Trung tâm Đào tạo FPT (1990?)
Trước năm 1999, FPT đã tổ chức các hoạt động đào tạo CNTT. Tôi về FPT năm 1998, cũng không hiểu vì sao mảng hoạt động này lại bị dẹp đi. Người có tên tuổi gắn với các hoạt động này là Bùi Việt Hà với Trung tâm đào tạo tin học FPT tại 33 Nhà Chung (Hà Nội). Bùi Việt Hà là người thi đại học có điểm cao nhất miền Bắc năm 1974, học đại học cùng khóa, cùng khoa với Chủ tịch Trương Gia Bình tại trường Tổng hợp Lomonoxop (Nga). Bùi Việt Hà sau này vẫn gắn bó với CNTT và đào tạo qua công ty School@NET và tạp chí Tin học & Nhà trường.
Lịch sử được Lê Quang Tiến ghi lại thế này: “Sự nghiệp giáo dục đã được FPT quan tâm từ rất sớm. Sau lần Trung tâm đào tạo tin học đầu tiên của FPT (do anh Hoài Phương làm Giám đốc) bị xoá sổ thì ngày 15/10/1991, trung tâm đào tạo FPT (do anh Bùi Việt Hà làm Giám đốc) khai giảng lớp tin học đầu tiên. 15h là khai giảng nhưng đến 14h45 phút vẫn chưa có ma nào đến đăng ký. Các anh làm giáo vụ thời đó (anh Bùi Việt Hà, Lê Hồ Khánh, Bùi Bình Thuận) cứ thay nhau thở dài sườn sượt. Gần sát giờ khai giảng mới có học viên đến đăng ký. Đã thế, nhận tiền của học viên nhưng anh nào cũng luống cuống ngượng ngập… vì chưa quen thu tiền. Tổng kết lớp học đầu tiên này, anh Hà sung sướng vì có tận… 17 học viên đăng ký. Thời đó, dân Hà Nội bắt đầu kháo nhau về một trung tâm đào tạo dạy Win-dows đầu tiên ở Hà Nội với cách thức tổ chức và giảng dạy một cách bài bản. Vì vậy, các lớp về sau này bao giờ cũng được đăng ký hết sạch chỗ trước ngày khai giảng vài ngày”.
Trung tâm đào tạo FPT khi đó đã từng nổi danh là “Trung tâm đào tạo tin học hàng đầu Việt Nam”, đã đào tạo hơn 10.000 học viên, là nơi đầu tiên dạy về Windows và hệ điều hành mạng. Thời kỳ này, từ “hàng đầu” hay được nói đến, và quy mô cho “hàng đầu” không cần hoành tráng như bây giờ. Quảng cáo 1995 ghi thế này: “FPT là công ty tin học hàng đầu của Việt Nam với đội ngũ hơn 200 chuyên gia có trình độ đại học và trên đại học”.
Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế FPT-Aptech (1999)
FPT Aptech là kết quả của Chiến lược Xuất khẩu Phần mềm FPT (Đồ Sơn, 1998). Để thực hiện chiến lược này, các vị sáng lập FPT (Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam, Lê Thế Hùng) đi Ấn Độ tìm đường, và nhìn thấy mô hình đào tạo CNTT hai năm rất ấn tượng của NIIT. Đã làm việc với NIIT, chốt lại là sẽ triển khai mô hình này tại Việt Nam. Tuy nhiên, phải nói là công ty Aptech Ấn Độ rất giỏi, đã đảo ngược lại thế cờ để giành vị trí của NIIT trong hợp tác đào tạo với FPT. Thời điểm này, Aptech và NIIT đều được xếp số 1 về đào tạo CNTT của Ấn Độ. Aptech thông qua đại sứ 2 nước tiếp xúc với FPT, sau đó Chủ tịch Aptech Ấn Độ bay sang Việt Nam và chấp nhận mọi điều kiện đo FPT đặt ra - trong đó có việc bàn giao toàn bộ quy trình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001 cho FPT, chấp nhận FPT làm Master Franchisee không phải trả phí, chấp nhận liên thông đại học và việc làm nước ngoài cho đầu ra của Aptech, cho triển khai 2 trung tâm Aptech tại Hà Nội và TP HCM với phí tượng trưng. Bằng cách này Aptech đã chiếm được vị trí lẽ ra là của NIIT tại Việt Nam.
