PHẦN I: FSS- NHỮNG NGƯỜI ĐẦU TIÊN
Trần Thanh Hà
Sau những nỗ lực không ngừng của Phó Tổng giám đốc Bùi, FSU3 cuối cùng cũng được tách ra và tiếp nhận lại toàn bộ các dự án phần mềm nội địa do FSS và kế đến là FSOFT để lại. Việc đầu tiên là xây dựng lại đội ngũ nhân viên mà đa phần đang theo các dự án làm cho nước ngoài bấy giờ (thời đó trừ dự án làm với Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, còn lại anh em đều thuộc các dự án nước ngoài). Trải qua thời gian một số anh đã không còn làm ở FPT nữa với những lý do khác nhau, người bận đi học, người vì cuộc sống, người vì công danh, nhưng tất cả họ đã làm nên FSS ngày hôm nay. Hồi đó FSU3 chỉ có 18 người chưa kể Giám đốc Bùi Quang Ngọc. Tôi rất muốn kể ra đây tất cả về 18 người đầu tiên, nhưng chắc chắn họ sẽ được nhắc tới nhiều ở các phần tiếp sau của cuốn Sử ký này. Tôi chỉ mạn phép nói qua về bốn con người có ảnh hưởng sâu sắc đến FSS từ trước tới nay.
Nguyễn Tú Huyền
Tóm tắt qua về nhân vật Tú Huyền “tù” này, bạn có thể hình dung dựa trên những nhận xét, trêu chọc... của các cá nhân khác:
- Nhân vật chính trong bài “Bên kia sông Tô”
- Trẻ mãi với thời gian theo nhận xét của rất nhiều khách hàng
- Mái tóc chắc như dây thừng, theo Đình Anh, người từng rất nhiều năm giật bím tóc của chị
- Là người nổi trội nhất FSS vì có hai cô con gái giống hệt nhau, khác hẳn anh em sinh đôi Toàn - Thắng
- Là nữ PGĐ đầu tiên của FSS.
Là người có thâm niên cao nhất FSS khi đó, chỉ sau Giám đốc, chị tham gia hầu hết các dự án của FSU3 khi đó với vai trò đầu tàu. Gần như toàn bộ FSU3 tham gia dự án Ngân sách do chị làm QTDA. Những thành viên của dự án đó sau này cũng trưởng thành và làm việc rất tốt. Lúc đó FPT đang nỗ lực để đạt chứng chỉ ISO 9001 và Ngân sách là một trong số những dự án được đem ra để kiểm tra. Tất cả các tài liệu cần thiết đã được chị và các em Vân - Loan hoàn thiện trong một thời gian kỷ lục và hiện nay FSS vẫn đang duy trì hệ thống chất lượng ISO 9001 đạt được từ đó.
Sau dự án Ngân sách chị được giao trọng trách xây dựng lại sản phẩm SmartBank, sản phẩm mà FSS trước kia và FSOFT đã phát triển, triển khai thành công cho APBank/Lào Việt Bank. Lúc đó chương trình chạy khá ngon vì ít chức năng hơn bây giờ nhiều, nhưng không hiểu sao APBank thì đứng trên bờ vực phá sản, Lào Việt Bank thì không tin tưởng vào chương trình của FPT. Từ ngày có được bàn tay chăm sóc của chị, SmartBank lớn mạnh không ngừng, SmartBank ngày càng hoàn thiện với rất nhiều công sức và tâm huyết của chị. Từ đó tới nay SmartBank liên tiếp gặt hái được những thành công vang dội và là sản phẩm đem lại lợi nhuận cao nhất cho FSS.
Vũ Mai Hương
Hương “còm” không phải là vợ Thắng “còm” mà có tên vậy đâu. Ngày xưa chị Hương quả là còm thật (chưa chắc bằng em GiangND bây giờ). Là người biết mọi chuyện ở công ty, là người chị của tất cả các đàn em FSS. Ngoài việc là một Quản trị dự án xuất sắc chị có thể coi là một tổng quản hoàn hảo của FSS. Khi xưa FSS chỉ có mỗi chị và Tú Huyền, chị đã lo cho tất cả các anh em một cuộc sống không hề thiếu về nhiều mặt. Đến lúc FSOFT (FSU1-3) chuyển trụ sở về HITC chị là người lo liệu mọi việc cho anh em, mọi người chỉ mỗi việc bê máy tính đặt lên bàn là đã có một chỗ làm việc như ý. Khi FPT hiện đại hoá hệ thống Quản trị doanh nghiệp, chị là Quản trị dự án khi mà trong tay không có một mống quân nào. Kết quả hệ thống Solomon đã được áp dụng thành công tại FPT và kết quả chị thu được là một đội ngũ nhân viên: HằngNT, HoàngDT, NgọcVQ, GiangNT... Đến lúc FSS có nhu cầu chuyển địa điểm mặc dù đang là Giám đốc Enterprise Business Unit chị cũng nhận nhiệm vụ tổng quản trong dự án chuyển trụ sở mới.
Dương Dũng Triều
Ngày xưa anh nổi danh với đôi mắt tinh tường, anh em trong cùng bộ phận gọi anh là “cú mèo”, một thời bị chọn làm vị trí lá chắn cuối cùng trong đội bóng FSS. Ngày nay mắt đã cận, bụng đã to, không thể theo đàn em ra sân bóng, nhưng anh vẫn còn tham gia đội rất nhiệt tình với những khoản tài trợ kếch xù. Anh em rất quý anh vì ngoài vị trí chính thức là lãnh đạo bộ phận anh là người rất gần gũi với mọi người. Với ToanPT, ThanhHà hay Tuấn nở anh là bạn chửi bậy hàng ngày (đấy là khi xưa FSS vắng người, nhân tài chửi bậy ít, giờ đây cỡ như HoangDT có hàng rổ). Chỉ vài tiếng không thấy tiếng anh ở khu cuối của toà nhà HITC lập tức mọi người lại thấy vang lên từ xa một giọng chửi bậy cỡ như ở Trại găng hay Ga Hàng cỏ.
Với chị em anh như là Recycle Bin, hàng ngày hàng giờ anh phải nghe hàng loạt những vụ việc của Vân chị, Vân em... thế mà không điên mới tài. Với khách hàng anh có một vẻ chân thật của một chú nông dân miền sơn cước “Thằng đấy trông như thế không tin được thì còn tin ai”, người như vậy quả không hổ danh là chiến sĩ kinh doanh. Là người vô cùng tâm huyết với thị trường phần mềm nội địa, anh luôn có mặt tại những nơi mà “hình như” chúng nó cần chương trình. Từ chứng khoán - sàn giao dịch, báo cáo nhanh, web site bẩn bẩn đến nghiệp vụ bảo hiểm rồi Ngân hàng, Billing, không cái gì anh không biết. Ngày đầu lúc FSU3 (FSS) tách khỏi FSOFT, anh ngày nào cũng lang thang khắp toà nhà HITC để gạ gẫm tay chân về với mình. Black list của anh dài dằng dặc gồm những VinhLD và đàn em, ThanhHa, SơnHT, QuynhVT và “chó đàn”... nhưng cuối cùng anh cũng đành bằng lòng với hai người trong số đó. Nhìn lại thời đó với số người hiện nay chắc anh không ngờ mình lại giỏi như vậy (thu phục thêm được cả trăm người). Những năm đầu kinh doanh khó khăn, anh em đa phần ít kinh nghiệm, dự án chậm liên miên, anh lúc nào cũng đầu bù tóc rối, nụ cười luôn méo mó. Những khó khăn ban đầu đã được anh dần đẩy lùi với sự hỗ trợ của các cộng sự. Đầu tiên là việc hoàn thành doanh số năm 2001, nên nhớ rằng chưa bao giờ phần mềm hoàn thành doanh số, tiếp đến là những thành công vượt bậc năm 2002. Hiện nay anh đang là Phó Giám đốc phụ trách việc tìm công ăn việc làm cho 200 nhân viên FSS, đồng thời kiêm chức Giám đốc Telecom Business Unit.
Nguyễn Quang Anh
Là người anh thân thiết của tất cả mọi nhân viên FSS, là nhân vật chính trong “Chuyện tình thời thổ tả”. Anh luôn giành được sự nể phục của các đồng nghiệp FPT cũng như sự kính trọng của các bậc đàn em. Từ thời còn là sinh viên ĐHBK anh đã gắn bó với FSS, với các dự án của Tổng cục Thuế và cho tới nay anh vẫn gắn bó với khách hàng này. Hiện nay, anh là Giám đốc MOF and Taxation Solution Business Unit.
Các gương mặt khác
Trải qua bao nhiêu khó khăn, thăng trầm của FSS, các thành viên đầu tiên đã trưởng thành và là những cán bộ chủ chốt của FSS. Một số thành viên đã không còn làm việc tại FPT nữa (vì nhiều lý do khác nhau), nhưng những đóng góp ban đầu của họ với FSS sẽ luôn được nhắc đến với những dòng chữ trân trọng nhất.
Đó là những anh, chị:
PHẦN II: TỪ SIBA TỚI SMARTBANK
Nguyễn Tú Huyền
SIBA
Nhắc đến SMARTBANK không thể bỏ qua tiền thân của sản phẩm này là SIBA. Giống như SMARTBANK, SIBA cũng có nhiều phiên bản. Phiên bản SIBA cũ nhất hiện đang chạy tại VID PUBLIC BANK (tháng 10 năm nay bản này sẽ được thay bằng bản SMARTBANK đời cuối). Nếu mở code của SIBA ra đọc các bạn sẽ thấy dấu ấn của hầu hết các thành viên đầu tiên của nhóm ngân hàng: anh Lâm Phương, anh Thành, chị Quyên... Anh Phương xây dựng các dạng màn hình và menu hệ thống, anh Thành viết Batch, Vũ (FIBI) viết chuyển tiền. Các bạn trẻ bây giờ không thích dùng chương trình người khác viết, và thích công nghệ mới. Chúng tôi thì dùng lại càng nhiều càng tốt. Khi triển khai Ngân hàng mới rất ít khi chúng tôi viết lại phân hệ nào khi nó đã chạy ổn định ở nơi khác. Tôi nhớ anh Thành rất ấm ức mỗi khi nhắc đến phân hệ chuyển tiền của Vũ (FIBI) và phần tính lãi tiền gửi do tôi viết. Anh bảo phần chuyển tiền thì thiết kế rối rắm, phần tính lãi thì quá nhiều trường hợp. Anh chỉ chờ cơ hội để viết lại. Thế mà 2 phần này hầu như được giữ nguyên từ VID PUBLIC đến các ngân hàng Ching Fong, MAYBANK và tất cả các ngân hàng dùng SIBA khác.
Vào những năm 92-93 hầu như mọi người chỉ dùng Foxproln, SIBA đã khai thác mọi khả năng có thể khai thác của công cụ này. Cho tới nay, sau nhiều năm khi đi triển khai các tỉnh thành khác, chúng tôi vẫn gặp các chương trình FOXPROLN có kiến trúc giống hệt SIBA. SIBA được rất nhiều người dùng yêu thích. Điều mà SIBA không thể vượt qua là tính ổn định của sản phẩm. Lâu lâu lại mất nửa giao dịch. Tôi nhớ mãi câu nói của Mr. Yew Wan Kup, cựu giám đốc ngân hàng MAYBANK nhân một lần phàn nàn về sự cố này. Ông ta bảo "Dùng chương trình ngân hàng giống người ta đi máy bay, đã tai nạn máy bay là chỉ có chết. Nên chương trình ngân hàng đắt cũng được nhưng không thể có lỗi". Chúng tôi hiểu rằng mình làm máy bay, không phải ô tô. Con đường này thật khó nhưng là con đường chúng tôi đã chọn.
SMARTBANK
Những ngày đầu xây dựng SMARTBANK hẳn là rất lý thú. Rất tiếc tôi không tham dự được đầy đủ. Đó là cuối năm 1997 khi FSS chuyển hướng, chia thành các nhóm: Banking, Thuế, QL văn phòng. Tôi bị tách ra khỏi nhóm ngân hàng, đi làm Thuế. Thực sự các dự án với Tổng cục Thuế và Bộ Tài Chính đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm quản trị dự án và phân tích thiết kế, đặc biệt khi dự án phải sử dụng nhiều nguồn lực bên ta và bên khách hàng. Nhưng tôi vẫn trốn anh Kiên (khi đó là giám đốc FSS) đi họp với nhóm ngân hàng khá nhiều. Nhóm xây dựng SMARTBANK khi đó có anh Phương, anh Thành, Việt Anh, Việt Dũng, Khôi và Quyên. Sau khi triển khai thành công phân hệ FD ở AP Bank, nhóm bắt đầu viết thêm phân hệ tín dụng cho Lào Việt Bank. Lúc này (cuối năm 1999) anh Thành đi làm giám đốc FAT nhưng anh em không tha, cả bọn mang máy sang APTECH ngồi cạnh anh Thành.
Khi thành lập FSS, nhóm ngân hàng được thành lập lại, ban đầu chỉ có tôi và SơnDA vừa trở về từ Hungary. Chúng tôi cùng với Quyên, Khôi triển khai SMARTBANK cho Lào Việt Bank (LVB) Hà Nội. Mặc dù hợp đồng chỉ là triển khai các chức năng sẵn có của LVB Vientian, nhưng người sử dụng yêu cầu sửa rất nhiều và thêm vô số báo cáo. Cộng với việc chương trình khi đó chưa ổn định lắm, đến nay SMARTBANK tại Vientiane và Hà Nội vẫn chưa được nghiệm thu.
Sai lầm tại LVB đã giúp chúng tôi đưa ra quyết định xem xét code 100% khi xây dựng SMARTBANK cho ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, một trong 3 ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam. Ngoài việc viết lại phân hệ tín dụng, bổ sung các phân hệ mới chúng tôi đã thay đổi SMARTBANK khá nhiều theo yêu cầu của ngân hàng. Sài Gòn Thương Tín là một ngân hàng có yêu cầu cao và mạch lạc. Chúng tôi tin rằng khi đã đáp ứng yêu cầu của họ thì các ngân hàng khác rất dễ chấp nhận. Thực tế sau này chúng tôi chỉ sửa rất ít đối với các ngân hàng TMCP khác. Dự án SACOMBANK (SCB) bắt đầu từ tháng 9/2000. Tới tháng 10/2001 chi nhánh đầu tiên được đưa vào hoạt động. Từ đó cứ sau mỗi tháng lại có 1 chi nhánh kết nối trực tuyến với hội sở. Đến nay quá trình này vẫn tiếp diễn vì ngân hàng mở thêm các chi nhánh mới với tốc độ rất cao. Dự án SCB có ý nghĩa rất lớn không chỉ với FSS mà đối với cả ngân hàng. Về phía ngân hàng, trong khi nhiều ngân hàng TMCP khác bắt đầu triển khai phần mềm cùng SACOMBANK còn đang chưa có kết quả, thậm chí đang chán nản thì SACOMBANK đã kết nối gần hết các chi nhánh và triển khai thẻ debit, credit. Đối với FSS, SACOMBANK giống như một điểm tựa, nơi chấp nhận và thể hiện tất cả các ý tưởng của chúng tôi về công nghệ và sản phẩm. SACOMANK cũng là nơi nhiều quản trị dự án đã trưởng thành như Tuấn, Dương, Hòa...
Dự án Ngân hàng ngoại thương Lào (BCEL) được khởi động sau SACOMBANK, nhưng triển khai gần như đồng thời. Thành công của dự án này chắc nhờ vào tính liều của Vinh. Khi đó anh Ngọc, anh Thành và tôi dẫn Vinh sang Lào khảo sát. Sau màn giới thiệu và tìm hiểu sơ bộ chúng tôi để Vinh tự bơi. SMARTBANK khi đó đang được thử nghiệm ở SACOMBANK chứ chưa chạy chính thức. Để lại 1 nửa nhóm chứng khoán cho ChiếnTD quản lý, Vinh mang nửa nhóm còn lại sang Lào và triển khai xong trong vòng 4 tháng. Dĩ nhiên chỉ một số phân hệ chính. Sau này cứ xong phân hệ nào ở SACOBANK chúng tôi lại mang sang Lào triển khai tiếp.
Đã tưởng kẹt với SACOMBANK và BCEL nhóm ngân hàng không thể làm gì thêm, cứ nói đến ngân hàng mới là lắc đầu quầy quậy. Cuối năm 2001 anh Ngọc ký thêm hợp đồng HABUBANK. Không thể rút dù chỉ 1 người ở hai dự án lớn anh Ngọc đành phải "Tay không bắt giặc". Giai đoạn đầu anh Ngọc, anh Thành đi khảo sát, anh Phương triển khai core banking. Đầu năm 2002 tôi mới rút chân được ra khỏi SACOMBANK, nhận bàn giao từ Việt Anh biên bản khảo sát dài 1 trang cho tất cả các phân hệ. Tuy nhiên, dự án đã chuyển động và chúng tôi chỉ cần tiếp tục. Nếu không có bước khởi động này chúng tôi đã mất đi một cơ hội, một ngân hàng mới.
