Chúng ta
Thứ tư, 26/10/2022 | 15:53 GMT+7

STCo và gen Z hay câu chuyện về sự thích ứng

<span>Có nhiều lo ngại, có cả những tiếc nuối mỗi khi lớp người cũ nhà F nói về STCo. Ở những giai đoạn chuyển giao, thật khó để không đi qua những nốt trầm. Nhưng như bao câu chuyện tiếp nối ở FPT, khi những phiên bản gốc đã hoàn thành sứ mệnh thì ở đâu đó, sẽ có những phiên bản mới thích ứng hơn xuất hiện…</span>

STCo và gen Z hay câu chuyện về sự thích ứng

Có nhiều lo ngại, có cả những tiếc nuối mỗi khi lớp người cũ nhà F nói về STCo. Ở những giai đoạn chuyển giao, thật khó để không đi qua những nốt trầm. Nhưng như bao câu chuyện tiếp nối ở FPT, khi những phiên bản gốc đã hoàn thành sứ mệnh thì ở đâu đó, sẽ có những phiên bản mới thích ứng hơn xuất hiện…

23h đêm, hội trường Cung Hữu nghị Việt - Trung vẫn đỏ đèn trong Hội diễn STCo sau 2 năm mới trở lại. Một bao tải tiền nặng trịch nằm giữa sân khấu. Ai nấy hồi hộp chờ đợi một kết quả. 

Rồi cái tên “FPT Education” được cất lên, sân khấu bừng sáng, âm nhạc nổi vang, cả khán phòng rộn ràng tiếng vỗ tay.

Đó gần như là những khoảnh khắc cuối cùng, là nốt ngân của Hội diễn STCo mừng sinh nhật nhà F vào tháng 9 vừa qua, khi giải thưởng nóng trị giá 139 triệu của Viện Hàn lâm STCo được trao cho vở kịch “Làm khác để làm tốt” của nhà Giáo dục.

Chất lượng Hội diễn STCo không cao, nhưng mỗi vở diễn đã chứa đựng rất nhiều nỗ lực của các đơn vị. So với các tiết mục còn lại, "Làm khác để làm tốt" chưa hẳn xuất sắc toàn diện nhất, nhưng đủ để họ nhận giải thưởng của Viện Hàn Lâm STCo một cách xứng đáng nhất: "ra" chất STCo, thẳng thắn nhưng vẫn châm biếm ẩn ý và đáp ứng đủ tiêu chí "to, rõ ràng, dứt khoát". 

Vở diễn đó được làm nên từ những người trẻ và rất trẻ thuộc gen Z.

Vậy vì sao họ có thể chinh phục Lục viện, Bát tiên, Thập tam quỷ và giành về phần thưởng nóng danh giá? Liệu những lo ngại STCo đang không còn hấp dẫn với gen Z có đúng? Hay STCo đang được biến đổi để trở thành một phiên bản khác thích ứng hơn, phù hợp hơn?

Xuất hiện trong một sân chơi mới về văn hoá của nhà F, những tưởng Nguyễn Thuỳ Dương (FPT Smart Cloud) - người chơi thuộc thế hệ gen Z sẽ “lép vế”. Thế nhưng vượt lên trên e ngại, Dương cùng đồng đội đã thể hiện tình yêu và hiểu biết không nhỏ về lịch sử xứ F.

Biết đến văn hoá STCo một cách tình cờ khi tìm hiểu thông tin về FPT cho bài tập ở lớp đại học, cụm từ STCo đã khiến Dương tò mò. Một năm sau đó khi vào thực tập tại FPT, Dương mới thực sự được “chạm tay” vào văn hoá ấy. 

“STCo là một văn hoá độc - lạ, là ‘chất’ FPT mà không một doanh nghiệp nào có thể sao chép được” - Dương khẳng định. Cô nàng 2K cảm thấy STCo có khả năng gắn kết khi anh em cùng nhau sáng tác, trình diễn những tác phẩm STCo. Đợt sinh nhật Tập đoàn lần thứ 34, khoảng thời gian cùng các anh chị đồng nghiệp chạy deadline để sáng tạo những sản phẩm STCo cho Hội diễn đã để lại trong Dương những cảm xúc khó quên.

