Chúng ta

Lược sử FIS ERP - 15 năm phát triển

Thứ năm, 19/7/2018 | 14:58 GMT+7

Gắn bó với FIS ERP từ khi thành lập, từ khi còn là một cậu lập trình viên, tháng 3 vừa qua, tôi nhận được quyết định chuyển lên FIS HO phụ trách khối Sản xuất FIS, chính thức rút khỏi FIS ERP, nơi chiếm phần lớn thời gian 18 năm tôi làm việc ở FPT.

Gắn bó với một tổ chức từng ấy thời gian, thôi thúc tôi phải viết điều gì đó cho FIS ERP, nơi gắn liền với những trải nghiệm trong năm tháng tuổi trẻ của mình. Quyết định viết lại những sự kiện trong quá khứ, tôi muốn thuật lại những dấu mốc chính góp phần đưa FIS ERP phát triển được như ngày hôm nay. Tôi cố gắng ghi lại những dấu mốc quan trọng nhất mà mình còn nhớ được, cố gắng không đưa cảm xúc của mình vào các sự kiện để bài viết mang tính khách quan nhất. Bài viết chắc chắn còn nhiều khoảng trống, rất mong các đồng nghiệp FIS ERP tiếp tục hoàn thiện, viết tiếp những trang sử có thăng, có trầm để nó trở thành một bài viết sử ghi lại toàn bộ quá trình hình thành và phát triển của khối ngành FIS ERP.

Thai nghén và hình thành

Những ngày cuối tháng 12 năm 2003, sau khi hoàn thành Dự án Triển khai hệ thống quản trị tài chính nội bộ cho Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), chúng tôi, nhóm Phát triển và Triển khai sản phẩm FPT.Succcess, được anh Bùi Quang Ngọc - Phó TGĐ FPT lúc bấy giờ, triệu tập với một thông điệp khá sốc: “Sắp tới, anh sẽ thành lập trung tâm chuyên về ERP, trung tâm này trực thuộc FPT, anh trực tiếp phụ trách, các chú chuẩn bị chuyển ngay”.

Tôi lúc đó - một lập trình viên 3 năm - là trưởng nhóm Lập trình phát triển sản phẩm FPT.Succees thuộc trung tâm BU3 Công ty giải pháp phần mềm FPT (gọi tắt là FSS) chưa thực sự hiểu ERP là gì. Cùng hơn 30 các đồng nghiệp BU3 khăn gói quả mướp nhắm mắt theo anh Ngọc về đơn vị mới với niềm tin vào sấm truyền của người FPT thời đó: “Anh Ngọc thành lập và lãnh đạo đơn vị nào, đơn vị ấy chắc chắn sẽ thành công”. Và chúng tôi, những người trẻ hừng hực khí thế và đam mê, bước sang trang mới bởi quyết định đó.

Ngày 13/01/2004 là một cột mốc đánh dấu quan trọng của chúng tôi khi quyết định thành lập Trung tâm FPT ERP Services (gọi tắt là FES) chính thức được FPT thông qua. Cả trung tâm tổng cộng 40 người là sự tập hợp từ 2 nguồn: nhóm chúng tôi - gồm 36 người từ FSS với kinh nghiệm tự thiết kế, lập trình, triển khai phần mềm và một nhóm từ FIS 4 người đang nghiên cứu các sản phẩm ERP của nước ngoài. Anh Bùi Quang Ngọc trực tiếp làm Giám đốc Trung tâm FES và anh Đinh Quang Thái (anh ThaiDQ là Phó GĐ FIS thời bấy giờ chuyển về) là Phó Giám đốc Trung tâm. Trụ sở Trung tâm lúc đó đặt tại tầng 9, tòa nhà 51 Lê Đại Hành, cùng tòa nhà với FSS. Đồng thời, FES HCM cũng được thành lập, gồm 28 người, anh Nguyễn Quốc Hùng làm Giám đốc.

