Chúng ta

Phía sau những bút danh

Thứ sáu, 24/2/2012 | 18:23 GMT+7

Những ngày nghỉ lễ Tết, họ vẫn cần mẫn đi làm. Những lúc mọi người vui chơi, họ lại mải miết ghi ghi, chụp chụp. Sì sụp gói mì, lúc đi nhanh như chạy, lúc lại rón rén để tiến sâu vào "địa bàn", họ luôn sống gấp gáp và bí hiểm.

s

Nhờ có đội ngũ phóng viên "thiện chiến", VnExpress luôn giữ vị trí hàng đầu trong lòng độc giả.

Người ngoài thấy lạ, nhưng với họ, để có thể cập nhật nhanh, chính xác từng tin bài trên Báo điện tử VnExpress, sinh hoạt như thế đã trở nên quen thuộc như cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Tốt nghiệp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, ra trường, Nguyễn Hoàng Hà làm nghề chụp ảnh tự do để kiếm sống, với mức thu nhập rất ổn. Tháng 4/2006, anh từ bỏ tất cả những gì đang có để trở thành phóng viên ảnh của VnExpress. Anh đảm nhận việc khai thác các đề tài của cuộc sống và ghi nhận thông tin bằng hình ảnh các lĩnh vực văn hóa, xã hội.

s

Hoàng Hà từng bị những cú bạt tai khi tác nghiệp đề tài chống tiêu cực.

“Làm báo, đầu tiên là không ngại khó, ngại khổ, biết chấp nhận cả những lúc nguy hiểm đến tính mạng. Mà nghề phóng viên ảnh luôn kè kè cái máy ảnh to đùng là dễ bị ‘ăn đòn’ nhất. Tôi cũng từng bị những cú bạt tai, nhưng thế là may mắn lắm rồi. Nhất là trong các đề tài chống tiêu cực, lúc tác nghiệp phải khéo léo để không bị hành hung”, anh Hà chia sẻ.

Anh nhớ nhất chuyến đi lên đỉnh Mẫu Sơn chụp băng năm 2010. Biết tin Mẫu Sơn xuất hiện băng do lạnh dưới 0 độ C, vì sợ đợi ôtô mất thời gian, anh lập tức quyết định vượt quãng đường dài gần 200 km bằng xe máy. Càng gần đến nơi càng lạnh. Dọc đường, anh phải dừng lại mua thêm quần áo ấm. Mặc 3 áo khoác, nhiều quần, đi hai đôi tất, tay đi găng mà vẫn lạnh cóng. Anh lên đến nơi thì trời tối, băng đã tan, chỉ còn sót lại băng trên một cây tùng cảnh. Gặp một số người quen cũng lên đây sáng tác, anh em soi đèn pin thi nhau chụp.

Ngoài ra, kỷ niệm về những lần đi tác nghiệp bão lụt cũng nhiều. Có lúc chênh vênh suýt lật bởi chiếc thuyền nhỏ trên mái nhà ở làng An Phú, huyện Mỹ Đức, hồi Hà Nội mưa ngập lịch sử năm 2008. Có lần dắt xe bì bõm trong nước ngập vài cây số tại Hà Tĩnh năm 2010.

Cũng gia nhậpVnExpress từ năm 2006, với công việc ban đầu là quản trị diễn đàn Game thủ, cơ duyên nghề báo đến với Ngô Thiên Chương bắt đầu từ khi diễn đàn này chuyển nhân sự về Hà Nội. Bước chân vào làm báo, do mảng nào ở trong Nam cũng thiếu người, nên ngoài chuyên mục phụ trách chính là Y tế, bút danh Thiên Chương còn thường xuyên xuất hiện ở các mảng Xã hội, Khoa học, Vi tính, thậm chí Kinh doanh. Thời đó, sếp bảo làm gì là anh làm tất. Cầu Cần Thơ sập đúng vào lúc Thiên Chương còn lơ mơ về Tây Đô, nhưng rồi cũng xong. Sài Gòn mùa triều cường bì bõm nước, ừ thì cứ xông pha bơi lội, cốt sao cho ra bài, ra ảnh…

s

Duyên nghề báo đến với Thiên Chương thật tình cờ.

“Điều làm tôi thích nhất chính là môi trường làm việc của VnExpress. Tại đây, ngoài những con người tận tình giúp đỡ về mặt chuyên môn, tôi còn có những đồng nghiệp tốt không bao giờ biết đố kỵ. Làm sao không yêu cho được một môi trường mà ở đó không chỉ giúp nhau về kinh nghiệm làm nghề, người ta còn quan tâm chia sẻ cả chuyện nhà chuyện cửa”, anh tâm sự.

