Chúng ta

Sĩ tử triển vọng Trạng FPT không hề nuối tiếc đã qua Campuchia

Thứ sáu, 9/11/2018 | 08:35 GMT+7

“Tôi hỏi những bạn trẻ có muốn qua Campuchia làm việc không? Ai nấy đều lắc đầu. Nhưng tôi chọn một nơi chưa phát triển như Campuchia bởi muốn khai phá năng lực bản thân. Đến nay, tôi nghiệm thấy quyết định đó hoàn toàn đúng đắn”, Lương Gia Quốc Bảo, FPT Telecom Campuchia, trải lòng.

Có thâm niên công tác tại FPT Telecom 11 năm, anh Lương Gia Quốc Bảo - một trong những người đầu tiên của FPT Telecom đặt chân sang Campuchia để khai phá thị trường đất nước Chùa tháp, đã cưới vợ được gần 3 năm và có một cô công chúa nhỏ. 

Vợ anh hỏi: “Bao giờ anh về?”. “Chắc chắn năm nay anh sẽ về vì nhớ nhà lắm rồi”, anh chắc nịch.

Và anh đã nói câu đó từ năm 2013 đến nay.

Là người cứng cỏi với nhiều hoài bão và tham vọng, nhưng chỉ câu hỏi gồm 4 chữ ấy cứ làm Giám đốc Kinh doanh Opennet nhói lòng, bởi khi đã sang Campuchia, gia đình và mục tiêu công việc dường như là hai đường thẳng song song, chẳng thể nào tìm được điểm giao. Sau câu trả lời “chắc chắn năm nay anh sẽ về” là một khoảng không rộng lớn giữa Sài Gòn và Phnompenh, là một sự bất tận trong nỗi nhớ của cặp vợ chồng trẻ.

Video chia sẻ ngắn của Lương Gia Quốc Bảo về quyết định sang Campuchia: 

Không phải anh không muốn về. Không phải anh không nhớ nhà. Lý do vẫn bám trụ nơi đất khách quê người là vì anh thấy phải có trách nhiệm với bản thân, với công việc, không thể bỏ dở những mục tiêu đã đặt ra. Anh hiểu mình sẽ hụt hẫng biết bao nhiêu nếu bỏ cuộc trước khi đạt điều mong muốn, và hiểu mình sẽ hổ thẹn biết bao khi không hoàn thành sứ mệnh được giao 6 năm trước. Vừa qua, Lương Gia Quốc Bảo cũng là sĩ tử triển vọng của cuộc thi Trạng FPT 2018. Trước đó, anh cũng thuộc Top 50 CBNV xuất sắc FPT Telecom 2017.

Quay ngược thời gian về năm 2012, khi Bảo đang yên đang lành tại Viễn thông quốc tế FPT, mảnh đất màu mỡ để gặt hái nhiều cơ hội, Ban điều hành FPT Telecom ban lời hiệu triệu kêu gọi người qua Campuchia mở rộng vùng phủ. Anh nói với ba: “Ba ơi, con đi Campuchia nhé”. Đôi mắt ba ánh lên những giọt buồn, nhưng ba giấu nỗi lo lắng vào trong và chẳng nói gì, để con tự quyết định. Anh Bảo không ngần ngại lên đường. Vốn tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế đầy năng động và tính cách ưa thử thách, thích trải nghiệm nên anh đi bởi đơn giản vì “mình thích thì mình đi thôi”.

BaoLGQ1-8431-1541661166.jpg

Anh Lương Gia Quốc Bảo và con gái. Ảnh: NVCC. 

“Tôi gặp những bạn trẻ, hỏi họ có muốn qua Campuchia làm việc không? Ai nấy đều lắc đầu”, anh kể và cho biết, giá trị quý nhất anh có được khi ra quyết định này là đã vượt qua được rào cản đầu tiên - đó là cái “người ta nghĩ”. Người ta nghĩ, người trẻ nên đến những nước tiên tiến trên thế giới mới nhiều cơ hội phát triển bản thân. Còn Lương Gia Quốc Bảo nghĩ Campuchia về trình độ phát triển vẫn thấp, nhưng nơi khó khăn cũng sẽ giúp mình khai phá được tiềm năng của bản thân.

Lúc ấy, diễn biến tâm trạng anh chẳng có gì phức tạp và đắn đo nhiều. Anh chỉ nghĩ đơn giản, mình còn nhiều nhiệt huyết và đi cũng chẳng mất gì, thậm chí “không phải thiên đường cũng là trải nghiệm”. Vả lại, còn trẻ nên đi đây đi đó để lưu giữ những trải nghiệm quý giá cho bản thân mình về sau, cũng là để kể cho con nghe bố khi xưa từng làm ở Campuchia như thế nào. Lúc ấy, anh đang ở độ tuổi không quá trẻ để có những phân tích, suy nghĩ chín chắn cho riêng mình; cũng không quá già để đủ sức đón nhận, thử nghiệm mọi thứ mới mẻ, mọi thử thách trên đời.

