Ngày 6/7/2015, FPT chính thức nhận giấy phép viễn thông NFS(I) tại Myanmar. Có thể nói đây là lần đầu tiên FPT đã lấy được 1 giấy phép kinh doanh quan trọng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam. Giấy phép NFS(I) là giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông cố định (không bao gồm di động). Với giấy phép này, FPT có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông cố định nội địa và quốc tế; xây dựng, triển khai, bảo trì, cho thuê hạ tầng viễn thông; và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên nền hạ tầng mạng như truyền hình qua internet (IPTV), báo điện tử (e-News), thương mại điện tử (e-Commerce), domain, hosting… Điểm quan trọng nhất của giấy phép NFS(I) là FPT sẽ được phép triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển dịch vụ internet tại đây. Giấy phép do Bộ truyền thông và CNTT Myanmar (MCIT) cấp, có hiệu lực từ 6/7/2015, với thời hạn 15 năm, đến năm 2030.
Từ khi mở cửa đất nước năm 2010, Myanmar được các tổ chức có uy tín lớn trên thế giới như ADB, IMF, WB... đặt kỳ vọng lớn. Với dân số xấp xỉ 56 triệu người, tỷ lệ tiếp cận internet ngày càng cao trong khi chất lượng đường truyền internet hiện ở mức rất thấp, Myanmar hiện được coi là “mảnh đất vàng” cho các doanh nghiệp CNTT-VT trong và ngoài nước.
Theo dự báo của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Myanmar sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 9,5% vào năm 2030. Myanmar vốn là đất nước thịnh vượng hàng đầu Đông Nam Á nhưng việc bị cấm vận kinh tế nhiều năm đã khiến hạ tầng viễn thông nước này hầu như không có gì. Đường truyền internet chậm đến mức doanh nghiệp không thể trao đổi công việc qua skype, email hay gửi rút tiền online... Tuy nhiên, chi phí dịch vụ internet tại Myanmar vào thời điềm năm 2013 lại vô cùng đắt đỏ, cao gấp hàng chục thậm chí cả trăm lần so với Việt Nam. Chẳng hạn, giá dịch vụ ADSL mỗi tháng của các nhà cung cấp địa phương như MPT trung bình khoảng 30 USD/Mbps, YTP khoảng 100 USD/Mbps, chưa kể tiền triển khai, trong khi giá internet cáp quang của FPT Telecom tại Việt Nam chỉ khoảng 1,8 USD/Mbps một tháng.
Một Myanmar sơ khai lại cho anh Bình và lãnh đạo FPT cảm nhận đây chính là cơ hội hiếm hoi để FPT có thể lắp lại lịch sử. Việt Nam cũng từng bị cấm vận và trải qua thời kỳ chưa có internet, mobile phone, nhưng ngày nay, chúng ta đã có mọi thứ. Hiện nay, có 3 lĩnh vực FPT đang đóng góp tốt nhất cho Việt Nam là hạ tầng internet, đào tạo nguồn nhân lực và đem công việc từ nước ngoài về Việt Nam. Và anh Bình và các lãnh đạo FPT muốn làm những điều tương tự như vậy cho Myanmar. Có lẽ đây chính là động lực chính để Ban Điều Hành FPT quyết định thành lập FPT Myanmar vào tháng 7/2013. Với thông điệp FPT coi Myanmar là quê hương thứ 2 và sẽ mang những kinh nghiệm triển khai thành công tại Việt Nam để phát triển ngành CNTT - viễn thông tại Myanmar, FPT Myanmar đã được thành lập 7/2013, khi đó Chủ tịch FPT Myanmar là anh Hoàng Minh Châu, và TGD là chị Bùi Hồng Liên
Ngay từ trước khi thành lập FPT Myanmar, với sự hỗ trợ nhiệt tình của anh Trường Gia Bình, anh Hoàng Minh Châu, đã có rất nhiều hoạt động FPT để xin giấy phép viễn thông cụ thể như các chuyến thăm và làm việc của anh Bình với Bộ trưởng Quốc Phòng Myanmar, lãnh đạo doanh nghiệp quân đội MEC, các cuộc tham dự của các lãnh đạo FPT trong các cuộc viếng thăm chính thức của các nguyên thủ 2 bên với thông điệp của FPT là xin giấy phép viễn thông, cử các đoàn cán bộ FPT Telecom khảo sát hiện trạng cũng như đề xuất về việc kinh doanh viễn thông tại Myanmar.