Lúc mới thành lập, hầu như tất cả cán bộ FES cũng như FPT đều khá mông lung về khái niệm mới - ERP, cũng chưa hiểu tư vấn triển khai cho khách hàng dựa trên một phầm mềm của nước ngoài như thế nào. Vào thời điểm đó, thị trường công nghệ thông tin của Việt Nam vẫn đang hăng say và tự hào với định hướng tự xây dựng, lập trình các phần mềm của mình. Hầu hết người lập trình Việt Nam tin rằng mình có thể thiết kế và xây dựng bất cứ phần mềm gì. Để minh chứng cho lý tưởng ấy, với những sản phẩm made in FPT, made in Việt Nam, FSS đã thành công với việc xây dựng và triển khai hàng loạt giải pháp cho ngành ngân hàng, ngành thuế và ngành viễn thông… Chính vì vậy, sự ra đời một đơn vị mới như FES với định hướng mới “Trở thành đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn hàng đầu Việt Nam dựa trên sản phẩm ERP của nước ngoài” là một điều lạ lẫm và nghi ngại của chính người FPT.

Với hướng đi mới, việc đầu tiên mà FES bắt tay vào làm là xây dựng nền móng cho mình: Bộ quy trình tư vấn triển khai ERP. Mặc dù có lợi thế là có ông tổ ngành quy trình của FPT là Bùi Quang Ngọc ra tay chắp bút, nhưng xây dựng quy trình tư vấn với ngành rất mới là ERP, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi chưa có bất cứ kinh nghiệm gì về ngành đó. Sau nhiều ngày trăn trở và vật lộn với ý định tự xây dựng quy trình, chúng tôi chọn một hướng đi khác - dựa vào phương luận có sẵn của nước ngoài. Và như thế, song hành cùng quá trình cùng làm thầu TABMIS (dự án xây dựng Hệ thống Thông tin Quản lý ngân sách và Kho bạc Nhà nước cho Bộ Tài chính) với các hãng nước ngoài, chúng tôi cho ra đời bộ Quy trình tư vấn triển khai ERP đầu tiên của FPT. Nó là sự kết hợp của quy trình triển khai phần mềm của FPT với phương pháp luận triển khai AIM (phương pháp luận triển khai ERP lúc đó của hãng Oracle).

Với trải nghiệm của mình cùng nhiều anh em FES với hàng trăm dự án ERP sau này, bây giờ nhìn lại, thấy rằng đây thực sự là một tài sản quý giá của chúng tôi để lại từ ngày ấy. Cho dù đến nay, bộ quy trình này đã thay đổi/cập nhật rất nhiều qua quá trình phát triển của FES và sự phát triển của thị trường ERP thế giới, bộ quy trình này thực sự là nền tảng, cốt lõi, kim chỉ nam cho nhiều thế hệ cán bộ Tư vấn triển khai ERP của FPT thành công ngày nay.

Những buổi đầu gian khó

Trung tâm FES thời đầu thành lập chỉ vẻn vẹn có 2 dự án từ FSS chuyển về dựa trên sản phẩm FPT.Success: triển khai cho Ngân hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam BIDV và dự án triển khai cho Cảng Hải Phòng. Sản phẩm FPT.Success cũng dừng lại sau khi triển khai hoàn thành cho 2 khách hàng này. Còn lại, toàn bộ công việc là nghiên cứu sản phẩm ERP nước ngoài (sản phẩm của 2 hãng SAP và Oracle) và chuẩn bị tham gia làm thầu phụ cho Accenture và IBM trong một vụ thầu đình đám thời bấy giờ: Hệ thống quản lý ngân sách Bộ Tài chính Việt Nam (TABMIS) - Dự án bản lề cho sự phát triển của FES sau này.

Trung tâm FES lúc đó chia làm 6 phòng chính: Phòng Kinh doanh, Phòng FPT.Success, Phòng Oracle, Phòng SAP, Phòng Tư vấn và Phòng Công nghệ. Nhân sự, như đã nói trên, lấy từ FSS về gồm HangNT, TungPT, HoangDT, YenNH, NgocVQ, SonPQ, ThanhCT, TrieuPH, HongTH, ThaoDT… từ FIS về gồm ThaiDQ, TrungPT, ThuNH, BichDN. Sau đó với nhu cầu cần thêm nguồn lực, một nhóm từ công ty Thiên Nam, một công ty đã có kinh nghiệm làm Oracle ERP, chuyển về gồm: TruongTT, ThuyDB, CuongDQ, KhanhNG, LuuTT.