Hơn 2.000 ngày đằng đẵng sinh sống và làm việc tại Campuchia, anh càng cho mình vô số lý do để tự tin nói rằng quyết định qua đất nước Chùa tháp khá đúng đắn. Nhiều lúc anh tự hỏi: “Nếu ngày ấy mình không đi, bây giờ mình sẽ như thế nào. Tiếng Anh không dùng thường xuyên có bị mai một không?”. Anh cho biết, ở Campuchia, mọi thứ khá cởi mở, kích cầu kinh doanh rất nhiều, và không thiếu những cơ hội.

BaoLGQ3-5527-1541661166.jpg

Với anh Bảo, vợ luôn là hậu phương vững chắc để anh hoàn thành nhiệm vụ ở Campuchia. Ảnh: NVCC.

Nhớ lại 6 năm trước, bước chân qua biên giới phía Tây Nam tổ quốc, một thế giới hoàn toàn khác mở ra. Trước khi đi, anh đã tự để đầu óc trống rỗng, không tưởng tượng, không mong đợi gì nhiều về vùng đất sắp đặt chân đến, cũng để không có những cú “hẫng” trong suy nghĩ. Khi bước qua Phnompenh, không có những tòa cao ốc chọc trời, cũng không có những con đường to đẹp như nhiều người nghĩ về việc “được qua nước ngoài làm việc”. Giữa dòng xe tuk tuk và dòng người xa lạ, Bảo bình thản để đón nhận mọi điều.

Mặc dù ưa thử thách, nhưng chẳng ngờ cuộc sống thời kỳ đầu tại xứ sở Chùa tháp đặt ra nhiều khó khăn hơn những gì anh mong đợi. Hầu hết những “chiến tướng” qua Campuchia lúc ấy đều nhìn nhận rào cản nhất vẫn là ngôn ngữ. Mặc dù khá tự tin vào vốn tiếng Anh của mình, Bảo cũng chật vật bởi ngữ điệu quá khác. Những ngày đầu, giao tiếp xã hội khá hạn chế.

“Có nhiều khó khăn lắm, nhưng mình không nhớ nhiều, trong đầu chỉ lưu lại những điều tích cực”, anh lạc quan nói và kể tiếp. 7 người đầu tiên đi “mở cõi” nhà Viễn thông sang nước ngoài lúc đấy ở chung một nhà, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Lúc ấy, ngoại trừ anh Phùng Hưng (TGĐ đầu tiên của FPT Telecom Campuchia) có gia đình, còn ai cũng “độc thân vui tính” và tự do. Cơ hội tiếp xúc đã khó, mà có người yêu rồi giữ càng khó hơn bởi nỗi sợ “xa mặt cách lòng”. Đến nỗi ở FPT Telecom Campuchia, mọi người đùa với nhau rằng, ai có vợ được hẳn là không bình thường. “Đến bây giờ thì tất cả những người thời ấy đều “không bình thường”, bởi đều đã có gia đình. Đây là một nỗ lực lớn hơn bất kỳ nỗ lực nào”, anh Bảo cười.

BaoLGQ2-6406-1541661166.jpg

Anh Lương Gia Quốc Bảo trong một chuyến teambuilding cùng Opennet. Ảnh: NVCC. 

Một đêm trái gió trở trời, anh cảm sốt rất nặng, lại không có bàn tay vợ chăm sóc. Bảo gọi về nhà: “Em ơi, nếu anh có mệnh hệ gì, em cố gắng tiếp tục sống tốt, nuôi con, anh thương vợ và con nhiều lắm”. Nhưng sáng hôm sau, trời thương, chả có chuyện gì xảy ra. Khó khăn là vậy, nhưng “mỗi người có những sự lựa chọn riêng của mình, không nên trách ai, cũng không trách hoàn cảnh được”, anh Bảo lạc quan về cuộc sống xa nhà. 

“Có gia đình rồi, đôi lúc nhớ nhung là động lực nhưng cũng là rào cản nếu bị đắm chìm, không tập trung công việc. Nếu là rào cản thì phải tìm cách tháo bỏ”, anh chia sẻ. Thường, mỗi tháng các anh có kỳ phép vài ngày để về thăm nhà. Khi có con, anh Bảo lại càng mong đến lịch phép về thăm con, ôm hôn con. Cô công chúa nhỏ thấy ba lâu ngày về lại quấn quýt, lúc ba đi cũng bịn rịn, níu tay áo ba, nhưng sau đó hai ba ngày lại quên mất tiêu. Còn vợ con sang Campuchia thăm chi phí quá tốn kém, nên gia đình các anh cũng hiếm ai qua thường xuyên. Anh Bảo kể, có anh đồng nghiệp qua Campuchia 6 năm mà vợ qua được những... một lần. Các anh bên ấy ai cũng mong muốn ban điều hành tạo điều kiện cho vợ con qua cùng chồng yên tâm công tác thì tiện hơn, anh bày tỏ. Ở các chi nhánh xa như Siem Reap, Banteay Meanchey, Sihanouville... khoảng cách với Việt Nam càng dài hơn. 

