Chúng ta

Runners FPT nỗ lực rèn chân cho giải chạy khắc nghiệt nhất 2020

Thứ hai, 26/10/2020 | 07:29 GMT+7

Chỉ còn một tháng để các chân chạy kỳ cựu của nhà F chuẩn bị cho Vietnam Mountain Marathon (VMM) 2020, giải chạy được coi là “khó nhằn” nhất Việt Nam, tổ chức tại Sapa ngày 21-22/11 tới.

Hơn 3.000 vận động viên dự kiến tề tựu tại vùng rừng núi hùng vĩ phía bắc Việt Nam để tham gia Vietnam Mountain Marathon 2020 (VMM 2020). Khuya thứ Sáu và sáng sớm thứ Bảy (ngày 21/11) sẽ diễn ra cuộc đua ở các cự ly 42 km, 70 km và 100 km, còn vào Chủ nhật (22/11), các runners sẽ tranh tài ở cự ly ngắn 10 km, 15 km và 21 km.

Khác với thường lệ, được tổ chức vào tháng 9 với thời tiết nắng đẹp và những thửa ruộng bậc thang đang vào mùa lúa chín, năm nay do Covid-19 mà VMM phải dời lịch sang nửa cuối tháng 11. Đây thực sự là một thử thách đối với runners, các vận động viên chạy dài nhà F cũng không ngoại lệ.

Thông tin VMM lùi lịch được cập nhật đúng vào lúc Nguyễn Hữu Quang (FPT Telecom) bước vào giai đoạn nhồi thể lực để đạt đỉnh của cả kế hoạch tập luyện. Lần đầu tiên tham dự giải, anh Quang tập trung gần như toàn lực cho VMM và đăng ký chạy ở cự ly 70 km. “Việc đẩy lịch kéo theo rất nhiều rủi ro bởi thời tiết tháng 11 khác rất nhiều so với tháng 9, hơn nữa kế hoạch tập luyện cũng phải điều chỉnh lại. Mình và một số anh chị đang hướng tới các cự ly 70 km và 100 km đã tính tới phương án sẽ chuyển qua tham gia vào năm sau, nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn tham gia và duy trì tập luyện hàng tuần”, Quang giãi bày.

rsz-1quang-3955-1603353475.jpg

Nguyễn Hữu Quang tại Long Biên Marathon 2019.

Đặt VMM 2020 làm mục tiêu chính cho tháng 10-11, anh hy vọng sẽ hoàn thành đường chạy của mình trước khi mặt trời lặn, tương đương chạy 70 km trong vòng 14 giờ. Anh hiện tập luyện hàng tuần tại Đồng Đò và Hàm Lợn (Sóc Sơn) với các thành viên câu lạc bộ của mình. Họ tập trung vào các bài tập longrun từ 27-40 km/buổi để cơ thể quen với việc chạy địa hình, dinh dưỡng, điện giải, tổ chức những sự kiện chạy thử với địa hình khó và COT rất “gắt” (Cut-off time - thời gian đóng đường chạy: thời gian quy định mà các VĐV cần phải hoàn thành đường đua của mình). 

Ngoài ra, Quang cũng liên tục trao đổi trong các nhóm Facebook, nhóm chat, workshop giao lưu chia sẻ với các chân chạy ultra runners giàu kinh nghiệm khác. Ví giải chạy này như “đại hội võ lâm”, Nguyễn Hữu Quang hy vọng mùa VMM đầu tiên sẽ thật đáng nhớ với anh khi được chạy địa hình dài trong thời tiết giá lạnh, “biết đâu lại có tuyết”.

Ngược lại với chân chạy nhà "Cáo", VMM 2020 đã là mùa VMM thứ 5 của chị Nguyễn Thu Hường (FPT Software), với các cự ly lần lượt là 10 km (2016 và 2017), 42 km (2018), 70 km (2019). Năm nay chị đăng ký cự ly 100 km. “Mình chuyển về tập thiên về củng cố các hệ cơ, tập thực địa, lên núi nhiều”, chị Hường tiết lộ. “Trong tuần mình cố gắng duy trì mileage (số km chạy tích lũy trong tuần), tập trung tập thêm các nhóm cơ, đặc biệt là cơ đùi, vùng core (cơ lõi), sao cho hệ cơ đủ để duy trì cự ly dài”.