Dự án ERP đầu tiên mà FES ký là Vidotour vào tháng 04/2004. Đây là khách hàng trong ngành dịch vụ du lịch được anh Bình giới thiệu. Đội dự án gồm các thành viên được trộn từ nhóm Thiên Nam về và FES bay vào TP HCM để làm dự án. Liên tiếp sau đó một loạt các dự án ERP được ký kết như Gami Group, HPT, Vincom.

Những dự án đầu tiên là quả là những trải nghiệm khắc nghiệt đối với FES-ers. Những lập trình viên trở thành tư vấn triển khai đã phải đối mặt với những kiến thức quá mới đối với họ. Những buổi thảo luận Future Procees với khách hàng là sự vật lộn những cấu trúc Org, hệ thống tài khoản trong COA, hay tỷ giá thanh toán - một loạt những kiến thức về kế toán và quản trị mà những tư vấn tay ngang chưa được chuẩn bị. Chính vì thế, quá trình triển khai các dự án này là cả một hành trình dò dẫm tìm đường và học hỏi. Vào thời điểm đó, với chúng tôi, mục tiêu không phải là doanh số lợi nhuận, mục tiêu tiên quyết khi nhận dự án là: làm sao cho dự án kết thúc.

FES lúc đó là một ngôi trường học tập đúng nghĩa, những buổi làm việc với khách hàng là những kỳ thi, các buổi họp nội bộ tại công ty là những buổi đào tạo chuẩn bị cho những kỳ thi ấy. Thời đó, FPT làm việc cả sáng thứ Bảy và với chúng tôi sáng thứ Bảy là những buổi học khắc nghiệt nhất. Anh Ngọc quy định, sáng thứ Bảy là buổi họp giao ban bắt đầu từ 8 giờ sáng và không quy định thời gian kết thúc. Thông thường, các buổi họp thông trưa và kết thúc lúc 3 giờ chiều.

Anh Ngọc là người nổi tiếng “cụ tỷ” ở FPT. Trong buổi họp giao ban sáng thứ Bảy ngày đó, đám tư vấn tay ngang chúng tôi trở thành cô cậu học sinh bị thầy giáo với tính “cụ tỷ” của mình “chửi” cho tối tăm mặt mũi. Nhưng chính qua những buổi họp hay chính xác hơn là buổi học đó, chúng tôi được rèn giũa và được đào tạo các kiến thức vỡ lòng về ERP, về quản trị công ty, về kế toán tài chính, về quy trình tư vấn triển khai, về team-work, về quản trị dự án… Những kiến thức quý báu đó là nền tảng vững chắc cho chúng tôi trong suốt quãng đường tư vấn triển khai dự án và xây dựng công ty FIS ERP thành công sau này.

Ngay từ thời kỳ đầu của FES ngày ấy, anh Ngọc đã định hướng để xây dựng nền tảng cho một ngành kinh doanh mới với tinh thần start-up khác biệt. Câu nói cửa miệng của anh cho đám tư vấn nửa mùa chúng tôi là: “Các chú làm chuyên gia tư vấn phải là Tây, suy nghĩ làm việc hành động như Tây, phải chú ý ăn bơ sữa chứ không phải rau muống”. Là chuyên gia tư vấn thì phải có kiến thức và kinh nghiệm sâu rộng, và một trong các thước đo của chuyên gia tư vấn được thể hiện qua các bài báo được đăng. Ấn bản “ERP và Doanh nghiệp” được ra đời từ đó, anh Ngọc là chủ biên của tập san nội bộ này và chúng tôi, những “Tây rau muống” thuần về công nghệ - lập trình trở thành những cây bút chủ lực của một tập san xuất bản 2 ấn phẩm một năm.