Đầu năm 1999, hợp đồng với Aptech được ký kết. Lê Trường Tùng và Nguyễn Khắc Thành được giao triển khai Aptech tại Hà Nội và TP HCM. Tên sản phẩm đào tạo của Aptech là ACE - Aptech Computer Education. Tên tiếng Việt là gì bây giờ? Có dăm ba phương án, tôi cứ băn khoăn mãi, hỏi thì mỗi người một ý. Cuối cùng hỏi Nguyễn Thành Nam có ý gì không? Nguyễn Thành Nam nói rằng tên gì chẳng được, quyết luôn đi cho nhanh. Thế là tôi quyết luôn: Trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế FPT Atptech (FAT) - chẳng giống gì với tên gốc của Ấn Độ cả. “Lập trình viên” - vì muốn nhấn mạnh đào tạo người làm phần mềm, còn “Quốc tế” vì là đồ ngoại, cũng hướng tới tâm lý sính ngoại của người Việt mình. Thế là hai trung tâm Đào tạo Lập trình viên Quốc tế ra đời. Sau này, khái niệm “Lập trình viên Quốc tế” được nhiều nơi dùng, như một ngành học thời thượng. Việc các trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế ra đời gắn liền với phong trào xây dựng ngành công nghiệp phần mềm sôi nổi hào hùng của Việt Nam đầu những năm 2000.
Biên niên sử của Aptech ghi thế này:
• Tháng 11/1998, Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam, Lê Thế Hùng đi thăm Ấn Độ.
• Tháng 3/1999, Chủ tịch Aptech sang Việt Nam gặp FPT.
• Tháng 4/1999, đoàn chuyên viên từ Aptech sang Việt Nam khảo sát thị trường đào tạo.
• Tháng 5/1999, hợp đồng được ký kết giữa FPT và Aptech.
• Tháng 6/1999, 2 đoàn cán bộ FPT từ Hà Nội và TP HCM do Lê Trường Tùng và Nguyễn Khắc Thành sang Aptech Ấn Độ để chuyển giao công nghệ.
• Tháng 7/1999, họp BGĐ FPT tại TP HCM quyết định về chính sách học phí của Aptech do Trương Gia Bình chủ trì.
• Tháng 8/1999, chuẩn bị cơ sở vật chất cho Trung tâm FPT Aptech.
• Tháng 9/1999, khai trương 2 trung tâm FPT Aptech tại Hà Nội và TP HCM. Khai trương tại TP HCM có anh Nguyễn Thiện Nhân - khi đó là Giám đốc sở KH-CN-MT tới dự.
• Tháng 10/1999, khai giảng các khoá Aptech đầu tiên.
FAT sau này gắn với tên tuổi của Nguyễn Nhựt Tân (giám đốc FAT HCM - nguyên là cán bộ tuyển sinh của FAT từ 1999), Vũ Hải Long (giám đốc FAT Hà Nội - nguyên là học viên FAT Hà Nội).
Trung tâm Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện FPT - Arena (2004)
Năm 2003, sau 5 năm hoạt động, FPT Aptech tốc độ tăng trưởng chậm lại. Vì thế cần có thêm sản phẩm mới, và lĩnh vực đào tạo Multimedia của Ap-tech là lựa chọn tiếp theo. Cuối năm 2003, tôi đi Mumbai (Ấn Độ) dự hội nghị Aptech toàn cầu, đồng thời thảo luận về vụ Arena Multimedia. Sau hội nghị, tôi đến Aptech Head Office, được Brendan - giám đốc Marketing của Aptech thu xếp gặp trực tiếp Tổng Giám đốc điều hành của Aptech khi đó là Promod Khera. Cuộc nói chuyện chỉ 15 phút. Tôi nói là sau thành công với Aptech Computer Education, FPT muốn làm tiếp Arena Mutimedia. Điều kiện thế nào? Tôi nói là sẽ thành lập hai trung tâm tại Hà Nội và TP HCM, với phí bản quyền bằng phí bản quyền cho một trung tâm - $20K. Promod Khera suy nghĩ một chút rồi nói: “Brendan mà OK thì tôi cũng OK”. Thế là xong. Còn nhớ sau đó Brendan lái xe đưa tôi ra sân bay Mumbai bay đi New Dehli, tắc đường – chỉ chút xíu nữa là muộn giờ bay.