Vẫn giữ mật độ tham gia giải dày đặc, cả với vai trò tổ chức và thí sinh, chị Hường còn phải phân phối sức cho nhiều giải chạy liên tiếp khác nữa. Vì vậy, đăng ký cự ly 100 km năm nay với chị là một sự “liều mạng”. “Mình chỉ mong hoàn thành được lần chạy 100 km leo núi đầu tiên trong đời, không đặt mục tiêu về thời gian”, chị nói. 

rsz-huong-2511-1603353475.jpg

Tham gia rất nhiều giải chạy, chị Nguyễn Thu Hường vẫn luôn dành niềm yêu thích đặc biệt cho VMM.

Nữ runner từng chinh chiến qua hơn 60 giải chạy trong và ngoài nước cho biết, do Covid, chị không có nhiều thời gian tập luyện nên chưa hẳn đã sẵn sàng cho 100 km tại VMM năm nay. Vì vậy, khi lịch tổ chức được dời thêm hai tháng, Hường cũng yên tâm hơn đôi phần vì có thêm thời gian tập luyện, nhưng cái lạnh tháng 11 tại Sapa vẫn sẽ là một thách thức lớn vì khả năng chịu lạnh của chị Hường không cao. Dẫu vậy, VMM luôn là điểm hẹn mà chị Hường đón chờ trong năm, bởi giải chạy tựa như một “lễ hội toàn zombie chân ‘chấm phẩy’”, mang lại vô vàn hứng khởi và sự thích thú.

Chung cảm nhận với chị Hường về lịch thi đấu và về thời tiết vùng núi Tây Bắc, người FPT đầu tiên chinh phục 100 km của VMM - anh Bùi Thái Thành Long (FPT IS) “hơi hơi vui” khi có thêm thời gian để đôi chân hồi phục từ chấn thương nặng hồi đầu năm, đồng thời lo lắng bởi chưa tính được phương án đối phó với cái lạnh. “Mình sợ lạnh, bình thường mùa đông cũng chỉ chạy 15-20 km đổ lại, chạy dài thì chưa bao giờ”, anh Long tâm sự.

thanh-long-fpt-6808-1569138244-6319-1603

Gia đình chờ anh Bùi Thái Thành Long tại một điểm checkpoint của VMM 2019.

Mùa VMM 2019, anh Long đã về đích cự ly 100 km trong thời gian ấn tượng: 25h24p. “Năm ngoái mình tập luyện bài bản hơn, năm nay vì chấn thương nên tập rất ‘vớ vẩn’”, anh nói. Theo kế hoạch, anh Long sẽ phải tập trước 6 tháng, mileage mỗi tuần sẽ phải từ tầm 50 đến 90 km, kết hợp tập chạy trail vào cuối tuần. Tuy nhiên do chân chưa ổn, anh không duy trì được mileage như ý. Dù vậy, anh Long vẫn cố gắng sắp xếp cuối tuần đều đặn lên Đồng Đò. Anh cũng chưa tham dự giải chạy lớn nào trong năm để giữ chân cho 1-2 giải chính, trong đó có VMM.

Cán bộ nhà Hệ thống không quá tự tin về khả năng hoàn thành hoặc hoàn thành tốt hơn năm ngoái. Bùi Thái Thành Long cho hay anh chưa bao giờ cố sức đua tốc độ, mà chỉ chạy bền bỉ sao cho quãng đường được xa nhất.

Một runner khác cũng sẽ chạy cự ly tối đa 100km tại VMM 2020 là chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (FPT Software). Năm ngoái chị đã hoàn thành 70 km leo núi trong 15h45p và lọt Top 4 nữ VĐV Việt Nam lứa tuổi 30-39. Bí quyết của chị Mai "chẳng có gì ngoài tập core và ‘cày’ tích lũy số km hằng tháng". Ngày thường, chị chọn chạy nhẹ nhàng, cuối tuần có những bài long run và tập core tại nhà. Bài tập của chị khá đa dạng nhảy dây, nhảy tam cấp, squat, ...

mai-3184-1603353475.jpg

Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai là chân chạy có tiếng của FPT.