Thử thách tiếp theo đến với chúng tôi không còn là nguồn lực. Khi 3 dự án đầu tiên bước sang giai đoạn triển khai hỗ trợ chúng tôi đã có thêm 1 loạt cán bộ cứng như Minh, Vân, Tú, Hải, Tường. Ngân hàng VATANAC ở Campuchia yêu cầu triển khai trong 4 tháng, với các đòi hỏi về 1 hệ thống "xịn" hoàn toàn vì các nhân viên của họ đã dùng chương trình MISYS. Đầu tiên phải dịch 300 trang tài liệu ngân hàng ngay lập tức để đem đi phân tích, sau đó là liệu pháp "giảm sốc" khi cái mà khách hàng được nhìn thấy khác rất nhiều cái họ chờ đợi. Trở về sau phân tích, chúng tôi triển khai một kế hoạch tổng lực, toàn bộ nhóm ngân hàng khi đó khoảng 30 người (trừ các nhân viên triển khai) đều lăn vào dự án. Rất may là SơnDA đã tìm được tiếng nói chung với KayLot, hai quản trị dự án ta và khách hàng này đã phối hợp với nhau khá ăn ý. Dự án hoàn thành trước dự kiến 1 ngày. Điều mà tôi hết sức ngỡ ngàng là trước ngày sử dụng chính thức, thay vì thức qua đêm như ở 100% các dự án trước đó, đội dự án hai bên đã cùng nhau giải tán và đi ngủ. Sau đó các nhân viên ngân hàng có nhận xét rằng hệ thống của ta không thua gì hệ thống họ dùng trước đó, ngoại trừ 1 số cải tiến cần thiết ở phần GL.
Không riêng gì các dự án đầu tiên, các ngân hàng về sau mỗi nơi một vẻ. Mỗi dự án lại gặp những khó khăn mới. Sau 3 năm các ngân hàng sử dụng SMARTBANK đã lên tới con số hàng chục. Nếu SIBA là chiếc máy bay trực thăng đầu tiên được chế tạo thì SMARTBANK có thể coi như máy bay phản lực. SMARTBANK vẫn còn nhiều giới hạn, khi nào thì chúng tôi sẽ làm được tàu vũ trụ? Có thể là không bao giờ chăng vì bây giờ chưa ai nhìn thấy nó. Mơ ước dù khó thành hiện thực nhưng cũng nâng đỡ chúng ta rất nhiều.
PHẦN III: BU2 - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Nguyễn Quang Anh
Trong thời gian làm việc tại FPT có hai điều tôi nhớ nhất, đó đều là những sự khởi đầu:
Một ngày tháng 5/1995 lúc đó tôi đang làm sinh viên thực tập thì được anh Kiên, gọi lên và nói đưa tôi tham gia vào dự án phân tích và thiết kế hệ thống thông tin cho Tổng cục Thuế. Đó là hợp đồng đầu tiên FPT ký với Tổng cục Thuế.
Và ngày 23/06/1996 sau khi tốt nghiệp được hai hôm, tôi lên đường đi công tác với nhiệm vụ triển khai thí điểm hệ thống tại cục thuế Đà Nẵng, đó là hệ thống phần mềm đầu tiên chúng tôi xây dựng cho Tổng cục Thuế.
Những sự khởi đầu tưởng chừng như giản đơn, không ngờ lại gắn bó cuộc đời mình đến thế. Thấm thoát đã gần mười năm, tôi đã trải qua biết bao cảm xúc, gặp gỡ cùng làm việc và chia tay bao người. Thành công, thất bại, khởi đầu, kết thúc.. Ôi! Hệ thống thông tin Quản lý Thuế, từ ngày ấy, đến giờ.
Bước đường trở thành đối tác quan trọng của ngành Thuế
Năm 1997 và 1998 là hai năm thành công rực rỡ của phần mềm FPT trong lĩnh vực xây dựng ứng dụng cho ngành Thuế với dự án xây dựng hệ thống thông tin cấp mã số thuế và hệ thống thuế VAT. Chính nhờ hai hệ thống này mà chúng ta đã trở thành đối tác quan trọng của ngành Thuế, là tiền đề để thành lập BU2 (FSS) sau này.
Đầu tiên là hệ thống cấp mã số thuế. Đây là một hệ thống buộc phải có trong mỗi ứng dụng quản lý thuế của bất cứ quốc gia nào. Trước đó ngành Thuế chưa quan tâm đến công tác quản lý đối tượng nộp thuế (ĐTNT). Tôi còn nhớ bộ mã số ĐTNT trong hệ thống đầu tiên chúng tôi xây dựng, người sử dụng có thể gõ bất cứ ký tự nào miễn là nhỏ hơn 10 ký tự và không trùng với mã số các đối tượng có sẵn. Lúc này ngành Thuế được sự hỗ trợ rất lớn của tổ chức SIDA của Thụy Điển và IMF. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc, mạng, SIDA còn thường xuyên cử chuyên gia sang hỗ trợ tư vấn về nghiệp vụ và kiến trúc hệ thống thuế. Cũng không phải chuyên gia nào sang cũng thành công, một số người sang tư vấn không hiệu quả rồi về, chủ yếu là vì kinh nghiệm của họ không giống với môi trường Việt Nam. Đến dự án TIN, họ cử sang một chuyên gia tên là Ericson, ông này tương đối già là chuyên viên tư vấn cao cấp của Tổng cục thuế Thụy Điển. Điểm đặc biệt ở Ericson là sự khôn ngoan khi làm việc với người Việt Nam. Ví dụ để thuyết phục các cán bộ Thuế thay đổi một quy trình đầu tiên ông đưa ý tưởng, khi gặp những sự phản đối mà ông biết là khó thuyết phục ngay lúc đó thì nhanh chóng chuyển sang chuyện khác, vài ngày sau lại quay lại vấn đề trước đó, với những ý tưởng cần thuyết phục. Cứ kiên nhẫn và bền bỉ như thế, ông đã xây dựng được một quy trình đăng ký mã số Thuế, gồm rất nhiều thủ tục tiên tiến giúp cho việc triển khai cấp mã số đồng loạt sau này được tiến hành một cách thuận lợi. Phối hợp với Ericson bên phía FPT có chị Tú Huyền và anh Phạm Minh Tuấn, sau này phát triển ứng dụng có thêm anh Trần Lương và một số người khác. Dự án được phát triển xong trong vòng sáu tháng, đến khoảng tháng 4/1999 thì triển khai.
Dự án triển khai TIN là một dự án thành công rực rỡ. Đặc biệt là quy trình cài đặt được xây dựng hoàn hảo, gói cài đặt Server tương đối phức tạp gồm WinNT, CSDL Oracle 7, các phần mềm tiện ích như diệt virus, phần mềm điều khiển lưu điện. Gói cài máy trạm gồm win95 và bộ Form report runtime của Oracle. Đội triển khai gồm anh Phạm Minh Tuấn, anh Bùi Nam Xuân, anh Nguyễn Trường Giang, Ngô Đạt Thắng, Hải béo và một số người khác đã dùng công nghệ ghost để cài máy trạm, còn cài server thì đóng toàn bộ thành file zip và viết một file Bat để hỏi tham số và tự động tải nén file vào đúng chỗ quy định, cấu hình các tham số và import registry. Sau này khi máy được chuyển về Láng Hạ chúng tôi chỉ khổ mỗi công bê máy ra và bê máy vào, còn việc cài đặt chỉ enter mấy nhát là xong. Trong thời gian hai tuần toàn bộ 61 máy chủ và hơn sáu trăm máy trạm được cài đặt xong, việc còn lại chỉ còn là cho lên ô tô, chở xuống bàn giao. Công nghệ này sau này được phát triển thành một kỹ năng hoàn hảo giúp triển khai thành công rất nhiều dự án toàn quốc trong thời gian ngắn.
Dự án VAT lại xuất phát từ một khía cạnh khác, đó là sự ra đời của luật thuế VAT và đưa vào thực thi bắt đầu vào năm 1999. FSS thắng thầu vào tháng năm 1998 tính ra việc xây dựng hệ thống chỉ còn sáu tháng. Lúc này việc triển khai thành công luật thuế VAT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không những của ngành Thuế mà còn cả của Bộ Tài Chính và Chính phủ. Có một kỷ niệm mà chúng tôi cứ nhớ mãi đó là đích thân Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Sinh Hùng đã gặp và nói chuyện với đội dự án. Trong buổi họp đó ông nói việc triển khai luật thuế VAT có thành hay không phụ thuộc lớn vào việc có kịp xây dựng hệ thống quản lý thuế VAT không. Nếu thất bại trong việc triển khai này thì không chỉ ông Thắng (Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế lúc đó) đi mà chính ông cũng sẽ phải ra đi. Tham gia phân tích hệ thống VAT có tôi và chị Tú Huyền, thêm anh Tạ Hữu Vinh, lúc đó đang làm tại FSI và được coi là chuyên gia ORACLE hàng đầu, sang hỗ trợ về công nghệ. Sau này có thêm anh Hùng Sơn một chuyên gia lập trình, tham gia các dự án Thuế từ đầu và một số cán bộ mới như Phan Thanh Toàn, Đoàn Xuân Dũng, Nguyễn Việt Dũng, Phạm Thúy Loan. Đặc biệt là có cả sự tham gia của anh Khắc Thành với việc xây dựng một hệ thống dự phòng trên FOXPRO đề phòng hệ thống trên ORACLE quá phức tạp không triển khai kịp. Anh Kiên dữ vai trò Tổng chỉ Huy, bên ORACLE cũng cử ông Đạo, một Việt Kiều là giám đốc kỹ thuật của ORACLE Việt Nam làm tư vấn về kỹ thuật. Tất cả tập trung tại khu nhà nghỉ của Tổng Cục Thuế tại ngõ Hào Nam để làm dự án. Cùng lúc với FPT xây dựng hệ thống tại Cục, Viện Tin Học cũng xây dựng hệ thống trên ngôn ngữ FOXPRO để dùng cho các chi cục, hai bên được ngăn với nhau bởi một tấm riđô. Bên đó có hai cô bé sinh viên thực tập thật xinh, chúng tôi thỉnh thoảng hé riđô nhìn trộm các cô ấy rồi lại bàn tán với nhau. Gần đến cuối dự án, Ericson có sang xem xét, ông tư vấn cho chúng tôi một số vấn đề về giao diện xử lý tờ khai, có một điều ông rất bực mình khi thấy chúng tôi không sử dụng dữ liệu trực tiếp từ hệ thống TIN mà tự xây dựng bảng dữ liệu mã số ĐTNT riêng trong CSDL VAT và chỉ đồng bộ hai bảng dữ liệu này với nhau, đồng thời tại chương trình VAT có các chức năng cho phép người sử dụng sửa các thông tin về ĐTNT. Chúng tôi phải thuyết phục ông ấy là đó chỉ là cách xử lý tạm thời trong giai đoạn TEST ứng dụng, sau này sẽ không cho NSD sửa nữa ông ấy mới chịu. Tuy nhiên chức năng này vẫn được giữ lại và nó gây không ít phiền toái cho chúng tôi sau này. Có rất nhiều chuyện để nói về dự án này nhưng điều khiến chúng tôi nhớ nhất đó là một thời gian làm việc như mê muội, không kể giờ giấc, đặc biệt anh Hùng Sơn và Phan Thanh Toàn thường xuyên ở lại đêm ở nơi làm việc. Có điều lạ là trong giai đoạn này chúng tôi không thấy căng thẳng có lẽ do mục tiêu lớn lao đang chờ đợi khiến chúng tôi tạm quên đi hiện tại, tuy nhiên là chỉ tạm thôi, sự căng thẳng trong mấy tháng đó đã khiến nhiều thành viên dự án rơi vào trạng thái trầm uất sau này. Với công nghệ triển khai toàn quốc từ dự án TIN chúng tôi đã triển khai thành công dự án này đúng tiến độ góp phần vào sự thành công chung của việc triển khai luật thuế GTGT. Có điều ứng dụng được làm gấp gáp có vô số vấn đề mà sau này chúng tôi đã phải nâng cấp và sửa lỗi liên tục. Một thành công nữa trong dự án này là chúng tôi giúp ngành Thuế xây dựng được quy trình hỗ trợ từ xa và tổ chức phòng hỗ trợ. Đến giờ phòng hỗ trợ vấn luôn là phòng quan trọng của ngành và là chỗ dựa vững chắc của các địa phương.
Năm 1999 chúng tôi ăn một cái Tết thật ngon trong sự thỏa mãn vì thành công của hai dự án. Cùng với FIS, FSS chúng ta đã xây dựng được một mối quan hệ đối tác chiến lược bền vững với Tổng cục Thuế.
Cuộc đời giá cứ bình lặng trôi đi như thế, đội Thuế với những con người mà lòng đam mê đã được trải nghiệm qua thử thách Khúc Trung Kiên, Nguyễn Tú Huyền, Lê Hùng Sơn, Phạm Minh Tuấn, Trần Lương, Phan Thanh Toàn, Phan Việt Thắng, Nguyễn Việt Dũng, Phạm Thúy Loan, Đoàn Xuân Dũng, Nguyễn Trường Giang, Ngô Đạt Thắng, Hùng râu (sinh viên), Sơn (sinh viên) và còn một số thành viên nữa giá mà tiếp tục được ở bên nhau và chiến đấu. Nhưng không có gì là đứng im một chỗ cả, dòng thời gian trôi đẩy chúng tôi đi xa nhau mỗi người một phương. Đầu năm 1999 anh Sơn đột ngột rời khỏi Công ty, không ai hiểu rõ lý do, nhưng chắc chắn có một số sự bất mãn mà tôi cũng không hiểu sao lãnh đạo bộ phận hồi đó đã không thể giải quyết, có lẽ tại cơ chế không cho phép, cộng với sự căng thẳng từ trong dự án đã khiến anh không thể tiếp tục. Sau này anh nhận được học bổng sang Thuỵ Điển du học. Tiếp theo anh Sơn là Đoàn Xuân Dũng chuyển sang Fujitsu. Xuất khẩu phần mềm bùng lên, cuối năm anh Kiên và Tuấn đi Ấn Độ. Còn lại tôi, Toàn, Loan, Việt Dũng ở lại tiếp tục nâng cấp ứng dụng VAT.
Gần một năm mà bọn tôi nâng cấp đến 14 lần, phiên bản cuối cùng chạy tàm tạm là 1.64 (phiên bản nâng cấp lớn ngay sau khi triển khai là 1.5). Trong đội Thuế lúc đó còn có Phan Việt Thắng, Nguyễn Trường Giang nghiên cứu công nghệ ORACLE Web để xây dựng các ứng dụng báo cáo phục vụ lãnh đạo. Trong thời gian này có một số cán bộ mới đến là Vũ Hoàng Anh, Lê Anh Tuấn mới tốt nghiệp, Trần Phong Lãm chuyển từ Tổng cục Thống kê sang, Nguyễn Ngọc Tuấn, Hương mít mới tốt nghiệp Tổng hợp và Trần Hiếu. Đầu năm 2000 công nghệ ORACLE Web được ứng dụng để xây dựng Website cho Tổng cục thuế và hệ thống MIS cho VMS, cả hai hệ thống này đều không thành công về mặt sử dụng, có lẽ vì để làm ra các hệ thống thông tin phục vụ lãnh đạo mấu chốt là phải có đủ thông tin vậy mà cả Tổng cục thuế và VMS lúc đó chúng tôi đã không tìm được nguồn thông tin thích hợp.
Thành lập bộ phận và Nâng cấp lớn Hệ thống Quản lý thuế
Đầu năm 2000, FSS có tên là FSU3 do Công ty định đổi tên hết các bộ phận phần mềm thành FSU (FPT Software Strategic Unit) và có quy định là các bộ phận miền Bắc thì đặt số lẻ, FSOFT là FSU1, FSS là FSU3, các bộ phận ở thành phố HCM thì đặt số chẵn. Sau một thời gian ngắn được gắn chung với FSU1 thì tách ra thành lập bộ phận phần mềm trong nước do anh Bùi Quang Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty, trực tiếp phụ trách. Mục tiêu lúc này là để anh Nam cùng toàn FSOFT tập trung vào phát triển sự nghiệp xuất khẩu phần mềm, còn FSU3 thì phải giữ bằng được thị trường trong nước. Lúc đó quyết định này dường như là rất khó hiểu, nhưng sau này thì nó tỏ ra là quyết định đúng đắn. Thế là chúng tôi lại trở về với nhau, lúc đầu chỉ gồm 18 người và chỉ có hai người lãnh đạo: anh Triều phụ trách kinh doanh, chị Huyền phụ trách sản xuất. Thị trường truyền thống còn lại gồm: Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế với các dự án quản lý ngân sách, đăng ký mã số đơn vị thủ hưởng ngân sách và một số dự án về kho dữ liệu (một kiểu dự án MIS và Datawarehouse), Quản lý mã số thuế và quản lý thuế. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển với hệ thống thanh toán tập trung viết tắt là T4, Công ty FPT với hệ thống Balance, FIFA và một dự án hiện đại hóa hệ thống tài chính với phần mềm Solomon, đặc biệt lúc này có thêm một khách hàng lớn là VMS với các dự án Roaming quốc tế và MIS.
