Tôi có chút lăn tăn khi giật “Tít” cho câu chuyện này. Lúc đầu định đặt tên là Những người “thất bại”, vì đúng là tôi định kể về những người đã từng thất bại theo một nghĩa nào đó (lead, hoặc đơn giản là thành viên của một dự án bị failed). Nhưng cuối cùng tôi chọn chữ này, bởi nó gắn với thuật ngữ mà dân dã gọi là “Dọn rác”, một hành động mà Tổ chức giáo dục FPT đã, đang (và chắc là sẽ) phải làm khá thường xuyên trong suốt quãng đời tồn tại của mình. Dọn rác là một việc phức tạp, ngoài việc phải xử lý tài chính, cơ sở vật chất… thì làm việc với con người là việc đau đầu nhất. Bạn sẽ phải xem xét từng trường hợp, quyết định dùng tiếp hay không, bố trí công việc gì là phù hợp nhất… Với các tổ chức giáo dục đào tạo, bạn còn phải tiếp tục thực hiện cam kết với học viên, tức là phải tiếp tục dạy cho tới khi học viên cuối cùng tốt nghiệp, một việc có thể phải kéo dài nhiều năm. Trong lịch sử chưa dài lắm của mình, FE đã phải dọn vô khối rác: English e-learning, F-studio và Omega (2 sản phẩm của FAI), Trung tâm du học Mega Study, Dự án Fschool, Trung tâm tiếng Anh GEM…
Hôm nay tôi muốn kể về một đống “rác” đặc biệt, đống “rác” đã có ảnh hưởng lớn tới bộ mặt FE như nó đang là. Chắc hẳn khi đọc đến cuối bài và nhìn vào bảng tổng hợp bức tranh hiện tại của đống “rác” xưa kia, bạn cũng sẽ phải đồng tình với tôi rằng đống “rác” này quả thực là vô cùng đặc biệt. Đó là “Rác” Đông Du.
Trong những buổi học về lịch sử và văn hoá FPT, tôi thường đọc bài thơ này để dẫn chuyện và đố mọi người đoán xem bài thơ nói về ai:
Mềm mãi sao mà không cứng a?
Năm mươi chưa tới, sao gọi già?
Trải hai thập kỷ, tuyền một chức
Đi Mỹ, Nhật, Úc hát tiếng Nga
Vườn ươm sao ấp toàn trứng thối
Công nghệ chỉ còn một đám ma
Bài thơ này (nằm trong một chùm thơ tương tự) là một thể hiện đặc sắc của văn hoá FPT, văn hoá STCo. Đây là nét tính cách mà tôi thích nhất của người FPT: trào lộng, hài hước trong mọi hoàn cảnh (đặc biệt trong khó khăn), không ngần ngại giễu cợt lãnh đạo, giễu cợt chính mình.
Hai câu cuối của đoạn trích trên nhắc đến một sản phẩm hào hùng và bi thương của FPT: Vườn ươm công nghệ, và bài thơ chính là nói về người chủ của nó: anh Nguyễn Thành Nam.
Vườn ươm công nghệ (FTD) ra đời năm 2003, là một ý tưởng tuyệt vời: nó cổ vũ, khuyến khích sáng tạo trong mọi tầng lớp FPT, từ bán quần lót hay sản xuất băng vệ sinh tới trí tuệ nhân tạo hay y tế thông minh. Các trò tát áp tát ung bây giờ so với nó đúng chỉ là con trẻ. FTD đã là nguồn cảm hứng sáng tạo của biết bao con người, bao nhiêu dự án, bao nhiêu ý tưởng. Có cái bé bé tầm thường, có cái cao siêu vĩ đại, nhưng đều mang trong mình tâm huyết của người ấp ủ và nuôi dưỡng nó.
FTD tạ thế vào năm 2008.
