Tại buổi tọa đàm "Cơ hội cho start-up Việt trong cách mạng công nghiệp 4.0" do VnExpress tổ chức ngày 20/6, anh Trương Gia Bình cho rằng, Việt Nam đã bỏ lỡ 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước nhưng không nên bỏ lỡ "sóng mới".
"Nếu Việt Nam không đón được sóng, dễ rơi vào tình trạng 'đã già lại còn nghèo', 'một người phải nuôi cả 4 người' chưa kể nhiều vấn đề khác. Chỉ có một con đường là phải bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0", anh Bình chia sẻ. "Thời gian tới, các bạn không còn trầm trồ ngạc nhiên khi mọi ôtô có thể tự vận hành mà không cần người lái, thậm chí các dòng máy bay cũng vậy. Tôi cũng hình dung sẽ có nhiều thành phố không còn đèn xanh đèn đỏ; quần áo gắn lượng chip khổng lồ nhằm kiểm soát các hành vi, tình trạng sức khỏe...".
Các diễn giả (từ trái qua) gồm: ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Asanzo Việt Nam và anh Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT. Ông Trần Quang Hưng (phải), Chủ tịch sáng lập Global Shapers Hanoi Hub thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (2013), đảm nhận vai trò MC của tọa đàm. Ảnh: Quý Nguyễn. |
Người đứng đầu FPT kể, 7 năm qua, tập đoàn đã "ép mình" vào sóng công nghệ lần thứ 4 của thế giới. Và dù tương lai vẫn chưa được xác định, quan trọng nhất là các sáng kiến số để nhân loại thấy rõ nét những thay đổi căn bản trong ngành chế tạo xe hơi, hàng không, vận chuyển, ngân hàng...
Chủ tịch FPT nhìn nhận, Việt Nam có tiềm năng rất lớn với dân số 95 triệu dân, trong đó có đến 65% là dưới 35 tuổi. Bên cạnh đó, chúng ta là một dân tộc ham học, yêu thích Internet, một thế hệ Internet đã hình thành.
Nhận định về cơ hội cho các start-up Việt trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, anh Bình cho rằng: “Khi các bạn có Internet, các bạn hãy nghĩ mình là công dân toàn cầu. Cơ hội của mọi người cũng là cơ hội của bạn. Hơn thế, bạn còn có lợi thế với khu vực ASEAN 630 triệu dân và Việt Nam gần 100 triệu dân. Chính phủ, Nhà nước cũng đang thúc giục các bạn tiến lên”.
Theo anh Bình, nếu các cuộc cách mạng trước cần nhiều tiền bởi thiên về phần cứng, “động vào tự động hóa cần có máy móc, động vào điện phải có máy phát điện”, nhưng với cách mạng công nghệ 4.0 chỉ thiên về ý tưởng, công nghệ, các bạn trẻ có thể làm ngay không cần suy tính về dòng vốn, các nhóm nhỏ vẫn có lợi thế.
Chủ tịch FPT cũng khuyên các start-up nên mở ra nhiều chiều, trong đó có chiều công nghiệp. “Ngày xưa thiên về thương mại điện tử, thanh toán thì nay thế giới đang thiếu trầm trọng các start-up phục vụ doanh nghiệp”, Chủ tịch Trương Gia Bình khuyên.
Đồng quan điểm với Chủ tịch FPT, ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo khuyên các start-up nên bám sát doanh nghiệp. Họ là đối tượng khách hàng rất lớn cho các start-up. “Khi mới khởi nghiệp nên nghĩ đến những cái tạo thu nhập trước, đừng nghĩ khởi nghiệp phải tạo ra cái 10 tỷ USD”, ông Tam nhắn nhủ.
Đi ngược với lo ngại của nhiều người về sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo có thể thay thế hoàn toàn con người thật, anh Bình cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn trước. Ảnh: Quý Nguyễn. |
Ví dụ từ hệ sinh thái (ecosystem) đang được xây dựng tại FPT, anh Bình cho rằng, cơ hội cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp lúc này nhiều vô tận. Hầu hết các công ty đều làm ra sản phẩm để phục vụ khách hàng. Từ những ứng dụng trong cách mạng số, các start-up có thể phát triển các ứng dụng cụ thể, riêng biệt cho từng lĩnh vực như ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển...
“Nếu bạn tư duy về 4.0 là thay thế cái cũ bằng cái mới, cơ hội là vô tận. Vấn đề còn lại là bạn có dám mạo hiểm hay không”, anh Bình nhấn mạnh và cho hay, khởi nghiệp sáng tạo gắn liền với tính chấp nhận mạo hiểm. "Khi đến thăm Đại học Harvard của Mỹ, họ nói rằng trên thế giới chỉ có hai trung tâm khởi nghiệp lớn là Silicon Valley và Tel Aviv (Israel). Tôi hỏi vì sao lại như vậy thì nhận được câu trả lời rằng họ sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm”, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Trước lo ngại ‘sóng’ cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến hàng triệu lao động thất nghiệp, Chủ tịch FPT tiết lộ, đó cũng là điều từng khiến anh lo lắng. Trong cuộc gặp gỡ gần đây với ông Eric Schmidt, Chủ tịch điều hành Alphabet (hãng mẹ của Google), anh Bình đã đem băn khoăn của mình hỏi vị lãnh đạo này. Nhưng Eric Schmidt bất ngờ trả lời rằng: “Tại sao bạn lại nói đến thất nghiệp, tôi nghĩ công việc sẽ gấp nhiều lần trước đây”.
Khi bình tâm suy ngẫm, anh thấy câu trả lời của Chủ tịch Alphabet hoàn toàn có cơ sở bởi nhìn lại các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đều tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Và yếu tố cá thể hóa là một trong những đặc điểm của cách mạng 4.0. Các ý tưởng đưa ra chỉ phục vụ cho một cá nhân.
“Những người chủ động sẽ khai thác được lợi thế cách mạng công nghiệp 4.0 trong khi những người bị động sẽ chịu “thảm họa”, anh Bình khẳng định.
>> Chủ tịch Trương Gia Bình: ‘FPT là sư tử’
Nguyên Văn
Ý kiến
()