Tên tiếng Anh của sản phẩm này là Arena Multimedia. Tên tiếng Việt là gì bây giờ? “Multi” là “nhiều”, “đa”, còn “Media” là phương tiện - ý nói các phương tiện khác nhau (như Text, Sound, Image, Video…), “Media” cũng có nghĩa là “Truyền thông”. Cũng bởi thế một số cơ sở đào tạo Việt Nam đã gọi Multimedia là “Đồ họa đa phương tiện”, “Đồ họa đa truyền thông”, “Phương tiện đa truyền thông” hoặc “Truyền thông đa phương tiện”. Tôi cũng không hiểu sao trong một số tên gọi, từ “Media” xuất hiện 2 lần, vừa Phương tiện, vừa Truyền thông, thậm chí có công ty to của Việt Nam mang tên này (VTC).
Thấy rằng nếu học Lập trình cần có tư duy Logic, còn học Multimedia cần có tư duy Mỹ thuật - tôi nghĩ mãi cũng ra được cái tên “Mỹ thuật Đa phương tiện”, và đặt tên tiếng Việt cho trung tâm Arena là “Trung tâm đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện FPT Arena” (FAN). Lần này thì rút kinh nghiệm Aptech, khỏi cần hỏi ai, tôi quyết định luôn. Thế là các trung tâm Mỹ thuật Đa phương tiện ra đời, khai trương vào cuối năm 2004, tham gia mở màn cho ngành Công nghiệp Nội dung số của Việt Nam.
Sự phát triển của FAN gắn với tên tuổi của Mai Thanh Long, Nguyễn Phương Anh (giám đốc FAN Hà Nội), Phạm Lê Đức Ngân (giám đốc FAN HCM).
Trường Đại học FPT (2003)
Ý tưởng thành lập trường ĐH FPT được đưa ra ở Hội nghị Chiến lược FPT năm 2003 tổ chức tại Hạ Long. Phiên họp cuối cùng của Hội nghị chiến lược này yêu cầu mỗi đơn vị phải đề xuất một hướng mới - để đến năm 2008 FPT có thể đạt tổng doanh thu 1 tỷ USD. Liên quan đến đào tạo có 2 đề xuất: thành lập FPT University (FU) như một trường đại học tư thực thụ - do tôi đưa ra, và FPT University như một Corporate University (CU) - một tổ chức đào tạo nội bộ, do Alex Grigoryuk - Giám đốc FPT Elearning Business đề xuất. Các thông tin lịch sử này được ghi nhận trong tường thuật phiên họp do Phan Phương Đạt - Phó Tổng giám đốc FPT Software - ghi lại: “Sau các số 3 chữ số của FPT IS, FOX và FDC, loại “teen” như FSS ($10M), FPT Software ($15M) và FAT ($7M) hoàn toàn không gây được chú ý. Anh Dương Dũng Triều vẫn trung thành với các hướng kinh doanh của FSS, có chăng thêm mảng Bảo hiểm, Y tế và Xây dựng cơ bản. FPT Software đặt cửa vào Nhật bản, FAT có ý định sản xuất giáo trình “made by FPT” và lập Đại học… Chốt hạ là Alex Grigoryuk, giám đốc FEB. Vì anh không nói tiếng Việt, lại không dùng micro, nên phần lớn hội trường không hiểu anh nói gì. Tuy nhiên, nhìn bộ slide đẹp được làm rất công phu, cũng như điệu bộ của anh, có thể đoán anh nói rất thuyết phục. Sau này mới biết anh trình bày ý đồ thành lập CU (corporate (cyber) university) và được anh Bình đồng ý ngay lập tức. Chỉ có điều không rõ trường ảo của anh và trường thực của anh Lê Trường Tùng sẽ hoạt động với nhau như thế nào”. Cùng tham dự hội nghị này, anh Thang Đức Thắng, Tổng biên tập VnExpress, nói với tôi, trong các hướng đề xuất thì sáng kiến về đại học là sáng giá nhất.
