Chúng ta

FPT IS những ngày đầu thành lập

Thứ năm, 24/5/2018 | 17:45 GMT+7

Trong suốt chặng đường 15 năm phát triển của FPT có rất nhiều sự kiện, nhiều thời điểm quan trọng ghi dấu ấn không thể nào quên đối với con người FPT các thế hệ khác nhau.

30/12/1994 - Bước ngoặt quan trọng

Trong suốt chặng đường 15 năm phát triển của FPT có rất nhiều sự kiện, nhiều thời điểm quan trọng ghi dấu ấn không thể nào quên đối với con người FPT các thế hệ khác nhau.

Một trong những sự kiện và thời điểm quan trọng nhất là quyết định đưa FPT trở thành công ty tin học hùng mạnh số 1 Việt Nam vào năm 1994. Lúc này FPT chỉ tương đương các công ty 3C, GENPACIFIC và Seatic (tiền thân của công ty Lạc Việt bây giờ)... Trước đó, người FPT khi đi làm việc với khách hàng và gặp gỡ các hãng nước ngoài, dù hết sức tự tin cũng chỉ dám giới thiệu mình là “Một trong số các công ty tin học hàng đầu Việt Nam”. Thời điểm này hướng kinh doanh “phi tin” vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn nhất của FPT và toàn bộ ban lãnh đạo FPT (anh Bình, anh Tiến, anh Hưng) đều tập trung phần lớn thời gian và sức lực cho hướng “phi tin”, với các hợp đồng xuất khẩu sang Liên Xô và các hợp đồng cung cấp thiết bị cho nhà máy thuỷ điện Hoà Bình & Yaly. Tôi không nhớ là có một ai đó đã tư vấn cho anh Bình rằng “nếu làm phi tin doanh số và lợi nhuận có thể rất lớn, nhưng FPT không bao giờ có thể vươn lên vị trí số 1 Việt Nam được và nếu FPT muốn có vị trí số 1 Việt Nam thì tốt nhất nên tập trung vào Công nghệ thông tin”.

Đầu tháng 12/1994, anh Bình triệu tập những cán bộ chủ chốt về tin học của FPT để bàn về việc cải tiến về tổ chức tin học của FPT. Thời điểm này FPT có 3 bộ phận tin học trực thuộc ban giám đốc FPT là Trung tâm dịch vụ tin học ISC, Showrom (ở 25 Lý Thường Kiệt, ngay trụ sở văn phòng FPT) và Trung tâm Bảo hành (ở 64 Hàng Bồ), trong đó ISC là lực lượng chính bao gồm bộ phận kinh doanh dự án, bộ phận phần mềm, cửa hàng bán lẻ kiêm bán buôn và trung tâm đào tạo tin học. Có thể nói rằng quyết định cải tổ về tổ chức tin học FPT cuối năm 1994 là một bước cải tổ lớn và sâu sắc nhất, vượt cả việc cải tổ thành lập 3 công ty FIS, FDC và FOX năm 2003.

Sau một vài cuộc họp, bàn bạc, quyết định được đưa ra rất nhanh bằng việc thành lập 7 trung tâm, kinh doanh Tin học theo các hướng: Dự án, Phần mềm, Phân phối, Bán lẻ, Bảo hành và Đào tạo.:

- Trung tâm Hệ thống thông tin - FIS (tiền thân là bộ phận dự án của ISC)

- Trung tâm giải Pháp phần mềm - FSS (tiền thân là bộ phận phần mềm của ISC)

- Trung tâm phân phối máy tính - FCD (tiền thân là bộ phận bán buôn của ISC)

- Trung tâm máy tính và thiết bị văn phòng 1 - FCO1 (tiền thân là Showroom 25 Lý Thường Kiệt)

- Trung tâm máy tính và thiết bị văn phòng 2 - FCO2 (tiền thân là cửa hàng 146 Nguyễn Thái Học)

- Trung tâm Bảo hành - FSM

- Trung tâm đào tạo tin học FIT

Về nhân sự, các trung tâm FSS, FCO1, FSM, FIT được thống nhất rất nhanh: Thành Nam được bổ nhiệm làm Giám đốc FSS, Ngọc Đức được bổ nhiệm làm giám đốc FSM, Tô Tuấn được bổ nhiệm làm giám đốc FCO1, anh Bùi Việt Hà được bổ nhiệm làm giám đốc FIT.

FCO2 được ban lãnh đạo FPT cân nhắc lâu hơn một chút và Phạm Việt Giang, dưới sự giới thiệu của Tiến béo và được anh Ngọc đồng ý, cũng được bổ nhiệm làm giám đốc FCO2. Do tính chất quan trọng của hướng phân phối, mặc dù Tiến béo được đánh giá là rất có năng lực, nhưng vì thời gian làm ở FPT mới được hơn 1 năm nên anh Bình quyết định chỉ bổ nhiệm chức danh phó giám đốc FDC. Mr. Lê Quang Tiến, Phó Tổng giám đốc FPT, được cử kiêm nhiệm Giám đốc FDC.

