Chúng ta

Rời ngành quảng cáo thành nữ kỹ thuật viên 'hiếm' của Viễn thông Bình Thuận

Thứ bảy, 3/11/2018 | 11:15 GMT+7

“Công ty bữa nay có nữ hả” là câu hỏi khách hàng dành cho Doãn Bích Thúy lúc mới vào nghề. 

Doãn Bích Thúy hiện là kỹ thuật viên điều hành tại FPT Telecom Bình Thuận, cũng là một trong 6 nữ kỹ thuật viên Phương Nam hiếm hoi nhà Viễn thông ở thời điểm hiện tại, theo thống kê của Phòng Nhân sự Phương Nam. 

Cách đây hơn 2 năm, khi vừa nghỉ việc trong ngành quảng cáo, Doãn Bích Thúy gặp phải chấn thương chân, trong lúc nằm ở nhà khi chân lại “thèm đi” thì vô tình thấy thông tin tuyển dụng liên quan đến công nghệ thông tin, Thúy xin vào FPT Telecom Bình Thuận và trở thành “hiện tượng lạ” của đội kỹ thuật Phương Nam thời điểm đó. Thúy là nữ kỹ thuật viên indoor duy nhất.

“Công ty bữa nay có nữ hả” là câu hỏi ai cũng dành cho Thúy lúc cô mới vào nghề. Có lẽ người ta hay mặc định rằng nghề kỹ thuật chỉ dành cho nam, chứ đời nào là thân con gái lại suốt ngày đi lắp đặt modem, Internet, cấu hình máy...  nên Thúy xuất hiện ở Phan Thiết (Bình Thuận) trong hình ảnh tay mang thiết bị nối nối chỉnh chỉnh, khiến khách hàng người tò mò, người thích thú lẫn nghi ngại.

Ngày mới khoác lên mình chiếc áo thun xanh của kỹ thuật viên onsite, indoor, ai cũng “tròn mắt” kinh ngạc khi thấy Thúy tới nhà để lắp đặt. Có người không tin, tưởng đâu ai “trà trộm”, tỏ ra nghi ngờ. Nhưng nhìn trang phục có logo, khách hàng cũng chấp nhận sự thật là... có phụ nữ làm kỹ thuật viên viễn thông. Xã hội nghĩ vậy, còn người nhà Thúy cũng lắm lúc khuyên nên tìm công việc khác bởi con gái không nên đi suốt ngoài đường, cũng như tránh ánh mắt nghi ngại của người dân.  

MG-0019-8968-1541004101.jpg

Doãn Bích Thúy, sinh năm 1992, là nữ kỹ thuật viên điều hành hiếm của nhà Viễn thông.

Trong một lần tập huấn ở Sài Gòn lúc vừa gia nhập FPT Telecom, Thúy nổi bật trong lớp bởi là kỹ thuật viên indoor nữ duy nhất, một anh đùa: “Cố gắng làm đi vì nữ làm nghề này nhanh được chú ý sẽ lên nhanh”. Thúy thú thật mình không thích nổi trội, làm vì thích làm và muốn đạt được kinh nghiệm, tích lũy trải nghiệm cho bản thân, đóng góp cho tập thể chứ không hề có ý nghĩ làm điều đó vì nó là duy nhất, đặc biệt hay nổi bật. 

Từ một lĩnh vực quảng cáo với tính chất công việc bạt ngàn ý tưởng, nội dung và sáng tạo, tiếp xúc với máy quay, máy ảnh..., Thúy chuyển hướng sang một lĩnh vực thoạt nhìn “chẳng mấy liên quan” nếu không muốn nói là khô khan, cứng và “khó nuốt”. Đã vậy, Thúy lại là phụ nữ. Cô cho biết, lúc ấy là tháng 6/2016, điều khó khăn nhất mà nữ kỹ thuật viên gặp là phải học lại từ đầu về những thiết bị mới bởi từ trước đến nay chẳng bao giờ phải tìm hiểu modem, dây cáp… - những thứ “vô tri vô giác”. Vốn là người đã học về công nghệ thông tin, Thúy mày mò tìm hiểu bằng “cơn khát” điều mới lạ, thiết bị chưa từng biết cách lắp đặt Thúy không ngại hỏi, lắm lúc phải thử trước ở nhà nếu ổn rồi mới đem đi xử lý cho khách hàng. 