(Có thể xem điếu văn FTD tại https://www.facebook.com/tomanhtuan/posts/10216101569882767)
Trước khi chết, nó đã kịp làm cho rất nhiều quả trứng bị ung, ấp ra nhiều con gà què. Và kỳ lạ thay, có vài con đã nở được lành lặn, và lớn lên khoẻ mạnh. Một trong vài con đó chính là Trung tâm Nhật ngữ Đông Du. Trung tâm ra đời năm 2004, trải qua nhiều thăng trầm và đã đào tạo được rất nhiều học viên. Đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên trung tâm không “bật” lên được, và tới năm 2007 FPT quyết định đóng cửa trung tâm này. Ngoài 1 số nhân viên xin nghỉ luôn hoặc nghỉ sau khi sáp nhập một thời gian ngắn, FE tiếp nhận lại: Châm (lễ tân-hành chính), Cường (giảng viên), Tùng, Quân (marketing), Lam (giáo vụ), Bẩm, Tam (bảo vệ).
Nguyễn Thuý Châm
Trong buổi gặp mặt với toàn thể nhân viên để anh Tùng công bố quyết định đóng cửa trung tâm, chia sẻ về định hướng và công việc tiếp theo, nói chung mọi người đều im lặng, chả hỏi gì. Chỉ có 1 cô gái có hỏi tý chút, môi đỏ chót. Đó là Châm.
Khi mới sáp nhập, lẽ tự nhiên là đang làm hành chính thì Châm lại tiếp tục công việc hành chính. Việc của phòng này thì lúc nào cũng như con mọn, với các tổ chức startup thì lại càng trăm thứ bà dằn. Nó kiêm cả thư viện và nhân sự (năm 2006 bắt đầu có giấy phép đại học, quy mô còn quá nhỏ để “ăn chơi sang chảnh” tới mức có riêng hẳn 1 phòng thư viện cũng như phòng nhân sự). Loan (trưởng phòng hành chính), mặc dù đã quen với việc quản lý thư viện của trung tâm Aptech nhưng khi phải quản thư viện của một trường đại học thì bị ngợp, rối tinh rối mù, tôi và Loan suốt ngày gắt nhau ỏm tỏi khi động đến các số liệu cũng như chỉ số của thư viện. Vậy là sau một thời gian ngắn làm các công việc hành chính thuần tuý, Châm được Loan điều sang chuyên phụ trách thư viện. Rồi khi phải tuyển người, nhìn quanh nhìn quẩn không thấy ai, các công việc từ đăng tin tuyển dụng, xếp lịch phỏng vấn, thông báo kết quả cho ứng viên… tôi “tiện tay” lại cũng giao luôn cho Châm. Quả thật tôi có hơi chút ngạc nhiên khi thấy Châm làm mọi việc đều ngon ơ. Rồi việc tiếp tục chăm sóc học viên của Đông Du, thỉnh thoảng kiêm dẫn khách Nhật đi thăm quan trường..., Châm đúng là thể hiện khả năng quán xuyến thật đáng nể. Những đức tính này có dịp được phát huy khi trường chuyển lên Hoà Lạc, công việc bộn bề. Vậy là từ một “Rác”, FE giờ đã có một trưởng phòng hành chính vững vàng, tận tuỵ, hết lòng vì công việc.
Ngô Thanh Tùng
Như thường lệ, nhóm khá đông khi dọn rác là Marketing & Sale. Tùng phụ trách nhóm 3 người gồm Tùng, Quân và Hiếu. Hiếu nghỉ sau một thời gian khá ngắn, chỉ còn Quân và Tùng.