Khởi sắc

Cùng với sự phát triển của kinh doanh là nguồn lực tăng. Lúc đó tầng 9 được cơi nới từ toà nhà 51 Lê Đại Hành không chứa nổi gần 90 nhân sự của FES nữa. Đồng thời, vào những tháng đầu năm 2005, FES đã chính thức bắt tay cùng IBM trúng thầu dự án TABMIS - dự án CNTT lớn nhất Việt Nam vào thời điểm đó, nên FES có điều kiện chuyển sang văn phòng mới tại tầng 9 tòa nhà 98 Hoàng Quốc Việt. Tuy chỉ là thầu phụ nhưng sự kiện ký hợp đồng triệu đô TABMIS đã đánh một dấu mốc có ý nghĩa lớn trong quá trình phát triển của FES. Văn phòng mới là niềm tự hào đối với chúng tôi. Nó là một cơ ngơi thực sự, các phòng họp chúng tôi đặt theo tên phân hệ ERP: Phòng họp GL, Phòng họp AR, phòng họp MM… Với cá nhân tôi, đây là một trong những văn phòng đẹp nhất mà tôi từng làm việc.

Sau TABMIS là dự án ERP dựa trên sản phẩm Oracle E-Business Suite được FES triển khai cho chính FPT được ký kết, cùng với đó là nhu cầu nhân sự, nguồn lực ngày càng tăng. FES-ers được tổng động viên, một nửa tham gia vào TABMIS, một nửa còn lại tiếp tục với thị trường doanh nghiệp. Đây cũng là thời gian chúng tôi tuyển dụng số lượng lớn và bắt tay xây dựng lớp cán bộ nguồn thứ 2 của mình. Đồng thời lúc này, việc bán hàng không thể chỉ dựa vào quan hệ của lãnh đạo cấp cao FPT nữa mà đến lúc tự chủ phát triển lâu dài. Những chiến tướng kinh doanh và presale được tuyển mới vào FES như QuangVM, KhamPK, BaoNV, ChauHM… Đây cũng là các chiến tướng kinh doanh đầu tiên của FES được gia nhập trong thời gian này. Cùng với đó một loạt các dự án khối doanh nghiệp được ký kết: Sơn Hà, Lasuco (Mía Đường Lam Sơn), Lafchemco (Supe photphat Lâm Thao), EuroWindows, Prime group…

Cuối 2005 - 2006 là giai đoạn bùng nổ đầu tiên của FES. Hàng loạt dự án mới được ký kết, nguồn lực trẻ mới được bổ sung, cán bộ bắt đầu đi triển khai ERP đến các khách hàng, và từ đó giấc mơ của những con người startup, của một bộ phận non trẻ được nhóm lên. Bài hát được coi là công ty ca - “Giấc mơ ERP” của chúng tôi được ra đời từ đó:

“Ở nơi ấy, trên tầng 9 cao

Chỉ có những người làm ERP…

Họ đã sống không mùa đông, không mùa nắng mưa

Chỉ có một mùa ERP…”

Đến cuối năm 2006, sau những bước đi chập chững đầu tiên, thế hệ trẻ của FES bắt đầu dần xông pha vào các “chiến trường”, anh Ngọc quyết định rút khỏi FES và đưa một lãnh đạo mới về thay thế. Giám đốc FES mới là anh Phạm Tuấn Phan, con cả của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, anh trai của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hiện nay Phạm Bình Minh. Anh Phan là hình mẫu “Tây” điển hình, anh nguyên là lãnh đạo CNTT thuộc tổ chức Liên Hợp Quốc mới từ Mỹ trở về. Vô tình, thời điểm anh Phan vào FES cũng là thời điểm đánh dấu những thay đổi chấn động của FES nói riêng và cả FPT.

Hợp nhất vào FIS

Đầu năm 2007, FPT đưa ra một quyết định chấn động: Hợp nhất 3 đơn vị gồm Trung tâm FES, Công ty FSS và Công ty FIS thành Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS). Sau khi sáp nhập 3 đơn vị này, nhân sự các phòng ban/trung tâm của đơn vị cũ được trộn và cơ cấu lại. FIS mới được tổ chức thành các công ty con theo thị trường kinh doanh, trong đó FES gần như được giữ nguyên và đổi thành FIS ERP là công ty con thuộc công ty mẹ FIS chuyên kinh doanh thị trường ERP.

Đối với FIS và FSS cũ đây là thời gian khủng hoảng, khi sáp nhập cơ hữu con người và công việc, nhưng với FES cũ hay FIS ERP mới lại là một cơ hội để thay đổi vượt bậc.