“Kiến thức đi học và làm khác nhau hoàn toàn. Không biết thì hỏi. Từ đó, mình rút ra phương thức làm việc đúng”, nữ kỹ thuật viên chia sẻ kinh nghiệm. 

MG-9688-6973-1541004101.jpg

Luôn được hướng dẫn tận tình, môi trường hòa đồng vui vẻ là điều Thúy nhận được tại FPT. 

Từ ngành quảng cáo, truyền thông đa phương tiện với nhiều cơ hội, chuyển hướng sang làm kỹ thuật với Thúy là một sự đánh đổi lớn: “Đánh đổi quãng thời gian 4 năm học để đi theo hướng khác, đánh đổi thời gian chăm sóc bản thân khi là nữ làm công việc mà hầu hết chỉ có nam mới làm”. Nhưng Thúy tìm được niềm vui trong sự đánh đổi, tìm được điểm tương đồng trong sự khác biệt giữa hai lĩnh vực. Công việc tại nhà Phương Nam cũng thỏa mãn sự “cuồng chân” vốn có của Thúy. Trước đó, nghề quảng cáo, truyền thông đa phương tiện giúp Thúy tiếp xúc với ekip quay phim, nhiều ý tưởng mới lạ, thì ở nghề kỹ thuật viên indoor, Thúy cũng tìm niềm vui khi tìm tòi những thiết bị viễn thông và gặp gỡ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. 

Làm nhiều, Thúy đã “trót yêu” công việc từ lúc nào không hay. Mỗi ngày, khoảng 7h ra khỏi nhà là lên công ty, làm một tách cà phê với nhóm để khởi đầu ngày mới, sau đó nhận vật tư, khách hàng hẹn lên nhà. Giờ làm việc được chia làm 4 khung: 8h-10h, 10h-12h, 13h-15h, 15h-17h. Ngày rảnh rỗi thì 2-3 ca một khung. Còn mùa cao điểm, khối lượng công việc tăng đột biến. Có lần chạy đến 16 ca, khi công việc nhiều thì ăn uống cũng không điều độ được. 

Có hôm, một anh trong nhóm bị ốm, lo như “đứng đống lửa” khi nghe tin, một phần lo cho sức khỏe của đồng nghiệp, một phần khách hàng đang gọi lắp đặt. Từ một khu, Thúy ôm cả 2 khu, lúc ấy trời nắng như đổ lửa, lại đang sửa đường, mỗi lượt đi về 30 phút, nhưng cô gái sẵn sàng lên đường để hỗ trợ đồng nghiệp đang nằm trên giường bệnh. 

Còn khách hàng thì có hàng trăm loại tính cách khác nhau. Thúy kể, một lần gặp khách hàng đóng tiền rồi mà không may mạng lỗi, tưởng bị cắt Internet, Thúy lật đật đi xuống nhà khách hàng rồi chịu khó ngồi nghe càm ràm 2 tiếng rưỡi. Lúc mới vào nghề, khi bị “ăn chửi”, lắm lúc cái tôi trỗi dậy, cảm thấy bực dọc bởi nhiều khách hàng không cần biết có phải lỗi của kỹ thuật viên hay không, chỉ cần có người của công ty đó xuất hiện là hứng cơn giận. Dần dần, Thúy quen với những tình huống đó. Cô nhận ra để thành công được trong bất cứ việc gì, đặc biệt là nghề này, cần bình tĩnh xử lý và xoa dịu khách hàng. Chỉ một câu: “Anh chị thông cảm giúp” và thể hiện sự nhiệt thành là có thể biến chuyển tình thế. Lần đó, cô kỹ thuật viên từ từ xử lý để có tín hiệu lại cho khách hàng.  