Cũng hào hứng đón nhận STCo như Dương, Đoàn Phúc Gia (FPT Software) ấn tượng từ “lần gặp gỡ đầu tiên”. Gia nhập nhà F, Gia được học khoá DayOne và xem video “Thưởng em đâu sếp” của anh Đinh Tiến Dũng: “Từ khía cạnh rất nhạy cảm là đòi tiền thưởng, qua những câu hát hài hước thì mọi thứ thật tự nhiên và thoải mái”, cậu tâm đắc.

Gia nhận thấy đôi khi chỉ một bài hát STCo đã có thể gói gọn hết tâm tư, lại giúp ghi nhớ nhanh hơn, ấn tượng sâu hơn. “STCo chính là sự sáng tạo, nên văn hoá này rất phù hợp với thế hệ bọn em vì ý tưởng là thứ gen Z không bao giờ thiếu. Mà khi gen Z ấn tượng với điều gì đó thì sẽ sẵn sàng hết mình, bởi chúng em có tinh thần trẻ, dám làm những điều mới mẻ” - Gia khẳng định. 

Ngân Giang - cô gái 2K với màu tóc sắc sỡ của FPT Telecom cũng nhận định, đặc điểm nổi bật gen Z là “siêu năng động, nhiều năng lượng và đặc biệt là sáng tạo, cập nhật những xu hướng mới cực kì nhanh”.

Giang chia sẻ trước khi đến với FPT, cô đã làm việc tại một số doanh nghiệp và luôn cảm thấy đôi phần lạc lõng trong các bữa tiệc chung vui, gala. “Nhưng cảm giác lạc lõng ấy đã không còn khi Giang làm việc tại nhà F, bởi chỉ cần với đôi ba bài hát chung, những cái khoác vai vừa đi vừa hát những khúc ca STCo ấy, đã kéo mọi thế hệ lại với nhau” - Giang tự hào.

Làm công tác văn hoá đoàn thể tại nhà Viễn thông, Giang nhận thấy STCo có mặt trong mọi dịp quây quần từ "chế" các bài hát để chúc mừng sinh nhật sếp đến các bài hát mới theo trend để quảng bá sản phẩm mới, dự án mới. “STCo thực sự phù hợp với bất kì thế hệ nào. Em đang gặp và biết nhiều bạn gen Z cũng mong muốn thực hành và phát triển văn hóa STCo của FPT hơn nữa” - Giang hào hứng.

Dù rất chủ động tiếp cận, thực hành văn hoá STCo nhưng cả Gia, Dương, Giang hay thậm chí nhiều gen Z nhà F đều nhận thấy những điểm khó khăn khi “thụ hưởng” văn hoá này.

Làm việc trong môi trường IT, Gia cho biết việc tiếp cận STCo có đôi phần khó khăn vì “ít người có năng khiếu nghệ thuật”. Gần đây nhất, tại Workforce Day của khối nguồn lực của FPT Software, Gia cùng các cộng sự đã sáng tác 1 bài rap về đơn vị của mình.

“STCo rất hiệu quả, nhưng vẫn cần những yếu tố, cơ hội để thúc đẩy nhiệt huyết, vì tiếp nhận bao giờ cũng dễ dàng nhưng chủ động thực hành thì khó hơn nhiều. Điển hình như tại môi trường của em đang rất thiếu những hoạt động văn hoá thường ngày liên quan đến SCTo, để gen Z như bọn em thực sự được hoà mình với STCo” - Gia chia sẻ suy nghĩ.

Đồng quan điểm với Gia, Ngân Giang cũng cho rằng: “Nếu có lý do khiến STCo chưa thể hiện diện trong đời sống thường ngày của gen Z tại nhà F thì đó là do các bạn chưa có nhiều cơ hội được nghe, được phổ cập và chưa có sân chơi để sáng tác, thực hành”.

Từ góc nhìn của một cá nhân vừa thuộc gen Z, vừa kiêm nhiệm công tác văn hoá đoàn thể tại đơn vị, Nguyễn Khiêm (GAM HCM - FPT Software) nhận thấy tốc độ tăng trưởng quá nhanh của số lượng nhân viên trẻ nói chung và gen Z nói riêng, trong khi tốc độ truyền thông của cán bộ văn hóa về STCo lại có hạn chế nhất định đến từ nhiều nguyên nhân. “Điều này tạo nên xung đột và tất yếu là cả văn hoá FPT lẫn văn hoá STCo đều chưa thể lan tỏa kịp thời đến nhân sự trẻ”.

Cùng với đó, Khiêm chia sẻ cách thức truyền tải của STCo hiện tại chưa gắn liền với hơi thở lao động của lớp trẻ. “Việc này đến từ hai phía, người truyền tải và người tiếp thu” - Khiêm giải thích.

