Chúng ta

12 địa điểm phải đến trước khi chúng hoàn toàn biến mất

Thứ năm, 23/7/2015 | 09:05 GMT+7

Đền Taj Mahal, Ấn Độ, đang dần bị phá hủy bởi nhiều yếu tố như ô nhiễm không khí, mưa axit, sự phân hủy của vật liệu xây dựng…

Maldives

c1-1544-1437560909.jpg

Quốc đảo nhỏ bé ở Ấn Độ Dương Maldives là quốc gia thấp nhất thế giới. Với độ cao mặt đất trung bình chỉ 1,5 m, đất nước này cùng 400.000 dân có nguy cơ sớm bị xóa sổ bởi nước biển dâng cao. Rất có thể người Maldives sẽ trở thành một trong những người tị nạn khí hậu đầu tiên của thế giới.

Biển Aral, Kazakhstan/Uzbekistan

c2-6182-1437560909.jpg

Với diện tích 68.000 km2, biển Aral từng là hồ lớn thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên, kể từ những năm 1960, sau khi các con sông đổ vào đây bị chuyển hướng do dự án thủy lợi của Liên Xô, nó liên tục bị khô hạn. Đến năm 2007, biển bị giảm đến 10% kích thước ban đầu, tách thành nhiều hồ nhỏ.

Vườn quốc gia Glacier, Montana

c3-5310-1437560909.jpg

Nằm trên biên giới Mỹ - Canada, vườn quốc gia Glacier có hàng trăm dòng sông băng. Nhưng ngày nay, chỉ có 25 điểm đủ lớn để được coi là dòng sông băng đúng nghĩa. Ngoài ra, bạn có thể đến đây để tham quan những khu rừng nguyên sinh, lòng hồ đẹp, đồng cỏ ở dãy An-pơ và núi cao.

Ko Tapu, Thái Lan

c4-8473-1437560909.jpg

Cù lao cao 20 m Ko Tapu nằm trong vịnh Phang Nga, Thái Lan. Thành hệ đá tuyệt vời này trở nên nổi tiếng vào năm 1974 khi nó xuất hiện trong bộ phim Điệp viên 007: Sát thủ với khẩu súng vàng (The Man with Golden Gun). Kể từ đó, nó còn được gọi là "Đảo James Bond" và thu hút rất đông khách du lịch. Tuy nhiên, người ta sợ rằng cù lao sẽ sụp đổ sớm do nền móng vô cùng yếu.

Biển Chết, Jordan/Israel/Palestine

c5-9235-1437560909.jpg

Bề mặt biển Chết nằm ở độ sâu hơn 400 m dưới mực nước biển nên đây cũng được xem là nơi thấp nhất trên trái đất. Đây là một trong những khu nghỉ dưỡng đầu tiên trên thế giới, hồ nước mặn sâu nhất thế giới. Nhanh chân đến đây để đắm chìm trong làn nước. Từ năm 1930, Biển Chết đã thu hẹp lại một nửa.

Rừng mưa nhiệt đới Tahuamanú, Peru

c6-1617-1437560909.jpg

Đây là một trong những nguồn cung cấp gỗ gụ lớn nhất thế giới, đông thời là môi trường sống tự nhiên của các loài động vật kỳ lạ như tatu khổng lồ, báo đốm và vẹt. Rừng ngày càng cạn kiệt do hành vi khai thác gỗ bất hợp pháp.

Venice, Italy

c7-1766-1437560909.jpg

Nhiều thành phố đang gặp nguy hiểm vì mực nước biển dâng. Nằm ở phía đông bắc Italy, thành phố xinh đẹp nổi tiếng với bầu không khí lãng mạn Venice là một trong số đó.

Taj Mahal, Ấn Độ

c8-4111-1437560909.jpg

Taj Mahal - lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng nằm ở thành phố Agra, Ấn Độ, là một trong những tòa nhà biểu tượng của đất nước này. Thu hút hơn 3 triệu du khách mỗi năm, điểm đến này đang dần bị phá hủy bởi nhiều yếu tố như ô nhiễm không khí, mưa axit, sự phân hủy của vật liệu xây dựng…

Pravcicka Brana, Cộng hòa Czech

c9-9872-1437560909.jpg

Pravcicka Brana nằm ở tây bắc Cộng hòa Czech là vòm đá sa thạch tự nhiên lớn nhất châu Âu. Kể từ khi mở cửa du lịch, phần trên của vòm đã bị xói mòn 80 cm. Từ năm 1982, khách du lịch không được phép lên trên vòm.

Derweze, Turkmenistan

c10-6820-1437560909.jpg

Trong khi tiến hành khoan thăm dò địa chất ở Derweze vào năm 1971, các nhà khoa học Liên Xô đã khoan phải một túi khí. Mặt đất bên dưới dàn khoan bị đổ sụp tạo thành một hố lớn với đường kính 70 m. Lo khí độc thoát ra khỏi hố, các nhà khoa học đã quyết định đốt hố Derweze. Vào thời điểm đó, người ta mong muốn khí độc sẽ cháy hết trong vài ngày nhưng hơn 40 năm nay nó vẫn tiếp tục cháy. Do đó thực tế này nơi này được mệnh danh là "The Door to Hell" (Cửa địa ngục).

12 vị tông đồ, Australia

c11-3503-1437560909.jpg

The Twelve Apostles (12 vị tông đồ) là một tập hợp các khối đá vôi tàn dư ngoài khơi Vườn quốc gia Port Campbell, bang Victoria, Australia. Qua hàng triệu năm bào mòn, nơi đây chỉ còn 7 tông đồ, 5 tông đồ kia đã bị nước và sóng làm ngã. Mỗi năm chúng bị xói mòn đi khoảng 2 cm.

Everglades, Florida

c12-1952-1437560909.jpg

Vườn quốc gia Everglades nằm ở miền Nam Florida, được xem là vùng đất hoang dã cận nhiệt đới rộng lớn nhất ở Mỹ, ngôi nhà chung của nhiều loài động thực vật. Sự lấn chiếm của con người, ô nhiễm môi trường và hoạt động canh tác đã phá hủy hơn một nửa hệ động thực vật ở đây.

Lê Vin (theo Chirkup)

Ý kiến

()