Theo biên bản hợp tác, FPT và HCMUTE sẽ cùng nghiên cứu, phối hợp để thực hiện những công việc liên quan đến hoạt động mở rộng mạng lưới, đào tạo và nghiên cứu khoa. Hai bên sẽ cùng phát huy khả năng, thế mạnh của mỗi bên để nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong quá trình hợp tác.
Cụ thể, ở mảng Đào tạo, FPT sẽ tạo điều kiện để sinh viên, giảng viên của HCMUTE đi thực tập, nghiên cứu, đồng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp tại các cơ sở, công ty thành viên trực thuộc FPT.
Anh Hoàng Việt Anh – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT – Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT ký kết hợp tác với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường. |
Tập đoàn FPT hỗ trợ học bổng cho các chương trình đào tạo đại học và sau đại học của HCMUTE theo kế hoạch từng năm; Hỗ trợ xây dựng hệ thống học liệu chuyên ngành, hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo; Phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo đại học, sau đại học và chuyên sâu đáp ứng yêu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho FPT.
Với nhu cầu về nguồn nhân lực lớn, HCMUTE sẽ phối hợp với FPT tổ chức hàng năm các hoạt động giới thiệu thương hiệu và cơ hội công việc tại FPT tới sinh viên của HCMUTE.
Ở mảng Khoa học và Công nghệ, HCMUTE tham gia tư vấn và hợp tác nghiên cứu về Khoa học và Công nghệ theo yêu cầu của FPT. Tập đoàn sẽ phối hợp với HCMUTE phát triển tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu chung. Trường sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học, trao đổi những thành tựu nghiên cứu của FPT và giới thiệu các công nghệ mới của khu vực và thế giới có khả năng áp dụng cho FPT.
Anh Hoàng Việt Anh Anh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT - Chủ tịch FPT Telecom cho biết: “Tính đến nay có hơn 400 sinh viên HCMUTE làm việc tại FPT, có nhiều sinh viên xuất sắc, đóng góp cho sự phát triển của tập đoàn. Trong phạm vi hợp tác lần này, ngoài việc hợp tác trong các mảng truyền thống, FPT mong muốn mở rộng hướng hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ mới, những công nghệ là xu hướng ở Việt Nam và thế giới để hai bên có mối quan hệ bền chặt. Đây là ký kết vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng khi 60.000 thành viên FPT đang có hành động tích cực hướng tới kỷ niệm 35 năm thành lập FPT. Hy vọng, sẽ có nhiều sinh viên HCMUTE trở thành thành viên của FPT”.
Anh Hoàng Việt Anh Anh – Phó tổng giám đốc Tập đoàn FPT – Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT phát biểu tại buổi lễ. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường chia sẻ, HCMUTE thành lập năm 1962, tách ra từ Đại học Bách Khoa Phú Thọ (nay là Đại học Bách Khoa TP HCM). Qua nhiều lần sáp nhập, được các nước Đức, Liên Xô (cũ), Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng nên văn hoá của trường hiện đại, năng động và sáng tạo. FPT và nhà trường có nhiều hợp tác quan trọng từ trước đến nay.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng phụ trách HCMUTE mong muốn hợp tác lâu dài cùng FPT. |
Trong khuôn khổ buổi lễ, đại diện các đơn vị thành viên Tập đoàn FPT đã giới thiệu cơ hội thực tập, nghiên cứu và làm việc về các ngành công nghệ mới như: sản xuất chip bán dẫn, khoa học dữ liệu… để giảng viên HCMUTE trao đổi về định hướng hợp tác. Theo anh Chu Quang Huy - Giám đốc Nhân sự Tập đoàn FPT, nhu cầu nhân sự chất lượng cao ở FPT rất lớn, chiến lược của tập đoàn tới năm 2035 sẽ quy tụ 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin, cung ứng dịch vụ toàn cầu. Để đạt mục tiêu trên, FPT đẩy mạnh hợp tác với HCMUTE và các trường đại học trong và ngoài nước, tìm kiếm nhân sự giỏi để giải các bài toán hấp dẫn tại Tập đoàn.
Đoàn lãnh đạo ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tham quan trụ sở FPT Tower và các công ty thành viên |
Hiện tại, Tập đoàn FPT có văn phòng tại 29 quốc gia và 60.000 nhân sự trên toàn thế giới, là đối tác chuyển đổi số của hàng trăm tập đoàn, tổ chức trên thế giới. Với mục tiêu hướng tới 1 triệu triệu nhân sự vào năm 2035, sự hợp tác của FPT với các trường Đại học mang tới cơ hội việc làm lớn với các bạn sinh viên. Đặc biệt với các bạn được học tập rèn luyện chương trình đào tạo được phát triển để bám sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, xã hội.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng quan trọng, quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số thì sự hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học được coi là chìa khóa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Trần Huấn - Nha Trang
Ý kiến
()