Chúng ta

Kỹ sư cầu nối - những chiếc cầu vồng trên đất nước mặt trời mọc

Thứ tư, 18/7/2018 | 17:54 GMT+7

Hiện nay, tại FJP có hàng trăm kỹ sư cầu nối đang sống và làm việc dài hạn trên đất nước mặt trời mọc với cùng chung một sứ mệnh: làm cầu nối giữa các đồng nghiệp ở các đầu cầu Việt Nam: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh với khách hàng Nhật Bản - khách hàng được mệnh danh là khó tính bậc nhất thế giới.

Vì sao họ lại được ví như những chiếc cầu vồng? Đơn giản vì cầu vồng chỉ tồn tại khi có cả nắng và mưa, và các kỹ sư cầu nối cũng được tôi luyện và tạo nên trong thất bại và thành công của các dự án, trong những buồn, vui cùng đồng hương, đồng nghiệp, trong sự thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng lại đầy đủ sự quan tâm của công ty và đối tác. Tất cả những cung bậc cảm xúc trái ngược đó tạo nên những BrSE đóng vài trò đặc biệt quan trọng tại FJP. 

Có ai đó đã từng nói rằng, bảy sắc cầu vồng chính là bảy sắc màu của cuộc sống. Với các BrSE, điều đó hoàn toàn ĐÚNG!

FPT-Software-BrSE-Ky-Su-Cau-No-7615-2738

Màu đỏ, một trong những màu nóng và nhiều năng lượng nhất, tượng trưng cho sự đam mê, nhiệt tình, hết mình của tuổi trẻ. Độ tuổi trung bình của các BrSE tại FJP là 30, tuổi đang hướng đến sự "chín" trong sự nghiệp mà vẫn chưa mất đi sự máu lửa, xông pha của tuổi trẻ, tuổi đẹp nhất của đời người! Có khách hàng đã phát biểu nhân dịp kỷ niệm 10 năm sinh nhật FJP Osaka (2017): Sức trẻ chính là đặc sản, là nguồn năng lượng dồi dào nhất của FPT, những con người chưa nhiều kinh nghiệm nhưng tràn đầy nhiệt huyết và khát khao! Tại đất nước có tình trạng già hoá dân số đáng báo động thì sức trẻ của các BrSE FJP chính là một tài sản vô giá!  

Ở Nhật Bản, màu vàng tượng trưng cho sự can đảm. Nhắc đến các BrSE của FJP quả thực không thể không nhắc đến lòng can đảm. Sinh ra và lớn lên ở các vùng quê khắp mọi miền Việt Nam, từ khi sinh ra đến khi đặt chân lên có nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, họ còn chưa được một lần được đi tàu điện, chưa một lần được dùng máy bán hàng tự động rời xa những những vùng quê thanh bình, xa gia đình, sang đây mong tìm kiếm kiến thức, tích luỹ kinh nghiệm với hành trang không có gì trong tay ngoài sự đam mê và lòng can đảm. 

Màu cam, màu áo của FPT. Tôi hiểu vì sao FPT chọn màu cam là màu áo của mình. Đó chính là biểu tượng của sức mạnh và sự bền bỉ. Nếu không có sự bền bỉ, các BrSE không thể có sức theo đuổi những dự án dài hơi cả mấy năm trời. Không có sự bền bỉ, các BrSE của chúng ta không thể đáp ứng được hết yêu cầu này đến yêu cầu khác với độ thách thức tăng dần tưởng trừng không có sự kết thúc- một đặc trưng khi làm việc cùng khách hàng Nhật Bản nhằm kiểm chứng năng lực của đối tác trước khi ký kết những hợp đồng giá trị. 

Người La Mã cho rằng màu lục (màu xanh lá) là màu của thần Mercury, vị thần sở hữu trí óc tinh khôn và nhanh nhẹn. Vì vậy mà màu xanh lá cây chính là đại diện cho trí tuệ. Với trí tuệ đã được phỏng vấn, chọn lọc rất nhiều vòng trước khi được tuyển làm BrSE chính thức của FJP. Trí tuệ và hiểu biết của các bạn được áp dụng phù hợp và triệt để, góp phần không nhỏ vào thành công của FJP ngày hôm nay. 

Hầu hết các tư liệu từ xưa đến nay đều đồng nhất màu lam (màu xanh dương) với ý nghĩa hòa bình và sự vững chắc, tin cậy. Một lý giải khá hợp lý cho điều này chính là bầu trời và đại dương. Tạo sự tin cậy với khách hàng là tiền đề để mang về những hợp đồng lớn, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm đồng nghiệp ở Việt Nam - đó cũng là một trong những sứ mệnh của các BrSE. 

Màu chàm, màu của tiết trời mùa đông u ám! Sinh ra và lớn lên ở đất nước đất nước nhiệt đới với khi hậu nóng ẩm, trước khi đặt chân lên đất nước Nhật Bản, các BrSe chưa một lần nhìn thấy tuyết, chưa một lần trải nghiệm cái lạnh 0 độ như trong tủ đá. Ấy vậy mà cái lạnh 0 độ dưới bầu trời u ám bao trùm không làm anh em BrSE quên đi nhiệm vụ của mình. Vẫn ngày ngày học cách giữ ấm cơ thể, học cách chống trọi với thời tiết để cùng đồng hành với các đồng nghiệp ở quê nhà trên từng bước đi của dự án. 

Ở Việt Nam, từ xa xưa, ông bà ta đã coi màu tím là màu của tình cảm sắt son, chung thuỷ. Tình đồng nghiệp giữa các BrSE, giữa nhân viên FJP và khách hàng, giữa các bạn đồng nghiệp ở Việt Nam và anh em BrSE luôn được gắn kết chặt chẽ. Tình cảm đó được thể hiện qua những lần anh em BrSE về Việt Nam thăm nhà và quà mang sang Nhật là những bức tranh dân gian Đông Hồ, những gói bánh đậu xanh Hải Dương, tuy nhỏ thôi nhưng chứa đựng tình cảm, cảm ơn vì sự cộng tác, hướng dẫn chỉ bảo tận tình không chỉ trong công việc của khách hàng tuy khó tính nhưng rất tình cảm. Tình cảm đó còn được thể hiện qua những cái bánh cái kẹo được mang về chia cho đồng nghiệp và đối tác sau những chuyến du lịch ngắn ngày của các bác khách hàng Nhật. 

FJP đã bước sang tuổi thứ 13, tuổi đã đủ năng lực và kinh nghiệm để bứt phá. Trong công cuộc đó, không thể thiếu sự đồng lòng, sự máu lửa của các BrSE. 13 năm, các thế hệ BrSE FJP đã cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn và thách thức, để chững chạc hơn, trưởng thành hơn giống như những chiếc cầu vồng 7 sắc trở nên lấp lánh hơn sau những cơn mưa dữ dội.

Nguyễn Thu Hiền

FPT Software

Ý kiến

()