Năm 2000 quả là một năm đáng nhớ sự trở lại đúng lúc đã giúp FSS có một thị trường vững chắc sau này, đặc biệt là các quyết định khôi phục lại các thị trường và sản phẩm thế mạnh của phần mềm FPT, trong đó nổi bật là sự khai quật phần mềm SmartBank và việc kiên trì bám trụ của anh Triều với VMS để chiến đấu được dự án Billing. Lúc này FPT có hai vũ khí quan trọng thứ nhất là danh tiếng nổi như cồn khi tiên phong đi vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, một vũ khí khác đặc biệt quan trọng như một cứu cánh của phần mềm đó là chứng chỉ ISO. Nghe chứng chỉ thì có vẻ như là việc đi thi lấy bằng nhưng trong quá trình làm bộ sổ tay phần mềm những người làm phần mềm chúng tôi đã có dịp ngồi lại, xem xét quá khứ, đọc sách vở và "ngộ" ra rất nhiều điều. Nói về Tổng cục Thuế sau vài năm làm các phần mềm lớn và trải qua một số dự án, cũng cảm nhận được rằng chất lượng chương trình được quyết định bởi quy trình làm ra nó. Tổng cục Thuế thuê tư vấn ORACLE Việt Nam đánh giá lại toàn bộ ứng dụng do FPT phát triển và đề ra phương hướng nâng cấp hệ thống. Tôi vẫn còn giữ báo cáo đánh giá của ORACLE, trong đó nhận xét khá chi tiết về kỹ thuật của từng form, report của chương trình nói chung là khá chính xác và tỉ mỉ. Mấy vấn đề lớn nhất của hệ thống là: CSDL được tạo không đúng chuẩn, việc đặt các tham số của CSDL đa số là tham số Default không có sự tính toán thích hợp cho hệ thống QLT, các form của ứng dụng rất cồng kềnh và gánh quá nhiều xử lý logic cũng như nghiệp vụ nên lúc load lên chậm và khó nâng cấp và thay đổi. Cuối cùng ORACLE đề xuất là làm lại ứng dụng dưới sự giám sát kỹ thuật của ORACLE.
Tháng 8/2000 Bộ Tài Chính chỉ định FPT tiếp tục nâng cấp lớn hệ thống để khắc phục triệt để các lỗi về kỹ thuật cũng như nghiệp vụ sau gần hai năm sử dụng ứng dụng. Chúng tôi lại một lần nữa tiến hành nâng cấp hệ thống quản lý thuế. Lúc này người cũ còn lại chỉ còn tôi, Phan Thanh Toàn, Phạm Thúy Loan, Nguyễn Việt Dũng, Hoàng Anh. Những người mới gồm: Ngô Thị Thu Nga mới tốt nghiệp Bách Khoa, Nguyễn Quốc Hoàn mới hoàn thành khóa học tân binh của FSOFT, Lê Quang Hùng tốt nghiệp trường Giao thông, Nguyễn Xuân Thành (đang học Aptech). Sau này có thêm Trần Phong Lãm, Nguyễn Ngọc Tuấn chuyển sang sau khi kết thúc dự án MIS với VMS. Tâm trạng của tôi lúc nhận được quyết định chỉ định thầu thật lạ lùng, có cái gì đó như bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đã qua, nhớ những người bạn cùng gắn bó lúc này anh Kiên và Tuấn còn đang ở Ấn Độ, anh Hùng Sơn đang làm cho Fujitsu, chị Tú Huyền đang bắt tay khôi phục SmartBank. Mấy anh em còn lại chỉ còn biết bảo nhau cố gắng mà làm và làm thật tốt. Thực ra lúc đó cũng chưa ai nghĩ sâu xa là làm tốt để làm gì, chỉ biết phải làm tốt như là để trả một món nợ gì đó, cũng chẳng biết nợ mình, nợ khách hàng, hay nợ chính những người đồng đội một thời.
Để tránh những sai lầm đáng tiếc như dự án trước, đồng thời cũng muốn có thêm kinh nghiệm từ các chuyên gia tin học hàng đầu, Tổng cục thuế quyết định thuê ORACLE làm tư vấn giám sát thực hiện cho dự án lần này. Lúc này ORACLE Việt Nam gặp khủng hoảng và giải tán bộ phận tư vấn, chị Huỳnh Thị Cẩm - giám đốc tư vấn của ORACLE - lập công ty riêng là công ty Pythis và nhận làm subcontract cho hợp đồng tư vấn này. Chị đã đưa phương pháp CDM (Custom Development Process) là một quy trình phát triển phần mềm khá hoàn hảo dựa trên công cụ Designer2000 của Oracle. Rất tiếc chúng tôi không gặp nhau, chị Cẩm thì quá lý thuyết và hơi nặng về chứng minh rằng FPT chưa phải là công ty phần mềm hàng đầu, còn chúng tôi thì hơi non nớt trong việc làm việc với tư vấn nên việc tư vấn không giúp được nhiều cho dự án. Dự án này chúng tôi đã gặp những sai lầm ấu trĩ do lần đầu áp dụng quy trình cho dự án lớn đó là việc lập kế hoạch giai đoạn, trong đó có giai đoạn phân tích yêu cầu quá lâu khoảng hơn bốn tháng, trong thời gian này các đội khác ngồi chờ đợi. Phân hệ nâng cấp đầu tiên làm quá lâu, cũng khoảng bốn tháng, do đội lập trình làm xong không chịu Test mà bàn giao ngay code sang đội Test. Một ngày chủ nhật tháng 5/2001 tôi đã tập hợp đội dự án lại để rút kinh nghiệm và sau này chúng tôi làm tất cả mọi việc còn lại chỉ trong vòng 3 tháng. Khi chúng ta rút được kinh nghiệm, chúng ta có thể làm được những điều tưởng chừng không thể nào làm được.
Cuối năm 2001, sau thời gian thí điểm dự án bắt đầu được triển khai rộng, lúc này đội dự án được bổ sung thêm Trần Lương, sau thời gian học ngoại ngữ và đang chờ năm học mới đến để nhập học. Trần Lương đã là một trong những nhân tố quyết định để dự án triển khai được hoàn thành một cách hoàn hảo. Lần triển khai toàn quốc này chúng tôi thậm chí không còn phải đi đến nơi, chỉ đóng gói toàn bộ vào đĩa CD và viết quy trình để các cục thuế tự cài đặt, backup hệ thống cũ và convert dữ liệu. Đến khoảng tháng 3 năm 2002 toàn bộ hệ thống quản lý thuế và TIN mới đã hoạt động tại các cục thuế khoảng hơn một tháng ngày nào chúng tôi cũng mong đợi điện thoại từ địa phương báo lên là đã hoàn thành việc triển khai kể từ khi cục thuế Tuyên Quang là cục thuế đầu tiên báo lên đã hoàn thành con số các cục cứ tăng dần lên hàng ngày cảm giác lúc đó thật hồi hộp và sung sướng. Tuy nhiên mọi việc không chỉ đơn giản là ngồi đợi, đội hỗ trợ của chúng tôi lúc đó gồm Lãm, Thiết, Loan cũng đã chiến đấu cật lực không biết nghỉ thứ bảy, chủ nhật trong thời gian đó, các lỗi chủ yếu xuất phát do việc chuyển đổi dữ liệu cũ có lỗi do người sử dụng sai quy trình, có lỗi do chương trình đặc biệt là trong quy trình chuyển đổi dữ liệu không quy định rõ thời điểm cutover nên người sử dụng sau khi convert lại sửa xóa các dữ liệu cũ đặc biệt là mở lại các sổ lưu dữ liệu tổng hợp cũ dẫn đến sai số liệu và chúng tôi lại phải giúp họ convert lại rất mất thời gian. Chúng tôi nâng cấp tiếp hệ thống TIN và QLT tại Tổng cục đến khoảng tháng 7/2002 thì xong.
Sự thành lập BU2 và con đường đã chọn
Thành lập BU2, thực ra việc thành lập BU2 là từ tháng 8 năm 2001, ngày có quyết định chính thức là 12/09/2001. BU2 có tên là Trung tâm giải pháp Bộ Tài Chính, Thuế (tên tiếng Tây là MOF and Taxation Solution Business Unit). Tuy nhiên vào thời điểm đó chúng tôi đang bận làm dự án nâng cấp quản lý thuế, việc thành lập BU chỉ mang tính hành chính là chính, chưa có thay đổi gì về tổ chức thậm chí là cảm nhận của chúng tôi sẽ chung nhau một con thuyền BU cũng chưa rõ ràng, vì lúc đó mối quan hệ trong dự án dễ hình dung hơn. Phải đến lúc kết thúc dự án quản lý thuế chúng tôi mới có dịp ngồi lại cùng nhau để biết rằng mình đã gắn bó với nhau ở một mô hình tổ chức khác không chỉ là những dự án. Lúc này ngoài đội dự án nâng cấp QLT chúng tôi còn đội dự án bộ tài chính gồm Phạm Minh Quý, Đào Đức Toàn, Nguyễn Mạnh Cường, Ngô Đức Minh và Nguyễn Thị Thu Hương, hay còn gọi là Hương mít cũng vừa kết thúc một giai đoạn trong dự án nâng cấp ngân sách. Ngoài ra còn có Nguyễn Đình Cương chuyển sang từ dự án T5. Đối với Cương, Quý, Minh, Cường, Toàn lúc này mỗi người đều có những tâm tư riêng do việc anh Trần Lương, người lãnh đạo mà họ hết sức hâm mộ và quý trọng đã lên đường du học. Sau đó Minh về BU1, Hương mít xin nghỉ đi học, đến thời điểm tháng 6/2002 chúng tôi có khoảng 15 người. Cũng phải nhắc đến một nhân vật đó là cậu sinh viên của chúng tôi tên là Vũ Văn Thêm, một người gợi rất nhiều cảm hứng cho chúng tôi vì sự chăm chỉ, tính tình ngây thơ và lòng yêu nghề tha thiết đến mức sáng tác cả thơ về công việc lập trình, bài thơ này Dũng bèn xin để nộp sử ký 13/09 năm ấy.
Năm 2002 là năm Leadership Building, ở FSS dịp tổng kết 6 tháng là dịp tốt để xây dựng kế hoạch leadership building đây là lần đầu tiên từ khi thành lập chúng tôi ngồi lại với nhau và nói rằng chúng tôi là ai, chúng tôi muốn làm gì và sau vài năm nữa chúng ta ra sao? Những con số về doanh số, nhân sự, những viễn cảnh tương lai chủ yếu là những con số tưởng tượng nhưng có một điều chúng tôi chắc đã làm được đó là sự cam kết đi cùng nhau trên một con đường, đó là sự cam kết cần thiết để không chỉ từng nhóm người gắn bó với nhau mà còn giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn và đen tối của công việc và cuộc sống.
Đối với BU2 chúng tôi có một cam kết lúc đó là nỗ lực là người tiên phong trong đổi mới công nghệ để giúp Tổng cục thuế và Bộ Tài chính xây dựng những hệ thống thông tin hiện đại. Sau một thời gian dài làm các hệ thống theo mô hình client/server giới hạn trong một mạng LAN, một cục thuế chúng tôi bắt đầu mơ đến việc xây dựng các hệ thống xử lý tập trung trên mạng diện rộng, một mô hình mà chúng tôi lựa chọn là J2EE. Để xây dựng được ứng dụng theo mô hình này chúng tôi phải học rất nhiều từ ngôn ngữ lập trình đến kiến trúc hệ thống, đến các tiêu chuẩn đã được quy định, một đội dự án được gấp rút thành lập để nghiên cứu mô hình, gồm Toàn nghiên cứu về các tiêu chuẩn, Cương thử nghiệm ngôn ngữ và mô hình, rất may lúc đó Phạm Minh Tuấn thắng thầu triển khai Solomon cho Unilever và phải xây dựng một trung tâm hỗ trợ cần có một hệ thống quản lý trung tâm hỗ trợ theo mô hình Web based. Chúng tôi nhận với Tuấn xây dựng hệ thống này trong vòng một tháng, Tuấn cử Bình sang giúp chúng tôi về Framework, đây là kết quả duy nhất thu được từ việc hợp tác giữa nhóm của Tuấn và công ty Cogita của Mỹ trước đó. Đội lập trình lúc này gồm Nguyễn Đình Cương, anh Đồng Mạnh Quân vừa ra nhập BU2 sau khi tốt nghiệp Aptech và Vũ Văn Thêm đang còn là sinh viên. Sau khi hoàn thành hệ thống này chúng tôi đã có một sự hình dung ban đầu về việc xây dựng một ứng dụng theo mô hình ba lớp với giao diện Web based có thể chạy trên mạng diện rộng. Sau dự án này anh Quân xin chuyển sang FIS vì muốn nghiên cứu sâu về công nghệ mạng CISCO. Tháng 8/2003 Tổng cục Thuế đấu thầu hệ thống Quản lý ấn chỉ. Trong yêu cầu thầu có vấn đề quan trọng nhất là hệ thống phải tập trung được dữ liệu tại Tổng cục để phục vụ nhu cầu xác minh hóa đơn, một nhu cầu hết sức bức xúc của ngành Thuế do tình trạng gian lận hóa đơn để hoàn thuế VAT đang diễn ra một cách nhức nhối. Chúng tôi quyết định chào thầu một mô hình hệ thống ba lớp theo chuẩn J2EE có thể xử lý tập trung dữ liệu tại các cục thuế cho toàn bộ văn phòng cục và các chi cục trực thuộc và truyền tin từ cục thuế lên tổng cục để phục vụ xác minh hóa đơn. Đây là đợt thầu hết sức vất vả và căng thẳng vì đối thủ của FPT lúc đó là Viện Tin học có rất nhiều lợi thế, trong đó có lợi thế rất lớn là đã có kinh nghiệm xây dựng hệ thống quản lý ấn chỉ chạy trên máy đơn, hệ thống này đã được triển khai tại khoảng 30 tỉnh, và đặc biệt viện mặc dù là đối tác lâu năm nhưng cũng đã lâu chưa có dự án nào đối với Tổng cục thuế. Viện Tin học lại liên danh với công ty Pythis và VITINFOTECH, một công ty tin học có quan hệ mật thiết với Viện, để trở thành một liên danh mạnh có đội ngũ cán bộ đông đảo. Được cả lý, cả tình nhưng có lẽ các cán bộ ở Viện đã quá chủ quan mà quên mất rằng khi đấu thầu thì quan trọng nhất là hồ sơ thầu. Bằng việc chuẩn bị thật kỹ hồ sơ thầu, bằng mô hình J2EE và các phân tích hết sức chi tiết, cụ thể FPT đã lật ngược thế cờ. Thua dự án này nhưng bù lại tháng 12/2002 Viện trúng được dự án dịch vụ Đối Tượng Nộp Thuế.
Đến lần này sau 6 năm làm với Tổng cục Thuế chúng tôi mới xây dựng một hệ thống ngoài hệ thống quản lý thuế đó là hệ thống Quản lý ấn chỉ. Lúc này Dự án nâng cấp Ngân sách cũng kết thúc và theo dự kiến chúng tôi sẽ phải triển khai hệ thống cho toàn quốc. Tại thời điểm này cũng có một số người ra đi: Vũ Hoàng Anh sau gần ba năm làm việc quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp với vai trò mới là bán phần mềm Kế toán cho một công ty. Nguyễn Quốc Hoàn cũng thử tìm việc mới tại một công ty phần mềm khác, nhưng sau vài tháng anh lại quay lại vì không hợp cách làm việc, đặc biệt khi quay lại anh dẫn theo Bùi Hoàng Hải Long, một cựu sinh viên Bách Khoa và Aptech thành phố HCM, chỉ vì quen một cô gái Hà Nội qua mạng TTVN mấy năm trước mà quyết định ra Bắc làm việc.
Đứng trước cơ hội mới chúng tôi quyết định bổ sung lực lượng, lúc này không phải là lúc sinh viên tốt nghiệp, chúng tôi đành thông qua các thành viên trong nhóm để kêu gọi bạn bè về tham gia. Đặc biệt suất sắc là Vũ Văn Thêm đã giới thiệu được rất nhiều bạn trong số này đang làm tại BU2 có Mai Thị Thanh, Nguyễn Thị Ưng, Phùng Duy Hân, Lê Thanh Xuân. Một số bạn của Phạm Minh Quý như Phan Nhật Kiên, Phí Thị Hằng, Vũ Duy Giản. Cương cũng giới thiệu một người bạn là Nguyễn Tuấn Anh. Ngoài ra còn có Nguyễn Thị Lệ Quyên trở thành thư ký của BU và Đặng Quang Học, một chuyên gia thiết kế đồ họa tốt nghiệp trường mỹ thuật công nghiệp đảm nhiệm vai trò thiết kế mỹ thuật cho các hệ thống có giao diện WEB.
Tuy nhiên một số tính toán của chúng tôi đối với dự án Quản lý ngân sách đã không thành hiện thực. Việc thay đổi luật ngân sách và triển khai dự án tài chính công bằng vốn vay của World Bank đã làm việc đầu tư vào mở rộng hệ thống quản lý ngân sách bị đình lại. Trước tết âm lịch năm 2003, Bộ Tài Chính lại mở thầu tiếp dự án kết nối trao đổi chứng từ nộp thuế giữa ba cơ quan Thuế, Kho Bạc, Tài Chính. Thời gian mở thầu là trước tết khoảng 10 ngày và thời gian nộp hồ sơ là sau tết khoảng một tuần. Đã mơ ước và trăn trở với hệ thống này từ lâu, nên chúng tôi lao vào viết thầu bất kể Tết. Trời không phụ lòng người ra tết chúng tôi đã thắng thầu hệ thống này trước các đối thủ là HPT và Hanel.