Những năm trước khi FES mới thành lập, là thời gian được tập đoàn đầu tư và trực tiếp anh Bùi Quang Ngọc điều hành, đó là thời kỳ mà chúng tôi không quá áp lực bởi cơm áo gạo tiền, bởi doanh số và lợi nhuận. Mục tiêu lúc đó là xây dựng nền tảng cho lĩnh vực kinh doanh mới của FPT, mục tiêu lúc đó là học phương pháp triển khai và hoàn thành các dự án chứ chưa phải quan tâm nhiều đến lợi nhuận của các dự án đó. Và như chúng ta đã biết, để một công ty, một lĩnh vực kinh doanh thực sự thành công, thì sống còn là hiệu quả, là doanh số và lợi nhuận và cao hơn là tăng trưởng.

Vì vậy sau khi sáp nhập, FIS ERP được ghép nối thêm vào những mảng còn thiếu của mình. FIS thời bấy giờ nổi tiếng là đơn vị thành công trong kinh doanh/bán hàng dự án với mô hình kinh doanh 4H, còn FES cũ hay FIS ERP là đơn vị mạnh với nền tảng vững chắc gồm cả quy trình và nhân sự chất lượng nhưng chưa có nhiều cơ hội bán hàng trên thị trường ERP Việt Nam non trẻ. Chính vì thế khi sáp nhập vào FIS, FIS ERP có đủ điều kiện để phát huy các thế mạnh của mình.

Cùng với sự sáp nhập, nhân sự cũng được bổ sung từ FIS 15 gồm anh NguyênMC, HaLH, DungLT, HungPV… FIS ERP cũng hoàn thiện tổ chức của mình với chi nhánh tại HCM với NghiaTT, TuanBTA, ThachDT, ChienPQ, TanLC, HungDH,…

Tuy vậy, cũng như các đơn vị khác, việc sáp nhập ban đầu cũng có những hệ lụy cho FIS ERP. Đó là những mảng gap về phương pháp luận quản trị và đặc biệt là con người. Đầu tiên là anh Đinh Quang Thái, những năm sau đó là anh Phạm Tuấn Phan rời khỏi FIS ERP.

Cuối năm 2007, tòa nhà FPT Cầu Giấy khai trương, chúng tôi từ biệt tòa nhà 98 Hoàng Quốc Việt và chuyển về tầng 4 tòa nhà FPT Cầu Giấy, khép lại một năm sóng gió và mở ra một thập kỷ rực rỡ phía trước.

Phát triển và cạnh tranh

Sau nhiều thay đổi về tổ chức và nhân sự, đầu năm 2008, anh Mai Công Nguyên được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc FIS ERP. Tổ chức cũng dần thay đổi hoàn thiện như hiện nay, chia thành các trung tâm gồm: Trung tâm Kinh doanh, Trung tâm Tư vấn, Trung tâm Oracle, Trung tâm SAP, Trung tâm GIS và sau này có Trung tâm Technical. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về nguồn lực, trung tâm FITC được thành lập, lớp cán bộ nguồn thứ 3 và thứ 4 sau này của chúng tôi đều được đào tạo từ “lò” này ra.

Việc đầu tiên của Tổng Giám đốc Mai Công Nguyên là áp dụng chính sách khoán vào FIS ERP, theo đó tất cả các dự án, các công việc đều áp đặt chỉ tiêu hiệu quả, thu nhập cuối năm của mỗi cán bộ dựa trên kết quả của các chỉ tiêu khoán đã đặt ra. Việc này ban đầu là một sự bỡ ngỡ của các cấp quản lý, những người trước đây chủ yếu xuất thân từ triển khai dự án. Vì thế công thức khoán ban đầu được xây dựng cũng chưa thực sự phù hợp ngay với FIS ERP, nhưng qua hàng năm công thức khoán được hoàn thiện và áp dụng triệt để. Đến nay, có thể nói chính sách khoán là một trong các phương pháp quản trị hữu hiệu tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả cho FIS ERP.

