Ảnh: Xuân Phương.

Hinh-9-8519-1523770031.jpg

ViOlympic là cuộc thi kiến thức trên Internet do Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, Tập đoàn FPT và ĐH FPT là đơn vị tổ chức từ năm 2008 đến nay. Năm nay, vòng chung kết cuộc thi giải Toán, Vật lý qua Internet - ViOlympic nhận được sự tham gia đông đảo và nhiệt tình của nhiều đơn vị trên cả nước.

Đình An

Ý kiến

()