Sự quyết tâm của lãnh đạo FPT trong việc lấy giấy phép viễn thông tại Myanmar các được khích lệ bởi vào cuối năm 2013 có 3 doanh nghiệp nhận được giấy phép dịch vụ viễn thông là 2 doanh nghiệp nước ngoài Telenor, Ooredoo và 1 doanh nghiệp nhà nước là MPT. Tuy nhiên, cả 3 doanh nghiệp này đều chỉ tập trung vào mảng điện thoại không dây. Các lãnh đạo FPT tin tưởng rằng với các quan hệ của mình tại Myanmar, FPT cũng sẽ dễ dàng lấy được giấy phép này. Tuy nhiên các nỗ lực đều không thành công vì Chính phủ Myanmar vẫn chưa ban hành quy định về việc xin giấy phép Viễn thông (License Rules).
Qua các kênh chính thống, FPT Myanmar có thông tin License Rules sẽ được ban hành sớm vào tháng 12/2013, tuy nhiên đến tận cuối tháng 7/2014, License Rules này mới được chính phủ Myanmar chính thức phê duyệt. Trong quy định này, chính phủ Myanmar đã định nghĩa rõ 4 loại giấy phép Network Facilities Service License (Individual) (NFSI): Loại này là mức cao nhất gồm tât cả các dịch vụ viễn thông được phép. Ngoài ra còn 3 loại giấy phép nữa
- Network Facilities Service (Class) License (NFSC).
- Network Service License (NS).
- Application Service License (AS).
Tất cả các giấy phép này đều có thời hạn 15 năm. Quy định cũng đưa ra quy định về hồ sơ, quy trình phê duyệt, phí đóng,.. để có thể xử lý đăng ký các giấy phép nói trên.
Ngay lập tức lãnh đạo FPT đã tổ chức họp về việc này vào ngày 18/8/2014, bao gồm có Anh Bình, anh Ngọc, anh Châu, Thế Phương, TrieuDD, Chị Liên, KhoaNV, LinhNH (FPT Telecom). Cuộc họp này đã quyết định các nội dung quan trọng về việc lấy giấy phép:
- Sẽ xin giấy phép NFS(I) là mức cao nhất.
- Phân công người TriêuDD chịu trách nhiệm giấy tờ, pháp lý, Anh ChâuHM lo đầu Myanmar, anh LinhNH (FPT Telecom) đàm phán với các đối tác local, đội kỹ thuật FFPT Telecom lo làm hồ sơ kỹ thuật.
- Cuộc họp cũng bàn công ty nào sẽ đứng ra xin giấy phép: FPT Myanmar (ii.) FPT Telecom - Công ty ở VN, (iii) Một công ty local, or (iv) hoặc một liên doanh giữa FPT và công ty local.
- Cuộc họp cũng bàn về cơ cấu của công ty, chọn đặt tên công ty là FPT NET, anh Bình yêu cầu phải có công ty local tham gia.
Để triển khai các quyết định này, bên FPT Telecom đã thành lập đội kỹ thuật và tài chính để xây dựng giải pháp kỹ thuật và giải pháp tài chính, tôi còn nhớ đội này có anh Nguyễn Việt Hòa và anh Bình - CFO của FPT Telecom thời điểm đó. Về phần mình, cảm nhận được rằng Myanmar là một thị trường mới, các văn bản pháp luật, thủ tục đầu tư còn chưa hoàn thiện, nên tôi quyết định cần thuê một công ty luật tốt tư vấn cho mình. Chính vì thế tôi và anh Nguyễn Hoàng Anh (nhân viên pháp lý của FPT HO thời điểm đó) đã quyết định tìm kiếm các công ty luật có thể tư vấn cho mình. Chúng tôi đã tìm đến 2 công ty luật là:
- VDB Loi: Một công ty luật được thành lập năm 2012 bở Edwin Vanderbruggen và Jean Loi (trước là thành viên của PwC) và các thành viên từ các hang luật danh tiếng trong vùng. Văn phòng đầu tiên được mở ở Cambodia, sau đó là các văn phòng ở Việt Nam (Ho Chi Minh City), Lào (Vientiane), Indonesia, Singapore và Myanamar (Yangon). Năm 2013, văn phòng thứ hai được mở ở Myanmar (Nay Pyi Taw). VDB Loi đã từng cung cấp dịch vụ cho 5 trong số 12 nhà thầu trong vụ đấu thầu giấy phép viễn thông ở Myanmar gồm liên danh của Singtel, KDDI và Sumitomo, Axiata, Vodafone và China Mobile cùng với Ooredoo.
- Polastri Wint and Partners (PwP) và Indochine Counsel: Một công ty luật ở Myanmar chỉ hoạt động trong lãnh thổ Myanmar. Công ty này được giới thiệu bởi công ty luật Indochine Counsel (IC) ở Việt Nam. Hai công ty này sẽ cùng tư vấn cho FPT trong dự án này.
Nội dung tư vấn sẽ bao gồm: Tư vấn pháp luật về quy trình xin giấy phép, Theo dõi quá trình nộp đơn để xin giấy phép NFSI, sau khi hồ sơ được nộp trực tiếp cho cơ quan cấp phép bởi FPT Myanmar , tư vấn về lập công ty liên doanh và các thủ tục đầu tư.
Chúng tôi quyết định chọn VDB Loi và ký hợp đồng vào ngày 03/11/2014, thực tiễn sau khi làm việc với VDB Loi trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đến khi nộp hồ sơ cho Bộ chủ quản của Myanmar, chúng tôi chỉ thuê VDB Loi giai đoạn 1. Tuy nhiên việc thuê luật sư đã giúp cho quá trình xin giấy phép của FPT được chuẩn bị chuyên nghiệp và có được 2 lợi ích quan trọng:
- Quyết định đứng tên FPT Myanmar nộp hồ sơ: lý do chính việc này là nếu sử dụng các hình thức khác đều mất 3 tháng trở lên để có thể hoàn thành việc thành lập công ty ở Myanmar. Trong khi FPT Myanmar đã có sẵn đủ tư cách pháp nhân
- VDB Loi dẫn chúng tôi đến đúng người key person đã giúp chúng tôi lấy giấy phép nhanh nhất. Tôi sẽ kể về việc này trong đoạn sau của bài này.
Anh Bình luôn nhắc nhở chúng tôi là phải tìm kiếm đối tác địa phương cho việc lấy giấy phép cũng như vận hành hệ thống sau này. Đã có rất nhiều phương án đối tác địa phương như: đối tác công ty Quân đội Myanmar - Myanmar Economic Corporation, các công ty liên quan đến con trai của Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar, trong các đối tác anh Bình, anh Châu đánh giá cao một bạn tên là Kyaw Htoo Linn. Bạn này có quan hệ với FTG từ rất lâu khi chuyên bán điện thoại di động ở thị trường Myanmar. FTG đã mở công ty phân phối ở Myanmar bằng cách liên doanh với một công ty địa phương, trong đó Kyaw Htoo Linn.
Bạn này rất chịu khó học hỏi, lần nào sang Việt Nam cũng đòi gặp tôi, anh Bình... để chia sẻ kinh nghiệm. Mấy năm gần đây bạn này tập trung vào startup lập rất nhiều công ty con như Games, Ví điện tử, Công ty phần mềm, và công ty Solution Hub là công ty về giải pháp SI. Đa số các công ty đều không thành công, tuy nhiên, có lần Linn khoe là bán được cổ phần của công ty Mobile Games. Với thói quen môi giới chuyên nghiệp Linn đã được anh Bình, anh Châu tin tưởng là có thể giúp FPT xin giấy phép viễn thông. Chính vì thế khi mà vẫn chưa quyết định nộp đơn xin giấy phép dưới công ty FPT Myanmar, tôi cũng đã đề xuất ký hợp tác thành lập liên doanh để xin giấy phép viễn thông giữa FPT và công ty Solution Hub của Linn. Ngày 28/10/2014, biên bản ghi nhớ đã được ký giữa FPT và Solutions Hub trong đó thống nhất:
- Thành lập 1 công ty liên doanh ở Myanmar để xin giấy phép NFS(I) và thực hiện triển khai giấy phép này.
