Chúng ta

Salesman Đăk Lăk 'chinh phục' cả buôn dùng dịch vụ FPT Telecom

Thứ năm, 28/1/2021 | 18:13 GMT+7

Dưới sự tài tình, nhạy bén của chàng salesman Nguyễn Hoàng Linh Việt, buôn Thá Thon, xã Cư-Êbư, TP Buôn Mê Thuột, bỗng chốc ngập tràn dịch vụ Viễn thông FPT. Cả buôn có gần 50 gia đình là khách hàng nhà "Cáo", chiếm hơn 90% số hộ dân nơi đây. 

Từ khi gia nhập FPT Telecom Đăk Lăk, Nguyễn Hoàng Linh Việt, nhân viên phòng Kinh doanh, đã rất có duyên với khách hàng đồng bào dân tộc thiểu số. Không biết lí do gì mà đi đâu Việt cũng được người ta quý, người ta thương. Cho ngô, cho sắn, mời cơm và cả chuyện hứa gả luôn cô con gái. Ở chi nhánh, Việt được mọi người gọi là ‘già làng’. 

Đồng bào Ê-đê xem anh như một đứa con của núi rừng, thân thiết và gần gũi. Ngày hạ tầng Viễn thông FPT mới được phủ sóng đến các xã vùng dân tộc thiểu số, buôn Thá Thon chẳng mấy ai biết đến Internet. Để giành được sự tin tưởng của người dân buôn Thá Thon, chàng salesman “Cáo” Đăk Lăk bắt buộc phải vượt qua thử thách của già làng. Ông là người có địa vị lớn nhất, được bà con tin tưởng và là người có tiếng nói quyết định. 

gialang1.jpg

Nguyễn Hoàng Linh Việt (bên trái) đến với bà con đồng bào Đăk Lăk.

Thế nên, Việt bắt đầu tìm đến nhà của già làng Y Tham Enuol để bắt chuyện. Già Y Tham mời Việt vào, lấy ra một chai rượu. Người Ê-đê thường tiếp đãi khách quý bằng rượu. Cũng có nghĩa, Việt đã là một vị khách quý.

Anh từ tốn nếm thử món ăn. Rồi hỏi cặn kẽ về từng món. Xen lẫn đó là những câu hỏi về từng lễ hội đặc trưng, về trang phục... Như đánh đúng tâm lí. Già Y Tham say sưa kể cho Việt nghe về phong tục, tập quán của người Ê-đê. Ông là lãnh tụ tinh thần của cả buôn làng. Nên những chuyện này già Y Tham thuộc nằm lòng. Mà già rất thích kể, thích giới thiệu đến mọi người về văn hoá của đồng bào mình. Dù rất sốt ruột, chàng salemans vẫn điềm tĩnh ngồi tiếp chuyện với các bô lão trong làng.

Một hồi lâu, già mới quay sang hỏi về công việc của Việt. Nhưng chưa, anh có linh tính mình vẫn đang được thử thách. Anh chàng tay nắm chặt balo, nhưng không mở vội. Điềm tĩnh nói về việc bán hàng của mình. “Thế bán cái gì”, già Y Tham đánh tiếng. Không để tuột mất cơ hội, anh chàng lấy ngay trong ba-lo FPT Play Box, moderm Internet để già Y Tham xem thử.

Với người đồng bào, công nghệ có hiện đại đến mấy mà “không thể sờ, không thể nhìn thì cũng chẳng ai tin”. Anh phải giới thiệu từng nút bấm, từng tính năng. Già Y Tham cầm FPT Play Box lên, ngắm nghía một hồi. Đầu gật gật, có vẻ tấm tắc nhưng rồi lại đặt xuống. Biết bụng già đã ưng, nhưng có vẻ còn chần chừ. Việt hiểu ngay vấn đề. Cầm bộ thiết bị xin được lắp thử cho mọi người trên bàn cùng xem.

gialang2.jpg

Nguyễn Hoàng Linh Việt bây giờ như một đứa con của buôn Thá Thon, xã Cư Êbư- nơi có nhiều đồng bào Ê-đê sinh sống.

Qua vài thao tác, loạt kênh truyền hình, kho phim hiện lên. Có cả kênh truyền hình tiếng dân tộc, già ưng cái bụng lắm. Anh bấm đi bấm lại mấy bộ phim truyện nổi tiếng một thời của Việt Nam. Già xem, vừa nhấc ly rượu vừa cười, khen tấm tắc. “Biết rồi, nghe rồi nhưng nay mới được thấy. Mà tận mắt thấy thì mới tin”, già làng Y Tham cười lớn.

Có được sự tin tưởng của Già làng, anh chàng tự tin hơn hẳn. Chuyện già Y Tham lắp mạng FPT Telecom cũng lan truyền. Người buôn Thá Thon kháo nhau về mạng cáp quang, về Truyền hình FPT có kho phim, kênh thời sự, cả remote điều khiển bằng giọng nói.

Cứ đến cổng nhà nào, chàng trai lại cất cái giọng tếu táo: “Giàng ơi!” - làm một hơi rõ dài. Đợi chủ nhà phản hồi, anh mới tiếp tục hỏi thăm mùa màng, cây ngô, cây sắn… rồi cứ thế bắt chuyện. Hôm đấy, rảo quanh một vòng buôn Thá Thon, Việt kí liền 5 cái hợp đồng. Người Ê-đê biết chàng trai này đã gặp già làng, đã được già “chất vấn” nên cũng không còn tâm lí lo sợ như trước. Họ cởi mở hơn. Người Thá Thon biết Việt không phải là người xấu, họ không sợ bị lừa gạt nữa. Dưới sự tài tình của Việt, hơn 90% hộ dân tại Thá Thon đang tin tưởng, sử dụng dịch vụ của FPT Telecom. 

Khối Kinh doanh ai cũng ngạc nhiên. Hợp đồng được chốt liên tục. “Đâu phải dễ. Trước giờ các anh em vẫn thường than tiếp cận khách hàng đồng bào khó bắt chuyện. Thế mà cậu ấy lại làm được, còn làm rất tốt”, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, phòng Kinh doanh, thán phục.

Anh Trần Thanh Thương, Trưởng phòng Kinh doanh, đánh giá trong công việc, anh Việt luôn chịu khó, chân chất, mộc mạc đúng như bản chất của những người đồng bào vùng núi. Cũng nhờ giữ được những bản chất này mà Việt có thể dễ dàng thuyết phục được những khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số. Cái tên “Già làng” của FPT Telecom Đăk Lăk dành cho anh cũng từ đó mà ra đời.

>>Khánh Hoà, Đà Nẵng dẫn đầu tăng trưởng FPT Telecom miền Trung

Nguyễn Huy

Ý kiến

()