Tương tự như FDC, do tính chất quan trọng của kinh doanh dự án, ban đầu anh Bình dự định để anh Ngọc làm Phó Tổng giám đốc FPT, kiêm nhiệm Giám đốc FIS, và tôi làm Phó Giám đốc FIS. Rất may là sau đó chỉ 3-4 ngày anh Bình quyết định cải tổ lớn hơn là bổ nhiệm ngay tôi làm Giám đốc FIS.

Sở dĩ có chuyện cân nhắc này, ngoài tính chất quan trọng của hướng kinh doanh dự án thì yếu tố khiến ban lãnh đạo băn khoăn là tại thời điểm đó tôi mới chuyển từ lập trình sang kinh doanh dự án mới được khoảng hơn 1 năm và chưa thể hiện rõ khả năng quản lý, đặc biệt là tố chất kinh doanh. Thú thực lúc đó tôi nghĩ khi anh Bình ký quyết định bổ nhiệm tôi làm giám đốc FIS chỉ có 50% là sự tin tưởng vào năng lực, còn 50% là do “chính sách” cho người thuộc nhóm sáng lập viên FPT.

Nòng cốt ban đầu của FIS bao gồm nhóm kinh doanh dự án và nhóm kỹ thuật triển khai của ISC. Nhóm kinh doanh dự án gồm tôi, Hải Kều, Sơn ti ti và Trần Thế Hiển. Nhóm Kỹ thuật gồm Phạm Thế Hùng, Phạm Đức Hải, Cao Thăng và Tạ Trần Hạnh, nhóm Công nghệ có Lê Quốc Hữu và Phạm Anh Đức, văn phòng có Mỹ Hương.

Theo nhận định của nhiều người, thời điểm cuối năm 1994 lực lượng của FIS vẫn chưa thật mạnh, Thành Nam đề cử bổ sung Đinh Quang Thái từ bên phần mềm sang. Ngoài ra, có một số thành viên mới tuyển (sau khi chuyển từ 146 Nguyễn Thái Học về 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm) gồm Phạm Triệu Linh, Nguyễn Hùng Cường, Lê Bá Tuấn, Đặng Đức Kính.

Việc lựa chọn Phó giám đốc FIS, tại thời điểm này là việc rất khó khăn, 3 ứng cử viên được mọi người đề cử là Lê Quốc Hữu, Phạm Thế Hùng và Đinh Quang Thái. Sau nhiều ngày bàn bạc và cân nhắc cuối cùng phương án bỏ phiếu tín nhiệm được chọn. Những người tham gia bỏ phiếu bao gồm toàn bộ FIS và cả một số người thuộc ISC cũ đã từng làm việc ở 146 Nguyễn Thái Học. Kết quả là Đinh Quang Thái có số phiếu tín nhiệm nhỉnh hơn, lý do như lời Tiến béo và Hải kều, thì bọn nó tin vào sự giới thiệu và bảo lãnh của Thành Nam.

Với 16 thành viên ban đầu, FIS được chia làm 4 phòng: Phòng Kinh doanh, Phòng Hệ thống, Phòng Kỹ thuật và Phòng Chuyển giao công nghệ (thực chất là phần mềm). Lê Quốc Hữu làm trưởng phòng Hệ thống, Phạm Thế Hùng làm Trưởng phòng kỹ thuật, Đinh Quang Thái kiêm nhiệm Trưởng phòng Chuyển giao công nghệ.

Về việc đặt tên, anh Bình cho phép mỗi trung tâm dựa vào định hướng kinh doanh tự đề xuất tên cho trung tâm mình. Với định hướng kinh doanh dự án tin học, tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định tên của trung tâm phải gắn liền với sản phẩm mà mình sẽ cung cấp cho khách hàng. Thời điểm đó anh Ngọc có câu khẩu hiệu rất nổi tiếng: “Không chỉ cung cấp cho khách hàng máy tính, mà là giải pháp họ cần”. Xuất phát từ suy nghĩ này tôi cho rằng trung tâm dự án sẽ cung cấp cho khách hàng một hệ thống thông tin trọn gói đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu nghiệp vụ và quản lý của khách hàng. Hệ thống thông tin ở đây bao gồm: phần cứng, hệ thống mạng, hệ thống phần mềm (bao gồm cả phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng), dịch vụ đi kèm (bao gồm dịch vụ lắp đặt, cài đặt, đào tạo, chuyển giao công nghệ, bảo hành và bảo trì hệ thống). Với phương châm như vậy tên “Trung tâm Hệ thống thông tin” được chính thức lựa chọn. Riêng tên tiếng Anh, nếu dịch nguyên văn sẽ là “Information System Center” và tên viết tắt sẽ vẫn là ISC. Nếu vậy tên này sẽ trung với tên ISC cũ (Information Service Center - Trung tâm dịch vụ tin học). Thời điểm đó quyết tâm của chúng tôi rất cao, nên chúng tôi có vẻ chưa thật hài lòng với việc trung tâm mới của mình chỉ phát triển với tốc độ của ISC cũ. Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi có ước vọng là trung tâm mới phải phát triển với tốc độ rất nhanh và phải là một trung tâm hùng mạnh của FPT. Sau khi cân nhắc chúng tôi quyết định bỏ chữ center ở cuối đi và thay vào đó them chữ FPT ở đầu. Vậy là cái tên FPT Information System - FIS chính thức được lựa chọn. Sau đó có người bảo với tôi là tên này trùng với tên của một tổ chức khủng bố hồi giáo. Tôi không biết thực sự có một tổ chức nào có tên như vậy không, nhưng cá nhân tôi rất hài lòng với cái tên này.

Sau khi ổn định tổ chức, tuyển thêm nhân viên, FIS bước vào năm kinh doanh đầu tiên với một tinh thần nỗ lực cao độ cùng một tinh thần chung sức chung lòng. Với cá nhân tôi đây là thời điểm bước ngoặt quan trọng, để đáp ứng được yêu cầu của công việc kinh doanh, tôi đã phải thay đổi rất nhiều: Từ một người chỉ uống được nửa lon bia và nửa ly rượu, tôi đã tập uống rượu cho đến khi đạt đến mức khách uống một ly, mình uống một ly. Từ một người chỉ biết lập trình, biết rất ít về các vấn đề xã hội khác, tôi trở thành một người biết uống rượu và biết nhiều thứ khác.

Những nỗ lực cao độ của những thành viên FIS đầu tiên đã được đền đáp xứng đáng: Trong năm này FIS và FSS đã thành công trong việc ký được hợp đồng bán 4 máy AS/400 cho Vietcombank trị giá 1,25 triệu USD (hợp đồng kỷ lục lúc bấy giờ), cuối năm FIS mở rộng thêm được một số khách hàng mới: Tổng cục Thuế, Kho bạc nhà nước, Tổng cục Đầu tư, Ngân hàng nông nghiệp, V17, A27, C27, A18 Bộ Công An, Bộ giáo dục đào tạo…

Chính thời điểm này, sau khi đúc kết các kinh nghiệm thành công cũng như thất bại, mô hình marketing hỗ trợ khách hàng 4H đã ra đời và được duy trì cho đến ngày hôm nay.

Kết thúc năm kinh doanh đầu tiên - 1995, một kết quả hết sức bất ngờ với tất cả người FPT cũng như tất cả các thành viên FIS: FIS đạt doanh số 5,8 triệu USD, tăng trưởng 290% (năm 1994 doanh số dự án của FPT chỉ khoảng 2 triệu USD), một con số kinh ngạc và là con số kỷ lục về sự tăng trưởng cho đến tận ngày hôn nay.

Cùng chung thành công với FIS, các trung tâm khác của FPT cũng đồng loạt tăng trưởng và đạt được kết quả thành công không kém: FCO1: 2 triệu USD, FCO2: 1,2 triệu USD, FDC: 2 triệu USD, FSS: 600 nghìn USD. Với kết quả này FPT đã bỏ lại sau các công ty danh tiếng một thời: 3C, GENPACIFIC, Lạc Việt và chính thức trở thành công ty Tin học số 1 Việt Nam.

Những chiến công oai hùng

Một trong những hợp đồng để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong suốt 9 năm kinh doanh của FIS là hợp đồng cung cấp thiết bị và lắp đặt 10 mạng LAN cho ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An.

Tôi còn nhớ một buổi sáng 19/12/1995 Phạm Triệu Linh có báo cho tôi tiếp đoàn Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An. Trong buổi làm việc này chúng tôi nhận được đề nghị của anh Tời, phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An về việc ký hợp đồng cung cấp thiết bị và lắp đặt 10 mạng LAN cho 10 chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp huyện với một điều kiện hết sức đặc biệt và ngặt nghèo là mạng phải được nghiệm thu trước ngày 01/01/1996. Anh Tời cho biết ngày 01/01/1996 này các chi nhánh ngân hàng nông nghiệp huyện của Nghệ An sẽ khai trương hoạt động, anh đã đi khắp Hà Nội, nhưng không có công ty nào đáp ứng vì thời gian quá ngặt nghèo.