Không quá hụt hẫng hay bị ảnh hưởng tâm lý từ quyết định dời lịch VMM 2020, chị Mai cho biết sẽ chuẩn bị kỹ trang phục ấm và tất dự phòng, đồng thời bổ sung nhiều dinh dưỡng để giữ nhiệt. Gia đình vẫn sẽ đồng hành nữ cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Sẻ chia nhà Phần mềm ở VMM 2020, như trong mọi giải chạy khác.

Nữ runner nhà F còn lại đăng ký chạy dài cũng là một gương mặt quen thuộc: chị Nguyễn Thị Khánh Ly (FPT Software). Tại VMM 2019, chị Ly hoàn thành cự ly 42 km leo núi với thời gian 10h31p và nằm trong Top 10 bảng nữ VĐV 20-29. Năm nay, chị lần đầu thử sức ở cự ly 70 km.

Chia sẻ “hơi ngại” khí hậu lạnh tháng 11 và thời tiết khó đoán đầy thách thức của Sapa, cô gái miền Trung vẫn đang cố gắng duy trì mileage khoảng 60km/1 tuần kết hợp tập bổ trợ như squat, leo cầu thang. Ở Đà Nẵng, chị thường tập núi Sơn Trà để quen với việc leo dốc. Bão lụt nhiều ngày tại miền Trung khiến Khánh Ly buộc phải hạn chế việc tập ngoài trời. Thay vào đó, chị tập trong sân mái che, chạy vòng lặp 300 m. Với Ly, đây là một kiểu tập tinh thần vì nó khá “thiền định”. 

rsz-ly-5010-1603353475.jpg

"Mùi của cánh rừng già, của niềm vui khúc khích qua thung lũng, của tự do lao vun vút trên đôi chân mình", Nguyễn Thị Khánh Ly cảm nhận về VMM 2019.

Theo Khánh Ly, chạy trail (địa hình) luôn mang đến cho chị niềm hưng phấn, bởi không như chạy road (đường bằng), mọi yếu tố thời tiết như một cơn mưa, nhiệt độ xuống thấp, độ lầy lội của đường núi đều có thể ảnh hưởng tới trải nghiệm và cuộc đua của runner hôm đó.

VMM là giải marathon leo núi hấp dẫn nhất Việt Nam. Do Topas Travel (Đan Mạch) tổ chức, giải đấu được bắt đầu từ năm 2013 và đến nay đã diễn ra mùa thứ 8, thu hút hàng nghìn VĐV đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cung đường các VĐV chạy qua là trên các đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn Hùng vĩ. Đường đua có độ dốc cao, vô cùng khốc liệt và nguy hiểm. Mỗi cự ly sẽ mang đến những đoạn leo đầy thử thách, đổ dốc đầy hứng khởi và cái nhìn cận cảnh cuộc sống thường nhật của những bản làng dân tộc.

Ngày 7/10, Hiệp hội Chạy FPT (FPT Run) cùng Ban Chấp hành lâm thời đã chính thức ra mắt người nhà F.

Tiền thân là CLB FPT Runner, FPT Run hoạt động dưới sự bảo trợ của Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT. Hiệp hội hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phong trào rèn luyện sức khỏe thông qua chạy, đi bộ trong toàn FPT; tập hợp CBNV FPT có sở thích chạy, đi bộ trong toàn tập đoàn và xây dựng các hoạt động bài bản, tôn vinh khen thưởng những điển hình trong phong trào chạy, đi bộ. Hiện FPT Run có 1.600 hội viên. Hiệp hội Chạy FPT có nhóm trên Workplace tại link này và nhóm Facebook tại đây.

Hiệp hội ra đời thể hiện nỗ lực của Tập đoàn trong việc chăm lo đời sống tinh thần, thể chất cho CBNV. Các Hiệp hội sẽ nhận được sự ủng hộ cao nhất từ lãnh đạo Tập đoàn. Đây là nhiệm vụ của FPT khi lực lượng ngày một trẻ hóa và quy mô ngày một lớn mạnh.

>> Hiệp hội FPT Run phát động chạy gây quỹ ủng hộ miền Trung

Hạ An

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()