Với mong muốn tìm một công việc làm tạm rồi tính tiếp, Phạm Văn Nhơn (bút danh An Nhơn) đã nộp đơn vào vị trí phóng viên Thể thao của VnExpress ở phía Nam, năm 2006.

s

An Nhơn "lấn sân" sang tin nóng nhờ những chuyến công tác từ lúc mới vào nghề.

Tòa soạn giao cho anh phụ trách mảng thể thao trong nước. Ngay khi bắt tay vào công việc, anh đã được cử đi Đà Nẵng làm tin giải bóng đá U21 toàn quốc. Đúng thời điểm đó, bão Xangsane đi thẳng vào Đà Nẵng, mưa lớn khiến giải phải hoãn liên tục. Nhưng cũng nhờ thế mà anh có cơ hội “lấn sân”. Do chưa có phóng viên ở Đà Nẵng, còn phóng viên được cử đi lúc đó là anh Doãn Khuê thì lại đón tâm bão “hụt” ở Quảng Nam, nên An Nhơn “bị” tòa soạn nhờ miêu tả, tường thuật lại cơn bão tàn phá Đà Nẵng.

Chưa có kinh nghiệm, lại chẳng có “vũ khí” là máy ảnh, anh thuê xe ôm chạy tới bệnh viện Đà Nẵng lấy tin, rồi qua Mỹ Khê… Đi nhiều nhưng thông tin thì chẳng được bao nhiêu.

Rồi một lần đi làm tin giải U21 về đến Khánh Hòa bị kẹt xe vì phía trước là tai nạn khủng khiếp lấy đi mạng sống của 13 người trong đoàn đi tặng quà từ thiện. Lúc đó, cũng vì thiếu kinh nghiệm, anh chỉ nhắn tin về cho chị Xuân Tuyền (Trưởng Ban Kinh tế Đời sống - VnExpress HCM) ở tòa soạn. Nếu là bây giờ, chắc chắn anh sẽ tận dụng mọi phương tiện để tác nghiệp. Sau lần đó, anh được phân công phụ trách thêm việc làm các tin nóng.

Mảng Thể thao cũng mang tới cho anh cơ hội được xem những trận đấu lớn, gặp gỡ các ngôi sao mà nhiều người mơ ước. Đến nay, anh đã hai lần tác nghiệp ở SEA Games tại Lào và Indonessia, một lần tác nghiệp AFF Cup ở Thái Lan.

Đến với VnExpress năm 2007, đầu tiên, công việc của Hà Tuấn Anh khá bấp bênh vì chưa được giao lĩnh vực nào để theo dõi. Hồi đó, hầu như anh chỉ làm các đề tài xã hội. Năm 2008, khi hai đồng nghiệp nữ là Đoàn Loan và Thanh Nga nghỉ sinh, anh được giao thêm mảng Pháp luật, dù trước đó chỉ thiên viết về giới trẻ.

s

Tuấn Anh có "duyên" với những vụ án lớn.

Hiện nay, Tuấn Anh theo dõi thông tin về an ninh trật tự, gồm cả Bộ Công an, Công an Hà Nội, cũng như chăm sóc những cộng tác viên “ruột” tại các địa phương để liên tục cập nhật tin tức.

5 năm làm việc ở VnExpress cho anh nhiều kỷ niệm khó quên. Đặc biệt, các vụ án lớn như: Hiệu trưởng mua dâm học trò ở Hà Giang, Nữ sinh Kim Anh sát hại người tình, vụ Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện… và mới đây nhất là vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng).

Năm 2010, khi xử vụ án Sầm Đức Xương, anh đã phải “nhập vai” trợ lý luật sư. Hồi đó, phóng viên các báo đều bị cản trở tác nghiệp, không được phép vào bên trong vì đó là phiên xử kín. Anh là phóng viên duy nhất ở Hà Nội lọt được vào. Ít ngày trước khi phiên xử diễn ra, một số nguồn tin ở Hà Giang cũng cảnh báo cần cẩn trọng khi tác nghiệp vì từ Hà Giang về Hà Nội chỉ có một đường duy nhất. Lúc đó, anh cùng một luật sư tham gia bào chữa cũng khá hoang mang. May mắn anh cũng hoàn thành xong nhiệm vụ và trở về an toàn.