Bước sang năm 2003 năm thứ ba của BU2 cũng là năm thứ bảy kể từ ngày FPT ký hợp đồng đầu tiên với Tổng cục thuế. Chúng tôi đang từ bước thực hiện cam kết của mình sẽ là người đi tiên phong đưa các công nghệ tiên tiến vào giải quyết các bài toán nghiệp vụ phức tạp của ngành Tài chính. Chúng tôi mơ ước đến cuối năm nay hệ thống quản lý ấn chỉ với công nghệ xử lý dữ liệu tập trung sẽ hàng ngày đưa ra chính xác số hóa đơn nào được phát hành cho ai của toàn ngành thuế, số nào bị mất, số nào bị hủy. Cũng đến cuối năm nay và đầu năm sau ba trung tâm trao đổi dữ liệu giữa Kho Bạc, Thuế và Tài chính sẽ được dựng lên giúp các cán bộ thuế hàng ngày không còn kỳ cạch nhập chứng từ và toét mắt tìm khi có sự sai lệch với số liệu thu từ kho bạc. Còn biết bao nhu cầu bức xúc nữa, bao nhiêu điều mà tin học có thể làm được để cuộc sống tốt đẹp hơn lên.
Không dám mơ gì cao sang, chỉ mong một điều nhỏ nhoi là mỗi sáng thức dậy vẫn thấy chúng ta còn sát cánh bên nhau, vẫn đi tiếp trên con đường đã chọn và mong mọi điều tốt lành nhất cho những người đã một thời cùng đi với chúng tôi.
PHẦN IV: NHỮNG THÁNG NĂM...
Vũ Mai Hương
Mới đó đã 10 năm kể từ ngày tôi đặt chân vào FPT và may mắn dự lễ kỷ niệm 5 năm, 10 năm và sắp tới là 15 năm thành lập công ty. 15 năm phát triển của FPT đã cho tôi 10 năm trưởng thành, 10 năm được làm công việc yêu thích cùng với những đồng nghiệp tuyệt vời.
Balance (Ba lăng nhăng)
Việc tôi chọn thi vào ngành Tin học – Đại học Bách Khoa thay vì Kinh Tế Quốc dân làm cho gia đình rất thất vọng vì đã không theo nghề bố mẹ (Bố tôi khi đó là Tổng giám đốc một Ngân hàng lớn). Nhưng khi sau tốt nghiệp thân phụ tôi lại rất tự hào vì không phải ngửa tay đi xin việc cho con. Cũng chẳng biết do duyên nợ gì mà ngay từ khi là sinh viên thực tập tôi đã gắn với nghiệp vụ kế toán và cơ sở dữ liệu mặc dù đã phải thi lại 1 kỳ môn cơ sở dữ liệu của thầy Ngọc. Bắt đầu chân ướt chân ráo từ Nhà khách Chính Phủ, rồi Nhà máy Que hàn Việt Đức, sau khi tốt nghiệp Báck khoa, tôi về FPT khi vẫn đang dang dở ở Công ty may Thành Công. Đã được tôi luyện ở một vài nơi như vậy, nhưng khi đặt chân vào nhóm Balance do anh Khánh “hói” cầm đầu, tôi vẫn bị chê nhiều về nghiệp vụ, còn coding thì tệ hơn nữa, luôn bị Thắng “còm” xỉ vả. Không biết ai đặt tên cho chương trình là Balance với biểu tượng cái cân 2 đĩa màu vàng nhưng mọi người đều rất hài lòng với tên này. Hồi đó làm cái Balance rất ngộ vì hơi tý lại đập đi làm lại, database thì sửa bung bét, nhưng tôi đã có những bài học đầu tiên về sự chuẩn mực. Có khi chỉ đơn giản là sau message “Đang thực hiện...” thì phải luôn luôn có 3 dấu chấm chứ không phải lúc 4 lúc 5 tuỳ hứng. Anh Khánh đã từng làm việc với nhà in báo nhân dân nên các quy tắc về soạn thảo văn bản tôi đã được hướng dẫn tỉ mỉ từ năm đầu tiên đi làm. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất khó chịu khi gặp phải những dấu chấm ở dòng tiêu đề hay dấu cuối câu cứ bị đứng cách xa hàng kilomet.
Hồi đó bên cạnh nhóm Balance còn có nhóm làm Quản lý vật tư của anh Lê Quốc Hữu gọi là QLVT (Quờ lờ vờ tờ). Anh Hữu có cái walkman suốt ngày gắn vào tai, tay gõ phím nhưng chân đập nhịp loạn xạ, thỉnh thoảng cao hứng anh còn hát rống lên làm Tú Huyền ngồi cạnh rất tức. Khi đó trong đoạn code của SIBA thể nào cũng có tên biến Cu_Chuoi (củ chuối) hoặc Cu_dau (củ đậu). Anh Hữu còn khoe: Chiều đến đợi vợ đi chợ cứ đeo walkman vào thì ngồi trên xe đợi bao lâu cũng được. Cả bọn nhao nhao sợ anh mải nghe quá bọn nó vặt mất cốp thì sao (cốp hồi đó được giá lắm). Từ đó thêm vì lắc lư theo nhạc ở cổng chợ hai chân anh còn phải quặp chặt cốp và hai tay ôm công tơ mét. Chương trình QLVT của anh Hữu phải xử lý một khối lượng dữ liệu quá lớn của nhà máy Phân đạm Hà Bắc nên việc tối ưu (cả database lẫn code) mất rất nhiều thời gian. Nhờ đó cũng tôi cũng ReUse được của anh khối thứ mà nổi tiếng nhất là cây vật tư và thuật toán tìm lỗ hổng đầu tiên khi sinh vật tư mới. Cây vật tư là niềm tự hào của Balance cho đến khi nó bị thằng khác đè chết. Thử hỏi xem có cây vật tư nào mà cho move nhóm thoải mái, sort lại vô tư, thậm chí còn cho đổi mã nếu bị nhầm hoặc gộp mã khi tạo thừa. Chẳng phải là vấn đề kỹ thuật phức tạp mà là do người thiết kế cầu toàn và cẩn thận nên người dùng rất sướng.
Tôi đã gắn bó với Balance từ năm 1993 đến năm 2000, thậm chí cũng phải lo khắc phục Y2K cho nó. Đến bây giờ, tôi không thể nhớ là đã đem Balance đi đến bao nhiêu khách hàng nhưng tôi có thể khẳng định là đã thuộc lòng nó từng ngóc ngách. Chúng tôi gọi đó là những sản phẩm ruột. Ví như anh Khắc Thành giờ có đem SIBA hay SmartBank ra nói chuyện với anh thì vẫn thấy sự nhiệt tình và say mê như những năm 1994. Cho đến năm 2000 tôi chưa từng tham dự một lớp học nghiệp vụ kế toán nào mà hoàn toàn chỉ học qua sách kế toán, khách hàng và đồng nghiệp làm thầy. Nhưng có lẽ do gen của gia đình nên tôi vẫn được khách hàng khen là hiểu biết và sắc sảo. Những năm đó cả đội triển khai Balance cực kỳ nhiệt tình miễn sao khách hàng dùng là sướng, bảo hành vô thời hạn mà chẳng có đồng xu nào.
Balance có một cái củ chuối nhất là Database Foxpro rất dễ bị hỏng khi mất điện giữa chừng. Chính vì vậy tôi có mặt ở phòng kế toán (FAF) nhiều đến mức mà nhiều người tưởng tôi là nhân viên phòng kế toán. Có lẽ nhờ la cà ở phòng kế toán nhiều mà tôi cũng học được nhiều vẫn đề thực tế của nghiệp vụ. Đã có thời gian dài tôi kiêm luôn kế toán bộ phận, giống như AnhDV hay SơnNT của FSS bây giờ. Những điều kiện anh Ngọc đưa ra đối với người phân tích, thiết kế, triển khai là hoàn toàn đúng: phải giỏi hơn operator của khách hàng và phấn đầu bằng thằng trưởng của nó. Có lẽ cần phải gửi hết các cán bộ phận tích, thiết kế, triển khai này sang khách hàng thực hành một thời gian cho nó tít rồi về làm gì thì làm.
Một điều tệ hại là tưởng “tít” Balance và nghiệp vụ kế toán là đứng trên đỉnh cao rồi. Nhưng tôi lờ mờ hiểu rằng đối với FPT là chưa đủ vì hàng tuần anh Hùng Râu bắt các bộ phận gửi báo cáo thu chi trong tuần và dự trù thu chi tuần tiếp bằng bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra tôi còn thấy anh Râu bắt chước Tây đưa ra những báo cáo rất kỳ quái. Anh Râu cũng là một trong những quái nhân nên tôi nghĩ những cái anh đưa ra cũng quái chiêu nên bỏ qua. Hoá ra anh Hùng Râu là người đầu tiên chỉ cho tôi những khái niệm về các chỉ số vòng quay, tuổi nợ, dự báo. Năm 1996 khi anh Thành Nam đưa ra ý tưởng phải có trang báo cáo phục vụ BGĐ, trưởng, phó bộ phận và cán bộ kinh doanh trên web, thì tôi hoàn toàn lúng túng vì không biết phải làm như thế nào. Tôi đã ròng rã vác sổ đi hỏi từng người một, từ anh BìnhTG đến SơnTT xem anh cần gì đối với hệ thông tin, rồi ba câu hỏi thường xuyên của anh. Cuối cùng tôi thu được khoảng 50 câu, nhưng để giải quyết được một nửa chỗ đó thì cũng chết ngất. Để đi đến kết luận về yêu cầu anh Nam đã “thả” tôi vào cuộc họp Giao ban để trình bày. Nhưng chắc do quá hồi hộp hay sợ mà tôi nói năng chẳng ra làm sao nên tất nhiên là không ai hiểu gì cả. Đã xuất hiện những giọt nước mắt đầu tiên trong nghề. Trên thực tế thì tôi làm việc với BGĐ nhiều nhất và có được kết quả: anh Bình cần các chỉ tiêu kinh doanh xem thằng nào tốt thằng nào xấu, anh Ngọc cần thông tin hàng tồn, giá cả, anh Tiến chỉ cần Cash Flow, vân vân và vân vân. Kết quả là đã dựng lên yêu cầu của FIFA. Tên FIFA là do anh Thành Nam đặt theo kiểu thích tên này, rồi sau đó tìm từ giải nghĩa phù hợp (FPT Infomation Flow Architecture). Hồi đó VinhLD vò đầu bứt tai để “chế ra” được 3 màu đỏ, vàng, xanh của đèn tín hiệu giao thông đối với các chỉ tiêu kinh doanh theo ý anh Bình nhưng cái thì mờ tịt không nhìn được, cái thì lại nhờ nhờ. Sau cùng phải đổi thành 3 màu FPT như hiện nay. Theo ý của anh Bình là đỏ - kém nhất - dừng lại xem kỹ, thằng này có vẫn đề, vàng - cảnh báo – hơi kém, xanh – đang tốt – cho qua. Thời gian đầu chạy FIFA là cả một nỗi ám ảnh với tôi, VinhLD và FAF vì luôn bị sai lệch số liệu. 10h sáng thứ 2 cứ như là giờ đi vào cửa tử. Không biết vì cái này mà có cô người yêu nào bỏ rơi Vinh vì những ngày chủ nhật sai hẹn không. Sau khi tham gia khoá học phân tích tài chính tại HSB tôi đã ngộ ra nhiều điều hay về quản lý tài chính nhưng vẫn không biết mình đang bơi ở đoạn nào. Trang FIFA sau những lần được nâng cấp ngày càng ổn định và tinh tuý. Chẳng thế mà anh Ngọc không ít lần hãnh diện khi demo làm khách hàng cả Tây cả ta lác mắt không hiểu tại sao chúng nó có thể cho ra được lắm thứ thế.
Năm 1996-1997 khi anh Khánh “hói” tách ra, thành lập FAST. Không còn ai phát triển, duy trì Balance nữa nên Balance chỉ còn ở FPT và còn tôi. Đã không ít lần được khích lệ nhưng tôi không dám dựng lại đội Balance, do bản lĩnh kém.
Năm 2001, Solomon thay thế Balance đã để lại không ít nuối tiếc cho người sử dụng vì những thói quen và sự đơn giản, hay do Balance đã ngấm vào từng người của FAF. Riêng với tôi đó là sự chia ly thực sự, do cũng bị cuốn vào việc triển khai Solomon nên cảm giác không thật nhớ nhung, nhưng thỉnh thoảng có điều gì đó làm tôi cứ muốn cất lời chia tay với Balance. Thực ra, đã từ lâu tôi ấp ủ viết bài ”Vĩnh biệt Balance”, thậm chí đã đặt hàng SơnTT, nhưng không hiểu sao vẫn không cất bút được. Phải chăng bóng dáng của Balance vẫn còn có trong những sản phẩm tương tự của đơn vị khác, hay đây là quy luật vòng đời tất yếu của một sản phẩm công nghệ?!
Solomon (Sờ mông)
Khi Balance tỏ ra già cỗi và lạc hậu so với kỳ vọng của các sếp (nhân viên thì vẫn thoả mãn), đã có nhiều đơn đặt hàng để nâng cấp nhưng: “Hỡi ôi! Khi ngôi nhà chỉ có diện tích sàn 40m2 thì không thể vừa xây 10 tầng lại phải có đủ gara, bể bơi lẫn sân tenis được!”
Anh NgọcBQ đã gọi ba nhà cung cấp đến để “xem nói có hay không”. Đầu tiên là Oracle VN, mặc dù chương trình Oracle Finance có nhiều chức năng hay nhưng Presenter của Oracle VN không được chuyên nghiệp, nên bị bà con FAF chê ỏng chê eo. Đặc biệt tại sao bọn này không dùng mã (vật tư, hàng hoá, khách hàng) mà cứ dùng tên làm mã. Mặc dù sau đó Oracle VN theo đuổi rất nhiệt tình nhưng không thể thuyết phục được FPT. Thằng thứ hai là Price Water House Cooper VN giới thiệu Solomon. Hôm đó có cậu Trung từ PwC HCM ra Hà Nội để tiến hành present. Cậu này đúng là dân Sale nên đã gần như cưa đổ chị em FAF sau có 2 tiếng. Tuy nhiên, do vẫn chưa tin hẳn nên tuần sau cả bọn đã gọi Quang PwC HN sang “quay chín” trong 1 ngày. Bản tính đàn bà thích “đứng núi này trông núi nọ” nên FAF lại muốn gặp thêm MOVEX từ Malaysia sang, nhưng nhanh chóng loại bỏ.
Dự án triển khai Solomon được Kick off ngày 15/3/2000. Đội dự án cửa FSS chỉ có bốn người: HươngVM, HằngNT, NgọcVQ, HoàngĐT. Sau một thời gian đào tạo, dùng thử, hiệu chỉnh quy trình chán chê thì cũng đến lúc phải dùng thật. Một tháng trước và một tháng sau ngày CutOver (01/01/2001) đúng là một cuộc chiến. Một khối lượng công việc khổng lồ đặt lên vai chúng tôi: chuẩn bị số liệu danh mục, số dư đầu, chuẩn bị bộ convert, setup khoảng 100 màn hình hệ thống, FIFA-MIS,...Thỉnh thoảng tôi nghe thấy giọng thủ thỉ: “Chồng em bảo khi nào em không phải đi làm ngày chủ nhật thì anh sẽ kết thúc đợt công tác”; “Hôm qua lại mơ thấy Solomon lỗi”; “Chị tha cho em thứ bảy này, 3 tuần nay chưa gặp mặt nàng rồi”. Cứ khoảng 7 giờ tối anh Tùng hay Lộc đi sang phòng dự án đếm đầu người để mua xôi vì chằng đứa nào muốn đứng dậy nữa.
Giờ G đến. Không hiểu sao đến 11h đêm 31/12/2000 chạy Import dữ liệu vào Solomon lại bị lỗi. FAF đã chuẩn bị phương án nhập liệu bằng tay. Đêm đó chúng tôi không ngủ được. Tôi bị cảm giác có thể bị đau dạ dày vì quá lo lắng. Đợi đến 6 giờ sáng 01/01/2001 để đến làm lại.May thay được ngày đẹp, trời thương, import chạy vù vù. Từ khi sống với FAF tôi chưa biết đến việc nghỉ ngày 01/01. Nhưng đặc biệt ngày 01/01/2001 trôi qua suôn sẻ làm cho chúng tôi sung sướng khôn tả. Buổi tối trên đường về vừa đi vừa cuối như một kẻ dở hơi. Buổi họp giao ban đầu tiên 08/01/2003 đã chạy bản FIFA mới (2.0), cả bọn ngố không chịu release dữ liệu để FIFA chẳng có số gì cả bị anh Ngọc, anh Tùng mắng cho nghệt cả mặt.
Đội dự án lúc cao điểm có 10 người, đến khi CutOver xong còn 7 người trong đó có 3 người chịu trách nhiệm triển khai và hỗ trợ luôn ở trong tình trạng bị quây bởi điện thoại và anh chị em FAF. HoàngĐT và MaiLTT được cử đi triển khai FPT HCM đến 28 tết vẫn chưa ra được. MaiLTT trong trạng thái bi kịch đã bắt HoàngĐT và CừNĐ ( triển khai VINATEX) mỗi thằng ăn 3 quả trứng vịt lộn trước khi lên máy bay. Còn MaiLTT thì đến 11h đêm 29 tết mới lên được máy bay. Báo hại 2 thằng sau đúng 12 tháng mới dám ăn quả trứng vịt lộn tiếp theo.