Từ phía người truyền tải, cách thức hiện tại khiến STCo trở thành món ăn “khó thưởng thức” đối với gen Z. Một phần cán bộ văn hóa đoàn thể chưa thích ứng nhanh nhạy, hiểu rõ sở thích, đặc thù, tâm lý của những người trẻ để truyền lửa STCo. Về phía thế hệ tiếp thu, gen Z luôn là lực lượng có những tính cách riêng, ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa nước ngoài, luôn cập nhật xu hướng của thời đại nên nhiều gen Z chưa “cảm” được những bài hát xưa cũ, những từ ngữ “lạ lẫm” hay lối hát trào phúng của thế hệ đi trước.

“Sự hài hước là điều em thích nhất nhưng có điều câu chữ STCo trong các bài hát trước giờ hơi ‘dừ’ với bọn em. Nếu được điều hướng đa dạng, trẻ trung hơn thì gen Z sẽ rất thích” - Dương đồng quan điểm với Khiêm.

Không chỉ gen Z, những người làm mảng Văn hoá - Đoàn thể cũng hiểu rất rõ những khó khăn để STCo đến gần hơn trong đời sống của lớp nhân sự trẻ. 

Làm việc tại Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI - FPT Software) - nơi có đến 70% nhân sự thuộc gen Z, Top FPT 13 Under 35 Nguyễn Thành Hưng cũng đang trăn trở và từng bước giải bài toán ấy. 

Hưng đánh giá, việc truyền bá STCo chỉ bằng cách nhắc đi nhắc lại những bài hát STCo truyền thống được chế tác từ nhạc Cách mạng, nhạc Nga… đang vô tình tạo ra một khoảng cách rất lớn. “Khoảng cách lớn bởi đó không phải là chất liệu trong đời sống hàng ngày của gen Z. Muốn duy trì STCo, có lẽ tốt nhất là để thế hệ trẻ nhà F có không gian tự do nói lên suy nghĩ của mình một cách trung thực nhất, bằng chất liệu đương đại của chính thế hệ ấy. STCo không có nghĩa là phải thuộc rất nhiều bài hát cũ, phải học thuộc làu làu lịch sử FPT vì suy nghĩ ấy khiến cho STCo phần nào bị kìm hãm, không thể phát triển thành những phiên bản phù hợp hơn với gen Z trong nhiều năm nay” - Thành Hưng phân tích.

Ngân Giang không bao giờ quên chuyến công tác đầu tiên ở Hoà Bình. Tại đêm gala, lần đầu tiên Giang được chứng kiến tất cả anh em nhà Viễn thông nắm tay nhau hát vang những khúc ca STCo bên ánh lửa hồng. Không phân biệt già trẻ, bài hát STCo cũ hay mới, gen Z hay gen X, tất cả đều quậy tưng bừng. “Đến cả khi ai nấy đều say thì trên môi vẫn cất lên những câu STCo ấy. STCo đã biến thành những điều đương nhiên, đến mức cả trong vô thức. Từ khoảnh khắc ấy một gen Z như em đã tin, STCo là điều không thể mất đi!” - Giang bộc bạch.

Cũng chính từ trải nghiệm đầy cảm xúc ấy, Giang như được tiếp thêm lửa và động lực để tận tâm cho công tác văn hoá đoàn thể và cho cả STCo. Tại đơn vị , Giang và các cộng sự đang tiếp cận, truyền tải STCo đến gen Z qua nhiều kênh truyền thông. Mỗi sự kiện, hoạt động lớn nhỏ, đơn vị của Giang đều cố gắng sáng tác 1 bài hát STCo được chế tác trên những chất liệu trendy và truyền tải tới lớp trẻ qua nhiều hình thức từ chủ động tới bị động.

Dù không chuyên trách văn hoá đoàn thể như Ngân Giang mà chỉ là kiêm nhiệm, Nguyễn Khiêm cũng luôn luôn đổi mới, cố gắng tạo ra những sản phẩm STCo online. Trong 4 năm, Khiêm đã phối hợp với các anh chị đồng nghiệp tại đơn vị để tạo ra gần 20 bài hát hài hước chế lời từ những bài nhạc trendy để truyền thông từ chiến dịch, chính sách của FPT Software, đến cổ vũ tiếng nói của cán bộ nhân viên, hay chào mừng các ngày lễ. Khiêm hy vọng cách làm này có thể bắt kịp xu hướng, sở thích của các bạn trẻ tại đơn vị.

