Chúng ta

'Chuyển đổi số là hành trình hướng đến của tất cả doanh nghiệp'

Thứ sáu, 6/10/2023 | 14:20 GMT+7

Theo anh Lê Hùng Cường - Giám đốc Chuyển đổi số FPT Digital, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nhưng còn e ngại khi thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số chính là hành trình mà tất cả cần hướng đến nếu muốn tạo đòn bẩy phát triển.

Mở đầu chia sẻ ở buổi tọa đàm “Ứng dụng chuyển đổi số trong thực tiễn” do UBND quận 7 (TP HCM) tổ chức sáng 6/10, anh Lê Hùng Cường khẳng định Chính phủ hiện đã có nhiều cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp và người dân hưởng lợi trong quá trình vận hành xã hội số. Có thể nói, trong thời gian qua, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực của đời sống và kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở các doanh nghiệp hiện chỉ thực sự được quan tâm ở các doanh nghiệp lớn như FPT hay những ngân hàng hàng đầu, những tập đoàn quy mô lớn có chương trình hoạt động cụ thể... Ở nước ta hiện nay, đến 98,1% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Vì vậy, dù chúng ta nói rất nhiều đến chuyển đổi số nhưng thực tế số lượng doanh nghiệp quan tâm vẫn còn khiêm tốn. Các doanh nghiệp đang có cơ hội rất lớn để chuyển đổi số nhưng đa số đang gặp nhiều khó khăn để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

-2607-1696574832.jpg

Anh Lê Hùng Cường - Giám đốc Chuyển đổi số FPT Digital chia sẻ về khó khăn, thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Trong thống kê gần đây, có 48,8% doanh nghiệp đã từng nhưng hiện tại không còn sử dụng các giải pháp số. Điều đó cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chú ý đến chuyển đổi số, tiếc rằng sau một thời gian vận hành thử nghiệm, họ lại cảm thấy nó chưa thật sự hiệu quả hoặc không mang đến lợi ích thiết thực, khiến họ phải dừng chương trình. Lý do có thể đến từ việc các doanh nghiệp chưa xác định được mục tiêu chiến lược và phương án cụ thể trong chuyển đổi số, đồng thời thiếu nguồn lực và nhân sự để thực hiện các giải pháp số.

Ngoài ra, chỉ có 2,2% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt ra mục tiêu khi thực hiện chuyển đổi số. Đa phần doanh nghiệp đang chuyển đổi số theo hướng tự phát, không có định hướng rõ ràng.

Theo Giám đốc Chuyển đổi số FPT Digital, có 8 thách thức mà các doanh nghiệp Việt Nam thường gặp khi tiến hành chuyển đổi số. Đầu tiên là việc thay đổi nhận thức để mọi người cùng tham gia - khó khăn lớn nhất và cần được ưu tiên hàng đầu.

Thứ hai là nguồn lực thực hiện, các doanh nghiệp đa số tập trung rất nhiều vào các hoạt động kinh doanh - sản xuất. Nhân lực về công nghệ thông tin và am hiểu chuyển đổi số đang khan hiếm và chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, giữa nhóm lãnh đạo và nhóm thực thi tồn tại những khoảng cách nhất định và chưa có sự đồng thuận, thống nhất. Trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, các thiết bị đang phục vụ kinh doanh - sản xuất có mức độ tự động hóa thấp, gây khó khăn cho việc ứng dụng những công nghệ mới trong giai đoạn 4.0.

-6819-1696574832.jpg

Thực tế, chỉ có 2,2% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đặt ra mục tiêu khi thực hiện chuyển đổi số. 

Về ngân sách hoạt động, các doanh nghiệp lớn có thể dễ dàng dành ra khoản chi tiêu lớn cho việc chuyển đổi số. Tuy nhiên, với những đơn vị nhỏ, quy mô dưới 100 nhân sự, mức đầu tư cho chuyển đổi số chỉ dừng lại ở con số rất thấp. Theo thống kê, mức chuẩn đầu tư cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên thế giới rơi vào khoảng 2% doanh thu. Nhưng hiện ở Việt Nam, con số này thấp hơn rất nhiều.

Hiện tại, các doanh nghiệp nước ta thiếu hụt trầm trọng về hạ tầng, kiến thức công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, trong vấn đề như giảm thiểu rác thải và hiệu ứng nhà kính, Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ giảm thặng dư carbon về mức 0, do đó, tất cả các doanh nghiệp cũng đang phải đương đầu với khó khăn này, gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh những khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi và cơ hội để áp dụng chuyển đổi số. Ví dụ, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta đang tạo ra những bứt phá mạnh mẽ trong việc ứng dụng công nghệ với mục tiêu tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, trong bối cảnh giá nguyên phụ liệu và chi phí lao động ngày càng tăng.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực thiết kế và sản xuất thương mại sản phẩm, tạo lợi thế so với những công ty khác. Trước đây, chúng ta chứng kiến rất nhiều hoạt động thủ công về giấy tờ, thủ tục. Nhưng bây giờ, chuyển đổi số có thể giúp thay đổi điều đó. Đồng thời, chi phí chuyển đổi số ở thị trường Việt Nam hiện ở mức rất hợp lý.

Các doanh nghiệp đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Sự quan tâm, khuyến khích của Chính phủ cũng giúp doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới.

-2945-1696574832.jpg

Theo lãnh đạo của FPT Digital, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các quỹ.

Với những khó khăn và thuận lợi ấy, khi tiến hành chuyển đổi số, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần xác định mục tiêu cụ thể để tăng số lượng khách hàng hay tăng mức độ tự động hóa, cải thiện năng suất lao động. Mỗi ưu tiên sẽ có những chương trình riêng cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Từ mục tiêu, các doanh nghiệp sẽ chuyển sang bước tiếp theo là phân loại ưu tiên để tìm ra những ứng dụng công nghệ phù hợp với đơn vị. Với quy mô nhỏ và mức đầu tư thấp, vì vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ từ Chính phủ và các quỹ.

Hiện tại, Chính phủ có thể hỗ trợ đến 400 triệu đồng cho những doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến đổi mới sáng tạo. Đây là con số rất hấp dẫn. Và thực tế, thời gian qua, có nhiều quỹ của nhà nước và nước ngoài đã tham gia vào việc lập ra những chương trình đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia. Thay vì đầu tư 100% chi phí, khi tham gia các chương trình này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội đồng hành cũng các chuyên gia, được tập huấn, thực thi và chỉnh sửa chương trình chuyển đổi số.

Ngoài ra, trong quá trình xây dựng kế hoạch chuyển đổi số đến giai đoạn triển khai, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể được hỗ trợ đến 50% chi phí, giúp đơn vị chuyển đổi số dễ dàng hơn. “Có thể nói, chuyển đổi số không phải là đích đến mà là hành trình để các doanh nghiệp hướng đến. Những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ tự tạo ưu thế và đòn bẩy cho mình trong quá trình cạnh tranh, vươn lên với các đơn vị khác”, anh Lê Hùng Cường khẳng định.

Ngày hội "Chuyển đổi số - Không gian Khởi nghiệp sáng tạo năm 2023" do UBND quận 7 (TP HCM) tổ chức vào hai ngày 6-7/10 tại Quảng trường Trung tâm Hành chính quận 7. Khuôn khổ chương trình gồm chuỗi hoạt động: Triển lãm công nghệ; Tọa đàm; Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp; Giải chạy online và offline; Đêm nhạc Live Concert.

Diễn ra xuyên suốt hai ngày 6-7/10 là không gian triển lãm, trưng bày giải pháp chuyển đổi số trong hành chính công, doanh nghiệp và xã hội. Khách tham quan có thể tìm hiểu về thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt, ứng dụng nền tảng 4.0 trong kinh tế số. Sáng 6/10 diễn ra phiên khai mạc và tọa đàm ứng dụng chuyển đổi số trong thực tiễn. Hội thảo có sự phối hợp, đồng hành của các cơ quan quản lý, cung cấp thông tin về chính sách, giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các chủ đề xoay quanh thúc đẩy tăng trưởng từ chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME, kết nối thanh toán, chuyển đổi số trong giáo dục...

>> Phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số doanh nghiệp

Sơn Thạnh

Ý kiến

()