Trong khi dùng bà con sợ nhất chương trình báo lỗi Dr Watson, khi đó phải đóng hết form để mở lại. Gặp nhau ở WC, em Thanh thông báo: “Hôm nay chị gặp Dr Watson 3 lần rồi nhé, chán lắm rồi, ghét lắm rồi”; “Em không quen Dr Watson!”. Anh Vịnh là người hay thăm phòng dự án nhất (trừ users). Hôm thì hàng có trong kho rồi mà trên Solomon chưa “nổi”, vừa thấy “nổi” bây giờ lại chìm. Đến nỗi nhìn thấy anh Vịnh là hỏi “nổi” chưa anh? Thương chị em, anh Vịnh cử Uyên thỉnh thoảng mua bánh kẹo phục vụ, nhưng sau mới phát hiện ra là anh Vịnh thích lấy em HằngNT về FIS. Từ đó cả bọn quyết không ăn cái gì của FIS, sợ há miệng mắc quai. Đâu đâu cũng chỉ bàn đến Solomon. Anh Bảo nhất quyết không gọi là Solomon mà là Mơ lông.
Vạn sự khởi đầu nan, rồi mọi thứ cũng dần đi vào ổn định. Khi làm báo cáo tổng kết dự án chỉ xin các anh khen thưởng bằng cách cho nghỉ 2 ngày xả hơi. Các anh hoàn toàn nhất trí cho nghỉ vào 2 ngày 30/4 và 1/5 sắp đến!
Cuộc chiến qua, chiến thắng đã sướng, cuộc chiến càng khó khăn, càng thấy tự hào. Rất tiếc khi đó đội dự án bị cuốn vào công việc không nghĩ đến nhiệm vụ viết về dự án này như một trang hào hùng trong chặng đường phát triển của FPT. Viết rằng dự án này đã xới tung tổ chức của FAF và các bộ phận liên quan, define cho mỗi người một nhiệm vụ mới. Rốt cục đặt trước mặt các sếp một site báo cáo chi chít với một loạt các thuật ngữ còn phải tra từ điển mới hiểu và rồi đồng tiền đã được quản lý hiệu quả và chặt chẽ hơn. Phương pháp quản lý tài chính hiện đại hơn đã đi vào FPT từ lúc nào, ngấm dần từ người này qua người khác, không phải chỉ thể hiện ở những cuộc chia chác chi phí và doanh số giữa các bộ phận sao cho khỏi thiết thòi mà bản thân mỗi manager đã có cái nhìn tổng quát hơn trong kinh doanh.
Khỏi phải bàn là chúng tôi đã học được rất nhiều về nghiệp vụ từ Solomon, từ dự án triển khai. Cứ như duyên nợ đã dính vào hệ thống quản lý doanh nghiệp là không dứt ra được. Tôi đã thấy có người làm triển khai Solomon với lương tháng 700US$, nhưng mệt mỏi quá nên đã chuyển sang việc khác. Sau 2 năm câu ta lại quay lại, tự pháp triển lấy sản phẩm từ đầu, phải lo nuôi mình và nuôi quan nhưng đam mê vẫn còn cháy bỏng lắm. Duyên nợ này đã ảnh hưởng và thôi thúc chúng tôi khi xây dựng FPT.Success.
Riêng tôi đã rất sung sướng khi kết thúc dự án này. Thật mừng đã trải qua một thử thách như vậy để biết rằng mình có thể làm được mọi thứ và mình đã trưởng thành. Nếu như 4 năm trở về trước phải nói trước đám đông cho dù có chuẩn bị thì tôi vẫn run, đến nay tôi đã có thể bốc phép với khách hàng mà không ngượng mồm. Đã có lần tôi than vãn với anh Tùng sao mình phải tự triển khai Solomon cho khổ, không thuê quách PwC cho xong. Để đến bây giờ bọn em xong rồi thì làm gì? Câu trả lời của anh rất ngắn gọn: “làm kế toán trưởng”. Chẳng nhẽ tôi có thể làm kế toán trưởng thật sao? Trước kia tôi có suy nghĩ đến khi nào FPT không cần tôi nữa tôi sẽ về mở Food shop - theo lời dạy của một doanh nhân thành đạt: trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù nghèo khổ đến mấy con người ta cũng cần phải ăn. Nghĩa là giờ đây tôi có thể mơ uớc lớn hơn, không làm được kế toán trưởng thì cũng sẽ mở hệ thống cửa hàng kiểu Seven-Eleven Wold Wide.
Anh Ngọc
Phải nói rằng dự án may mắn có anh Ngọc làm giám đốc dự án. Tôi muốn dành vài dòng để nhắc đến anh trong bài viết này. Tôi là học trò của anh Ngọc khi ở Đại học Bách khoa. Khi đó anh Ngọc gây được ấn tượng với chúng tôi khi thi kiểu gì cũng rụng một nửa, thi lại chỉ qua một nửa, thi lại nữa, thôi cho qua tất. Theo chỉ trỏ của anh Khánh hói, anh Ngọc đã rủ tôi về FPT ngay khi tôi vừa bảo vệ tốt nghiệp xong buổi sáng. Anh chỉ nói mấy câu thuyết phục và chốt lại là về FPT có nhiều thanh niên chứ ở Viện thì bao giờ lấy được chồng. Về đến FPT và mãi sau này bọn phần mềm chúng tôi ít khi làm việc với anh Ngọc. Trong dự án này ngoài vai trò Giám đốc dự án đối với tôi anh giống như một người thầy. Tuy rằng thầy có nóng tính nhưng đã chỉ cho chúng tôi cách xác định mục tiêu và không bao giờ được từ bỏ mục tiêu. Nhiều bài học về cách giải quyết vấn đề và giao tiếp sau này tôi vẫn nhắc lại với quân của mình.
FAF đã nếm mật nằm gai đủ nên việc thích nghi với vận hành mới - khỏi bàn. Các bộ phận khác thì khó khăn hơn nhiều vì họ không quen với trách nhiệm mới, vả lại trách nhiệm cũng không đơn giản. Không có anh Ngọc dùng áp lực thì chúng tôi chịu không thể triển khai được cho các bộ phận khác. Tiến béo đòi lấy thêm 4 người chỉ để nhập liệu. Đến mức anh Ngọc phải ngồi cạnh user xem họ nhập để đánh giá. Rốt cục Tiến béo không lấy thêm người nào mà còn định đuổi bớt đi.
Không ít cuộc tranh luận đến mức “mổ bò” hoặc chém gẫy bàn ghế, không ít lần anh Ngọc, anh Tùng phải giải quyết các vấn đề giữa đội dự án, PwC và đội người dùng. Sau một thời gian cả đội dự án đều luyện được một món là nghe anh Ngọc chửi. Đứa nào không chịu được thì cũng đã ra khỏi dự án mất rồi. Bọn chịu được đều đã hoặc chuẩn bị lên team leader hết. Nghe anh Ngọc chửi nhiều thì mắc tật là cũng chửi bậy như thế. Nhưng không được bản lĩnh như anh để chọn đối tượng mà chửi, thỉnh thoảng quên mất lại nói số sàng với khách hàng. Đã có lúc HằngNT cãi nhau với MinhPT chỉ thiếu mỗi cục gạch trong tay. Cãi nhau xong thấy ngạc nhiên sao mình lại to mồm thế. Thỉnh thoảng tôi cũng phải tự nhắc mình, không có lại thành con gái nhưng dương tính quá.
Không biết cuối năm nay khi anh Ngọc không còn làm Giám Đốc nữa, FSS chúng tôi có còn được khởi sắc như 2 năm qua không. Chỉ biết rằng anh mãi là người thấy, người anh nóng tính được chúng tôi khâm phục.
PHẦN V: FPT VÀ KHÁCH HÀNG VMS
Dương Dũng Triều
VMS hiện nay là một trong những khách hàng quan trọng và đầy tiềm năng của FSS. Tuy nhiên để được như ngày hôm nay, chúng ta đã phải nỗ lực rất nhiều để vào được khách hàng này. Trong bài này tôi xin phép kể lại quá trình FSS tiếp cận VMS.
Những ngày đầu tiên vào VMS
Tôi bắt đầu tiếp cận VMS vào cuối những năm 97, đầu những năm 98. Khi đó VMS chưa lớn mạnh như bây giờ, họ phải thuê văn phòng ở Khu Nam Thành công. Lúc đó VMS cũng mới thành lập phòng Tin học do A.Hùng làm Trưởng phòng và chưa bao gồm Tổ tính cước. Tôi có nhiều bạn học làm ở VMS, đó chính là lý do tôi tiếp cận VMS. Hoạt động Marketing đầu tiên mà FSS làm tại VMS đó là hội thảo "Tin học hóa Văn phòng". Thời gian đó, Ban chỉ đạo Công nghệ Thông tin 2000 đang ra sức khuếch trương việc tin học hóa hoạt đông văn phòng kiểu như quản lý công văn giấy tờ, lịch làm việc, thư điện tử... Do đó các hội thảo kiểu như thể này trở thành mốt. Trong cuộc hội thảo đó, chúng tôi có mời anh NgọcBQ và Phan Văn Hưng (lúc đó là trưởng nhóm Lotus Notes- nay chuyển sang Hồng Nam) phát biểu. Tuy nhiên dự án đó cũng không đi đến đâu. Sau này đến năm 2002, dự án mới được khôi phục bằng việc triển khai hệ thống E-Mail MS Exchange cho toàn bộ hệ thống của VMS do CMC triển khai.
Dự án tiếp theo mà chúng tôi tham gia đó là dự án Xây dựng hệ thống Quản trị mạng cho VMS. Dự án này tôi phối hợp với MinhNQ (trước là PGĐ FSI này đã chuyển sang VDC) và IBM để Marketing. Chúng tôi chào IBM Tivoly là sản phẩm mới chưa bán được ở Việt Nam lần nào. Chúng tôi cũng tổ chức hội thảo, cài đặt demo. Tuy nhiên cũng như dự án trước dự án này mãi đến năm 2002 mới triển khai, với việc HiPT triển khai HP Openview.
Trong giai đoạn này, có tới 3 bộ phận của FPT tiến hành Marketing ở VMS: FIS, FSS và FSI. Có một lần bên VMS tổ chức đấu thầu mua khoảng 200 máy PC. FPT có tới 3 báo giá: một báo giá của FIS, một báo giá của ai đó trong FPT HCM, và một báo giá từ cửa hàng của FPT (do Cương gù nay đã chuyển sang làm phòng Kỹ thuật VMS thực hiện). Điều này làm cho A.Thái (PGĐ FIS hồi đó) nổi xung.
Nói chung giai đoạn này FPT nói chung và FSS nói riêng mới coi VMS là nơi bán máy tính và các giải pháp tin học chung chung, chứ không hiểu rằng quan trọng nhất thời gian đó của VMS chính là hệ thống Tính cước và Quản lý khách hàng.
Hợp đồng làm phần mềm Tính cước đầu tiên
Giai đoạn này đánh dấu bằng việc sát nhập tổ Tính cước vào phòng Tin học thành Phòng Tin học Tính cước của VMS. Anh Thúy Tổ trưởng tổ Tính cước trở thành phó phòng. VMS cũng đã lớn mạnh hơn với việc vào cuối năm 1998, Văn phòng Công ty và Trung tâm 1 chuyển về tòa nhà 811 A - Đường Giải phóng.
Thời gian này đánh dấu sự tham gia của A.Hiển (Hiện nay Giám đốc BU2-FIS) tham gia. Thông qua một người bạn, A.Hiển đã dẫn tôi đến làm quen với A.Thúy. Năm 1999 cũng là năm đánh dấu sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa VMS và VINAPHONE với việc đưa ra các dịch vụ mới. Năm đó có 2 dịch vụ quan trọng mà hai Công ty này đều mong muốn đưa ra sớm đó là Roaming quốc tế (RMQT) và MobiCard.
Tôi cũng không nhớ vì sao A.Thúy chọn FPT làm hệ thống Tính cước cho hệ thống Tính cước RMQT cho VMS. Có lẽ hồi đó do tôi và A.Hiển hay dẫn A.Thúy đi nhậu, cũng có thể do A.Thúy muổn thử FPT. Thể là vào khoảng tháng 5/1999, Hợp đồng Xây dựng phần mềm Tính cước RMQT cho VMS đã được ký với trị giá 12.000 USD và thời gian triển khai khoảng 8 tuần.
Năm 1999 cũng là năm có nhiều biến động ở FSS, năm đó 1/2 FSS do anh Thành Nam dẫn đầu đã tách ra thành lập FSU1 - tiền thân FSOFT ngày nay - để tìm đường xuất khẩu. Phần còn lại chủ yếu là các cán bộ làm cho Tổng cục Thuế với việc hỗ trợ triển khai toàn quốc hệ thống Quản lý thu thuế.
Chính vì thề khi ký hợp đồng tính cước RMQT, tôi không có người đâu để làm. Do đó mặc dù VMS yêu cầu phải thực hiện trước khi ký hợp đồng, nhưng tôi vẫn không lập được đội để thực hiện. Mãi tôi quyết định giao cho ĐịnhĐQ (hiện nay đang làm cho FSOFT) nghiên cứu thử xây dựng chương trình đọc và tạo file TAP2 (một file dùng để trao đổi số liệu giữa các nhà cung cấp dịch vụ RMQT với nhau). Sau khi ký hợp đồng và bàn với A.Kiên lúc đó là GĐ FSS, chúng tôi quyết định tách TuấnPM (hiện nay TuấnPM là thành viên kỳ cựu của FSOFT) đang làm trưởng nhóm triển khai dự án Thuế ra làm quản trị dự án tính cước RMQT. Cùng với TuấnPM có Phan Việt Thắng và Nguyễn Việt Dũng (Dũng B - lúc đó đang là sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia).
Quá trình triển khai dự án này cũng có nhiều chuyện đáng kể. Vì bị ép tiến độ, nên ThắngPV lập trình hì hụi cả đêm để đến sáng hôm sau tự tay xóa hết đoạn chương trình đã làm. ThắngPV tự nhận là cao thủ về Delphi và dự án này là dự án anh quyết định dùng Delphi để lập trình giao diện. Tuy nhiên chỉ có một mình anh biết về Delphi. Điều này dẫn đến sự tranh luận trong một thời gian dài giữa ThắngPV và những người khác về việc lựa chọn công cụ nào cho việc xây dựng các ứng dụng cho VMS.
Và đúng tiến độ chúng tôi đã bàn giao đưa hệ thống tính cước RMQT vào khai thác tại VMS. Điều này giúp cho VMS đưa dịch vụ Roaming quốc tế trước Vinaphone một tháng. Dự án được VMS đánh giá cao và bước đầu tạo niềm tin cho khách hàng tại VMS.
Dự án CDR-BIN
Dự án CDR-BIN được ký đúng ngày tôi cưới (14-01-2000). Sáng hôm cưới tôi vẫn còn gọi QuỳnhVT xem hợp đồng đã ký chưa. Sau nhiều năm nhìn lại, có thể nói về mặt chất lượng dự án CDR-BIN là một dự án không thành công. Nhưng về mặt nào đó nó là một dự án tạo tiền đề cho FPT thắng thầu hợp đồng Billing sau này.
Sau khi thành công trong dự án tính cước RMQT, uy tín của FPT tăng cao. A.Thúy quyết định cho chúng tôi dự án CDR-BIN. Thời gian đó chúng tôi vẫn hiểu dự án này phục vụ cho VMS để đưa ra hệ thống báo cáo phục vụ thống kê số liệu tính cước và doanh thu. Nhưng sau này qua tìm hiểu, dự án này phục vụ cho Comvik (đối tác bỏ vốn vào VMS) để thống kê số liệu phục vụ hoạt động kiểm tóan và Marketing. Không xác định rõ ràng mục tiêu cũng như end-user chủ yếu của hợp đồng là một sai lầm mắc lại nhiều đối với nhóm dự án làm cho VMS.
Dự án này ký khoảng 560 triệu đồng và dự kiến triển khai trong vòng 4 tháng. Dự án này được ký vào thời kỳ mới thành lập lại FSU3 - tiền thân của FSS ngày nay. Thời kỳ đó anh Kiên - GĐ FSS cũ và TuấnPM đã sang Ấn độ để quản lý văn phòng FPT tại Ấn độ. Sau khi tách nhập lung tung cả, FSU3 được thành lập với A.NgọcBQ làm Giám đốc, tôi và chị Tú Huyền làm PGĐ. Lúc đó FSU3 chỉ có 18 người. Có lẽ đây là Hợp đồng đầu tiên của FSU3. Và như một bệnh kinh niên, dự án này lại không có người. Sau khi thảo luận với A.Nam, C.Tú Huyền, một phương án triển khai đã được đưa ra. Đó là thành lập 2 nhóm dự án, nhóm 1 tại Ấn độ do TuấnPM quản trị dự án và 2 cán bộ lập trình người Ấn độ, nhóm 2 tại Việt Nam gồm có ThắngPV, Dũng B và 1 cán bộ test. Phương án này có lẽ bị ảnh hưởng bởi mong muốn Toàn cầu hóa và Xuất khẩu phần mềm đang được khuếch trương trong thời gian đó.