Tuy nhiên Khiêm cũng luôn nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều. Chàng trai sinh năm 1996 cho rằng các bài hát trendy khi “remake” sẽ nhận được ủng hộ nhiệt tình của lớp trẻ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch nhưng sẽ bị lãng quên ngay sau 3 tháng - khi giai đoạn của chiến dịch qua đi. “Các bài hát, clip chế chỉ có tuổi thọ rất ngắn, mang tính truyền thông trong 1 giai đoạn, không 'sống' được cùng cán bộ nhân viên trong thời gian dài” - Khiêm nhận định. Từ đó, có thể nhận thấy bên cạnh việc chế tác, cũng cần thúc đẩy việc tự sáng tác các bài hát STCo mới hoặc đa dạng hoá các loại hình truyền tải STCo để vừa tăng hiệu quả truyền tải và “kéo dài tuổi thọ” cho các sản phẩm.

Chia sẻ của Khiêm cũng chính là những “nhức nhối” mà Thành Hưng đã gặp phải và phần nào tìm ra hướng đi. “Để tinh thần STCo trường tồn tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác thì sáng tạo là việc không thể không làm” - Thành Hưng khẳng định. Từ góc nhìn ấy, Hưng thúc đẩy những hoạt động văn hoá, tạo điều kiện, cơ hội và động viên, trao quyền để các nhân tố gen Z thể hiện bản thân, thể hiện tình yêu của mình với FPT. Giới trẻ FPT cũng từ những cơ hội ấy mà “thực hành” STCo bằng những hình thức “đương đại” và đa dạng. Đó có thể là những clip TikTok, những trạng thái trên mạng xã hội cá nhân, những meme (hình ảnh) chế hài hước hay những bài rap bắt tai… 

Báo cáo kinh doanh bằng nhạc rap, mở cuộc thi âm nhạc “Dạ khúc Yahoo” hay các cuộc thi Hoa hậu áo dài,… đều là những nỗ lực của Hưng để tạo ra sân chơi, tạo ra cơ hội để người trẻ tham gia, đóng góp ý tưởng. Và cũng từ đây, lãnh đạo và những người “cầm cân nảy mực” đã dám thể nghiệm, trao quyền để người trẻ F thể hiện cái tôi của mình ở trên sân khấu với một tinh thần STCo. Đó chính là tinh thần xông pha, “liều ăn nhiều”, “cứ máu là xong” rất điển hình của STCo nói riêng và nhà F nói chung.

“Chỉ khi quá trình hai chiều này diễn ra thì mới có cơ hội để phục hưng STCo. Và dù có là phiên bản nào hay dưới cái tên nào thì tinh thần STCo vẫn luôn ở đó, tình yêu nhà F của quần chúng vẫn luôn ở đó”- Hưng tự hào.

Quay lại câu chuyện về hiện tượng của FPT Education khi giành giải thưởng nóng của Viện Hàn lâm STCo. 

Một tác phẩm STCo được dựng lên qua bàn tay của những nhân sự trẻ, những gen Z thực thụ của nhà F, từ khâu kịch bản cho đến diễn xuất. Khi cho ra phiên bản đầu tiên của kịch bản, tất cả diễn viên gen Z đã ngồi lại cùng nhau trao đổi và nghiên cứu từng câu từ. “Với kịch bản đầu tiên, nhiều bạn trẻ còn chưa thể hiểu biết mọi lớp lang, ý nghĩa trào phúng của tất cả các câu chữ, nhưng chính việc ngồi lại cùng nhau và nghiên cứu đã tạo nên những phiên bản khác ưu việt hơn” - Đại diện Ban Văn hoá Đoàn thể FPT Education chia sẻ.

Cùng bàn luận, thêm thắt chính sửa từ đóng góp chung của tất cả thành viên gen Z, kịch bản đã hoàn thiện. Tinh thần của STCo vẫn được gìn giữ nhưng được biến đổi để trở nên dễ hiểu và dễ tiếp cận hơn tới đối tượng trẻ. Từ đó tạo ra những “khoảng chung” và làm nên phiên bản tốt hơn gửi tới người F. Cũng chính qua những hoạt động như Hội diễn STCo, thế hệ nhân sự trẻ gen Z đã có cơ hội được tiếp cận, thẩm thấu và thực hành văn hoá STCo một cách tự nhiên, không gượng ép, không vội vàng.