Tùng thuộc diện trầm (so với tính cách của một người bán hàng), làm việc rất chu đáo và cẩn thận. Cũng có thể do tính cách này mà Tùng không “nổi” lắm trong một nghề mà những người hoạt ngôn thường có lợi thế lớn. Khi chuyển sang ban tuyển sinh của Đại học (Phong phụ trách), Tùng thường được giao những việc như tổ chức dữ liệu, làm các loại báo cáo, quy trình, tổ chức thi… Những việc này Tùng đều làm rất tốt, nhưng room phát triển thì quả thực là không nhiều. Năm 2014 Tùng xin nghỉ để chuyển sang VTC, tôi cũng nghĩ rằng như thế là tốt hơn cho Tùng. Nhưng đúng là một khi đã có duyên thì khó mà dứt ra được, năm 2016 Tùng quay trở lại FE với vai trò trưởng phòng PR của Đại học, sau một thời gian ngắn thì chuyển sang FGW (FPT Greenwich). Và đến đây thì dường như Tùng đã tìm được đúng chỗ của mình. Đúng như các cụ đã nói “gái có công chồng chẳng phụ”, như một bông hoa nở muộn, Tùng đã phát huy tuyệt vời các tố chất của mình trong vai trò Trưởng ban Truyền thông và Tuyển sinh của Đại học Greenwich (Việt Nam). FGW đã mang một bộ mặt mới, trẻ trung, mạnh mẽ nhờ nỗ lực của Tùng cùng đồng đội, sẵn sàng cho vận hội mới và một tương lai tươi sáng.
Nguyễn Hùng Quân
Khi mới sáp nhập, Quân là một cậu bé gầy gò, thuộc nhóm của Tùng. Khi mới tiếp xúc mọi người có thể đánh giá là Quân không khéo và khôn ngoan lắm, nhưng thực ra Quân lại rất được lòng mọi người khi có quan hệ lâu dài. Đặc biệt điều này thể hiện ở quan hệ với BGH các trường THPT. Đi đến đâu các thầy cô cũng hay hỏi và nhắc về Quân. Là hạt nhân văn nghệ ngầm của phong trào FU, tham gia tất cả các chương trình, clip nhân các dịp lễ, ngày chị em, ... Quân là nhân tố giúp gắn kết trong nhóm tuyển sinh cũng như gắn kết với các phòng ban khác của trường. Quân là người được đánh giá là thay đổi mình nhiều nhất để phù hợp với vai trò mới trong số các manager của FU. Cứ bền bỉ chiến đấu, nỗ lực học tập, chắc chẳng ai ngờ được rằng chàng sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội năm nào, từ một nhân viên thừa hành không quá xuất sắc giờ đã trở thành trưởng ban tuyển sinh của đại học FPT Hà nội, quản lý gần 3 chục trai thanh gái lịch. Và hơn thế nữa, chàng còn tìm được một nửa hạnh phúc của đời mình tại FU và cùng nàng cho ra đời 2 thiên thần bé nhỏ. “Rác” thế thì quả thật ai chả muốn làm rác, nhỉ.
Nguyễn Cường
Cường là một người rất đặc biệt. Gần như là người duy nhất của bộ môn chưa đi Nhật bao giờ, Cường là người duy nhất đạt chứng chỉ N1. Bác Ogawa, cố vấn cao cấp của Đại học FPT chỉ tin tưởng khi Cường làm phiên dịch. Cứ hết giờ dạy, tôi lại thấy Cường chăm chỉ luyện nghe, đọc sách.
Điểm đặc biệt thứ 2 là Cường không thích làm lãnh đạo lắm, bắt làm chủ nhiệm bộ môn thì làm, nhưng giá không phải làm thì càng tốt.
Không hô hào, lên gân, Cường lẳng lặng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Và hoàn thành một cách xuất sắc. Điểm GPA của Cường (Grade Point Average, điểm sinh viên đánh giá giảng viên) lúc nào cũng đạt tuyệt đối 4/4 hoặc xấp xỉ mức đó. Khi mới triển khai môn tiếng Nhật, tôi đã học cùng sinh viên khoá 1 liền 6 học kỳ, và quả thực các tiết học của thầy Cường đối với sinh viên già này lúc nào cũng thật tuyệt vời. Cường giảng dễ hiểu, kèm theo nhiều thông tin thú vị do hiểu biết sâu vấn đề, vì thế bài giảng lúc nào cũng rất hấp dẫn.
Và điểm đặc biệt nữa, Cường rất cá tính trong các quyết định của mình. Học thạc sỹ được một thời gian, Cường thấy không có gì bổ ích, kiên quyết không học nữa. Dù điều đó có thể ảnh hưởng tới cuộc sống sự nghiệp của mình, Cường cũng chẳng cần quan tâm.
Cường yêu nghề, yêu sinh viên, và chỉ muốn đi dạy, không làm gì khác. Một người thầy tuyệt vời.
Nguyễn Thị Hồng Lam
Lúc đầu viết bài này, tôi suýt nữa thì quên Lam. Đó là vì khi dọn “Rác” thì Lam không có mặt. Lúc đó nàng còn đang bận mải với nghĩa vụ cao cả là làm mẹ.
Vậy là Lam không có trong danh sách bố trí công việc. Tình cờ làm sao, sau đó 1 thời gian, trung tâm Aptech Yết Kiêu khuyết vị trí giáo vụ, cũng đúng lúc Lam đã hết thời gian nghỉ sinh. Tôi nhớ đến Lam và hỏi em có muốn nhận công việc này không, Lam nhận lời ngay.
Tiếp nhận Lam, nhưng hầu như tôi chỉ gặp thoáng qua, vì Lam ngồi ở Yết Kiêu, còn tôi lúc đó chủ yếu ngồi ở Detech (nhưng cũng phải thú thật là chỉ gặp Lam vài phút cũng đã đủ quá ấn tượng rồi. Anh chị em Đông Du nói với tôi là Lam gầy gò ốm yếu, và đến gặp tôi là một bà Liên Xô!)
Ngoài ấn tượng đó ra, tôi không biết gì nhiều về Lam. Cho đến khi tất cả các trung tâm Aptech sáp nhập về Detech, tôi tổ chức lại bộ máy, lập các phòng ban, bổ nhiệm trưởng. Để các trưởng phòng mới làm việc thuận lợi, tôi không chỉ định ai mà tất cả đều được bầu. Và Lam đã được mọi người bầu làm trưởng phòng Đào tạo với sự tín nhiệm rất cao. Chắc hẳn mọi người đều quý mến Lam bởi sự cần cù chịu thương chịu khó, bởi sự cẩn thận, chỉn chu trong công việc của mình. Thật may mắn cho FAI, cho FE đã có một trưởng phòng chắc tay thật là đúng lúc. Và cùng với em bé được nhắc đến đầu câu chuyện, 5 năm sau nàng lại còn làm ngay một lứa sinh đôi để trở thành mẹ của 3 trẻ nhỏ, thật là đáng kính nể bội phần!
Trần Văn Tam
Tam đẹp trai hiền lành. Lại rất chăm chỉ, khéo tay khéo chân. Cái bàn cái ghế hỏng tý – sửa được ngay. Điện đóm có vấn đề, bóng đèn cháy – có ngay. Chỗ này cần gia cố thêm một tý, chỗ kia cần chỉnh sửa một tẹo, Tam đều sẵn sàng làm và làm được. Ai đã từng làm hành chính đều biết những việc kiểu như vậy quan trọng thế nào – việc chưa to đến mức phải báo giá chọn thầu, nhưng không đủ nhỏ để có thể bỏ qua, không làm được thì lúc nào cũng thấy bứt rứt khó chịu. Không khó hiểu khi trưởng phòng Loan quý Tam lắm, điều ngay Tam phụ trách kỹ thuật, và Tam đã làm rất tốt. Thật tiếc cho FE là năm 2011 Tam quyết định ra “ở riêng”, tự làm ông chủ. Hy vọng Tam cùng bà chủ Răm thành công mỹ mãn. (nhân tiện nói thêm là phu nhân của Tam hát rất hay và xứng đáng được trao giải “cống hiến”, bởi từ khi gia nhập FPT cho đến tận năm 2015 tôi vẫn thấy Răm nhiệt tình cống hiến cho các tiết mục văn nghệ của FPT và FSOFT)
Trần Đăng Bẩm
Là người FPT, chắc phần lớn nếu không thuộc thì cũng đã từng nghe qua vision của công ty
FPT mong muốn trở thành một tổ chức kiểu mới, giàu mạnh bằng nỗ lực lao động sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, làm khách hàng hài lòng, góp phần hưng thịnh quốc gia, đem lại cho mỗi thành viên của mình điều kiện tốt nhất để phát triển tài năng và một cuộc sống đầy đủ về vật chất, phong phú về tinh thần.
