Chúng ta

CTO FPT IS: 'Chuyển đổi số không còn là bài toán khó'

Thứ ba, 4/8/2020 | 18:24 GMT+7

Chiều nay (ngày 4/8), FPT đã tổ chức hội thảo “Đột phá hiệu suất trong vận hành doanh nghiệp" để cùng chia sẻ, thảo luận về xu hướng chuyển đổi số trên thế giới hiện nay cũng như cách thức để ứng dụng công nghệ 4.0 vào các doanh nghiệp Việt Nam

Sự kiện có sự tham dự của GĐ Phát triển Kinh doanh FPT IS Phan Thanh Sơn, GĐ Công nghệ FPT IS Nguyễn Xuân Việt. Đặc biệt, chương trình còn có sự xuất hiện của 2 khách mời từ Deloitte là bà Trần Thị Thuý Ngọc - PTGĐ Deloitte Việt Nam và ông Nguyễn Thế Mạnh.

Diễn ra trong bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 2 trở lại, các sự kiện đông người bị hạn chế, hội thảo "Đột phá hiệu suất trong vận hành doanh nghiệp" thu hút hơn 800 doanh nghiệp và khách mời tham gia qua hình thức trực tuyến.

Chia sẻ trước sự kiện, GĐ Phát triển kinh doanh FPT IS Phan Thanh Sơn cho biết, anh đảm nhận vai trò người điều phối (Moderator) trong điều kiện đặc biệt khi ngồi trong phòng khách để phòng dịch. "Khó khăn này không là rào cản để thực hiện buổi hội thảo hôm nay", anh nhận định.

640-web-6-4432-1596538495.png

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Covid nhưng cách thức được triển khai tuân thủ theo quy định của Chính phủ. Ảnh: VnExpress. 

Trước khi bắt đầu, các khách tham gia được mời trả lời một số câu hỏi về giải pháp giúp vận hành tối ưu cho doanh nghiệp qua hình thức quét QR Code và thực hiện trên điện thoại, máy tính. Trong đó, một trong những câu hỏi về mong muốn của doanh nghiệp về quản trị doanh nghiệp nhận được đáp án hàng đầu là tăng hiệu suất làm việc, tiết kiệm chi phí tối ưu nguồn lực, đảm bảo thông suốt.

Trần Thị Thuý Ngọc, PTGĐ Deloitte Việt Nam, chia sẻ cảm nhận đặc biệt khi ngồi trong khán phòng với mũ chắn, giãn cách, kết nối hơn 800 người qua webinar. "Đột phá trong vận hành doanh nghiệp là câu hỏi thường xuyên đặt ra, không chỉ trong Covid-19 hay giai đoạn tăng trưởng hay thoái trào. Bài toán đặt ra là doanh nghiệp các anh chị đang ở giai đoạn nào?", bà Ngọc chia sẻ.

Trước câu chuyện hiệu suất, theo bà Ngọc, doanh nghiệp cần lùi lại để nhìn lại xem mình đang ở đâu, mục tiêu có đạt được hay không, cần tập trung thị trường nào, có nguồn lực tốt để thực hiện được chưa. Trong đó, một trong những câu hỏi đầu tiên là thời gian ra thị trường. Tiếp theo là tập trung vào phân khúc khách hàng mong muốn qua trải nghiệm khách hàng.

640-webinar-5-6008-1596538495.png

PTGĐ Deloitte Việt Nam cho rằng, Covid là 'thiên sứ' để doanh nghiệp làm mới mình với những đột phá trong giai đoạn khó khăn. Ảnh: VnExpress. 

Muốn tồn tại và phát triển, Covid-19 chính là phép thử, bà Trần Thị Thuý Ngọc cho rằng đây không phải là khó khăn mà là một ‘thiên sứ’ để doanh nghiệp làm mới lại mình, tìm ra những đột phá trong giai đoạn khó khăn. Có những doanh nghiệp nước ngoài tăng trưởng đến 200-300% trong ngay đại dịch, đó là vấn đề nằm ở hiệu suất vận hành.

Vậy làm sao để doanh nghiệp có thể giảm thiểu nguồn lực đầu vào, gia tăng lợi nhuận đầu ra? Ông Nguyễn Thế Mạnh - đại diện Deloitte nói, đây là câu hỏi chung của tất cả doanh nghiệp. Trên thị trường, những doanh nghiệp có sản phẩm tốt, hiểu nhu cầu khách hàng, hấp dẫn khách hàng. "Tất cả nhờ quá trình chuyển đổi số đúng đắn", ông nhấn mạnh.

Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam thiếu kỷ luật trong vận hành là do lề lối hoạt động truyền thống, ít tiếp cận với các mô hình vận hành chuyên nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp này chưa quan tâm và đầu tư cho công nghệ thông tin. Số hoá chưa được xem là món đầu tư có lời so với những thành tố khác.

640-Webinar-2-6747-1596538495.png

CTO FPT IS nhận định, số hoá hay chuyển đối số hiện không còn là bài toán khó với hầu hết doanh nghiệp. Ảnh: VnExpress.

Từ góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, anh Nguyễn Xuân Việt, GĐ Công nghệ FPT IS cho rằng, số hoá hay chuyển đổi số hiện nay không còn là bài toán khó với hầu hết doanh nghiệp. "Bởi công nghệ đã rẻ, cách thức triển khai cũng dễ dàng hơn rất nhiều", anh Việt nói.

Anh Việt lần lượt chia sẻ những câu chuyện thành công và thất bại trong việc số hoá và tự động hoá quy trình vận hành. Trước đây, thời gian trung bình để xử lý một vấn đề ở doanh nghiệp là khoảng 40 giờ, nhưng hiện nay, số hoá đã rút ngắn giai đoạn này xuống còn 3 giờ đồng hồ. Nếu đem con số này ứng vào các doanh nghiệp lớn, quy mô vận hành hàng nghìn nhân viên thì độ hiệu quả có thể đong đếm rất rõ ràng.

"Sử dụng robot để xử lý các tác vụ ở những đơn vị như ngân hàng cũng rất nhanh, chỉ khoảng 11 giây. Robot có thể giảm tới 98% số công việc có tính đơn giản con người đang thực hiện", CTO FPT IS dẫn chứng.

Sản phẩm số hoá và giao việc tự động FPT Spro do FPT triển khai đang giúp doanh nghiệp vẽ quy trình rất trực quan, nhanh chóng. Hệ thống này còn giúp nhà quản trị biết được chính xác công việc đang bị tắc ở đâu, do quy trình hay con người, từ đó đưa ra quyết định chỉnh sửa nếu cần thiết.

Một ưu điểm nữa của FPT Spro là những thao tác, quy trình, tiến độ công việc được minh bạch hoá. Nhân sự làm việc hiệu quả ra sao hiển thị chính xác qua các thông số. Đây là điều kiện để doanh nghiệp đánh giá chính xác chất lượng nhân sự.

Anh Việt nhấn mạnh, FPT Spro giống như trung tâm trung chuyển, kết nối hệ thống khác đã có sẵn trong các doanh nghiệp để phục vụ cho quản trị. Đặc biệt, hệ thống này có tới 350 quy trình sẵn có để doanh nghiệp có thể tận dụng. Ngoài ra, FPT Spro được phát triển trên nền tảng công nghệ dễ hiểu, đơn giản, việc thiết lập quy trình không cần chuyên gia IT. Các cán bộ nghiệp vụ với hướng dẫn ban đầu đều có thể thực hiện dễ dàng.

Bên cạnh FPT Spro, FPT cũng có một chuỗi các sản phẩm giúp tự động hoá quy trình, nâng cao hiệu suất như akaBot - robot tự động, giúp giảm thiểu tương tác từ con người, tiết kiệm chi phí, thời gian; hay FPT.AI Vision giúp số hoá dữ liệu bằng bản cứng, ảnh chụp, chiết xuất đưa vào công tác quản trị.

640-webinar-3-4424-1596538495.png

Sự kiện nhận được trên 50 câu hỏi liên quan đến công nghệ FPT, chuyển đổi số. Ảnh: VnExpress.

"Hệ sinh thái này tạo nên khái niệm tự động hoá thông minh, kết hợp giữa người và máy, đem lại bứt phá hiệu suất, tạo ra trải nghiệm mới trong tương tác khách hàng", anh giới thiệu. Lấy ví dụ từ việc triển khai hệ thống tại một ngân hàng, vị này cho biết, khách hàng của nhà băng này đã rút 80% thời gian chờ đợi qua các tác vụ tự động, thực hiện bằng robot.