Cùng với sự khởi sắc của kinh doanh và thị trường ERP, các dự án mới liên tục được ký kết, nhu cầu nhân sự các dự án tăng đột biến, trong khi nguồn nhân sự trong FIS ERP chưa kịp đáp ứng. Thị trường ERP thế giới và Việt Nam cũng có sự chuyển dịch lớn, từ xu hướng sử dụng Oracle sang SAP, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu chọn SAP làm hệ thống CNTT cốt lõi là công cụ quản trị thay vì Oracle như trước kia. Cộng với sự cạnh tranh khốc liệt nguồn lực ERP trên thị trường, bài toán nguồn lực để đáp ứng các dự án triển khai SAP là vấn đề sống còn của tổ chức lúc bấy giờ. Chính vì thế, việc chuyển dịch và cơ động nhân sự tư vấn triển khai là tất yếu. Đây là lời giải của chúng tôi cho việc thiếu hụt nguồn lực cũng như tinh gọn nhân sự đảm bảo năng suất và hiệu quả của FIS ERP.

Với nền tảng vững chắc từ quản trị công ty, phương pháp luận bán hàng, phương pháp luận tư vấn triển khai và đặc biệt là con người, chúng tôi bắt đầu tin rằng có thể làm được những điều lớn lao.

Dự án Petrolimex được ký kết ngày 13/11/2009 là một cột mốc đã đi vào lịch sử FIS ERP. Dự án này đến nay vẫn là một kỷ lục trên thị trường ERP Việt Nam chưa được phá vỡ, giá trị hợp đồng lên tới 13 triệu USD với giải pháp chuyên ngành Oil & Gas DownStream được triển khai 118 sites trên khắp cả nước. Dự án này cũng là một chứng minh lịch sử nữa, đó là FPT hoàn toàn đủ năng lực làm tổng thầu một dự án hàng chục triệu USD. Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ, bởi trước kia, các dự án CNTT lớn tại Việt Nam tổng thầu đều là những nhà thầu nước ngoài, các công ty Việt Nam, trong đó kể cả FPT chỉ là thầu phụ.

Đối với cá nhân tôi, Petrolimex là một dự án để đời, với vai trò là Quản trị dự án, tôi đã trải nghiệm và đối mặt với những khó khăn của một trong những dự án lớn và phức tạp nhất trong lịch sử FIS ERP. Những trải nghiệm về tư vấn quản trị cho doanh nghiêp lớn, quản trị dự án với thầu phụ nước ngoài và nhiều bên liên quan, và đặc biệt là quan hệ khách hàng đã cho tôi những bài học quý báu trong quá trình trưởng thành của mình sau này.

Tiếp nối thành công TABMIS, Petrolimex của FIS ERP HN, Vietsovpetro của chi nhánh HCM… cánh cửa cơ hội mở ra cho FIS ERP. Hàng loạt các dự án mới được ký kết và triển khai thành công sau đó, trong đó phải kể đến khối Banking gồm SBV (Ngân hàng nhà nước Việt Nam), BIDV, MSB, DIV... Các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam cũng đặt niềm tin và chọn FIS ERP là đơn vị tư vấn triển khi cho mình như VinGroup, Trung Nguyên, Big C… Đặc biệt, những năm 2014 trở về đây là sự phát triển vượt bậc của chi nhánh FIS ERP HCM với thị trường ERP cho khối doanh nghiệp không giới hạn, với hàng loạt các dự án lớn Tân Hiệp Phát, Bidipha, MinhPhu, Fecon, Thiên Hòa, Vinasoy…

Cùng với sự phát triển nóng của thị trường ERP, sự cạnh tranh là tất yếu của phát triển. Đối thủ chủ yếu của FIS ERP là các công ty quốc tế như IBM, SCS, GCS, Electra và gần đây là Deloitte, Abeo... Đồng thời, hiện trạng cạnh tranh và “chảy máu” nhân sự diễn ra, một số các chiến tướng rời khỏi FIS ERP để chuyển sang các công ty này và sang chính khách hàng của FPT: HaLT, TrungPT, HangNT, ChienPQ, TanLC,… Trong quá trình phát triển của mình, việc mất nhân sự này ít nhiều là khó khăn trong một số giai đoạn cho FIS ERP, nhưng cũng từ đó một loạt các cán bộ lớp sau của chúng tôi có cơ hội trưởng thành HuongCM, CuongNT4, CuongTH, PhongTD, SonVD, TungHT2, HungDH,…

