Chúng ta

Dữ liệu là huyết mạch của chuyển đổi số

Thứ sáu, 25/10/2019 | 11:18 GMT+7

GĐ Chiến lược và kiến trúc khối khách hàng Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước FPT IS - ông Steven Furst cho rằng, chuyển đổi số thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc quản lý dữ liệu.

Nằm trong chương trình Smart City Summit 2019 diễn ra vào ngày 23/10, tại TP Đà Nẵng, ông Steven Furst đã có phần chia sẻ về ‘Dữ liệu - Huyết mạch của Chuyển đổi số’ trong phiên thảo luận chuyên đề “Điều hành Thành phố Thông minh dựa trên Định hướng dữ liệu”.

Hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành tư vấn và ICT, ông Steve ví tầm quan trọng của dữ liệu như là huyết mạch của cuộc chuyển đối số. Chuyển đổi số thành công phụ thuộc hoàn toàn vào việc quản lý dữ liệu thành công. Để làm được việc này, một loạt các khả năng mới phải được kích hoạt và phát triển theo thời gian để nắm bắt hoàn toàn các cơ hội từ dữ liệu mang lại.

Cụ thể, quản lý dữ liệu cần phải trở thành một chức năng áp dụng toàn bộ trong mỗi tổ chức cũng như các tiêu chuẩn và chính sách quản lý dữ liệu phải được thiết lập và duy trì. Các khả năng phân tích mới như phân tích dự đoán, phân tích theo không gian địa lý, phân tích xã hội… nên được xây dựng hoặc sử dụng của các nhà cung cấp. Ngoài ra, kiến trúc hạ tầng công nghệ cần đảm bảo khả năng xử lý các yêu cầu của dữ liệu lớn và có thể mở rộng dễ dàng và đáng tin cậy… cũng là những yếu tố quan trọng giúp quản lý dữ liệu hiệu quả. 

Điển hình như Liên minh châu Âu đã ước tính được những lợi ích mà dữ liệu mở mang lại. Theo đó, 7.000 sinh mạng đã được cứu sống nhờ cứu chữa nhanh hơn, 629 triệu giờ được tiết kiệm tương đương 27.9 tỷ euro, giảm 26% năng lượng sử dụng hay chi phí cho ùn tắc là 1% của GDP…

DSC-0384-JPG-4627-1571976025.jpg

GĐ chiến lược và kiến trúc khối khách hàng Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước FPT IS - ông Steven Furst chia sẻ về việc quản lý dữ liệu.

Tại phiên thảo luận của chuyên đề, một số điểm trọng yếu được nêu lên và trao đổi, cụ thể như nhu cầu thiết lập hội đồng các bên liên quan bao gồm chính phủ, doanh nghiệp, công dân. Từ đó thúc đẩy việc tích hợp dữ liệu mở để hỗ trợ thành phố thông minh và tầm ảnh hưởng của sự thay đổi trong tư duy của cơ quan chính phủ. Dữ liệu cũng có thể được chia sẻ để phục vụ việc tích hợp quy trình theo chiều ngang và xóa bỏ việc cách ly dữ liệu.

Ví dụ giao thông thông minh cần được áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao năng lực quản lý. Thành phố có thể xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh qua các hệ thống như thu thập và phân tích tình trạng giao thông, điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh, cổng thông tin giao thông, cảnh báo sự cố tự động…

Ông Steve cho biết FPT đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tích hợp và xử lý các dữ liệu để xây dựng thành phố thông minh. FPT có sức mạnh trong 4 nhóm gồm: Xây dựng Chính phủ điện tử; Y tế điện tử đang triển khai cho hơn 300 bệnh viện; Giao thông thông minh đang triển khai và trải nghiệm tại TP HCM...

Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố thông minh (TPTM) 2019 - Smart City Summit 2019 với chủ đề “Xây dựng thành phố thông minh hơn, an toàn hơn bằng các giải pháp số” có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng hơn 500 đại biểu đại diện các thành phố lớn tại Việt Nam và ASEAN; lãnh đạo các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ trong nước và khu vực. Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình là người phát biểu khai mạc cũng như tham gia công tác điều phối để thảo luận các vấn đề liên quan đến tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Phan Tâm đề nghị trong quá trình triển khai thành phố thông minh, các tỉnh, thành phố cần lưu ý 6 điểm: sự quản lý và điều hành tập trung; dùng chung cơ sở hạ tầng; xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung và mở; gắn kết thành phố thông minh với chính quyền điện tử; xây dựng thành phố thông minh phải lấy người dân làm trung tâm; quan tâm đến vai trò đầu mối, quản lý, giám sát của các Sở Thông tin và Truyền thông địa phương. Thứ trưởng cam kết Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các tỉnh, thành phố để nghiên cứu và triển khai các giải pháp hiệu quả nhất trong phát triển thành phố thông minh và bền vững.

“Thực chất, cuộc chuyển đổi số hay Cách mạng cộng nghệ 4.0 đều lấy người dân làm trung tâm. Nhưng vấn đề đặt ra là người dân được phục vụ như thế nào. Đầu tiên phải là việc người dân được hưởng nước sạch; được đi lại mà không bị tắc nghẽn giao thông; đau ốm vào bệnh viện không phải chờ đợi lâu và được chữa trị bằng thuốc tốt; ra đường luôn phải được an toàn, an ninh. Cao hơn là thành phố phải xanh, có không khí trong lành”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, nói.

FPT đã có hơn 20 năm trong việc triển khai các dự án về Chính quyền điện tử tại nhiều địa phương trên cả nước. Các sản phẩm, dịch vụ của FPT được ứng dụng rộng rãi và được nâng cấp, cập nhất các xu hướng công nghệ mới nhất. Với hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, có am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ cải cách hành chính, FPT cam kết sẽ đồng hành và gắn bó lâu dài vì lợi ích chung, cùng hướng tới sự thành công trong việc triển khai Chính phủ số tại Việt Nam.

>> Chủ tịch FPT: ‘Thành phố thông minh phải lấy người dân làm gốc’

Việt Nguyễn

Ý kiến

()