Chúng ta

‘Mr. Yes’

Thứ sáu, 17/2/2017 | 10:05 GMT+7

Người đàn ông có vóc người bé nhỏ nhưng mang trong mình những suy nghĩ lớn. Anh không nề hà công việc đến mức luôn nhận tất cả trách nhiệm lên vai. Mọi người gọi anh bằng cái tên “Mr. Yes”.

Anh là Nguyễn Ngọc Lắm - người có gần 16 năm gắn bó với FPT Telecom. Cơ duyên gia nhập “nhà Cáo” bắt nguồn từ việc hợp tác giữa đơn vị và Sở Giao thông Công chính TP HCM, nơi anh Lắm phụ trách nhiều dự án trọng điểm. Anh Mai Sung, Giám đốc FPT Telecom miền Nam lúc bấy giờ, đã mời nhân tài về với đơn vị, ngụ tại số 75 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1. Ngay từ ngày đầu bước chân vào văn phòng, “Mr. Yes” đã cảm nhận “đây là nơi thích hợp và sẽ gắn bó dài lâu”.

Mọi việc rất thuận lợi khi anh được giao vị trí Phó Giám đốc FPT Telecom miền Nam, quản lý toàn bộ cơ sở hạ tầng tòa nhà, phòng server máy chủ và đội kinh doanh web. Năm 2003, khi FPT Telecom hai miền sáp nhập, anh chuyển sang vị trí Trưởng phòng hạ tầng kiêm quản lý kinh doanh Internet qua thẻ cào. Đơn vị ngày càng phình to, Giám đốc FPT Telecom là anh Trương Đình Anh quyết định “nâng cấp” văn phòng đến tòa nhà 6 tầng hoành tráng ở 68 Võ Văn Tần. Ở đây, anh Lắm được giao nhiệm vụ xây dựng 20 tủ đặt server, được xem là con số “khủng” thời đó, thể hiện tham vọng dẫn đầu thị trường của “nhà Cáo”.

DSC-2396-JPG-6937-1486625395.jpg

Anh Lắm ghi lại khoảnh khắc lễ khánh thành mở rộng hai trung tâm dữ liệu Data Center đạt chuẩn Uptime Tier III ở Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 (TP HCM).

Một ngày cuối năm 2004, “Mr. Yes” nhận được cuộc gọi của anh Mai Sung yêu cầu vào văn phòng gấp. Sau động tác gõ cửa, anh Lắm bước vào phòng, bắt gặp gương mặt căng thẳng của hai người đàn ông, trong đó có anh Trương Đình Anh. “Anh em mình một là chết, hai là sống”, anh Đình Anh nói và anh Lắm được giao trọng trách tính toán, thiết kế, lên phương án thi công một dự án bí mật quyết định đến sự tồn tại của đơn vị. Ngay trong buổi sáng, ý tưởng được chốt và ngay lập tức được anh Lắm thực thi.

Quyết sách quan trọng là cung cấp dịch vụ ADSL cho khách hàng như ngày hôm nay. Trong 45 ngày, anh Lắm và các cộng sự phải xây dựng 10 đài trạm cung cấp dịch vụ Internet đầu tiên ở Sài Gòn, cụ thể là quận 1 và 3. Dự án được triển khai trong bí mật và gấp rút, có những ngày 3-4h sáng mà “Mr. Yes” vẫn còn ngoài đường cùng nhân viên lắp thiết bị. Cuối cùng, mọi nỗ lực đã được đền đáp, hệ thống hoàn chỉnh và lấp đầy cho 3.000 khách hàng chỉ trong một tháng. Đây cũng chính là dấu mốc quan trọng trong hành trình phát triển của FPT Telecom.

Là một nhân tố chủ chốt của FPT Telecom Sài Gòn thời đầu, việc quyết định gắn bó lâu dài đến một cách tự nhiên với anh. Tuy nhiên, năm 2009, đã có lúc người đàn ông này lóe qua suy nghĩ rời đơn vị, dù tình yêu vẫn đang nồng cháy. Một sự cố hy hữu bất ngờ ập đến làm toàn bộ hệ thống máy chủ bị sập nguồn. Anh Lắm hoàn toàn sốc. Một phòng máy với hệ thống đồ sộ không lúc nào ngơi nghỉ thanh âm bỗng nhiên… “đứng hình”. Sự im lặng đáng sợ như cả thế giới đang sụp đổ trước mắt. Điều này có nghĩa toàn bộ đường truyền của khách hàng bị ngắt hoàn toàn kết nối Internet.

Lamnn-FPT-16-tuoi-9686-1487220603.jpg

"Mr. Yes" (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp kỳ cựu FPT Telecom thời "Ơ kìa".

Gương mặt người đàn ông quản lý hệ thống sever cắt không còn một hột máu. Nhân viên của anh cũng không tin vào diễn biến trước mắt. Là người chịu trách nhiệm với việc vận hành hệ thống, anh Lắm nhận “là lỗi của mình trước tiên” và đã nghĩ đến chuyện viết đơn xin nghỉ việc.