Giờ đây, với vị thế là đơn vị tư vấn triển khai ERP đứng đầu Việt Nam, chúng tôi cùng nhau thực hiện trách nhiệm của mình với thị trường. Để định hướng thị trường và hỗ trợ cho các khách hàng doanh nghiệp nhận thức và sẵn sàng áp dụng ERP, từ năm 2009 chúng tôi chính thức phát hành thường kỳ Tạp chí ERP và Doanh nghiệp. Đồng thời, từ năm 2014 chúng tôi tổ chức thường niên các diễn đàn ERP, đây là những buổi tọa đàm với khách mời chính là các lãnh đạo của các doanh nghiệp đã áp dụng và triển khai ERP thành công. Những diễn đàn này vừa là kênh thông tin quan trọng, tin cậy cho các doanh nghiệp muốn tiếp cận với hệ thống quản trị ERP tân tiến, hiện đại và cũng là tránh nhiệm của chúng tôi trong sự phát triển của thị trường ERP Việt Nam.

Toàn cầu hóa

Ngay từ khi thành lập, chúng tôi định hướng dịch vụ tư vấn và triển khai dựa trên các sản phẩm hàng đầu của các hãng lớn của thế giới như Oracle và SAP, vì vậy đã chấp nhận một cuộc chơi trên phạm vi toàn cầu.

Nhiều dự án đầu tiên của chúng tôi trong những năm 2004, FES chủ yếu làm thầu phụ cho các công ty toàn cầu (như thầu phụ cho IBM ở TABMIS), tiếp sau đó các dự án SAP là thầu phụ cho Abeam và SAPC. Cũng nói thêm trong những năm đó, các công ty ERP toàn cầu chiếm thị phần gần như tuyệt đối trong thị trường ERP tại Việt Nam.

Nhưng sau dấu mốc Petrolimex năm 2009, chúng tôi quyết định phải trở thành tổng thầu, làm chủ trên sân chơi của mình tại Việt Nam. Thay vì làm thầu phụ như trước, chúng tôi thuê lại chính các hãng nước ngoài làm thầu phụ cho mình, chúng tôi tin rằng chỉ những nhà tư vấn triển khai Việt Nam mới thực sự thấu hiểu và đem lại những giải pháp phù hợp nhất cho khách hàng Việt Nam. Qua các dự án làm tổng thầu Petrolimex, SBV, ThangLong Semens, VinGroup… các nhà tư vấn triển khai của FIS ERP đã dần khẳng định năng lực tư vấn của mình hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nhà thầu ERP quốc tế.

Cùng với phong trào toàn cầu hóa của FPT và FIS, chúng tôi tiếp tục lên đường và chinh phục một sân chơi lớn hơn: Thị trường nước ngoài. Dự án nước ngoài đầu tiên là FMIS - Hệ thống quản lý ngân sách cho Bộ Tài chính và Kho bạc Hoàng gia Cambodia, được ký kết cuối năm 2014. Năm 2016 chúng tôi đã chứng minh, người FIS ERP hoàn toàn tự tin triển khai thành công dự án trên thị trường toàn cầu bằng việc nghiệm thu dự án đúng hạn trong vòng 18 tháng.

Triển khai ERP trên thị trường toàn cầu thực sự là một trải nghiệm mới với chúng tôi. Những trở ngại chúng tôi phải đối mặt: sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, sự xa cách về địa lý cùng với khó khăn khi thiếu sự hỗ trợ đầy đủ từ quê nhà. Nhưng cũng chính những khó khăn, thiếu thốn đó đã tôi luyện và giúp cho từng lớp cán bộ của chúng tôi trưởng thành vượt bậc. Liên tiếp sau đó các dự án Toàn cầu hóa liên tục được ký kết và triển khai thành công: UPG Myanmar, GTCL - Gas Banglades, EGCB - Điện Bangladesh, EDL - Điện Laos. Những cán bộ đã lớn lên và ghi dấu ấn của riêng mình cùng với các dự án nước ngoài phải kể đến CuongNT4, TungHT, PhongTD, SonVD …

Đến một đất nước mới chúng tôi bắt đầu học cách hành xử như “Tây”. Thiếu nhân lực, chúng tôi bắt đầu tuyển dụng những nhân viên người bản địa (local) đầu tiên làm việc cho mình. Chuyên gia tư vấn FIS ERP người Việt Nam mang công nghệ, giải pháp quản trị đến và chính nhân viên FIS ERP bản địa là người triển khai giải pháp đến các khách hàng tại chính đất nước họ.

