Chúng ta

FPT IS xây giải pháp giúp ngân hàng dễ dàng làm báo cáo theo chuẩn mực quốc tế

Thứ hai, 14/11/2022 | 10:22 GMT+7

Hệ thống ứng dụng IFRS9 là giải pháp đầu tiên của Việt Nam nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế với chi phí cạnh tranh.

Trước khi có sáng kiến, các ngân hàng tại Việt Nam không có giải pháp nội địa để hỗ trợ việc lập báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế. Vì thế họ sẽ phải mua giải pháp nước ngoài với chi phí cao và độ tương thích thấp với thị trường Việt Nam (vì chính sách của ngân hàng, thói quen sử dụng dịch vụ tài chính của người dân khác nhau) hoặc tự phát triển các công cụ, mất nhiều thời gian và công sức trong khi phạm vi tính toán hẹp và giao diện người sử dụng bị hạn chế.

FPT IS Bank đã xây dựng Hệ thống ứng dụng IFRS9 - cung cấp giải pháp tính toán các thông số theo yêu cầu của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9 trên toàn bộ dữ liệu của ngân hàng. "Hiện có thông tin đến 2025 Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ bắt buộc các ngân hàng/tổ chức tài chính tuân thủ IFRS9. Nhiều ngân hàng muốn tiên phong, còn các ngân hàng khác sớm muộn cũng sẽ phải tuân theo chuẩn mực này" - chị Trương Thị Phương, đại diện nhóm tác giả, cho biết.

Hệ thống do FPT IS Bank xây dựng có độ tương tích cao với dữ liệu và yêu cầu nghiệp vụ tại Việt Nam, giúp các ngân hàng/tổ chức tài chính tại Việt Nam tính các thông số theo yêu cầu của Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9 với phạm vi tính toán lớn, cũng như có sẵn các mẫu báo cáo thuyết minh theo yêu cầu của chuẩn mực quốc tế, giúp dễ dàng công bố thông tin.

Theo đại diện nhóm tác giả, quá trình xây dựng giải pháp gặp 2 khó khăn chính về kiến thức nghiệp vụ và về kỹ thuật. Thứ nhất, để làm được hệ thống phải có kiến thức sâu về ngân hàng, rủi ro kế toán… trong khi ở Việt Nam chưa có hướng dẫn nào về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9. Nhóm tác giả phải tự đọc, tự nghiên cứu chuẩn mực quốc tế, đọc tham chiếu đến các chuẩn mực khác và tùy chỉnh với thị trường Việt Nam.

Về kỹ thuật, để tính được cần có bộ dữ liệu đầu vào lớn, đến 60-70 triệu bản ghi (dòng thông tin). Không chỉ nhiều dữ liệu, yêu cầu về thuật toán tính toán cũng phức tạp, cần dùng thuật toán tối ưu để tính ra được thông số chuẩn mực yêu cầu, đào tạo mô hình trên bộ dữ liệu lịch sử, đưa ra mô hình dự đoán để tính được mức độ rủi ro mà ngân hàng phải dự phòng. Tổng cộng hệ thống phải tính toán cho khoảng 40 mô hình.

Giải pháp có giao diện người sử dụng thân thiện, ngôn ngữ tiếng Việt. Các công thức tính toán, nguyên tắc nghiệp vụ được tham số hóa và cho phép Người dùng cuối dễ dàng thao tác/điều chỉnh/thêm mới nếu yêu cầu nghiệp vụ thay đổi. Ngân hàng có thể lựa chọn định kỳ linh hoạt tính toán như  theo tháng hay quý, năm…

IFRS9 đã được triển khai thành công tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và được nhiều Ngân hàng khác quan tâm và có nhu cầu triển khai như Sacombank, Vietinbank...

Dự định tiếp theo của nhóm tác giả là nâng cấp giải pháp với việc phát triển thêm phiên bản web, tích hợp với công cụ huấn luyện mô hình để nâng cao chức năng hiện tại của hệ thống và tận dụng được các mã nguồn mở. 

Sản phẩm Hệ thống ứng dụng IFRS9 tham gia vòng Chung khảo số 7 (ngày 4/11) để tìm ra các đại diện cuối cùng đi tới Bán kết, với 3 sáng kiến tranh tài bảng A và 6 sáng kiến tranh tài bảng B.

Hà An

Ý kiến

()