Một buổi tối cách đây 8 năm, khi anh Nguyễn Hữu Hậu, kỹ thuật viên Phương Nam (FPT Telecom Bình Thuận), vừa bước vào nghề, có một khách hàng gọi rối rít xuống nhà. Hốt hoảng, tưởng lỗi mạng, anh Hậu tất tả gom dụng cụ, chạy gấp rút xuống nhà khách hàng, tim đập thình thịch. Ngờ đâu, khách hàng kêu sửa… nồi cơm điện.
Ngẫm lại, nhiều người hiểu lầm kỹ thuật viên Phương Nam là thợ điện cũng có lý do. Bởi những màu áo xanh hằng ngày vẫn gắn liền với hình ảnh leo cao lên trụ điện, rồi cầm kềm, nối dây các thứ, đôi lúc, người dân cứ ngỡ như... thợ sửa điện.
Anh Nguyễn Hữu Hậu chia sẻ kỷ niệm khó quên nhất trong 8 năm làm kỹ thuật viên. |
Gặp anh Nguyễn Hữu Hậu vào một buổi sáng tại trụ sở FPT Telecom Bình Thuận, số 7 Tuyên Quang, TP Phan Thiết, lúc đó là 7h. Ánh nắng lọt qua từng khe lá chiếu xuống ly cà phê đen đang nhỏ từng giọt. Mỗi ngày mới bắt đầu, anh Hậu cũng như bao anh em Phương Nam khoác lên màu áo đồng phục, chiếc áo xanh đã bị sờn bạc vì mưa nắng. Sau ly cà phê sáng để trao đổi công việc đầu ngày với nhóm, anh Hậu xắn tay áo mang dụng cụ và túi đồ nghề lúc nào cũng không thiếu thang xếp, kềm, cuộn dây cáp… lỉnh kỉnh, rồi đi xe máy đến nhà khách hàng có yêu cầu triển khai, bảo trì. Anh Hậu kể, mỗi ngày anh làm khoảng 8 ca vụ như thế. “Khách hàng kêu đâu làm đó, sự cố đôi khi đến hàng chục ca mỗi ngày”, anh chỉ tay lên đường dây cáp rồi miệng nhoẻn cười.
Mỗi ngày, kỹ thuật viên luôn đối mặt với nhiều nguy hiểm. |
“Leo trụ điện chắc chắn trên đó có điện”, anh Nguyễn Hữu Hậu trải lòng về sự nguy hiểm mỗi ngày phải đối mặt. Làm việc leo trèo cao, khi xung quanh là dây điện nhiều lúc cũng run và ngợp bởi nguy hiểm ập đến lúc nào ai biết được. Đã vậy thời tiết Bình Thuận lắm lúc “làm nũng”, nắng mưa thất thường, nắng thì cháy chỉ áo, mưa thì ướt từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài khiến những kỹ thuật viên áo xanh vất vả bội phần. “Nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề”, anh Hậu nói về cái duyên đến với công việc này, “làm khổ mình cũng quen khổ rồi”, kỹ thuật viên Viễn thông Bình Thuận lấy tay lau giọt mồ hôi và nói.
Sáng hôm đó, mới 7h sáng mà nắng đã gắt, giọt mồ hôi trên má anh lăn dài. Anh Hậu vừa dừng xe tại nhà khách hàng, mở nụ cười tươi chào cô bán trái cây ngay dưới chân trụ điện, chào lễ phép: “Cô ơi, cho con bắt thang tại đây tí nhé”. Người kỹ thuật viên một tay cầm thang, vai đeo túi dụng cụ, đeo dây an toàn, thao tác thành thục bởi công việc đã lặp đi lặp lại suốt gần 3.000 ngày qua, “đều như vắt tranh”. Thang được đặt lên cây trụ điện với hệ thống dây “như mạng nhện”. Từ từ, từng bước chân trong đôi giày cũ đặt lên từng bậc thang, từng bậc thang thận trọng, trên tay là sợi dây cáp để nối vào tập điểm triển khai kết nối cho khách hàng. Gương mặt anh hết sức tập trung bởi một sơ suất nhỏ cũng có thể nguy hiểm cho bản thân. Một lần triển khai như vậy lấy của anh tầm 20 - 30 phút.
Anh Hậu cho biết trong công việc này, cần đặc biệt cẩn trọng để đảm bảo an toàn lao động. |
Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ, kỹ thuật viên Viễn thông là công việc nhàm chán, khô khan, nhưng chỉ ai trong nghề mới hiểu, các anh phải đối mặt với muôn hình vạn trạng các sự cố, tình huống, tiếp xúc với hàng trăm, hàng nghìn khách hàng với các thể loại tính cách, nhu cầu khác nhau. “Những khách hàng hiểu mình cũng nhẹ người, còn nhiều khách hàng khó tính thì mình lại càng phải bình tĩnh giải thích. Ai mà không bền bỉ, không đam mê sẽ bỏ ngay vì chỉ cần trèo lên trụ điện nhìn xuống thôi đã hoảng rồi”, anh tâm sự.
Anh có gia đình sau khi đến với nghề, nên vợ cũng phần nào hiểu và thông cảm cho công việc của chồng. Điều này càng khiến anh Hậu ý thức phải sắp xếp công việc gia đình, giờ giấc, bởi khách hàng yêu cầu đâu phải có mặt đó. Tréo ngoe, hầu hết khách hàng chỉ rảnh ngoài giờ hành chính, khách hàng lại là thượng đế. Anh kể, có lúc làm đến tối, thậm chí khi có sự cố đặc biệt làm xuyên đêm tới sáng.
Đồng đội chính là yếu tố khiến anh gần chục năm gắn bó với nghề vất vả này. |
Nghề nào cũng có sự đánh đổi, anh lấy sự vất vả để đổi lấy niềm vui bởi môi trường FPT cho anh những mối quan hệ anh em bạn bè ít nơi nào có được. “Hơn 8 năm gắn bó với nghề, cũng nhờ anh em đoàn kết hỗ trợ, có khó khăn ngồi lại chia sẻ cho nhau, không có khó khăn nào không giải quyết được”, anh tự hào về đồng đội.
Cùng với nhân viên kinh doanh, thu cước và chăm sóc khách hàng, kỹ thuật viên Phương Nam chính là đội ngũ tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhiều nhất. Do đó, đội ngũ kỹ thuật Viễn thông ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh của FPT Telecom trong mắt khách hàng, giúp nâng cao uy tín dịch vụ Internet và Truyền hình FPT. Ý thức được điều này, 8 năm gắn bó với nghề anh Nguyễn Hữu Hậu luôn luôn tâm niệm phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất và dự định sẽ gắn bó lâu dài với nhà Viễn thông.
Video: Chuyện nghề Kỹ thuật viên Viễn thông qua nhân vật Nguyễn Hữu Hậu - FPT Telecom Bình Thuận:
>> Những câu nói truyền cảm hứng cho sinh viên tại FPT Tour
Xuân Phương
Ý kiến
()