Cuối cùng, hội nghị Chiến lược FPT 2003 kết luận (theo Phan Phương Đạt): “i. Thành lập TT Tư vấn FPT vào năm 2004; ii. Thành lập chi nhánh của FSS, FPT Software, FMB, FAT trên cả nước; iii. Viết đề án thành lập CU (do Alex và anh ChauHM đảm nhiệm)” và bỏ qua FU.
Kết luận của Hội nghị là như vậy, nhưng Trung tâm FPT Elearning Business bị dẹp vì hoạt động không hiệu quả, và dự án “CU” cũng bị dẹp theo luôn, còn dự án Đại học FPT vẫn được nung nấu thực hiện, để rồi sau này được đưa thành một trong các cấu thành của chiến lược WEGUC của FPT được đặt lại vào 2006 - trong đó “U’ là “University”. Đầu năm 2004, dự án được viết và thuyết minh với các cơ quan quản lý nhà nước, với công lao to lớn ở giai đoạn đầu về viết lách là của em Bùi Nguyễn Phương Châu – khi đó là thư ký của anh Bình, về lobby là của em Lại Hương Huyền. Tôi thỉnh thoảng ra dự họp, thuyết minh với Bộ, được Hương Huyền dẫn đi vận động hành lang ở tât cả Vụ trên Bộ Giáo dục Đào tạo và các Bộ Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Cuối năm 2005, tôi mới ra ngồi trực tiếp ở Hà Nội, sau khi Chủ tịch Trương Gia Bình đích thân đến nhà vận động để tôi thu xếp việc gia đình ra Hà Nội làm việc theo chính sách “moving”. Cũng tưởng sẽ là thời gian ngắn 1-2 năm khi việc ổn là xong, thế mà đã 8 năm kể từ 2005 đến nay, cứ 1-2 tuần lại một chuyến bay Sài Gòn - Hà Nội. Nhân dịp này cũng cám ơn sự chịu đựng và sẻ chia của những người thân trong một khoảng thời gian rất dài, về những gì lẽ ra tôi phải làm, những khó khăn lẽ ra tôi phải chia sẻ, những lúc trái gió trở trời của người thân lẽ ra tôi phải hiện diện, và thời gian mà lẽ ra phải dành nhiều hơn cho vợ và 2 con trong 8 năm qua. Vợ chồng con cái 4 người 4 nơi - tất cả vì sự ra đời và phát triển của Trường Đại học FPT.
Tên của trường ban đầu được đặt ngắn gọn là “Trường Đại học Tư thục FPT”. Năm 2004, môt hôm tôi đang ở TP HCM thì em Châu từ Hà Nội gọi, nói: Anh ơi Bộ bảo rằng trong tên trường phải có lĩnh vực đào tạo như các trường đại học khác, chẳng hạn như Đại học Thương mại, Xây dựng, Ngoại ngữ, Ngoại thương, Kinh tế… Tôi bảo thế trường Hoa Sen thì dạy về cách trồng và chế biến hoa sen à? Em Châu nói “Anh ơi không cùn với Bộ được đâu, không sửa thì người ta không nhận hồ sơ”. Thế là tên trường trong dự án được đổi lại là “Trường ĐH Tư thục CNTT FPT”. Năm 2005, khi bảo vệ đề án khả thi tại Văn phòng Bộ Giáo dục Đào tạo do Thứ trưởng Bành Tiến Long chủ trì, tên trường lại được xem xét lần nữa. Thứ trưởng Bành Tiến Long có ý kiến: “Nói đến FPT thì tức là CNTT rồi, thêm chữ CNTT là thừa”. Thế là tên trường lại đổi thành “Trường Đại học Tư thục FPT”. Sau đó khi Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm cho phép các trường ngoài công lập trong tên trường không cần ghi chữ “tư thục”, “dân lập”, thì cái tên “Trường ĐH FPT” được ghi trong dự án và được ghi chính thức trong quyết định của Chính phủ đồng ý về chủ trương tháng 3/2006 và đồng ý chính thức tháng 9/2006.