- Tên công ty đặt là FPT Net hoặc Myan Net (Linn rất thích tên này).
- Thỏa thuận cũng quy định cơ cấu vốn, cơ cấu HĐQT, cơ cấu quyết định...
Tuy nhiên, cuối cùng thỏa thuận này không được áp dụng ngay khi FPT Myanmar được lựa chọn làm công ty đứng tên nộp hồ sơ xin giấy phép. Trong quá trình tác động khi hồ sơ được nộp nhiều lần Linn cũng gặp tôi đề nghị đứng ra lobby cùng. Nhưng khi kiểm tra thông tin từ Linn tôi nhận thấy Linn không nắm được nhiều thông tin, nên tôi cũng quyết định không nhờ Linn lobby. Chỉ duy nhất đến giai đoạn cuối cùng khi hồ sơ nằm trên bàn Bộ trưởng Bộ truyền thông và CNTT Myanmar, tôi mới quyết định nhờ Linn tác động bởi vi Linn có họ hàng xa với ông này.
Việc không dùng Linn cũng gây ra một tranh cãi rất lớn trong nội bộ FPT. Tuy nhiên, tôi vẫn tin rằng quyết định không dùng Linn là quyết định đúng, tiết kiệm cho công ty rất nhiều chi phí lobby.
Ngày nộp hồ sơ chính thức: sau một thời gian chuẩn bị cật lực bao gồm việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý, hồ sơ kỹ thuật và hồ sơ tài chính. Ngày 28/11/2014, hồ sơ xin giấy phép của FPT Myanmar đã được nộp cho Bộ truyền thông và CNTT Myanmar tại thủ đô Napitaw, tổ nộp hồ sơ có anh Nguyễn Việt Hòa (FTEL), có Lê Na (FPT MM) được hướng dẫn bởi đại diện của công ty Luật VDB Loi. Như vậy chúng ta sau gần 4 tháng quy định về Giấy phép Viễn thông được phê duyệt đã qua được giai đoạn đầu tiên là nộp được hồ sơ. Trước mắt còn một giai đoạn khó khăn hơn đó giai đoạn lobby có giấy phép.
Quá trình lobby giấy phép viễn thông là một tổng thể các hành động lobby cấp cao, chọn được đúng key person của Bộ và kết hợp thêm một số may mắn nữa.
Ngày từ khi mời thành lập FPT Myanmar, các lãnh đạo của FPT luôn tận dụng các chuyến thăm của các Nguyên thủ quốc gia của Việt Nam và Myanmar cũng như các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các Bộ, và Chính phủ Myanmar để bày tỏ nguyện vọng xin giấy phép Viễn thông tại Myanmar. Gần 2 tuần sau khi nộp hồ sơ, ngày 05/12/2014, anh Bùi Quang Ngọc đã có chuyến thăm chính thức Napitaw, Myanmar và có cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ truyền thông và CNTT Myanmar, Thứ trưởng, Chánh văn phòng và Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế của Bộ cũng tham dự cuộc họp này.
Trong cuộc gặp này anh Ngọc đã giới thiệu về năng lực và kinh nghiệm FPT trong các lĩnh vực như Telecom, Software Outsourcing, Đại học và Chính phủ điện tử. Qua đó mong muốn đưa Myanmar thành quê hương thứ 2 của FPT, đưa các kinh nghiệm của FPT ở Việt nam sang triển khai ở Myanmar. Trong cuộc gặp này anh Ngọc cũng đã gửi giấy mời các lãnh đạo của Bộ truyền thông và CNTT Myanmar tham dự lễ khai trương FPT Myanmar ngày 16/01/2015. Ngoài các cuộc gặp này, chúng tôi có các cuộc gặp khác như Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar thăm FPT ngày 21/1/2015, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam thăm Myanmar 17/3/2015, Bộ trưởng Bộ Văn phòng Tổng thống Myanmar thăm FPT 9/6/2015, Tổng thư ký Đảng cầm quyền USDP U Maung Maung Thein ngày 19/6/2015... trong cuộc gặp này thông điệp đều được nhắc tới là các lãnh đạo và Chính phủ Myanmar hỗ trợ FPT xin giấy phép Viễn thông tại Myanmar.
