Điều phối phiên hiến kế về phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Trung Chính - Phó chủ tịch VINASA, Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, đặt câu hỏi "Thách thức của Việt Nam trong sự phát triển kinh tế số là gì?" cho anh Bùi Quang Ngọc, Phó chủ tịch HĐQT FPT.
Anh Bùi Quang Ngọc - Phó chủ tịch HĐQT FPT. Ảnh: Giang Huy. |
"Chẳng cứ kinh tế số, mà ở nhiều lĩnh vực khác của Việt Nam, việc nói và làm không đi cùng nhau", anh Ngọc mở đầu và cho rằng Chính phủ đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng thực tế, những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu. Loạt chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế lại không mang lại nhiều hiệu quả.
Lấy ví dụ về sự phát triển của kinh tế số tại khu vực công, anh Bùi Quang Ngọc cho rằng đây là một lĩnh vực quan trọng để tạo cầu cho sự phát triển kinh tế số. Tuy nhiên, cho đến nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... lại được triển khai "rất nửa vời". "Khoảng cách giữa hoạch định và triển khai là thách thức của Việt Nam, đó là khoảng trống rất lớn", Phó chủ tịch FPT khẳng định.
Bên cạnh công tác triển khai, việc xây dựng hành lang pháp lý, theo anh Ngọc, cũng là vấn đề cần khắc phục. Kinh tế số tạo ra những lĩnh vực kinh doanh mới, việc pháp lý hóa những lĩnh vực mới cần được thực hiện đồng bộ, liên quan đến mục tiêu quốc gia về kinh tế số. Việc chuẩn hóa là bắt buộc.
Phát biểu khai mạc phiên Kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019, ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông cho biết, Bộ đang triển khai một số nhiệm vụ để tham mưu, trình Chính phủ, tạo điều kiện nền tảng cho sự phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Phiên hiến kế về kinh tế số thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Ảnh: Giang Huy. |
Theo ông Hưng, nếu như nền kinh tế thông thường, hạ tầng giao thông là sự kết nối cho sự phát triển thì trong nền kinh tế số, hạ tầng số là điều kiện kiên quyết. Hạ tầng số không chỉ phục vụ những nội dung số như truyền thống, mà còn các nội dung sáng tạo, những mô hình kinh tế mới. Những phương tiện, dịch vụ mới được tạo ra nhờ hạ tầng số.
Diễn giả cho rằng phát triển kinh tế số là sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những mô hình kinh doanh mới. Sử dụng kinh tế số sẽ góp phần tăng năng suất lao động. Trong nền kinh tế số, các doanh nghiệp sẽ đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại đến sử dụng... Qua việc sử dụng công nghệ, các sản phẩm dịch vụ được phản ánh từ người sử dụng để có thể điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể sử dụng công nghệ số và dữ liệu để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới như Grab, Uber, AirBnb...
“Tuy nhiên, để phát triển, phải xây dựng được sự tin cậy trong hạ tầng số. Người tiêu dùng không thể giao dịch, người tham gia không thể tạo ra sự liên kết nếu không có sự tin cậy. Vì thế, an toàn an ninh mạng, sự đảm bảo trong giao dịch là điều kiện quan trọng để xây dựng hạ tầng số và cho sự phát triển của kinh tế số”, Thứ trưởng Thông tin & Truyền thông khẳng định.
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Báo điện tử VnExpress và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức. Hội thảo chuyên đề Kinh tế số sáng 2/5 có sự đồng hành của TPBank và Moca.
Chiều nay, phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam diễn ra với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
>> Chủ tịch FPT: 'Chuyển đổi số là bắt buộc nếu không muốn mất khách hàng
Tân Phong
Ý kiến
()