Tháng 3/2006, khi có quyết định của chính phủ đồng ý thành lập về mặt nguyên tắc, để xúc tiến các công việc chuẩn bị, “Ban Quản lý Dự án Xây dựng Trường ĐH FPT” được thành lập do tôi làm Trưởng ban. Khi đệ trình lên UBND Tp Hà Nội để phê duyệt Trưởng ban và làm con dấu, hồ sơ được trả về và yêu cầu Trưởng ban phải có bằng Xây dựng, vì trong tên của Ban có chữ “Xây dựng”. Chỗ làm việc của Ban và bảng tên trường được gắn ở 89 Láng Hạ. Tôi có chụp lại một số bức ảnh cơ sở ban đầu của trường, cũng may còn giữ lại được vì ngày nay 89 Láng Hạ đã bị đập phá không còn gì của dấu vết xưa.
Khi làm thủ tục bổ nhiệm Hiệu trưởng ĐH FPT, Bộ than phiền lãnh đạo các trường tư thục khác toàn người có kinh nghiệm quản lý giáo dục đại học từ các trường công nghỉ hưu về, còn lãnh đạo ĐH FPT của các vị được mỗi cái sức khỏe, cũng không có được 3 năm kinh nghiệm làm trưởng khoa trở lên theo quy định, nhưng rồi Bộ cũng chấp nhận vì cảm nhận được quyết tâm của những người FPT trong dự án này.
Trường ĐH FPT ra đời đã mở đầu cho trào lưu thành lập các trường ĐH tư thục Việt Nam sau khi Luật Giáo dục 2005 có hiệu lực từ 1/1/2006. Việc có ý tưởng thành lập ĐH FPT từ 2003, viết hồ sơ 2004, thuyết minh 2005, thành lập 2006 - đi đồng hành với với việc nhà nước soạn thảo sửa đổi Luật Giáo dục 2004 (luật hóa khái niệm Đại học Tư thục), Quốc hội thông qua Luật Giáo dục tháng 6/2005 và có hiệu lực từ 2006.
Trung tâm Top-Up +2 (FPT Greenwich)
Tháng4/2008, khi đọc báo Tuổi Trẻ, một quảng cáo đập vào mắt tôi: TMC Academy (Singapore) tuyển sinh sang học tại Singapore lấy bằng cử nhân của ĐH Greenwich, đầu vào là thí sinh tốt nghiệp Aptech, NIIT, Genetic. TMC là một trường bé tý ở Singapore, có trụ sở trên đường New Bridge gần ga tàu điện ngầm City Hall, cũng gần trụ sở của FPT Software Singa-pore trước đây. Thời gian này, sinh viên học xong Aptech, muốn học cao hơn phải sang Australia hoặc học tại RMIT. Tôi nghĩ - một trường đại học của Anh, liên kết với một cơ sở đào tạo nhỏ ở Singapore - lại tuyển sinh Aptech tại Việt Nam, vòng vèo thế này thì hay hơn chăng nếu thay bằng việc ĐH FPT sẽ đóng vai trò TMC, liên kết trực tiếp với ĐH Greenwich để thực hiện. Thế là tôi nói Trần Ngọc Tuấn và Đàm Quang Minh liên hệ trực tiếp với ĐH Greenwich, rồi sau đó chứng tỏ nhiệt tình của FU bằng cách cử một đoàn gồm Trần Ngọc Tuấn, Đàm Quang Minh và 2 trưởng ban đào tạo của FU khi đó là Nguyễn Hồng Phương, Trần Thế Trung đi London đầu năm 2009 gặp trực tiếp ĐH Greenwich. Sau nhiều buổi làm việc với nhau, kiểm định chất lượng, thăm cơ sở, phỏng vấn giảng viên… các văn bản hợp tác được ký kết.
Thảo luận với trường ĐH Greenwich, thấy bạn dùng từ “Top Up” cho chương trình đào tạo bổ sung, thế là tôi quyết định đặt tên chương trình này là “Top Up +2”, “2” ở đây là 2 học kỳ học thêm để lấy bằng cử nhân. Chương trình này là tiền đề cho các sản phẩm đào tạo khác sau này như B2B, FATG, B2G.