Ngược lại, lắm lúc khách hàng mời cơm trưa, tặng bánh, tặng nước... là những niềm vui nho nhỏ Thúy tìm thấy ở công việc. Có một lần, chú nọ gọi xuống nhà, Thúy sốt ruột tưởng khách hàng báo lỗi, nhưng ai ngờ… “Chú tặng lại con cục xà phòng nước ngoài con chú cho”. Thúy chỉ biết xúc động nghẹn ngào khi công việc mang đến cho nữ kỹ thuật viên những cảm xúc và sợi dây gắn kết không nơi đâu có được. Luôn ý thức được kỹ thuật viên ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu FPT Telecom, đi làm, Thúy cố gắng kỹ tính không để khách hàng phàn nàn.

MG-0021-6030-1541004101.jpg

Thúy là nhân sự nữ duy nhất của PNC tại Bình Thuận. 

Công việc áp lực nhưng chừng nào còn tìm được sự mới mẻ, còn tìm được sự học hỏi thì áp lực đó dường như tan biến. Đã vậy, lúc đi học, môi trường nữ nhiều, đùng một cái Thúy lạc giữa một “rừng” kỹ thuật viên nam, bỗng dưng được “cưng” vì là nữ duy nhất trong nhóm. Môi trường FPT vui và nhiều điều khám phá học hỏi, anh em hướng dẫn tận tình khá phù hợp với tính cách cởi mở của Thúy. Thúy vẫn nhớ anh Nguyễn Văn Bảo - kỹ thuật viên FPT Telecom Bình Thuận là người đầu tiên đã đưa cô vào con đường này. Thúy vẫn gọi anh Bảo là “sư phụ”, người cầm tay chỉ việc mình luôn nể trọng với chuyên môn cứng, tính cách lại hòa đồng, phân tích đúng sai để Thúy tiến bộ. Có lần, cả nhóm lần đầu đi nghỉ mát cùng nhau, sư phụ đã thay Thúy ở nhà làm để “học trò” được cơ hội giao lưu cùng nhóm. 

Sau 2 năm làm kỹ thuật viên indoor và onsite, Thúy vừa chuyển sang vị trí kỹ thuật viên điều hành tại chi nhánh. Không phải chạy đôn chạy đáo như trước, nhưng cũng phải cực kỳ tập trung khi kiểm soát công việc, điều phối, phân công nhân sự, check mail, quản lý vật tư để quá trình triển khai, bảo trì của anh em kỹ thuật được vận hành suôn sẻ. Công việc không nhiều nhưng đôi lúc dồn dập muốn “phát rồ”, anh em cần hỗ trợ đột xuất, phân công ca vụ. Ngày nào cũng diễn ra theo “guồng” 8h30 check mail, phản hồi, ngồi chờ, xử lý sự cố. Đôi lúc, trưa đi ăn cơm cũng không yên tâm, tối về sớm cũng không đành vì anh em cần hỗ trợ là Thúy phải có mặt.  

Từ ngày Thúy chuyển sang làm kỹ thuật viên điều hành tại văn phòng, khách hàng không thấy Thúy đi onsite, indoor nữa cũng thấy vắng, thấy lạ hỏi “Thúy đâu rồi”. Chân đi không mỏi, có lẽ điều vẫn làm Thúy trăn trở đến nay là không còn được “bay lượn” như thời làm onsite, indoor. Tuy nhiên, với Thúy, còn mới mẻ, còn học hỏi thì không bao giờ thấy chán. Lĩnh vực Viễn thông vẫn còn là một chân trời rộng mở với cô gái trẻ mê kỹ thuật. 

>> Kỹ thuật viên Viễn thông Bình Thuận: 'Bền bỉ mới trụ với nghề'

Xuân Phương

Ý kiến

()