Lãnh đạo FPT và tỉnh Bình Định cùng thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định. |
Trung tâm IOC được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; cho phép người dân tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh, từ đó kết nối chặt chẽ thông tin và tương tác giữa cơ quan Nhà nước, chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Đây cũng là một nội dung chính trong thoả thuận hợp tác chiến lược được ký kết bởi UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn FPT và Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam về việc Lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Bình Định trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Duyên hải miền Trung và trung tâm AI hàng đầu khu vực.
Trong giai đoạn thử nghiệm, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định sẽ cung cấp 8 dịch vụ theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm: dịch vụ giám sát an toàn thông tin; dịch vụ giám sát thông tin trên báo điện tử và mạng xã hội; dịch vụ giám sát an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; dịch vụ giám sát hiện trường; hệ thống giám sát dịch vụ công trực tuyến; hệ thống thông tin kinh tế, xã hội và dashboard tổng hợp giám sát điều hành.
Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha giới thiệu về IOC. Ảnh: HỒNG HÀ |
Ngoài 8 dịch vụ triển khai thử nghiệm, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh cũng đã tích hợp các hệ thống thông tin đã được các đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai như hệ thống thông tin giám sát tàu cá, cổng thông tin Covid-19 tỉnh Bình Định, hệ thống theo dõi các trạm BTS trên địa bàn tỉnh…
Đặc biệt, dự án này thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tỉnh Bình Định đã huy động mọi nguồn lực, kinh phí cho việc xây dựng đô thị thông minh từ cả nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Tổng chi phí bước đầu thí điểm từ nguồn ngân sách của tỉnh là 15 tỷ đồng dùng để mua sắm các trang thiết bị phần cứng. Nguồn vốn xã hội hóa lên tới hàng chục tỉ đồng do FPT đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các hệ thống phần mềm, chi phí thuê các hệ thống phần cứng tại nền tảng đám mây (cloud) của FPT, chi phí đường truyền và chi phí nhân sự hỗ trợ vận hành hệ thống trong giai đoạn thí điểm.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa UBND tỉnh Bình Định và FPT, trong thời gian qua, FPT đã tích cực hỗ trợ cộng với sự nỗ lực tham mưu thực hiện của các sở, ban ngành của tỉnh, đến hôm nay, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định đã hoàn thành đưa vào vận hành với 8 dịch vụ cơ bản.
“Tuy mới vận hành thử nghiệm nhưng Trung tâm IOC bước đầu phát huy tính năng, hiệu quả, giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc được diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Đây là bước đi cực kỳ quan trọng trong việc đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền và các mặt của đời sống xã hội, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Giang khẳng định.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long (trái) và CEO FPT Nguyễn Văn Khoa trao quà thể hiện quan hệ hợp tác trong việc phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HỒNG HÀ |
Với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua, FPT đã đồng hành cùng Chính phủ và nhiều tỉnh/thành phố xây dựng và đưa vào vận hành thành công các IOC.
Đại diện đơn vị tư vấn triển khai, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh FPT có chung mục tiêu và khao khát đưa tỉnh Bình Định trở thành trung tâm kinh tế và trung tâm AI dẫn đầu khu vực Duyên hải miền Trung.
“Chúng tôi đã và đang đồng hành, đầu tư nghiêm túc, lâu dài cùng với tỉnh Bình Định thông qua các dự án lớn về giáo dục, chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Với kinh nghiệm 25 năm đồng hành cùng nhiều tỉnh thành địa phương, “làm thật - hiệu quả thật” là tiêu chí tiên quyết của FPT trong dự án xây dựng Trung tâm IOC Bình Định. Chúng tôi quan tâm và đặt lên hàng đầu giá trị hiệu quả sử dụng thực tiễn của các giải pháp, giúp tỉnh có được phương thức điều hành thông minh, ra quyết định nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu tối đa các vấn đề gây trở ngại cho người dân, doanh nghiệp, từ đó gia tăng tối đa các cơ hội phát triển để trở thành điểm đến hấp dẫn”, anh Khoa nhấn mạnh.
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Bình Định là mô hình thể hiện sự tiên tiến, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn yêu cầu đổi mới quảnlý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án với việc mở rộng các dịch vụ thuộc lĩnh vực Giáo dục, Y tế… đồng thời tiếp tục nâng cấp Trung tâm IOC, mở rộng các tiện ích, bổ sung các tính năng của dịch vụ đô thị thông minh đã triển khai giai đoạn 1.
Ý kiến
()