“Không có thành công trải bước trên hoa hồng. Ngôi nhà FPT Telecom có được vững chắc như hôm nay, ngoài nền móng căn bản kế thừa từ những người sáng lập, còn nhờ sự vun đắp, xây dựng của cả một đội ngũ đoàn kết, nhiệt huyết và đầy kỷ luật”, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà.

Điện thoại anh liên tục rung lên. Những cuộc gọi quở trách và căng thẳng. Lúc này, anh hoàn toàn bất ngờ khi Phó Giám đốc FPT Telecom Chu Thanh Hà (hiện là Chủ tịch FPT Telecom) liên tục đồng viên, cảm thông và khuyên anh “bình tĩnh để cùng mọi người giải quyết sự cố”. Chị khẳng định mình và anh Khoa (nay là TGĐ FPT Telecom) sẽ hỗ trợ hết sức. Tình cảm, sự chân thành và sát cánh của những cộng sự đã níu giữ anh Lắm ở lại với quyết tâm phải nhanh chóng “lập công chuộc tội”.

48h sau đó là một chuỗi dài đằng đẵng với hàng tá công việc. Anh Lắm gần như thức trọn với phòng máy. Trong thời điểm khó khăn, có lúc nước mắt đã rơi. Bằng tất cả nỗ lực, anh đã khôi phục được hệ thống, dù đây là sự cố mà ngay cả kỹ sư của nhà cung cấp cũng không lý giải được nguyên nhân, người quản lý cũng phải chịu trách nhiệm.

“Mr. Yes” bị kỷ luật, hạ level và lương. Nhưng anh không cảm thấy buồn nữa vì đã giải quyết được nhanh gọn sự cố và cảm nhận được tình cảm từ những người bên cạnh. Chỉ một năm sau, anh khôi phục được vị trí ban đầu.

Anh Lắm hiện quản lý hai trung tâm dữ liệu lớn của FPT Telecom ở Tân Thuận (TP HCM) và Cầu Giấy (Hà Nội). Bí quyết thành công của anh nghe qua có vẻ không phức tạp là thường xuyên tham khảo và cập nhật thông tin cũng như công nghệ mới. Thời còn là sinh viên ngành cơ khí ô tô trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, anh đã cắp sách đi học thêm các lớp viết phần mềm hay hệ thống điện điều khiển. Anh thích tìm hiểu những điều mới lạ, đặc biệt là thiết bị công nghệ vì “mọi thứ dù có hay không liên quan đều ít nhiều giúp cho công việc của mình”.

Lam-va-ba-xa-JPG-1808-1486625395.jpg

Anh Lắm cùng hậu phương tham gia một giải chạy.

Người đàn ông này cũng thừa nhận mình “nghiện” việc nghiên cứu thế giới xung quanh. Tivi, tủ lạnh, đầu máy hay cassette thuở ấy thường bị chàng trai nhỏ “phá banh” để nghiên cứu và khám phá. Thói quen này lớn dần trong anh theo cấp độ của thời gian và vĩ mô hơn về mặt trí tuệ. Bây giờ, thú vui trong những giờ rảnh rỗi hiếm hoi của “Mr. Yes” vẫn gắn với những thiết bị như máy bay điều khiển hay flycam. Cuộc sống và công việc của anh dường như luôn gắn liền, không hề tách rời.

Theo TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa, anh Lắm là mẫu người chịu khó tìm tòi, học hỏi nhất trong Viễn thông FPT. "Anh là “linh hồn” của hệ thống M&E. Anh Lắm không bao giờ từ chối giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp, và chính vì vậy anh cũng là mẫu người được yêu mến nhất FPT Telecom", anh Khoa nói về đồng nghiệp. "Điều mà tôi ấn tượng nhất từ anh đó là: 'Vấp ngã ở đâu, đứng lên từ đúng chỗ đó để sửa chữa và hoàn thiện mình'. Với áp lực an toàn của hệ thống M&E, không phải ai cũng dũng cảm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để phụ trách và chịu trách nhiệm cao nhất đối với công việc này".

Trong câu chuyện của anh Lắm, bóng dáng người vợ thường xuyên xuất hiện, từ việc đưa ra lời khuyên khi anh muốn từ bỏ công việc đến đôn đốc những bữa ăn hằng ngày. Dù chồng phải trong tâm thế giải quyết công việc bất kể giờ giấc và không bao giờ được tắt điện thoại, chị vẫn ủng hộ tất cả bằng việc lặng lẽ chăm sóc cho anh.

Nhờ sự hỗ trợ của hậu phương, anh không bao giờ nói “không” với công việc được giao mà chỉ cần thời gian để nghiên cứu và thực hiện. Người ta gọi anh là “Mr. Yes” còn bởi mọi thứ anh thực hiện đều nghiêm túc và hoàn chỉnh đến mức chỉ có thể gật đầu công nhận bằng từ ngắn gọn “Yes”.

>> Top 50: 'Bố mẹ hạnh phúc khi tôi trưởng thành'

Trương Sanh

Ý kiến

()