Phần “làm khách hàng hài lòng” được đưa lên đầu tiên, trước cả “hưng thịnh quốc gia”, đúng như lý thuyết “khách hàng là thượng đế” mà ai cũng nói ra rả bây giờ.
Bẩm chắc chẳng được học lý thuyết marketing hiện đại, cũng chẳng bị ai nhồi vào đầu “phải thế này”, “phải thế nọ”. Dường như việc làm hài lòng khách hàng đã là tốt chất có sẵn trong máu của Bẩm rồi.
Làm bảo vệ, tức là làm người lính tiền tiêu, là bộ mặt đầu tiên đại diện cho tổ chức mà người ngoài nhìn thấy. Vừa phải nghiêm để giữ gìn an ninh trật tự, lại vừa phải niềm nở ân cần để giữ gìn hình ảnh của tổ chức, quả thực không phải là dễ. Nhưng chỉ cần bạn đến Đại học FPT tại toà nhà Detech vào những năm 2008-2012, nhìn nụ cười thân thiện, cởi mở của Bẩm, bạn sẽ thấy Bẩm đã hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này một cách xuất sắc như thế nào.
Với những lứa sinh viên đầu tiên, khi các em tốt nghiệp tôi đều yêu cầu điền vào một phiếu khảo sát, trong đó có câu “Nhân viên mà các em yêu quý nhất”. Bẩm luôn là tên được nhắc đến nhiều nhất trong các phiếu khảo sát này.
Năm 2014, Fschool được mở trên Hoà Lạc, khi cần tìm một giám thị thân thiện nhưng vẫn phải đủ nghiêm để học sinh phải nể sợ, Bẩm là cái tên được nghĩ đến đầu tiên. Và Bẩm đã gắn bó với Fschool cho đến bây giờ. Quả thật, có thể nói không ngoa, trong thương hiệu mà FE đã dày công xây dựng nên có đóng góp không nhỏ của Trần Đăng Bẩm – một thành viên của “Rác Đông Du”.
“Rác Đông Du” xưa và nay (tháng 7/2018)
Nhân vật | Lúc dọn rác | Hiện nay |
Nguyễn Thuý Châm | Lễ tân – hành chính | Trưởng phòng hành chính Đại học FPT Hà Nội |
Ngô Thanh Tùng | Trưởng nhóm Marketing 3 người | Trưởng ban truyền thông và Tuyển sinh Đại học Greenwich (Việt Nam) |
Nguyễn Hùng Quân | Nhân viên Marketing | Trưởng ban tuyển sinh Đại học FPT Hà Nội |
Nguyễn Cường | Giảng viên tiếng Nhật | Chủ nhiệm bộ môn tiếng Nhật Đại học FPT Hà Nội |
Nguyễn Thị Hồng Lam | Nhân viên giáo vụ | Trưởng phòng Đào tạo FAI HN |
Trần Văn Tam | Nhân viên bảo vệ | Trưởng nhóm kỹ thuật Đại học FPT Hà Nội – đã nghỉ năm 2011 |
Trần Đăng Bẩm | Nhân viên bảo vệ | Giám thị Fschool Hoà Lạc |
Nguyễn Khắc Thành, Hiệu trưởng ĐH FPT
FPT Education - ĐH FPT
Ý kiến
()