FPT Myanmar được thành lập từ tháng 7/2013, tuy nhiên, chưa có lễ ra mắt chính thức nào, chị Bùi Hồng Liên khi đó là CEO của FPT Myanmar đã quyết định tổ chức lễ khai trường hoành tráng vào đầu năm 2015. Lễ khai trương được tổ chức vào ngày 16/1/2015 tại khách sạn Park Royal Hotel. Lễ khai trương này đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh của FPT tại Myanmar, tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ truyền thông và CNTT Myanmar - Thaung Tin, Thứ trưởng Bộ Thương mại Myanmar, Thứ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền thông Việt Nam Nguyễn Minh Hồng, Đại sứ Việt Nam - Phạm Thanh Dũng, các anh Chị hội đồng sáng lập FPT, Ban điều hành FPT, các quan chức/bạn bè người Myanmar và đặc biệt có hơn 20 khách từ Nhật Bản.
Tại buổi lễ, ngoài các phát biểu của quan chức, anh Trương Gia Bình, còn có lời chúc mừng từ các tập đoàn Nhật Bản. Điều đó thực sự đã gây ấn tượng tốt cho các quan chức của Myanmar. Nhân dịp này cũng vừa sắp đến Tết âm lịch của Việt Nam, ban tổ chức cũng đã mời đoàn ca nhạc Việt Nam sang biểu diễn các bài hát truyền thống của Việt nam và cho khách tham dự thưởng thức các mon ăn truyền thống của Việt nam. Các quan khách tham dự đã thực sự được đắm mình trong không khí Tết cổ truyền Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nhận định: Tập đoàn FPT là một doanh nghiệp CNTT - Viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, nằm trong số các doanh nghiệp tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. Từ nhiều năm qua, FPT đã có nhiều đóng góp to lớn cho việc phát triển hạ tầng ICT và luôn thể hiện vai trò tiên phong trong việc xây dựng ngành CNTT-TT của Việt Nam phát triển. Với những kinh nghiệm thành công ở Việt Nam và các nước đang phát triển như Lào, Campuchia và kinh nghiệm hợp tác với các khách hàng lớn ở Nhật Bản, Châu Âu và Hoa Kỳ. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng tin tưởng và kỳ vọng FPT sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển ICT ở Myanmar. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Thứ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Chính phủ, Bộ Viễn thông và CNTT, Bộ Thương mại Myanmar đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Tập đoàn FPT từng bước xâm nhập thị trường Myanmar.
Lễ khai trương đã đem lại ấn tượng tốt và nhờ lễ khai trương này, chúng tôi đã có cơ hội làm quan và tiếp cận với Thứ trưởng Bộ Viễn Thông và Công nghệ Thông tin Myanmar - ông Thaung Tin. Sau này tôi và anh Đoàn Nhật Minh rất dễ dàng gặp gỡ ông Thaung Tin, nhiều lần chúng tôi đã chơi golf với ông ở Napitaw, đến dự đám ma mẹ vợ ông. Ông đã hỗ trợ FPT Myanmar rất nhiều trong đợt xin giấy phép này. Khi ông thôi chức, chúng tôi cũng đã mời ông sang Việt Nam thăm Vịnh Hạ Long và chơi golf ở Tam đảo.