Không chỉ có nỗ lực từ phía các cá nhân, nhiều phòng ban trong nhà F cũng đã và đang góp sức mỗi ngày để gìn giữ và truyền tải STCo đến với lớp trẻ.

"72h trải nghiệm” do Trường Đào tạo Cán bộ FPT tổ chức, ra mắt từ năm 2015 là một điển hình như thế. Khoá học mang lại cho những nhân sự mới vào một góc nhìn toàn cảnh về FPT từ lịch sử, con người đến cơ cấu tổ chức và đặc biệt là văn hoá.

Chương trình bao gồm các hoạt động chính như: Open Talk với các lãnh đạo tập đoàn, tham gia giải mật thư khám phá FPT, chơi các game vận động và thi đấu thể thao và đặc biệt phần tự lên kịch bản và diễn kịch STCo trong đêm STCo Night. STCo Night chính là sân chơi đầu tiên để các tân binh nhà F được biết và trải nghiệm văn hoá đặc biệt này cùng sự dẫn dắt của các anh chị FUN mọi miền - những con người “thành thạo” STCo.

Tháng 4 vừa qua, Ban Nhân sự Tập đoàn FPT phát động chuỗi chương trình “Zenerations – The Future of Workplace”. Chuỗi workshop cung cấp một góc nhìn tổng quan về xu hướng, phong cách nổi bật của nguồn nhân lực trẻ, sự khác biệt căn bản giữa các thế hệ nhân sự hay cách hành xử phù hợp của doanh nghiệp đối với nhân lực thế hệ mới. Chuỗi sự kiện bao gồm các chủ đề: Zenerations – The Future of Workplace; Gen Z @t work; Văn hóa doanh nghiệp và Gen Z;…

Với chủ đề “Văn hoá doanh nghiệp và GenZ”, Ban Nhân sự đã phối hợp với các phòng ban và mang đến một sân chơi văn hoá đặc biệt của nhà F mang tên “Chơi cùng gen Z”. Mô phỏng gameshow truyền hình “Ký ức vui vẻ”, các thành viên được chia đội theo năm sinh: 7X, 8X, 9X và 2K. Tất cả cùng vượt qua các thử thách về văn hoá nhà F nói chung và văn hoá STCo nói riêng một cách đầy hứng khởi.

Dù chỉ mới thực hiện ½ số theo dự kiến, những hiệu ứng mà sân chơi văn hoá này nhận được đã vượt ngoài sự kỳ vọng. “Khi đến chủ đề Văn hóa doanh nghiệp và gen Z, toàn bộ BTC khá đau đầu vì nếu tổ chức theo format tọa đàm thông thường thì chắc chắn không phù hợp với chủ đề này. Đó là lý do gameshow 'Chơi cùng Gen Z ra' đời”, chị Phạm Thị Thu Huyền - đại diện BTC chia sẻ.

Gameshow đã phần nào giúp thế hệ nhân sự gen Z hiểu, yêu văn hóa FPT và STCo nhiều hơn, qua đó mạnh dạn hoà mình, trải nghiệm và lan toả. “Dưới góc độ của người làm nhân sự, văn hóa STCo có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động Employee Experience - Trải nghiệm nhân viên. Đặc biệt ở phần 'Engage'- các hoạt động gắn kết, STCo chính là yếu tố bản sắc để gắn kết các CBNV với nhau và gắn kết CBNV với tổ chức” - chị Huyền phân tích.

Nhìn từ quá trình hình thành và phát triển của STCo, có thể nói đây là một loại hình nghệ thuật quần chúng của FPT. Do đó, STCo cần nói lên tiếng nói của quần chúng qua những câu chuyện đương đại thường ngày. Bởi vậy, tinh thần sáng tạo chính là yếu tố tiên quyết để STCo trường tồn và tiếp nối từ thế hệ này, đến thế hệ khác qua nhiều phiên bản khác nhau.

Nỗ lực của các cá nhân, đơn vị, phòng ban được đề cập trên đây chỉ là một vài lát cắt rất nhỏ trong bức tranh STCo của bao con người nhà F. Nhưng dù chỉ là một vở kịch, đôi vần thơ, vài câu hát... tất cả tình yêu chân thành ấy đều trở thành những viên gạch dựng xây nên quá trình “phục hưng và phát triển STCo” tại xứ sở FPT.

Nội dung: Chungta

Thiết kế: Quyên Quyên

Ý kiến

()
 
Tags: