Chúng ta

Con thuyền Vi mạch FPT

Thứ hai, 18/6/2018 | 18:51 GMT+7

FPT là một công ty đặc biệt, khi nhắc tới FPT mọi người nghĩ ngay tới tin học, máy tính, phần mềm,… Trong lịch sử 30 năm phát triển, FPT đã thành công xây dựng cho mình hình ảnh người lính tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, chắc ít người biết FPT có lẽ là công ty công nghệ làm nhiều nghề lạ nhất ở Việt Nam. Cụ thể, gần đây nhất công ty còn có thêm nghề thiết kế vi mạch. Nhân kỷ niệm 30 năm thành lập FPT, tôi xin kể lại câu chuyện FPT làm vi mạch.

Trên thế giới, lĩnh vực điện tử vi mạch bán dẫn chính là lĩnh vực có tốc độ phát triển rất nhanh và theo nhiều dự báo vi mạch vẫn là công nghệ mang tính quyết định trong vòng 25 năm tới, bởi độ tin cậy, đặc tính tiêu thụ công suất thấp, giá thành rẻ và quan trọng nhất là công nghệ vẫn thoả mãn nguyên tắc tăng gấp đôi hiệu năng sau mỗi 18 tháng. Nhiều nước, vùng khu vực cũng chính nhờ lĩnh vực này, họ đã gặt hái được những thành tựu phát triển kinh tế thần kỳ, có thể kể đến như, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Tại Việt Nam, khi nói tới lĩnh vực vi mạch, có rất nhiều người suy nghĩ, đấy là nói về lĩnh vực công nghệ cao, sẽ cần nhiều nhà khoa học giỏi, sẽ cần các nhà máy hiện đại đắt tiền với chi phí đầu từ lên tới hàng chục tỷ đô la; và Việt Nam không nên tham gia lĩnh vực này. Có thể chính vì lý do này mà vi mạch Việt Nam tới gần đây vẫn còn là một khái niệm rất lạ. Tuy nhiên, những người làm vi mạch như chúng tôi thì ước mơ vi mạch Việt Nam là một ước mơ đã trải dài ba thế hệ, từ những năm 198x của Thế kỷ trước. Trăn trở có một công ty Việt Nam làm vi mạch luôn thôi thúc những người như chúng tôi trở về và bắt tay làm cái gì đó.

Sau gần hai năm tiếp xúc với FPT (từ năm 2012), vào một ngày cuối năm 2014, khi đang làm cho hãng bán dẫn nổi tiếng thế giới, Infineon, tôi được anh Trần Đăng Hòa, lúc đó là giám đốc FSU11, rủ về trình bày nghề vi mạch với lãnh đạo FPT Software. Khi đó tôi đã nói rất nhiều về vi mạch, tại sao FPT nên làm vi mạch, và chúng ta nên bắt đầu từ đâu. Rất may các anh chị lãnh đạo FPT Software đã đồng ý mở thêm lĩnh vực này. Và tôi bắt đầu hành trình mới với con thuyền vi mạch FPT.

thanhyen-5863-1529322222.jpg

Tất nhiên, thời gian đầu rất khó khăn, nhân lực không có, trang thiết bị không có, khách hàng không có, hành trang của tôi chỉ là câu chuyện Việt Nam có thể làm vi mạch và niềm tin nhất định Việt nam sẽ làm được vi mạch. FPT sẽ nhất định tạo ra được một thế hệ mới những người Việt Nam làm vi mạch.

Sau 4 năm vi mạch FPT (đơn vị LSI) đã phát triển đội ngũ nhân sự lên tới gần 200 kỹ sư, trong đó có cả những kỹ sư hơn 20 năm kinh nghiệm đến từ Mỹ và Nhật. Chúng ta thường xuyên cử khoảng 50 kỹ sư sang nước ngoài làm việc cho các đối tác của FPT về lĩnh vực bán dẫn, hàng năm mang về hàng triệu đô la doanh thu. Ba trong số mười công ty lớn nhất thế giới về bán dẫn đang là đối tác khách hàng của FPT. Các kỹ sư của FPT cũng đang được làm việc trong các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới (sub-ten nano.) Kể ra thế để thấy rằng trong một lĩnh vực được coi là công nghệ cao như vậy, người Việt Nam chúng ta cũng không xa trình độ thế giới bao nhiêu.

Ngoài mục tiêu kinh doanh, FPT cũng tích cực tham gia các hoạt động kết nối cộng đồng kỹ sư làm vi mạch Việt Nam ở trong và ngoài nước, tham gia sâu vào công tác đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch với các trường đại học, cụ thể, FPT cử chuyên gia tới các lớp trực tiếp dạy kiến thực vi mạch cho các bạn sinh viên năm cuối. Công ty cũng tạo điều kiện để các bạn sinh viên ham thích lĩnh vực này có thể đến để thực tập, góp phần không nhỏ tạo những chuyển biến đáng kể gần đây của lĩnh vực bán dẫn vi mạch Việt nam.

Tóm lại, hành trình 4 năm của con thuyền vi mạch FPT đã có những gặt hái nhất định, củng cố niềm tin rằng: với việc tiên phong trong lĩnh vực vi mạch phần cứng, chúng ta đang hoàn thiện mảnh ghép công nghệ quan trọng, sẵn sàng đón đầu các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mang lại. Chính những con chip với kích thước hình học rất bé nhưng cho phép tính toán lên tới hàng chục tỷ phép tính số thực trong một giây đang là nền tảng không thể thiếu cho các máy móc thiết bị tự động đang hàng ngày dần làm thoả mãn nhiều khát vọng vươn xa của con người. Tại Việt Nam chúng ta đâu đấy đã thấy bóng dáng việc làm chủ những phần mềm thông minh, xe tự lái, cùng với việc làm chủ lĩnh vực cốt lõi vi mạch phần cứng, chúng ta tự tin hoàn thiện những giải pháp, sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. 

Nguyễn Thanh Yên

Nguyễn Thanh Yên, FPT Software

Ý kiến

()