Các bạn thử tưởng tượng: Chỉ còn có 12 ngày nữa làm sao vừa có đủ máy chủ, máy trạm, máy in, thiết bị mạng và phải lắp đặt chúng hoạt động trên địa bàn 10 huyện của tỉnh Nghệ An, trong đó có cả huyện Con Cuông, một huyện miền núi cách xa thành phố Vinh hơn cả khoảng cách từ thành phố Vinh về Hà Nội.

Sau khi nghe đề nghị của anh Tời, cả Phạm Triệu Linh và tôi cùng choáng. Nhưng đã làm kinh doanh, không lẽ lại bỏ qua một cơ hội tuyệt vời như vậy? Khách hàng mang hợp đồng đến tận nơi. Các công ty khác thì đầu hàng. Nhưng nếu nhận thì sao? Liệu có nhập hàng về kịp? Lắp đặt và cài đặt 10 mạng LAN có kịp? Nếu không kịp, họ không nghiệm thu, huỷ hợp đồng thì sao? Hoặc chí ít không có tiền thanh toán thì sao?... Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra, nhưng thời gian thì không cho phép. Chúng tôi nhanh chóng kiểm tra nguồn hàng trong kho: các linh kiện mạng thì có sẵn, máy trạm gần 100 chiếc, máy in cũng gần đủ, nhưng còn 10 máy chủ thì kiếm đâu ra? Phải cử người sang Singapore trực tiếp bê hàng về may chăng mới kịp.

Khoảng 15 phút sau, tôi đưa ra một đề xuất hết sức táo bạo: “Bọn em làm được 10 mạng LAN trước ngày 01/01/1996, nhưng với điều kiện anh phải đàm phán hợp đồng thật nhanh và hợp đồng phải ký trước ngày 22/12/1995”.

Với quyết tâm của 2 bên, hợp đồng trị giá hơn 220.000 USD đã được ký đúng vào ngày 22/12/1995. Chúng tôi quyết định thành lập ban triển khai hợp đồng. Phạm Hồng Hải được cử làm tướng chỉ huy mặt trận tiền phương đặt tại thành phố Vinh. Ngay ngày 22/12 một người được cử sang Singapore nhận máy chủ của hãng Compaq và vận chuyển kèm theo chuyến bay ngày 24/12. Trong nước, ngày 22/12 chuẩn bị máy trạm, máy in, HUB, card mạng, HUB… Tối 22/12 một chuyến ô tô tải trở hàng hoá khởi hành cùng với 7 chiến sĩ do Phạm Hồng Hải dẫn đầu đã lên đường vào Vinh.

Tại Vinh hàng hoá được gửi vào kho của Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An. Phạm Hồng Hải chia quân làm 3 tổ, mỗi tổ có nhiệm vụ lĩnh thiết bị của 1 mạng và phải hoàn thành việc lắp đặt 1 mạng LAN (cả Cablling) trong vòng 2 ngày. Với phương pháp này trong vòng 6 ngày (23-28/12) chúng tôi đã hoàn thành việc lắp đặt mạng LAN.

Tại Hà nội, sau khi nhận máy chủ và máy trạm, việc cài đặt hệ điều hành Novell Netware cho các máy chủ và cho các máy trạm được tiến hành nhanh chóng. Khi máy chủ được cài đặt và vận chuyển vào Vinh thì việc cabling đã được hoàn tất. Chúng tôi chỉ còn việc cuối cùng là kết nối mạng, chạy thử và nghiệm thu.

Cuối cùng đúng ngày 01/01/1996 toàn bộ 10 mạng LAN của 10 chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An đã chính thức hoạt động và được nghiệm thu. Niềm vui thật là khôn tả cho cả hai bên. Ngân hàng nông nghiệp Nghệ An thì vui mừng vì có hệ thống mạng phục vụ cho việc hoạt động giao dịch của chi nhánh, FIS vui mừng vì đã thực hiện xong một hợp đồng quan trọng với một thời gian không tưởng. Thật là một kỳ tích.

Có thể nói đây là hợp đồng được tổ chức thực hiện một cách tốt nhất, hoàn hảo nhất trong lịch sử của FIS, đến tận bây giờ mỗi khi ngồi nhớ lại tôi vẫn không tin được tại sao khi ấy chúng ta lại có thể làm được một kỳ tích như vậy? Tôi cho rằng thật là sai lầm nếu kỳ tích này không được đưa vào kỷ lục Guinness. Các thế hệ FIS luôn luôn khâm phục và ghi nhận kỳ tích này của các anh Phạm Triệu Linh, Phạm Hồng Hải, Phạm Đức Hải, Cao Thăng, Tạ Trần Hạnh, Đặng Đức Kính, Lê Bá Tuấn, Nguyễn Lâm Thanh…

Đỗ Cao Bảo

TGĐ Công ty Hệ thống Thông tin FPT

Ý kiến

()