Để có được giấy phép bên cạnh các cuộc gặp gỡ cấp cao, hỗ trợ của các quan chức Bộ trưởng, Thứ trưởng Myanmar, một thành công nữa là chúng tôi đã tiếp cận đúng người Bộ truyền thông và CNTT Myanmar, Ông đã giúp và cập nhật thông tin cho chúng tôi trong suốt quà trình xử lý hồ sơ của FPT Myanmar. Trong suốt quá trình trước khi có quy định về giấy phép viễn thông, FPT Myanmar cũng đã tiếp cận nhiều quan chức của Bộ truyền thông và CNTT Myanmar, trong đó có Mr.T – Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế của Bộ. Có thể nói hầu hết các cuộc gặp trao đổi, FPT Myanmar đều thu xếp qua Mr.T này. Mr.T rất vui vẻ, và luôn luôn thể hiện sự hỗ trợ FPT.
Tuy nhiên, sau khi nộp hồ sơ tháng 11/2014, khi chúng tôi tiếp xúc Mr.T, Mr.T đều không tiết lộ bất cứ thông tin có giá trị nào, lúc đó tôi cảm giác rằng FPT Myanmar đã tiếp xúc không đúng người... Sau khi xem xét lại, tôi đã quyết định tập trung vào Mr. S - ông này là Cục trưởng Cục Viễn thông của Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin Myanmar. Ông này chính là người mà hãng luật VDB-LOI đã dẫn chúng tôi đến gặp hôm nộp thầu. Bằng các biện pháp hay làm Việt Nam, anh Đoàn Nhật Minh đã tiếp cận thành công Mr.S, và Mr.S đã hứa giúp FPT Myanmar. Tôi và anh Minh đã nhiều lần gặp Mr. S tại văn phòng, nhà của ông. Ông cũng thường xuyên update tình hình đánh giá hồ sơ của FPT Myanmar cũng như tiến trình phê duyệt hồ sơ. Tôi nhớ vào giai đoạn gần phê duyệt hô sơ tôi đã bay trực tiếp từ Singapore sang Napitaw để gặp ông.
Thực sự rất may mắn khi mà chúng tôi đã chọn đúng người để tiếp cận, tôi phải cảm ơn VDB-LOI về việc này. Đến thời điểm nay Mr.S vẫn còn đang làm việc tại Chính phủ Myanmar, sau vụ giấp phép, Mr.S vẫn còn giúp chúng tôi trong các việc như miễn thuế cho dự án National Portal, hỗ trợ trong việc xin giấp phép National Internet gateway. Do ông vẫn còn đương chức nên tôi không tiện nêu tên ông trong bài này.
Với các hoạt động vừa chính thức, vừa không chính thức, ngày 25/5/2015, chúng tôi đã đến làm rõ hồ sơ lần cuối cùng và ngày 26/5/2015, bản update cuối cùng của đơn xin giấy phép Viễn thông đã được gửi cho Cục Viễn Thông của Bộ truyền thông và CNTT Myanmar của Myanmar.
Ngày 21/6/2015, chúng tôi nhận được thông báo hồ sơ của FPT Myanmar đã được Bộ Viễn thông và Công nghệ Thông tin của Myanmar phê duyệt. Tuy nhiên, do FPT Myanmar là công ty nước ngoài, nên hồ sơ lại phải lên Cabinet phê duyệt. Qua tìm hiểu, Cabinet họp một tuần một lần. Chúng tôi thấp thỏm chờ cả tuần tiếp theo cũng không thấy có thông báo Cabinet phê duyệt. Và chúng tôi nghĩ rằng phải mất thêm một thời gian nữa.
Trong giai đoạn này, Mr.Linn bất ngờ xuất hiện lại sau một thời gian bặt tăm và thể hiện là một tay cò mồi xuất sắc. Linn offer một gói 80k usd cho việc làm sao hồ sơ được submit lên Cabinet và sau đó Cabinet chấp thuận. Sau khi lưỡng lự tôi quyết định chấp nhận đề xuất này của Linn.
Thật bất ngờ ngày 30/6/2015, chúng tôi nhận được thông báo là hồ sơ đã được Cabinet chấp thuận. Trong khi Linn không có một cập nhật nào cho chúng tôi. Vì việc này tôi đã quyết định cắt khoản chi cho Linn, quyết định này đã gây sốc cho Linn và Linn đã tìm nhiều các gây áp lực cho tôi để chi khoản tiền nói trên, bao gồm cả việc bay sang Việt Nam gặp Anh Bình. Sau đó tôi cũng gaiir quyết được vụ khủng hoảng này và vẫn duy trì mối quan hệ với Linn. Khi nào có việc quan trọng Linn đều gọi tôi như việc Linn đàm phán công ty Games ở Việt Nam, rủ FPT Myanmar tham dự thầu về ID Card, rồi bảo hiểm xã hội ở Myanmar.
Ngày 6/7/2015, FPT được Bộ truyền thông và CNTT Myanmar cấp giấy phép kinh doanh Viễn thông tại đất nước Chùa Vàng. Thời hạn giấy phép là 15 năm, sau đó sẽ gia hạn tiếp. Anh Đoàn Nhật Minh, Lê Xuân Thủy, Nguyễn Việt Hòa đã vinh dự đại diện FPT nhận giấy phép này.
Các đại diện em FPT nhận giấy phép kinh doanh Viễn thông tại đất nước Chùa Vàng. Từ phải qua anh Lê Xuân Thủy, Nguyễn Việt Hòa và Đoàn Nhật Minh. |
Có một chuyện vui, để có bức ảnh nhận giấy phép ở trên, anh Đoàn Nhật Minh cũng phải nghĩ ra mẹo. Theo thỏa thuận Bộ truyền thông và CNTT Myanmar và FPT gặp gỡ trao giấy phép, tuy nhiên sẽ không có lễ trao hoành tráng, quan chức của Bộ cũng từ chối chụp ảnh. Anh Minh đã nảy ra ý tưởng sau khi trao giấy phép thì sẽ tặng bức tranh cho quan chức của bộ và đề nghị chụp ảnh lúc trao tặng bức tranh này, khi chụp thì anh Hòa cầm thêm giấy phép để cạnh. Bức ảnh chụp tạo ra cảm giác là trao giấy phép hoành tráng.
Như vậy là sau gần 8 tháng từ lúc nộp hồ sơ, FPT trở thảnh công ty thứ 7 có giấy phép NFS(I) nhưng là công ty nước ngoài đầu tiên có giấy phép này. “FPT được chọn vì có nhiều kinh nghiệm làm viễn thông tại thị trường các nước đang phát triển như Lào, Campuchia, Việt Nam. Ngoài ra, việc FPT đầu tư bài bản tại Myanmar và có kế hoạch phát triển dài hạn cũng là một lợi thế", anh Đoàn Nhật Minh, CEO FPT Myanmar chia sẻ như vậy.
Với khát vọng đặt ra từ anh Trương Gia Bình và các lãnh đạo FPT, với sự quyết tâm của các thành viên FPT Myanmar, FPT Telcom, kết hợp các hoạt động chính thức, không chính thức, các võ của Việt Nam và may mắn tiếp cận đúng người, lần đầu tiên FPT lấy được một giấy phép ở nước ngoài. Để đạt được thành công này, tôi xin cảm ơn anh Trương Gia Bình, Bùi Quang Ngọc, Hoàng Minh Châu, chị Bùi Hồng Liên, các anh chị ở FPT Telecom: anh Nguyễn Văn Khoa, Hoàng Trung Kiên, Anh guyễn Việt Hòa, Tâm PH, anh ìnhBT, Nguyễn Thanh Bình, LuânLVT, PhúcPD; cá anh Chị ở FPT Myanmar: Anh Đoàn Nhật Minh, chị Nguyễn Minh Hạnh, Phạm Kim Dung, Bùi Lê Na, Hnin, anh Phạm Lê Hào, Lê Xuân Thủy, Hưng Tám, FPT HO: anh Nguyễn Hoàng Anh và các anh chị khác đã đóng góp hết mình cho thành tích này. Ngày 27/7/2015, Chủ Tịch FPT Trương Gia Bình đã tăng HC Hạng nhất cho FPT Telecom và FPT Myanmar cho thành tích xin giấy phép viễn thông tại Myanmar.
Dương Dũng Triều
FPT IS - FPT IS HN (BA+BP+BD+DD BOM+FD+CA+G+PQA)
Ý kiến
()