Tất nhiên với trình độ của chúng ta thời gian đó, kỹ năng communication không tốt, cùng với yêu cầu phức tạp về thuật toán trong bài toán xử lý dữ liệu lớn, phương án triển khai đó không thành công. Sau khoảng 4 tháng triển khai, tôi đã quyết định chấm dứt sự phối hợp giữa hai nhóm và quyết định để nhóm ở Việt Nam một mình triển khai dự án.
Trong quá trình triển khai dự án này cũng có nhiều chuyện vui. Vì đây là dự án rất quan trọng của Comvik nên họ cử một cô tóc vàng xinh đẹp người Pháp đã có 2 đời chồng sang giám sát, cô này tên là Elisabet (cách đây khoảng 4 tháng, tôi còn nhận được thư thông báo cô mới rời khỏi chức vụ Giám đốc Chi nhánh Công ty tư vấn TNS tại Hà Nội). Cô này có bệnh nói nhiều kinh khủng. Khi họp dự án 3 bên FPT, VMS, Comvik, cô ta có thể nói liên tục trong vòng 3h trong khi các thành viên khác chỉ ngồi nghe và uống La Vie. A.Thúy trong 1 cuộc họp dự án đã uống hết 3 chai La Vie. Sau này khi cô ta đề nghị họp dự án thì bên VMS đều trốn không họp.
Sau khoảng 9 tháng từ khi ký hợp đồng, chúng tôi mới đưa được hệ thống vào khai thác. Tuy nhiên trong thời gian dài do nhiều nguyên nhân xung đột giữa VMS và Comvik về việc khai thác hệ thống CDR-BIN nên hệ thống này luôn là một vấn đề nhức nhối. Có những lúc hệ thống lại không hoạt động dẫn đến bên Comvik lại tưởng chương trình lỗi, và đổ cho FPT. Chính vì điều đó Scott - IT Manager của Comvik (2000-2002) không có thiện cảm tốt với FPT. Tuy nhiên sau khi Scott ra đi và sau khi FSS triển khai thành công hệ thống Billing, quan hệ giữa FPT và CIV đã tốt hơn.
Dự án CDR-BIN là một dự án không thành công về tiến độ, vi phạm mọi tiêu chuẩn về quy trình chất lượng, thể hiện sự kém cỏi khi phối hợp trong nội bộ FPT. Tuy nhiên qua dự án này, cán bộ FSS đã hiểu thế nào là tính cước và đó chính là cơ sở cho sự thắng thầu hệ thống Billing đầu năm 2001.
Hợp đồng Billing - bước ngoặt quan trọng
Như phần trên đã trình bày, thời gian đầu FPT chưa hiểu được tầm quan trọng của hệ thống Tính cước và Quản lý khách hàng (TC&QLKH) đối với VMS. Chính vì thế FPT đã không tham gia dự án đầu thầu quốc tế đầu tiên mua hệ thống TC&QLKH của VMS. Tôi không nhớ chính xác, nhưng có lẽ năm 1998, VMS chọn BSCS một đối tác Anh để triển khai hệ thống TC&QLKH. Dự án triển khai trong vòng 1 năm nhưng không thành công và như sau này giang hồ đồn đại, VMS đã mất khoảng 1 triệu USD cho vụ này.
Vì việc thất bại này, mà trong thời gian trước năm 2002, mỗi Trung tâm của VMS có một chương trình TC&QLKH khác nhau. Các hệ thống này đều do mỗi Trung tâm tự phát triển và phát triển trên nền CSDL Foxpro. Với hiện trạng đó, nên nhu cầu thống nhất chung hệ thống TC&QLKH tại VMS năm nào cũng được đặt ra. Và luôn có 2 dự án, một dự án đầu thầu quốc tế bằng vốn BCC giữa VMS và CIV, một dự án thuê đối tác trong nước sử dụng vốn sản xuất kinh doanh của VMS. Sau thất bại của BSCS, lãnh đạo VMS quyết định thử phương án thuê đối tác trong nước. Và tháng 8/2000, VMS tổ chức đấu thầu dự án Nâng cấp hệ thống TC&QLKH cho VMS. Đối thủ chính của FPT là Elcom (đối tác đã triển khai hệ thống TC&QLKH cho Trung tâm 1). Tôi sẽ kể lại tiến trình của vụ đấu thầu này. Nhưng có lẽ đây là vụ thầu phần mềm căng thẳng nhất của FSS từ trước đến nay. Chỉ xin tiết lộ một chút là giá mở thầu của FPT cao hơn của Elcom là 6 triệu VNĐ, FPT nhận được thông báo thắng thầu vào cuối tháng 11/2000 với giá thắng thầu thấp hơn của Elcom khoảng 14 triệu VNĐ. Tuy nhiên sau tết âm lịch vào tháng 2/2001, mới ký được hợp đồng. Tôi đã trải qua một cái tết rất căng thẳng để chờ đợi ký được hợp đồng này. Cuối cùng đến tháng 2/2001, hợp nâng cấp hệ thống TC&QLKH cho VMS đã được ký. Tổng giá trị hợp đồng khoảng 1,3 tỷ VNĐ và thời gian triển khai 6,5 tháng.
Lại vẫn như các dự án trước, cán bộ triển khai lại không thấy đâu. Một lần nữa, một giải pháp chắp vá lại được đưa ra đó là TuấnPM (lúc đó trở về từ Ấn độ và đang chờ việc tại FSOFT) sẽ được cho FSS (lúc đó FSU3 đã được đổi tên sau khi sát nhập cùng FSI) mượn làm Quản trị Dự án. Đội dự án lúc đó có khoảng 10 người ThắngPV, Dũng B, TuấnLA, DũngHT(đã chuyển sang FOX), HảiLT (BU1), HiếuT, KiênDT (BU3), AnhNV và một loạt các Sinh viên vừa ra trường trong đó có ThủyPN, NgọcVQ.
Đến tháng 8/2001, theo đúng tiến độ, chúng tôi tiến vào TPHCM để bắt đầu triển khai hệ thống TC&QLKH. Đây mới bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn nhất của dự án. Trước hết đó là việc thay đổi QTDA, TuấnPM hết thời gian cho mượn đã quay về FSOFT. Lúc đó tôi phải chịu trách nhiệm QTDA, chủ yếu bay đi bay lại giữa Hà Nội và TPHCM, mọi việc điều hành về kỹ thuật giao cho ThắngPV. Một loạt cán bộ mới rời khỏi đội dự án vì những lý do khác nhau, chúng tôi phải bổ sung một số người mới như TùngLQ, TúTV. Sau nữa do kỹ năng Phân tích Yêu cầu của chúng ta còn yếu nên một loạt các chức năng của hệ thống chăm sóc khách hàng lập trình tại Hà Nội đã không đáp ứng yêu cầu của khách hàng nên phải sửa lại. Tuy nhiên phần khó nhất mà chính vì lý do này mà BSCS đã thất bại đó chính là chuyển đổi số liệu từ hệ thống cũ sang hệ thống mới. Theo yêu cầu của VMS, việc chuyển đổi số liệu sẽ tiến hành theo 3 bước: bước 1 - chuyển đổi số liệu từ hệ thống cũ sang hệ thống mới, bước 2 - chạy song song giữa hệ thống cũ và hệ thống mới trong đó hệ thống cũ sẽ làm chính (số liệu sẽ được đồng bộ từ hệ thống cũ sang mới), bước 3 - chạy song song giữa hệ thống mới và hệ thống cũ trong đó hệ thống mới sẽ làm chính (số liệu sẽ được đồng bộ từ hệ thống mới sang cũ). Do đó thời gian triển khai tại TPHCM kéo dài rất lâu. Đến tháng 5/2002, sau gần 8 tháng vất vả, làm việc thâu đêm suốt sáng, hệ thống mới đã chính thức phát hành thông báo cước cho khách hàng tại Trung tâm 2. Đáng lý ra vào tháng 4/2002 chúng ta đã thực hiện được việc này, nhưng sau khi kiểm tra rất cẩn thận đến khi đưa vào in để phát hành hàng loạt, một vấn đề nhỏ phát sinh đó là tràn buffer máy in. Vào đầu tháng, Trung tâm 2 phải phát hành khoảng 200 nghìn thông báo cước cho khách hàng. Khi in, hệ thống phải in lần lượt từng thông báo cước, tuy nhiên do sai sót kỹ thuật, hệ thống đã đẩy vào buffer của máy in hàng trăm thông báo cước, dẫn đến tràn buffer và làm treo máy tinh in thông báo cước. Đợt đó, tôi đã phải cắn răng xin phép TT2 cho phép quay lại sử dụng hệ thống cũ phát hành thông báo cước.
Cùng thời gian triển khai tại TPHCM, một nhóm đã ra triển khai tại Trung tâm 3 - Đà nẵng vào tháng 2/2002. Đến tháng 6/2002, đã đưa hệ thống mới vào sử dụng tại Trung tâm 3.
Sau sự thành công tại TPHCM và Đà Nẵng, đội dự án kéo ra Hà Nội. Dự án bắt đầu được triển khai tại Hà nội vào tháng 7/2002. Đặc điểm tại Hà Nội là đang sử dụng chương trình của Elcom, và lãnh đạo Trung tâm I là những người ủng hộ Elcom trong đợt đấu thầu nói trên. Trong thời gian này, đội dự án đã có sự hỗ trợ của lãnh đạo Công ty VMS nên công việc đã triển khai tương đối xuôn xẻ. Và vào tháng 9/2002 hệ thống mới đã được đưa hệ thống vào sử dụng tại Trung tâm I.
Như vậy sau 18 tháng vất vả, đội dự án đã đưa hệ thống vào sử dụng tại tất cả các Trung tâm của VMS. Mặc dù dự án chậm tiến độ nhiều so với hợp đồng, nhưng dự án được VMS đánh giá cao, sau nhiều năm lần đâu tiên VMS đã tiến hành thống nhất được hệ thống TC&QLKH tại các Trung tâm. Về phía FSS, dự án này đánh dấu một bước tiến dài vào VMS. Chúng ta đã nắm được hệ thống lõi của VMS, mọi dịch vụ của VMS sẽ được ghi lại trong hệ thống TC&QLKH. Vì thế chúng ta sẽ còn nhiều cơ hội để xây dựng các ứng dụng khác của VMS.
Dự án này đánh dấu bước ngoặt quan trọng của FSS trong thị trường viễn thông.
Thành lập BU5 - Trung tâm Giải pháp Phần mềm Viễn thông của FSS
Nhìn lại gần 4 năm từ dự án đầu tiên tại VMS, có thể nói một vấn đề chung đó là luôn thiếu cán bộ triển khai, các đội dự án đều ở tình trạng chắp vá thiếu đầu tư lâu dài. Nhiều cán bộ xuất sắc của phần mềm FPT đã tham gia triển khai các dự án cho VMS: TuấnPM, LươngT (một cán bộ của FSS đang đi học ở Úc), Thanh Hà (BU3), ThắngPV, Dũng B, TuấnLA, GiangNT và nhiều cán bộ khác. Tuy nhiên nguồn lực này thường xuyên không ổn định.
Sau thành công của dự án Billing, FSS đã tiếp tục ký thêm một loạt các hợp đồng khác cho VMS, tổng giá trị các hợp đồng nói trên khoảng 4 tỷ VNĐ.
Chính vì lẽ đó, đầu năm 2003, Ban lãnh đạo của FSS đã quyết định thành lập thêm BU5 - Trung tâm Giải pháp Phần mềm Viễn thông của FSS. BU5 được thành lập với mục tiêu xây dựng các giải pháp phần mềm cho lĩnh vực Viễn thông nói chung và VMS nói riêng. BU5 được tách ra từ BU3 - Doanh nghiệp và khi mới thành lập có 12 người. Chủ yếu họ đã từng chinh chiến trong dự án Billing.
Hy vọng rằng BU5 sẽ phát triển mạnh mẽ theo đúng xu hướng bùng nổ của thị trường Telco tại Việt Nam.
PHẦN VI: BU4 - CON ĐƯỜNG HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lê Quốc Hữu
Nhìn thành công, đội ngũ hôm nay nhớ lại những ngày đầu gian nan
Ngày 22/7/2003, Trung tâm Giải pháp phần mềm FSS tổ chức long trọng Lễ Sơ kết 6 tháng đầu năm 2003 tại Nhà Rùa, Hồ Tây. Đội quân đông đảo gần 200 người, gồm 5 BU và 2 phòng phục vụ tưng bừng khí thế hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng đầu năm. Nếu như nhớ lại Lễ hội “Mười năm công nghệ FPT” được tổ chức cũng tại đây cách đây gần 10 năm mới thấy hết sự phát triển vượt bậc của đội ngũ FPT. Ngày nay, chỉ cần lễ tổng kết của 1 bộ phận trong như FSS đã có quy mô giống như một lễ hội của FPT 10 năm về trước.
Trong buổi liên hoan mừng sơ kết, các thành viên của BU4 – Trung tâm Giải pháp phần mềm Chính phủ của FSS đặc biệt hồ hởi, có lẽ vì đây là năm thứ 3 liên tiếp BU4 đã vượt mức kế hoạch đề ra, đóng góp một phần quan trọng trong sự hoàn thành kế hoạch của FSS. Đặc biệt các nhân viên trẻ của BU4 đã nhập cuộc rất nhanh và thể hiện một tiềm năng phát triển lớn khi liên tục đi chạm cốc chúc mừng các cán bộ lãnh đạo, “khiêu chiến bia rượu” với các BU xung quanh. Bia Hà Nội tràn đầy ly, thơm mùi gió Hồ Tây, tiếng nói chuyện, chúc tụng râm ran. Những người trẻ hừng hực khí thế mới. Còn những cán bộ đàn anh như HUULQ, VINHTH, LINHPHT, DUNGLT, TUYENNV… không khỏi bùi ngùi nhớ lại chặng đường họ đã đi qua gần 3 năm qua để có được ngày hôm nay.
Năm 2001 – Khúc khởi đầu bi tráng nhưng oanh liệt
Ngược dòng thời gian trở lại Tháng 2 năm 2001, khi cả FPT còn đang hưởng dư âm của cái Tết âm lịch thì trên tầng 4 của toà nhà HO 89 Láng Hạ, có những gương mặt trở nên thất thần, mệt mỏi, túm tụm lại thì thầm to nhỏ, vài nhóm kéo nhau ra quán bia, vài người lại ngồi chat qua lại, nhưng tất cả như sát lại gần nhau hơn, chia xẻ, cảm thông… Họ như những chiến binh vừa qua một trận chiến ác liệt đã chiến đấu hết sức mình nhưng không thể nào chống lại được định mệnh, mệt mỏi, câm lặng. Đó là hình ảnh của đội ngũ FSI (Trung tâm Tích hợp hệ thống) cũ khi có quyết định tách đôi bộ phận và sát nhập vào 2 bộ phận FIS và FSS.
Gần một tháng sau, Giám đốc HữuLQ dẫn đầu nhóm “tàn quân” 10 người đến toà nhà HITC ra nhập FSS bắt đầu một trận chiến đấu mới. Tất cả như cố gồng lên để cố gắng hoà nhập với một môi trường làm việc mới khác xa với môi trường cũ đã gắn bó nhiều năm. Tình trạng stress, stress, stress kéo dài tưởng như vô phương cứu chữa. Một vài người không chịu được đã ra đi như THINHTQ, KIENVH…càng gây tâm lý nặng nề cho anh em ở lại. Trong năm 2001, nhóm FSI cũ luôn luôn bị đặt vấn đề “chưa hoà nhập”. Nhưng thực tế, anh em đều muốn “hoà nhập chứ không hoà tan” để giữ được bản sắc của mình. Trong khi đó sức ép công việc rất nặng nề. Cả FSS lúc đó như bị trầm cảm trước sức ép làm sao đạt được 850.000 USD kế hoạch doanh số trong khi các hướng kinh doanh chính như Ngân hàng, Thuế, Viễn thông, Doanh nghiệp đều còn rất bê bết. Nhóm FSI cũ chuyển sang FSS, ban đầu tưởng sẽ được hỗ trợ nhiều về nhân lực và đào tạo, thực tế lại phải chi viện người cho nhiều dự án khác đang sa lầy của FSS. Những nhân viên ưu tú cũ của FSI như DUNGLT, “Tân tít”, “Triều trâu” đã phải chuyển sang các dự án phần mềm cho khối doanh nghiệp. Nhóm còn lại được gọi với cái tên không chính thức: “Nhóm dự án công nghệ” chỉ còn tập trung vào dự án chính: Dự án C27. Trong năm 2001, Dự án C27 tiếp tục triển khai một bước quan trọng với hệ thống các trạm Telscan thu nhận vân tay tội phạm ở các tỉnh truyền về Hệ VAFIS trung ương và triển khai mở rộng Hệ thông tin đối tượng. Công việc dự án tích hợp cực kỳ đa dạng, chẳng được mấy ai trong môi trường phần mềm thuần tuý như FSS quan tâm, trong khi lại thường xuyên bị thúc giục “xuất hoá đơn” trước để đạt doanh số kế hoạch. Đội quân chỉ có 10-12 người gần như bị căng ra, gồng lên hết sức, lầm lũi, cố gắng chống chọi với đủ loại áp lực tâm lý, công việc. Có những lúc tưởng như không thể vượt qua nổi… Trong những buổi anh em ngồi uống bia tâm sự với nhau, HữuLQ chỉ còn biết động viên anh em: “việc của mình, mình cứ phải làm hết mình cái đã, sẽ có lúc Trung tâm FSS hiểu và đánh giá đúng được chúng ta”.