BaoLGQ4-7429-1541661166.jpg

Tự tạo niềm vui cho mình, anh có đam mê nhiếp ảnh. Theo anh, điều quan trọng nhất trong bộ môn này là cảm xúc. Ảnh: NVCC. 

Cuộc sống ở Campuchia, ngoài công việc thường xuyên gặp khách hàng, thời gian còn lại quanh quẩn có mấy anh em. Những ngày đầu qua thậm chí đâm ra tự kỷ, xung quanh hầu hết là những người bất đồng ngôn ngữ, quanh đi quẩn lại cũng có vài thứ để tiêu khiển, có những lúc chán quá anh mới nghĩ “không có gì chơi thì đỡ tốn tiền”. Vốn là người suy nghĩ tích cực, trong cái sự “đều đều và nhàm chán” của cuộc sống, anh Bảo cũng tự tạo ra những thú vui cho riêng mình như chụp ảnh, chơi quần vợt hay đi xe motor phân khối lớn.

Nhiều người biết đến Lương Gia Quốc Bảo với hình ảnh đầy cá tính, đi xe motor, cầm máy ảnh trên tay, cho ra đời những bức ảnh đầy cảm xúc. Từ việc “rung động” trước những bức hình người khác chụp, anh cũng tìm đến bộ môn chụp hình với những cảm xúc của chính mình. Tự mày mò và học hỏi, anh nhận thấy môn nhiếp ảnh đòi hỏi bố cục, ánh sáng nhưng quan trọng nhất là cảm xúc của người chụp ảnh trước cái đẹp, hơn hết, phải có đam mê, cảm hứng. “Mình chụp phục vụ cho cảm xúc của mình là chính, khi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của đồng nghiệp trong bức ảnh tự nhiên mình vui theo”, anh chia sẻ và cho biết mình thường xuyên chụp hình cho đồng nghiệp trong công ty mà không bao giờ lấy phí.

Tự nhận mình là người nóng tính, trong vai trò quản lý, anh Bảo cũng mong muốn sẽ hài hòa được mọi thứ. Công việc đã dạy cho anh nhiều điều, từ việc giảm bớt nóng tính, ôn hòa các mối quan hệ đến việc “làm ra làm, chơi ra chơi”.

BaoLGQ5-2946-1541661166.jpg

Lương Gia Quốc Bảo có thâm niên công tác 11 năm tại FPT Telecom. Ảnh: NVCC. 

Vừa qua, tham gia kỳ thi Trạng FPT, Lương Gia Quốc Bảo cũng là một thí sinh khá đặc biệt, được tặng biệt danh “sĩ tử toàn cầu hóa” khi "vượt biên" với quãng đường hơn 2.000 km để tham gia tỷ thí tại Hà Nội. “Mình cảm thấy vừa vui vừa buồn. Vui vì mình là thí sinh “vùng sâu vùng xa” mà lại được tham dự vòng 32 thí sinh. Buồn là biết có rất nhiều bạn tài năng từ các công ty thành viên vì một số lý do nào đó không tham gia được khiến mình cảm thấy hơi đơn độc”, anh Bảo trải lòng. 

Là sĩ tử triển vọng của Trạng FPT 2018, Lương Gia Quốc Bảo cảm thấy hoàn toàn hài lòng với kết quả này vì Tam khôi năm nay rất xứng đáng. Dù kỳ vọng ban đầu của anh là cao hơn, nhưng sau khi tham gia, điều quý nhất là anh đã nhận ra được những điểm rất yếu của bản thân. 

Theo anh nhìn nhận, ở FPT Telecom Campuchia, vấn đề lớn nhất là địa bàn phân bố trải rộng khiến chỉ có một dịp tất niên để gặp gỡ, nên chưa thật sự gắn kết được anh em toàn công ty. Điều anh trăn trở nhất, bên cạnh việc giúp Opennet giữ vững phong độ là thương hiệu cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu tại Campuchia, là làm sao có sợi dây gắn kết chặt chẽ hơn trong nội bộ, cũng như giữa Opennet với FPT Telecom tại Việt Nam.

“Không ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”, câu nói Ken Blanchard luôn truyền cảm hứng cho cách tư duy, làm việc của Lương Gia Quốc Bảo.

>> Nữ quản lý 9x FPT xứ Chùa Tháp: 'Luôn đặt mục tiêu và cố gắng hết mình'

 Xuân Phương

Ý kiến

()