Tháng trước dọn phòng từ Detech lên Hòa lạc - lại thấy được mẩu quảng cáo 5 năm trước, ngày thứ Bảy, 19/4/2008 (hình 10). Top Up +2 được ra đời một cách tình cờ như thế, với slogan là “Hoàn thiện học vấn, Nâng tầm tri thức”, và thành công của Top Up đã làm nên tên tuổi của Đàm Quang Minh (FGR Hà Nội), Lê Thị Hồng Hạnh (FGW HCM), cũng mở đường cho hướng tuyển sinh nước ngoài sang Việt Nam học tập bằng bước đi tuyển sinh tốt nghiệp Aptech, NIIT từ Nigeria sang ĐH FPT học - theo đúng bài học của TMC khi tuyển sinh tại Việt Nam. Cám ơn TMC.
FPT Polytechnic và “Cao đẳng thực hành”
Năm 2009, chiến lược đại học FPT đưa ra định hướng: song song với đào tạo tinh hoa triển khai thêm nội dung đào tạo cho số đông (Mass) - với tham vọng trở thành Mega University với số sinh viên 100 ngàn trở lên. Mass - tức là phải tháo bỏ các rào cản về tài chính (học phí không cao), về thi tuyển đầu vào và về đòi hỏi năng khiếu. Đây là các cản trở đang có, liên quan đến FAT, FAN và FPT University. Cả 3 sản phẩm này đều theo mô hình học phí cao, yêu cầu kỹ năng tiếng Anh, với đại học thì có thi đầu vào mang tính quốc gia (đại học).
Luật Dạy nghề mới có hiệu lực từ hai năm trước đó (2007), lần đầu tiên cho phép đào tạo nghề trình độ cao đẳng, và năm 2008 các quy định hướng dẫn mới dần hoàn thiện, cho phép các trường đại học được dạy cao đẳng nghề và chịu sự quản lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Tôi thấy đây là hướng đúng, là tiền đề để triển khai sản phẩm mass gắn với bằng cấp chính quy - đồng thời cũng tạo sự cân đối giữa chương trình đào tạo “chuyên nghiệp” do Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý, và chương trình “nghề” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quản lý.
Thế là các thủ tục được tiến hành và cái tên FPT Polytechnic được ra đời. Cái tên “polytechnic” được lấy dựa theo hệ thống các trường dạy các chương trình tương tự ở Singapore - do tôi vừa đi thăm đứa cháu đang học tại trường Republic Polytechnic (Singapore) về. Còn cái tên “Cao đẳng Thực hành” là biển thể của Cao đẳng nghề - dựa trên chữ “thực hành” trong “kỹ sư thực hành”, cũng muốn nhấn mạnh quan điểm thực hành của chương trình này. Cái tên “cao đẳng nghề” do Bộ LĐ-TB-XH đặt bằng như mức cao hơn của trung cấp nghề, và đối trọng với “cao đẳng chuyên nghiệp”, dễ dẫn đến suy nghĩ là hệ cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục Đào tạo quản lý là “cao đẳng không nghề”. “Cao đẳng Thực hành” là tên đặt khá chuẩn, dẫn đến 2 câu chuyện sau đây.
Chuyện thứ nhất là các Trung tâm FPT Polytechnic (Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM) dùng cái tên “Cao đẳng Thực hành FPT” để hoạt động. Trong khi FPT Polytechnic là “thương hiệu”, còn Cao đẳng Thực hành là tên sản phẩm. Cũng tốn khá nhiều công sức để nắn lại chuyện này.
Chuyện thứ hai là nhiều trường khác học theo, cũng gọi “cao đẳng nghề” là “Cao đẳng thực hành”, đến mức báo chí năm 2011 có cả một loạt bài phê phán việc gọi không đúng chuẩn này. Đến nay thì tên gọi “cao đẳng thực hành” đã trở thành khái niệm quen thuộc, các trường nhạy bén, năng động đều dùng (Hutech, ĐH Nguyễn Tất Thành…) - và báo chí cũng chán, nói không được gì nên không muốn nói nữa.