Cuối cùng, cái chất lì lợm, chiến đấu hết mình của người FSI cũ, cũng như của người FPT nói chung đã chiến thắng. Đội quân FSI cũ như một chiếc xe tăng đơn độc, thương tích đầy mình vẫn đạp qua mọi trở ngại tiến lên. Năm kinh doanh 2001 đã qua đi thành công với cả FSS, trong đó “Nhóm dự án công nghệ” (tiền thân của BU4/FSS hiện nay) đã đóng một vai trò cực kỳ quan trọng: Chỉ với một “nhúm” nhân viên trong đó 2/3 là nhân viên mới đang trong giai đoạn đào tạo, nhóm đã trở thành một “công thần” khi đóng góp doanh số 373.300 USD (chiếm 43,33% doanh số năm 2001 của FSS), tạo nên yếu tố quyết định việc Trung tâm FSS lần đầu tiên trong lịch sử vượt mức kế hoạch và cả trung tâm được nhận thưởng kinh doanh thay cho việc thưởng uý lạo tinh thần trong các năm trước. Trong buổi tổng kết cuối năm, những nhân viên “Nhóm dự án công nghệ” cũng cảm thấy bớt được nhiều gánh nặng tâm lý khi những nỗ lực đóng góp của mình đã được đền đáp bằng những phong bì tiền thưởng kinh doanh xứng đáng. Tổng kết nào chẳng có liên hoan, cuối năm nào chẳng có thưởng nhưng cái thưởng năm nay thì nó khác hẳn với các năm khác. Anh em ai cũng hớn hở. Cả BU kéo nhau đi sinh hoạt tập thể, rượu, bia, hát hò và kết quả là 2 cái điện thoại di động đã bị được đem ra để ném tiêu mà mục tiêu lại là cái màn hình vô tuyến, cộng với vô số thứ bị vỡ và phải đền cho chủ quán. Chưa hết, đếm quân số lúc về lại thiếu 1 chú hoá ra chú này đang “mơ” trong toilet. Lúc say rồi, nhìn quân mình cứ tưởng quân địch thế là dù mình đang được 2 thằng to khoẻ dìu xuống cầu thang, bác HoàngNL cũng cố song phi cho thằng đi trước 1 cái…. Mặt mấy em gái xanh rờn. Nhưng kỷ niệm đó thì chắc chắn chẳng ai quên được.
Năm 2002 – BU4 ra đời và chiến đấu
Sang Năm 2002, như một nét cố hữu chung của FPT, trung tâm FSS lại căng lên trước thách thức doanh số mới của Công ty đặt ra: 950.000 USD. Sau nhiều băn khoăn và day dứt, Lãnh đạo của FSS đã quyết định tái cơ cấu tổ chức thành các Bussiness Unit (BU), mỗi BU đi sâu vào một mảng thị trường đặc thù.
Sau một mùa hè rực lửa, mọi người cùng chờ đón một mùa đẹp và lãng mạn nhất trong năm, mùa thu, mùa dễ làm người ta xao động nhất thì BU4 ra đời với cái tên Trung tâm Giải pháp Phầm mềm Chính phủ, cùng với nó có 10 thành viên mà chủ yếu là từ FSI sang, 1 con số thật đẹp và tròn trịa giống như ước mơ vươn tới tương lai của nó.
Phó Giám đốc FSS, Anh Hữu, kiêm luôn chức Giám đốc của BU4, lại cặm cụi ngày đêm với: mục tiêu, định hướng chiến lược và phát triển, sản phẩm, công nghệ…. đến nỗi phải than rằng “than ôi, thời gian relax nay còn đâu!”. Vấn đề là làm sao để phát triển BU4 trong khi chỉ dựa vào một số khách hàng truyền thống mà lớn nhất là Cục C27.
Cục khoán doanh số to đùng cho BU4 (375.000 USD) làm mọi người hoang mang, hoảng hốt, trong khi để đạt được mục đích vượtt Kế hoạch 2001 của FSS, BU4 đã phải vét hết “mỏ C27”, xuất lúa non hoá đơn ngay sau khi ký hợp đồng và năm 2002 sẽ là năm “Kéo cầy trả nợ”. Phải đào những mỏ nào đây? Một, hai, ba… nào chúng ta cùng đếm cua trong lỗ. Sao mà nhiều khách hàng với nhiều dự án tiềm năng thế nhỉ: Civil AFIS, Thẻ CMND, Bằng lái xe, … rồi cũng phải cố xâm nhập và chiếm lĩnh các thị trường Đông Dương, ASEAN còn bỏ ngỏ nữa chứ…. Cứ như thế, kế hoạch phát triển thật là dài và có sức thuyết phục. Nhưng thực tế mới là nỗi lo ngay ngáy của mọi người trong BU.
Bước đi đầu tiên là tìm nhân tố tăng tình thần làm việc của anh em. Chương trình Leadership Building được triển khai rộng khắp toàn Công ty đến tận cấp BU. Anh Hữu, với biệt tài lập kế hoạch bài bản đã vẽ ra Vision của BU4 với viễn cảnh trong tương lai gần nhất là đến năm 2005 sẽ đạt doanh số 1 triệu USD với đội ngũ hùng hậu 65 nhân viên. Một đợt cầu hiền, tìm kiếm, tuyển chọn nhân tài đã được thực hiện ráo riết. Kết quả là đã bổ xung được cho đội ngũ BU4 nhiều gương mặt anh tài. Đầu tiên phải nói đến Đội Hỗ trợ hệ thống (HTHT) mới: Nguyễn Trọng Đường, Lê Minh Hiếu, Bùi Tiến Dũng do Anh Hữu đích thân ra đề tuyển chọn đã tiếp thêm sức sống mới cho Đội Hỗ trợ C27 mà nhân sự đã có tiếng luôn bị thay đổi trong mấy năm qua. (Đội luôn bị sức ép tâm lý: công việc thì vất vả, đa dạng nhưng lại không được Công ty đánh giá coi trọng, tương lai không chắc chắn vì nếu giỏi Windows 2000, Cisco Networking thì sau này ở đâu cũng cần, còn nếu chỉ giỏi AFIS không thì khi Dự án C27 sắp hết sẽ biết làm gì đây?). Đội HTHT đã bắt đầu từ đầu: xây dựng quy trình, nghiên cứu AFIS, nghiên cứu cơ bản về mạng và hệ thống. Một phong trào nghiên cứu, làm việc bài bản chuyên nghiệp được phát động. BU4 cũng rất tự hào là trong Đợt thi đào tạo nhân ngày thành lập Công ty 13/9, cả 3 đại diện đạt kết quả thi cao nhất của trung tâm phần mềm FSS đi thi trạng cấp Công ty đều là người của BU4 và kỳ lạ hơn nữa lại đều là người của Đội HTHT. Cuối năm 2002, Nguyễn Đức Thanh, sau khi viết được phần mềm cho Trung tâm Bảo hành được chuyển về FSS. Thanh cũng đã có “duyên nợ” với FSI từ lâu và rất ngưỡng mộ các cao thủ công nghệ thuộc FSI cũ. Mặc dù Anh Ngọc tích cực định hướng cho Thanh về BU3, nhưng sau khi tìm hiểu các BU, Thanh đã chọn về Đội HTHT của BU4. Thực tế công việc trong 2 năm qua đã chứng tỏ quyết định của Thanh là đúng đắn. Ngoài ra còn phải kể đến Anh Trần Anh (chuyên gia của Viện CNTT) đã được mời về để làm leader về công nghệ cho nhóm HTHT. Tuy thời gian làm việc với nhóm chỉ được mấy tháng vì anh lại phải bận đi học cao học, nhưng anh Trần Anh cũng đã để lại các ấn tượng và kỷ niệm tốt đẹp cho cả nhóm. Cuối năm 2002, Phòng HTHT thuộc Bu4 được chính thức thành lập như một sự khẳng định tầm quan trọng của mảng HTHT, hỗ trợ kinh doanh trong hoạt động của BU4.
Về phần mềm, BU4 cũng chiêu nạp được thêm 1 loạt hiền tài: Đầu tiên phải kể đến Nguyễn Thuý Quỳnh, chuyên gia về Oracle từ Viện CNTT, ngay lập tức được tung vào mảng C27, chuyên trị các phần mềm Quản lý trại giam, tạm giam, tạm giữ. Với cá tính độc lập, mạnh mẽ, kỹ năng chuyên sâu về Oracle, Quỳnh đã làm thay đổi hẳn ấn tượng của Phòng 4 (Phòng CNTT) C27. Ngoài công việc hợp tác chuyên môn giữa 2 bên, đầu năm 2003 sự hợp tác giữa BU4/FSS và Phòng 4/Cục C27 đã được đơm hoa kết trái thêm nhờ đám cưới của Quỳnh và Dương C27. Nhiều anh tài khác cũng đã gia nhập BU4: Tạ Mạnh Cường, Phan Đình Phát, Lê Đình Dũng…
Một đợt ồ ạt các em xinh đẹp được tuyển vào để gây hào hứng làm việc cho cả anh già lẫn anh trẻ. Em Phương, Hải Phòng xinh đẹp, có cái giọng nũng nịu được Linhpht ưu ái nhất vì khi đi cạnh em chị vẫn được khen là “cao to như tây”. Em Bích Hằng lại có cái đẹp dịu dàng khiến các anh mất ăn mất ngủ, nhưng chưa được bao lâu em đi “chống lầy” để lại bao tiếc nuối. Em Thu Hằng được cả người lẫn nết nhiều anh mê nhất nhưng trớ trêu thay lại chỉ mê mỗi TrungTB sắp cưới vợ. Cuối cùng, do không thấy cơ hội “trâu ta ăn cỏ đồng ta””, các anh em đành ra ngoài tìm kiếm nhưng nhiệt khí làm việc thì không thay đổi.
Bước tiếp theo là cả tướng lẫn quân ngày đêm đi chăm sóc, hỗ trợ ông khách hàng bự nhất (C27) để cuối cùng đến ngày 24/9/2002 cũng ký được hợp đồng mới Năm 2002. Tất cả như thở phào nhẹ nhõm, thế là yên tâm, đã có đủ doanh số từ giờ đến cuối năm rồi.
Trong khi các BU khác hì hụi tuyển người thì cuối năm 2002, BU4 mới đạt con số 19. Nhưng ngay từ khi thành lập, tiêu chí chung được quán triệt từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo đến nhân viên trong toàn BU4, đó là “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” – Quân chỉ cần ít nhưng tinh nhuệ chứ không cần đông mà hỗn tạp. Mà ít người thì mới dễ ăn nhậu chứ. Hàng tuần, cứ trưa thứ 7 là các câu hỏi “hôm nay ăn ở đâu hả chị Linh ơi?/hôm nay ăn gì nhỉ?..” được đặt ra tới tấp. Lục tục kéo nhau đi để khi về mặt ai cũng như mặt trời mới mọc.
Lại kế thúc 1 năm hoành thành kế hoạch đạt 5,8 tỷ đồng doanh số (390.900 USD, chiếm tỷ trọng 27,12% về doanh số và 21,67% về lãi gộp của FSS, trong khi quân số chỉ chiếm 16,96%). Để khao quân, một bữa liên hoan hải sản tại Tô Hiến Thành và karaoke được tổ chức tại Liên Trì đã diễn ra vô cùng hoành tráng. Chỉ tiếc cho anh Hữu, với giọng ca vàng được đánh giá là “chân tình” nhất BU4 thì hôm đó lại xuống dốc thảm hại, không hiểu có phải do có “bà la sát” ngồi bên cạnh không.
Năm 2003 - Quyết tâm mới
Vui rồi, nghỉ ngơi chán rồi, ăn Tết xong rồi, lại phải lo làm chứ. Toàn bộ FSS lại một lần nữa choáng ngợp trước bước “Đại nhảy vọt mới”: Quota doanh số 1,8 triệu USD, quân số 200 người! Kế hoạch lại bay vù vù, nhân sự phình ra, có quá nhiều công việc đặc thù bắt buộc phải thay đổi cách quản lý trong BU. BU4 là đơn vị đầu tiên, tiên phong trong FSS thực hiện phân cấp quản lý đến tận các phòng và đi vào chuyên nghiệp hoá, trong đó mỗi phòng sẽ đi chuyên sâu hơn nữa trong mảng thị trường đặc thù của BU4, cụ thể gồm 4 phòng: Phòng Hỗ trợ Hệ thống do Nguyễn Trọng Đường dẫn đầu, thống soái của Phòng Phần mềm C27 là Tạ Hữu Vinh, Phòng Phần mềm ngoài C27 là Lê Tiến Dũng và đi đâu cũng vậy, bên cạnh sản xuất, anh Hữu luôn ưu ái quan tâm tới 1 mảng riêng là nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, do đó Phòng R&D được thành lập do Nguyễn Văn Tuyên làm Trưởng phòng. BU4 bắt đầu quyết tâm đầu tư nhân lực nghiên cứu xây dựng những giải pháp, sản phẩm công nghệ đóng gói tạo nên “Core competency” của mình trong tương lai. Chương trình R&D đồ sộ về Civil AFIS được vạch ra với 2 tiểu dự án ban đầu: Formscan, Mini AFIS. Công tác R&D được tiến hành rất nghiêm túc, bài bản dưới sự chỉ đạo, xem xét đánh giá trực tiếp của Giám đốc BU.
Các Trưởng phòng lúc này được giao nhiều quyền quyết định hơn và theo thời gian, sự phát triển lớn mạnh của từng phòng sẽ trả lời cho câu hỏi được đặt ra ban đầu “có nên chia hay không?”. Hoạt động đoàn được giao cho bí thư mới: Tạ Bạ Trung với sự trợ giúp của một loạt các cá nhân tích cực: PhatPD, LinhPHT, DungBT… Mảng Backoffice và Kiểm soát được giao hẳn cho nữ tiền bối Phạm Tuyết Linh. Hoạt động QA & Test được giao chuyên trách cho một nhân vật mới Nguễn Thị Hương với yêu cầu trọng trách rất cao.
Một loạt các kế hoạch, các biện pháp động viên khuyến khích được vạch ra trong đó có cả biện pháp thưởng khuyến khích, động viên tinh thần anh em. Nhờ hiệu quả kinh doanh cao trong năm 2002, BU4 đã có thể trích riêng từ tiền thưởng kinh doanh một khoản hơn 43 triệu đồng để hỗ trợ tất cả các hoạt động trên của BU trong Năm 2003. (Các cụ chẳng đã có câu: “Có thực mới vực được đạo” mà!). Hoạt động các nhóm dần đần trở nên chuyên nghiệp, bài bản hơn, mạch lạc hơn. Từ tháng 6 năm 2003, từ khi chuyển sang trụ sở mới 51 Lê Đại Hành, BU4 lại gánh vác thêm 1 trọng trách mới là thực hiện công tác Quản trị Mạng FSS. Với tác phong làm việc bài bản, chuyên nghiệp, tỉ mỉ của mình Anh Hữu đã dựng nên Nhóm QTM hoàn toàn mới thuộc Phòng HTHT, vạch ra cả một kế hoạch đồ sộ Xây dựng và Triển khai Hệ thống thông tin FSS (FSS-ITSYS) trong đó mạng FSS chỉ là 1 trong 8 phân hệ. ĐườngNT chuyển công tác vì lý do ổn định gia đình, trọng trách phụ trách Phòng HTHT lại được giao cho ThanhND với lực lượng 8 người hầu như gồm toàn nhân viên mới. Phong trào nghiên cứu, tự đào tạo qua công việc tại các Phòng HTHT, Nghiên cứu phát triển một lần nữa lại luôn được Giám đốc BU thúc đẩy, đi sâu giám sát, chỉ dẫn. Các phòng phần mềm đều có kế hoạch hoạt động với những chỉ tiêu kiểm soát cụ thể. Phòng phần mềm C27 tập trung vào đạt mục tiêu hoàn thành hợp đồng 2002 đúng tiến độ, xây dựng thành công module đầu tiên Quản lý Danh bản và Ảnh đối tượng trung ương của Hệ thống Gallery đồ sộ, đồng thời tạo nên phong trào tìm hiểu chuyên sâu về nghiệp vụ của khách hàng để từng bước thiết kế, xây dựng một Hệ thống thông tin đối tượng to lớn trong tổng thể Hệ thông tin tội phạm hợp nhất cho toàn bộ Ngành Cảnh sát Việt Nam. Phòng Phần mềm ngoài C27, tuy ban đầu chỉ có 4 nhân viên, nhưng đã phải đương đầu với dự án E-ISO cho FPT, trong khi phái đối mặt với thách thức phải tự xây dựng nên những sản phẩm đặc thù của mình và chủ động trong việc đi tìm kiếm hợp đồng, dự án.