Để có được những thông tin mới nhất về vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng, anh đã phải bám sát địa bàn hơn chục ngày. Có những hôm phải thức đến 2-3h sáng để viết bài. Rồi chuyện tìm hàng cơm bình dân ở đây cũng khá vất vả vì khi anh đi ăn thì hầu hết các hàng quán đều đã đóng cửa.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí, Nguyễn Thanh Hưng thi tuyển và được nhận vào làm tại Ban Xã hội - Pháp luật của VnExpress Hà Nội từ năm 2007 đến nay. Hiện, Hưng theo dõi mảng tin thời sự - chính trị và một số bộ, ngành…

s

Sau những chuyến công tác, Thanh Hưng đã "nhỏ con" lại càng "mi nhon".

Kỷ niệm nghề báo thì nhiều, nhưng gần đây nhất là những chuyến công tác Hải Phòng của Hưng. Trong một tháng liền, trừ tuần Tết Âm lịch, tuần nào Hưng cũng đi Hải Phòng, liên quan tới sự kiện thủy thủ tàu Vinalines Queen và vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng. Trong lần đầu về Tiên Lãng, lúc xuống đầm nhà ông Vươn, Hưng cùng vài phóng viên khác đã bị đầu gấu cản trở, đe dọa. Cảm giác giữa khu đầm rộng mênh mông mà bị mấy cậu đầu gấu cầm gậy, dao quây rất đáng sợ. Anh em đi vào đầm mà cứ phải mắt trước mắt sau để ý.

Tuy nhiên, nhờ vậy mà VnExpress là báo đầu tiên có những hình ảnh của khu đầm sau thời điểm bị cưỡng chế. Đồng thời, cũng là báo duy nhất chụp rõ mặt mấy tên đầu gấu cầm hung khí canh giữ khu đầm. Nghĩ lại, Hưng vẫn thấy mình hơi liều.

“Cũng từ mấy chuyến đi công tác liên tục này mà tôi vốn nhỏ con lại càng 'mi nhon' hơn. Mỗi lần đi Hải Phòng về, tôi giảm mất 1 kg, vợ nhìn mà nẫu hết cả ruột vì nuôi mãi mới đỡ được tý”, Hưng dí dỏm.

Là “lính mới” vì vào VnExpress cuối năm 2010, nhưng Đinh Bá Đô đã khá thân thuộc với độc giả bằng bút danh Bá Đô. Công việc của cậu là lấy tin thời sự, các vụ cháy nổ, tai nạn, điều tra theo thư bạn đọc và làm video clip, phóng sự ảnh…

s

Tấm lòng của những người dân bãi vàng Chương Mỹ khiến Bá Đô nhớ mãi.

Làm tin nóng nên nhiều khi tác nghiệp Bá Đô cũng bị cản trở, đe dọa hành hung. Kỷ niệm khó quên nhất với cậu là khi tác nghiệp ở bãi khai thác vàng trái phép Chương Mỹ, Hà Nội. Để khỏi bị lộ, người dân đã đưa Bá Đô đi và đóng giả là người mua đất. Trong khi Đô ngồi nói chuyện với chủ nhà thì một phóng viên khác đi quay clip mà không ai biết. Ghi hình xong, cậu về làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường. Sau một tuần bài lên trang, lực lượng chức năng đã ra quân dẹp bãi vàng. Người dân gọi điện cảm ơn và gửi tặng hàng trăm quả trứng vịt mà không dám nhận. Sau này, con cái họ đi học ở Hà Nội vẫn gọi điện mời đi uống cà phê để cảm ơn.

Câu chuyện thú vị về những lần tác nghiệp ấy vẫn tiếp tục được kể ở VnExpress. Sau mỗi chuyến đi, mỗi kỷ niệm, mỗi lần “chết hụt”, họ lại kiên cường hơn và càng gắn bó với công việc. Chẳng thể lý giải nổi điều đó, chỉ có thể hiểu đó là đam mê với nghề, và hơn cả là tình yêu với ngôi nhà VnExpress.

Mộc Lan

Ngày 26/2, Báo điện tử VnExpress sẽ kỷ niệm 11 năm ra đời.

Báo có trụ sở tại Hà Nội và TP HCM với hơn 150 phóng viên, biên tập viên, tuổi đời trung bình là 28.

Theo Google Analytics, VnExpress hiện có khoảng 34 triệu pageviews mỗi ngày và hơn 17 triệu độc giả thường xuyên.

Năm qua, Báo có thay đổi lớn về thiết kế tòa soạn. Theo đó, VnExpress là báo đầu tiên ở Việt Nam thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ, từ hình thức thiết kế văn phòng đến cách triển khai nội dung, nhằm giúp luồng chảy thông tin giữa các bộ phận được mạch lạc, đảm bảo yếu tố tốc độ, tối ưu hóa nhân lực. Mô hình này đón đầu cho việc VnExpress có thêm kênh mới như: báo in, tạp chí, báo trên Mobile…

Ý kiến

()