Giải pháp thứ 2 là quản trị trên dữ liệu. Hệ thống công nghệ giúp thu thập dữ liệu giúp đột phá hiệu suất, ra quyết định. “Ngày nay, dữ liệu không chỉ đòi hỏi chính xác mà cần cả nhanh". Khi vận hành hệ thống, phần mềm tác nghiệp của doanh nghiệp có thể chứa các dữ liệu dưới dạng độc lập, sau đó, giải pháp FPT sẽ tổng hợp dữ liệu vào kho, phân tích, tạo báo cáo trực quan, đa chiều. Điều này giúp lãnh đạo định hướng và quản trị, cán bộ quản lý cấp trung có thể kiểm soát và vận hành công việc.

Ví dụ về triển khai thành công hệ thống được anh Việt đưa ra là một doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh. Hệ thống FPT đã hỗ trợ doanh nghiệp này tối ưu hoá lượng hàng sản xuất để sản lượng cung cấp ra vừa đủ, thông qua thu thập, phân tích hệ thống dữ liệu, ra quyết định sản lượng vào đúng thời điểm, khu vực khách hàng có nhu cầu cao.

Một sản phẩm trong bối cảnh Covid-19 là giải pháp ký hợp đồng điện tử FPT.eContract, cho phép ký hợp đồng trên môi trường điện tử, sử dụng chữ ký số, mọi lúc, mọi nơi, giảm chi phí in ấn, tổ chức sự kiện...

Một độc giả đặt câu hỏi nhóm doanh nghiệp nhỏ có cần áp dụng công nghệ không? Trả lời câu hỏi này, anh Nguyễn Xuân Việt nói FPT không chỉ có khách hàng lớn, giải pháp lớn mà Tập đoàn cũng rất quan tâm đến những đối tác nhỏ. Thậm chí một số dự án FPT đang hỗ trợ khách hàng theo dạng thử nghiệm.

FPT luôn cố gắng tìm điểm bắt đầu dễ dàng nhất để giúp doanh nghiệp lựa chọn đúng sản phẩm công nghệ. Những giải pháp công nghệ của FPT đang đưa ra thị trường theo dạng cho thuê với chỉ một vài USD cho một khách hàng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không quá đặc biệt có thể dùng thử những sản phẩm này mà gần như không mất đi chi phí ban đầu.

Bổ sung câu trả lời, anh Phan Thanh Sơn cho biết, doanh nghiệp nên tận dụng các nền tảng kết nối nhà bán - người mua. Đơn cử với Hawa, trong 2 tháng, tổ chức này đã thiết lập nền tảng Hope giúp doanh nghiệp nội thất, gỗ chuyển sản phẩm lên mô hình 3D, mở triển lãm online. Nhiều doanh nghiệp bán được hàng qua kênh này.

Càng về cuối, càng có nhiều thắc mắc gửi tới các chuyên gia với hơn 50 câu hỏi từ các kênh khác nhau. Một độc giả của VnExpress đặt câu hỏi: "Có tới 70-80% doanh nghiệp thất bại khi chuyển đổi số, nguyên nhân là do đâu".

Theo đại diện Deloitte Nguyễn Thế Mạnh, một trong những nguyên nhân chính từ người đứng đầu. "Nhiều người đứng đầu các công ty nghĩ rằng vai trò là của CTO, giám đốc IT. Thực tế, chuyển đổi số bắt đầu từ tư duy chuyển đổi số, mà quan trọng nhất là người làm chủ", ông Mạnh khẳng định. Thứ 2, nhiều doanh nghiệp chưa nhận rõ về các xu thế về công nghệ, phương pháp phù hợp, chọn một "chiếc áo" quá to hay quá chật dẫn đến không hiệu quả.

Thứ 3, con người có tâm lý ngại thay đổi, nhiều nhân viên không nhìn nhận giá trị, cảm thấy không thoải mái khi có các công cụ tự động thay thế, khiến họ muốn nghỉ việc hoặc không thực hiện đúng.

Còn theo đại diện FPT anh Nguyễn Xuân Việt, nhiều doanh nghiệp đang định nghĩa sai pain point. "Cần xác định điểm nào là quan trọng nhất, chỉ cần cải tiến đúng điểm đó sẽ tạo ra hiệu quả.

Hà Trần

Ý kiến

()