Việc một loạt các nhân tố mới, trẻ, khoẻ và nhiệt tình gia nhập gia đình BU4 đã mang đến một làn gió mới mát lành cho không khí làm việc cũng như không khí hoạt động Đoàn vốn rất ỉu xìu của BU4 nói riêng và FSS nói chung. Đó thực sự là một cuộc thay máu từ trong suy nghĩ cho đến hành động. Đội tuyển bóng đá BU4 bắt đầu có tên trên bản đồ bóng đá của FSS nói riêng và FPT nói chung. Đội hình vô địch giải bóng đá chuyên nghiệp FPT lần đầu tiên của FSS có 4 thành viên của BU4. Những cái tên như TrungTB, DũngBT, PhátPD, TuấnDQ không còn xa lạ với giới hâm mộ thể thao của FPT. Chính TrungTB, PhátPD cùng với ThanhND đã góp phần không nhỏ đưa tên tuổi của FSS lên mặt báo Chúng ta, để cả FPT biết rằng đã, đang và sẽ có một FSS như thế. Lễ hội liveshow Khắc Thành với màn trống hội mở màn hoành tráng được thành công như vậy cũng là nhờ có sự đóng góp không nhỏ của các thành viên BU4. Cái gọi là “Bản sắc BU4” bắt đầu được hình thành, có lẽ bắt đầu từ bài hát rất lạ của DũngBT – “Ước mơ của người Thanh Hoá” - người BU4 là như vậy, rất trữ tình nhưng cũng rất khát khao.
Những hoạt động “ngoại công” như xem film, dã ngoại, học tiếng Anh…được tổ chức định kỳ thường xuyên và liên tục. Những buổi xem phim tập thể hàng quý, những buổi “chiêu đãi sát phạt” với đủ lý do: nhà mới, xe mới, sinh nhật, thưởng đề tài… đã giúp cho mọi người gần gũi nhau hơn, cởi mở hơn. Những hoạt động đậm chất nhân văn như thăm hỏi khi ốm đau, thai sản, tân gia, … đều được toàn bộ các thành viên hưởng ứng và tham gia một cách nhiệt thành và tự nguyện … Kỷ niệm ngày 30/4 và 1/5, BU4 là BU duy nhất trong FSS tổ chức được chuyến Dã ngoại Cát Bà 2 ngày đầy thú vị. Tất cả đều cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo, của từng thành viên tới đời sống, tâm tư tình cảm của mọi thành viên trong BU4 – BU4 thực sự đã trở thành một mái nhà chung, một mái ấm cho các thành viên trú ngụ và sẻ chia. Chính điều đó đã góp phần thắt chặt tinh thần đoàn kết trong nội bộ BU, tạo nên một sức mạnh tập thể tổng hợp, làm một tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tương lai của BU4.
Sơ kết 6 tháng đầu năm 2003, BU4/FSS một lần nữa lại tự hào về những đóng góp của mình (doanh số 288.331 USD chiếm tỷ trọng cao nhất 34,31% của FSS, lãi gộp chiếm tỷ trọng 28,13% trong khi quân số chỉ chiếm 13,8%). Đội ngũ BU4 cho đến Tháng 8/2003 đã được bổ xung thành gần 30 người. Đội ngũ khá hùng hậu. Với việc sắp ký được Hợp đồng Năm 2003 trị giá hơn 8 tỷ đồng với C27, khả năng hoàn thành kế hoạch năm của BU4 đã gần như đã được đảm bảo.
Tuy nhiên để đảm bảo tương lai lâu dài cho BU4, lãnh đạo BU4 luôn trăn trở tìm cách phá vỡ thế “Độc canh C27”, đi tìm, xây dựng những “mỏ mới” là những dự án công nghệ chiến lước quy mô lớn nhiều triệu đô la trong nhiều năm. Giám đốc BU đã trực tiếp không tiếc công sức cùng với Nhóm Hỗ trợ kinh doanh và các lực lượng HTHT, R&D, tư vấn phần mềm thực hiện tiếp cận, tư vấn xây dựng cho một loạt các dự án lớn: ID Card, Hệ Thông tin Hồ sơ Đối tượng, Mở rộng nâng cấp Hệ VAFIS… Công việc tìm mỏ, xây mỏ thật là trường kỳ, vất vả gian truân, nhưng với kinh nghiệm, trình độ và phong cách làm việc bài bản chuyên nghiệp của mình BU4 tin tưởng rằng nhất định sẽ có một ngày, công sức bỏ ra nhiều năm của mình sẽ được bù đắp bởi những dự án lớn làm thay đổi hẳn tầm cỡ và tương lai của BU4/FSS.
Niềm tin, sức mạnh tập thể, nỗ lực không ngừng với ý chí chiến đấu bền bỉ ngoan cường, phong cách bài làm việc bản chuyên nghiệp chính là những yếu tố tạo nên sức mạnh và đảm bảo thành công cho BU4/FSS trong tương lai.
PHẦN VII: XÂY DỰNG MÔ HÌNH TỔ CHỨC PHẦN MỀM "HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG"
Khúc Trung Kiên
Là bài "sử ký", trong đó có nói nhiều đến các sự kiện đã xảy ra nhưng mục tiêu chính của bài viết này lại là vấn đề hiện tại. Tôi muốn thông qua bài viết này để cùng tìm hiểu những vấn đề về tổ chức (cả điểm mạnh, điểm yếu) của các đơn vị phần mềm FPT, đặc biệt là tại FSS. Qua đó có thể cùng nhau tìm ra những giải pháp để khắc phục các điểm còn tồn tại.
Một ý tưởng "quái dị" và "lãng mạn"
Còn nhớ vào năm 2000, anh Bình có giao cho tôi một nhiệm vụ hay đúng hơn là một đề tài có tên gọi là: "xây dựng mô hình tổ chức cho phần mềm trên cơ sở ngôn ngũ UML (Unified Modeling Language)". Thoạt nghe đề tài này rõ ràng là rất "quái dị" và chỉ có thể được nghĩ ra bởi những người như anh Bình hay anh Thành Nam! Nó "quái dị" ở chỗ là muốn sử dụng một ngôn ngữ phân tích và mô hình hóa trong công nghệ phần mềm áp dụng vào một đối tượng là tổ chức và hành vi tổ chức của chính những người làm phần mềm. Có thể nói ngay là đề tài này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi do tính chất lãng mạn quá mạnh của ý tưởng và do trong thời điểm đó (năm 2000) có quá nhiều vấn đề khó khăn và cấp bách đang đặt ra trước FPT, nhất là trước lực lượng phần mềm.
Xem xét kỹ hơn một chút, nếu lược bỏ những thuật ngữ mang tính đặc sệt phần mềm, thì ý tưởng này không hề lãng mạn mà ngược lại mang tính thực tiễn rất cao. Điều duy nhất khác biệt là nó đặt ra vấn đề thực tiễn sớm hơn thời điểm mà FPT thực sự phải bắt tay giải quyết khoảng 2-3 năm. Từ vị trí cũng như tầm nhìn của mình, anh Bình đã đặt vấn đề là "xây dựng mô hình tổ chức thích hợp cho yêu cầu phát triển của phần mềm FPT, làm sao có thể đạt được cùng một lúc các yêu cầu: thứ nhất, đảm bảo phát huy được tính năng động vốn có của các unit nhỏ; thứ hai, có thể thích ứng với quy mô phát triển đến vài trăm thậm trí hàng ngàn lập trình viên; thứ ba, phải có những quy trình và tiêu chuẩn để đảm bảo tính thống nhất và tính điều khiển được trong phạm vi toàn FPT. Sau này anh Bình đã tìm được cách diễn giải đơn giản và dễ nhớ hơn cho ý tưởng này bằng lý thuyết nổi tiếng về "đàn sư tử" và gần đây hơn nữa là mô hình "pyramid". Những lý thuyết này cộng với khái niệm đã trở thành kinh điển fractal và chương trình LB (Leadership Building), phải chăng là các mắt xích trong một ý tưởng "lãng mạn"?
Mô hình tổ chức hướng đối tượng
Nếu coi một tổ chức bất kỳ là một đối tượng, thì mô hình này yêu cầu đối tượng đó phải có ít nhất các tính chất sau đây:
- Phải xác đinh được các thuộc tính bắt buộc phải có cho mọi tổ chức và phải có tính fractal, nghĩa là tổ chức phải có các tổ chức con, về cơ bản có mô hình giống như tổ chức lớn.
- Phải xác định được các hành vi điển hình từ trong giao tiếp với bên ngoài: giao tiếp với tổ chức khác, giao tiếp với tổ chức mẹ, giao tiếp với thế giới bên ngoài.
- Phải là một cơ chế có thể hoạt động tương đối độc lập, nói một cách nôm na là tổ chức phải có cách thức tự động vận hành với bộ máy và các nguồn lực nội tại của mình.
- Hệ thống tiêu chuẩn của mô hình này bao gồm: cơ cấu tổ chức chuẩn cho từng lớp, cơ cấu xác định mục tiêu của mỗi đối tượng, cách thức giao tiếp, cách thức đảm bảo mỗi tổ chức con xác đinh mục tiêu của mình nhưng phù hợp với mục tiêu của lớp mẹ….
Nói tóm lại, đây là một mô hình để có thể đáp ứng yêu cầu hoạt động của từng đơn vị thành viên, cũng như của một bộ phận hay toàn bộ FPT. Đối với riêng từng lĩnh vực, ví dụ như phần mềm thì một số "thuộc tính" sẽ có đặc trưng riêng (chẳng hạn sổ tay quá trình phần mềm).
Mô hình được áp dụng như thế nào tại FSS
Trước hết, như đã đề cập, vấn đề này chỉ thực sự trở thành vấn đề với FSS vào năm 2002, sau quá trình tái tổ chức và vượt qua những khó khăn ban đầu. FSS cũng như F-Soft và cả các đơn vị khác như FIS chẳng hạn, có những cách đi riêng của mình nhưng thực chất không ra ngoài các vấn đề mà mô hình UML đầy tính lãng mạn nói trên đã đề cập đến. Ví dụ điển hình nhất chính là sự hình thành các BUs ở FSS & FIS (đối với F-Soft thì là các Groups). Sớm hơn một chút chính là khái niệm FSU1, FSU2, FSU3 trong giai đoạn 1999 - 2001.
Tìm hiểu sâu hơn một chút về mô hình đối tượng đối với một đơn vị phần mềm chúng ta có thể mô tả rõ ràng và đầy đủ hơn:
Các thuộc tính cơ bản:
Có thể xác định các thuộc tính cơ bản sau đây của một đơn vị kinh doanh phần mềm:
- Tổ chức: ban lãnh đạo, các đơn vị sản xuất trực thuộc, bộ phận chức năng chung, quản lý chất lượng, kinh doanh. Trong đó các đơn vị sản xuất trực thuộc chính là các đơn vị con có cùng mô hình nhưng ở cấp thấp hơn. Trong mô hình này hiện nay tại FPT có các cấp (được xếp từ thấp lên cao): team, BU (hay Group), trung tâm và cao nhất là FPT.
- Quy trình làm việc: bao gồm tất cả các quy trình làm việc, trong đó có các quy trình chủ yếu được kế thừa (hành chính, tài chính, thông tin). Hệ thống quy trình lõi cho các đơn vị phần mềm chính là "sổ tay quá trình phần mềm". Đây là một điểm tương đối mạnh, tuy nhiên có thể nhận thấy một số vấn đề lớn: STPM chưa được cập nhật một cách thường xuyên, còn khá nhiều lỗi trong sổ tay cũng như thiếu các hướng dẫn chi tiết cho nhiều công đoạn.
- Phân đoạn thị trường: mỗi một đơn vị có phân đoạn thị trường mục tiêu của mình, cái này khá rõ ràng tại FSS. Thị trường mục tiêu của mỗi BU đều được xác định tương đối rõ ràng. Điểm yếu là một số mảng còn chưa xác định được mạch lạc và nhất quán phương pháp và kế hoạch để chiếm lợi thế về cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Hệ thống tiêu chuẩn
Hệ thống tiêu chuẩn là một nhóm thuộc tính đặc biệt của các đơn vị phần mềm FPT nói chung và FSS nói riêng. Mặt mạnh của hệ thống tiêu chuẩn là đã thống nhất được cách thức đánh giá hiệu quả thông qua các tiêu chí kinh doanh: doanh số, lợi nhuận, hiệu quả tuyệt đối, hiệu quả trên đầu người, chi phí,…. Điểm yếu trong hệ thống tiêu chuẩn có thể xét trên mấy phương diện:
- Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng các tiêu chuẩn liên quan đến cán bộ cho từng vị trí, từng chức danh còn có sự chênh lệch rất lớn. Ví dụ, cùng một chức năng công việc như nhau nhưng có thể có những khác biệt quá lớn về năng lực, trình độ của người đảm nhiệm.
- Điểm yếu quan trọng khác là các chức năng không được thực hiện đầy đủ, nhất là các chức năng thuộc phạm vi BackOffice (nhân sự, hành chính, chất lượng) và kinh doanh. Theo mô hình fractal hay "đàn sư tử", rõ ràng ở mọi cấp đều phải có đầy đủ các chức năng cơ bản điểm khác nhau chỉ là mức độ, nguồn lực dành cho mỗi chức năng và sự phối hợp từ mức team lên đến cấp cao nhất theo hệ thống "ngành dọc".
- Chưa có các tiêu chuẩn và phương thức giao tiếp hiệu quả giữa các đơn vị, giữa trung tâm và từng đơn vị thành viên, giữa các unit trong cùng một đơn vị cũng như khác đơn vị. Đặc biệt là sự phối hợp theo hệ thống ngành dọc như được nêu trên. Điểm yếu này sẽ dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm.
Các vấn đề tổ chức của FSS
Với việc hình thành các BUs, thành lập phòng kinh doanh, phòng quản lý chất lượng và BackOffice, FSS đang từng bước hoàn thiện tổ chức của mình. Đến lượt các BUs, công việc tương tự cũng đã bắt đầu và sẽ còn tiếp tục. Đó là một bước tiến đáng kể trong quá trình trưởng thành. FSS cũng đã và đang đối đầu với không ít khó khăn trong công việc này:
- Trước hết là khó khăn về nhân sự, đây là khó khăn tất yếu đối với các tổ chức có tốc độ phát triển nhanh, nhất là trong điều kiện còn khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao và thiếu các tiêu chuẩn lao động do hệ thống giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Rõ ràng FPT, FSS cần có những chính sách mạch lạc, khả thi để thu hút nhân tài không chỉ trong đối tượng là cán bộ kỹ thuật phần mềm mà còn phải mở rộng trong các lĩnh vực khác như: phát triển kinh doanh, tư vấn nghiệp vụ, kinh doanh, quản lý chất lượng, quản trị nhân sự, hành chánh.
- Việc coi các công việc không phải kỹ thuật là việc phụ, đây cũng là một khó khăn lớn. Có thể bây giờ chúng ta đã nhận rõ vấn đề nhưng còn cần nhiều nỗ lực và thời gian nữa mới có thể xóa bỏ tâm lý này trong lãnh đạo, trong đội ngũ và ngay cả trong bản thân các cán bộ đang thực hiện các chức năng không kỹ thuật trong các đơn vị phần mềm.
- Mâu thuẫn của sự phát triển, hay tính chưa chuyên nghiệp trong bộ máy lãnh đạo. Khó ai có thể phủ nhận tính tích cực, tính cống hiến và sự năng động của đội ngũ lãnh đạo FPT nói chung và của FSS nói riêng. Đó là một điểm mạnh rất đáng tự hào nhưng không phải là tính chuyên nghiệp. Cái này thể hiện nhiều trong cách thức làm việc, giao tiếp đánh giá công việc của nhóm mình và cả trong cách thức đánh giá công việc của nhóm khác nữa. Cũng cần phân biệt giữa tính chuyên nghiệp và tính đúng đắn, hai khái niệm này là khác nhau. Tính chuyên nghiệp giảm thiểu cách thức làm việc theo cảm tính mà tăng cường giá trị của các bằng chứng, các con số và thông tin chuẩn xác.
Thay lời kết luận
Việc xây dựng các tổ chức làm việc hiệu quả và có khả năng phát triển, nhất là trong phần mềm, là một công việc khó khăn. Phần mềm FPT nói chung và FSS nói riêng đã có những phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình phát triển đó, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, rõ ràng chúng ta phải kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn với các mô hình lý luận tổng hợp. Trong việc này, tôi nhận thấy rằng yêu cầu thứ ba trong số các yêu cầu mà TGĐ Trương Gia Bình đã đặt ra như trong phần đầu của bài viết này là khó khăn nhất. Đó chính là việc xây dựng và duy trì hiệu lực của các tiêu chuẩn, trong khi bản thân hệ thống các tiêu chuẩn cũng có thể thay đổi theo yêu cầu của thực tiễn. Hợp rồi tan, tan rồi hợp là quy luật phát triển tự nhiên của vạn vật trong trời đất, trong hai quá trình đó quá trình hợp (có thể hiểu theo nghĩa là duy trì và phát triển các tiêu chuẩn và giá trị chung) vốn là quá trình đòi hỏi nhiều nỗ lực lớn lao và có nhiều trở ngại nhất. Tin rằng FSS sẽ vượt qua thách thức của các trở ngại đó một và luôn phát triển.
Đội ngũ Managers FSS
Ý kiến
()