Đến nay, không còn chia ra thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, đối với chúng tôi, ERP là một thị trường - thị trường toàn cầu. Dấu chân của các cán bộ tư vấn triển khai ERP đã in dấu khắp các khách hàng và vùng miền tại Việt Nam và tiếp tục in dấu trên những đất nước cần giải pháp của chúng tôi.

Lời kết

Tôi may mắn là một trong những người đầu tiên có mặt khi thành lập FES, may mắn được tham gia nhiều dự án quan trọng, có ý nghĩa đánh dấu những bước chuyển mình của FES. Và từ đó tôi có cơ hội cùng các đồng nghiệp của mình được chứng kiến và trải nghiệm qua bao thăng trầm trong quá trình phát triển của FES.

Tôi đã trải nghiệm thực sự nhiều trong hơn 15 năm qua, những dự án, những khách hàng, những chuyến công tác với những con đường dài đằng đẵng, những chuyến bay hàng giờ, những điểm triển khai trên những đất nước xa xôi đều để lại những cảm xúc khó quên.

Nhưng cảm xúc lớn nhất, cảm xúc sẽ tiếp tục cùng tôi bước tiếp trên đường đời của mình là hình ảnh những gương mặt của chính các đồng nghiệp ERP, cả những người đã rời đi và những người tiếp tục đồng hành cùng mình. Đó là những gương mặt thâp thỏm bên món ăn tối muộn khi golive hệ thống, những gương mặt lo âu khi chuyển đổi sai dữ liệu, những gương mặt thiếu ngủ sau một đếm trắng fix bug, những gương mặt bừng sáng khi giải pháp được khách hàng chấp nhận, những gương mặt bối rối khi lần đầu tiên đi onsite và rạng ngời ngày trở về…

Tôi thật sự tự hào được là một phần của FES, thật sự thấy tuyệt vời khi được đồng hành cùng FES trải qua những năm tháng tuổi trẻ. Đó là thanh xuân của tôi bên thanh xuân của FES.

Những mốc son lịch sử:

- Ngày 13/01/2004: Thành lập trung tâm FES.

- Tháng 04/2004: Thắng thầu TABMIS - Hệ thống quản lý ngân sách Kho Bạc Việt Nam - Dự án ERP đầu tiên của FES.

- Ngày 13/11/2009: Thắng thầu và triển khai thành công Petrolimex, lần đầu tiên làm tổng thầu dự án lớn hàng chục triệu $, dự án ERP lớn nhất cho khối Doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam.

- Tháng 10/2014: Thắng thầu FMIS tư vấn triển khai ERP cho Bộ tài chính Cambodia - Dự án toàn cầu hóa đầu tiên.

- Tháng 6/2016: Triển khai thành công ERP cho tập đoàn Vingroup, dự án lớn nhất khối doanh nghiệp tư nhân.

- Tháng 9/2017: Triển khai thành công ERP cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), dự án mà trước đó Indra - một công ty ERP của Tây Ban Nha triển khai thất bại.

- Tháng 3/2016 - Tháng 11/2016: Thắng 2 thầu ERP & EAM tư vấn triển khai cho Gas Bangladesh (GTCL) và Điện Bangladesh (EGCB). Đây là 2 dự án triển khai ERP lớn nhất của Việt Nam tại nước ngoài.

Thân tặng các đồng nghiệp FIS ERP.

Hà Nội, tháng 7/2018

Phạm Thanh Tùng

CDO - TGĐ Khối SX FIS, nguyên Phó TGĐ FIS ERP

Ý kiến

()