FPT Polytechnic gắn với tên của Đàm Quang Minh (Giám đốc FPL Việt Nam), Quách Ngọc Xuân (Trưởng ban Thiết kế chương trình), Vũ Chí Thành (Giám đốc FPL Hà Nội), Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Giám đốc FPL TP HCM), Lê Văn Duẫn (Giám đốc FPL Đà Nẵng), Trần Thị Hoàng Phương (Giám đốc FPL Quảng Ninh), Huỳnh Ngọc Khoan (Giám đốc FPL Daklak và FPL Thanh Hóa). FPT Polytechniclà hệ thống phát triển địa bàn hoạt động nhanh nhất trong các sản phẩm giáo dục của FPT.
Trung tâm Phần cứng và Mạng FPT Jetking
FPT Jetking thành lập năm 2012, với đối tác là Công ty Jeking Ấn Độ. Đây là kết quả chuyến đi khảo sát năm 2011 của BGH Đại học FPT tới các công ty đào tạo lớn nhất của Ấn Độ (Educom, NIIT, Jetking, Aptech). Jetking là trung tâm đào tạo về phần cứng và mạng số 1 của Ấn Độ, và FPT là đối tác nước ngoài đầu tiên của Jetking. Tại Mumbai, sau khi thăm một trung tâm đào tạo của Jetking, lãnh đạo Jetking mời đoàn FU ăn trưa tại một quán ăn Tàu. Choáng ngợp vì món nào cũng hoành tráng nếu tính về thể tích và
khối lượng. Thế mà ngoằng một cái, đĩa bát đã nhẵn nhụi - do cả tuần từ New Dehli về Mumbai toàn ăn đồ ăn Ấn. Yểu điệu thục nữ như chị Nguyễn Kim Ánh cũng không ngoại lệ. Hai trung tâm FPT Jetking tại Hà Nội và TP HCM được hình thành như vậy.
Những trung tâm đến và đi…
Không phải những gì mở mới đều thành công. Trung tâm đào tạo FPT dạy tin học căn bản, tin học văn phòng và một số ngôn ngữ lập trình đã đóng cửa trước 1999. Năm 2004, Trung tâm FPT Elearning (41 Sương Nguyệt Anh, TP HCM) với dịch vụ đào tạo tiếng Anh và CNTT qua Internet và tham vọng mỗi đường phố đều có một điểm truy cập Internet phục vụ E-Learning để dân chúng học tập - cũng đóng cửa sau cố gắng cuối cùng bán thẻ theo hình thức kinh doanh đa cấp tạo ra bao rắc rối sau này. Trung tâm đào tạo tiếng Nhật FPT Đông du trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) - sản phẩm của Vườn ươm Công nghệ FPT - cũng đóng cửa năm 2007 sau 4 năm hoạt động - khi mà thu mãi cũng không đủ bù chi. Trung tâm FPT Omega ở phố Hàng Chiếu (Hà Nội) đào tạo thiết kế mỹ thuật với chương trình 2 năm do ĐH FPT tự xây dựng và ĐH FPT cấp bằng - cũng đóng cửa năm 2009 sau 2 khóa hoạt động. Đóng nhanh nhất có lẽ là Trung tâm FPT Jetking Hà Nội (Mỹ Đình) - chấm dứt hoạt động sau 12 tháng do chi hết định mức. Và 4 trung tâm FPT Aptech tại TP HCM nay chỉ còn 3 và 3 trung tâm FPT Aptech ở Hà Nội nay cũng đóng mất một (tại phố Lê Đại Hành).
Liên quan đến Aptech, với vai trò là Master Franchisee tại Việt Nam, FPT đã lôi kéo nhiều đối tác tham gia mở các trung tâm Aptech. Mở nhiều - và thất bại rồi đóng cũng nhiều. Chỉ tính tại TP HCM, ngoài một trung tâm thuộc FPT (phố Nguyễn Văn Thủ) đã ngưng hoạt động, các trung tâm Aptech của các đối tác đã đóng cửa gồm: Saigon Aptech, Bachkhoa Aptech, LT Aptech, Thanhdoan Aptech, Triviet Aptech, CNC2 Aptech, Quan7 Aptech. Mỗi tên gọi - thực tế là một giai điệu buồn trong một bản giao hưởng lạc quan…
TP HCM, 6/2013
Lê Trường Tùng- Đại học FPT
Ý kiến
()