Chúng ta

Đồng nghiệp lớn

Thứ sáu, 25/5/2018 | 13:58 GMT+7

Người tôi ấn tượng nhất trong những người tôi từng gặp và làm việc ở FPT là anh Lê Quang Tiến. Một lãnh đạo rõ ràng trong công việc nhưng hết sức quan tâm đến đời sống anh em.

Rạch ròi trong công việc

Dù anh Tiến là lãnh đạo Tập đoàn, là Giám đốc Tài chính, là người quản lý trực tiếp của tôi về tài chính, kế toán, xuất nhập khẩu, nhưng khi làm việc với anh Tiến,

tôi cảm thấy không có khái niệm chức vụ, tôi cảm thấy anh là đồng nghiệp nhiều hơn là người quản lý tôi trong Công ty.

Trong quản lý, tôi chưa thấy một ai nghiêm túc như anh. Chúng tôi vẫn thường xuyên đùa với nhau: “Làm việc với anh Tiến chẳng bao giờ lo đói, chẳng bao giờ lo không có tiền tiêu nhưng luôn luôn lo có thể bị đuổi việc vào ngày mai”. Tuy nhiên, làm việc với anh cũng phải chịu một áp lực rất nặng nề về chất lượng công việc cũng như thời hạn hoàn thành công việc. Trung bình một ngày làm việc bình thường giữa tôi và anh phải có tới 20 chục cuộc điện thoại và chừng đó cái mail, kể cả khi anh đi nước ngoài.

Tôi cho rằng, từ “cầu toàn” rất hợp với con người anh Tiến. Cái gì anh cũng muốn ở trạng thái hoàn hảo nhưng thực tế, khi làm việc với anh tôi thấy hứng thú và sáng tạo hơn rất nhiều so với người khác. Rất dễ làm, dễ nói và dễ quyết và cũng rất dễ chịu trách nhiệm khi chẳng may làm sai.

Bí quyết trong phân công công việc của anh Tiến rất đơn giản. Khi phân công cho tôi bao giờ anh cũng ghi ra giấy các việc cần làm và nhiều khi anh còn đi hướng dẫn tôi cách làm như thế nào. Thực ra khi nhận việc từ anh giao thì chỉ nên quan tâm đến việc gì, khi nào xong chứ đừng quan tâm đến hướng dẫn công việc của anh, nếu bạn làm theo cách anh hướng dẫn sẽ không thể hoàn thành được công việc như anh muốn đâu. Sau khi giao việc, trung bình cứ 30 phút sẽ có một cuộc điện thoại hỏi thăm tiến độ công việc kiểu như: “Việc đến đâu rồi. Bao giờ xong? Có cần hỗ trợ gì không? Có gì khó khăn, gọi anh nhé v.v.”. Mà đã giao việc rồi, anh nhớ rất dai. Cũng như vậy, ai đã hứa với anh điều gì thì bắt buộc bằng mọi cách mà làm. nhiều lần tôi đã phải nai lưng ra để thực hiện vì trót hứa, nhưng tôi chưa sai hứa điều gì cả.

Làm việc lâu với anh, tôi đã học được bí quyết này và áp dụng với các đồng sự cấp dưới. Tôi thường xuyên giao việc, thúc và ép để mọi người làm và hiệu quả thì khỏi bàn.

Trong công việc và quản lý, anh để yếu tố tình cảm xuống thấp hơn tất cả cái khác và điều đó rất dễ cho chúng tôi làm việc và tôi rất thích cách làm này. Mọi thứ đều rất rõ ràng. Một nhân viên được anh quý, nể phục về chuyên môn nghiệp vụ, một người quản lý giỏi không có nghĩa là làm sai trong công việc, anh không mắng, không xa thải.

Riêng với tôi, anh Tiến chưa bao giờ mắng tôi, thậm chí khen tôi khá nhiều. Tôi cũng ngẫm ra một điều, nếu ai để anh Tiến thường mắng, phê bình vài lần chắc chắn sẽ bị đuổi sớm.

Thường người nào đã làm anh Tiến tức, cáu là những người làm việc quá kém. Anh rất khác với anh Bùi Quang ngọc. Nếu anh ngọc cáu, anh thường quát om củ tỏi nhưng anh Tiến lại khác, anh rất ít khi quát mắng. Anh luôn xem xét rất cẩn trọng khi đánh giá một nhân viên, một cán bộ quản lý và khi anh đã đánh giá thì khỏi bàn, nhưng tôi rất thích cách làm này.

Đặc biệt, anh Tiến rất giữ chữ tín, thậm chí sòng phẳng một cách quá đáng. Tôi nhớ có một lần, khi tôi còn ngồi ở phòng Tài vụ tầng 1,89 Láng Hạ, anh đi taxi không có tiền lẻ nên tôi cho anh mượn tiền để trả. Đến trưa, khi đi ăn cơm ở nhà ăn Công ty, anh móc tiền trong túi ra, hoàn trả tôi số tiền mượn ban sáng. Tôi nhớ, số tiền đó không đến 5.000 VND.

Chính điều này đã tạo cho chúng tôi, những người thường xuyên làm việc với anh như anh nguyễn Điệp Tùng, nguyễn Văn Lộc đến tôi đều học được tính song phẳng này. Sau này quen rồi, tôi còn cảm thấy, nhiều khi sòng phẳng cũng vui, trong nhiều việc, sòng phẳng còn tốt cho chính mình và cho nhân viên của mình.

Với vẻ ngoài lạnh lùng, anh khiến nhiều người rất e dè, thậm chí sợ khi tiếp xúc, ngay cả những người làm việc trong Ban Kế toán Tài chính. Khi tôi còn làm Phó ban Kế Toán tài chính FPT, anh Điệp Tùng làm Trưởng ban, cả ban chỉ có duy nhất hai người chúng tôi là nói chuyện được với anh còn lại phần lớn đều cần phiên dịch.

Tôi cũng thấy băn khoăn và đặt một dấu hỏi to tướng “Tại sao mọi người cứ cảm thấy khó nói chuyện với anh Tiến?”. Cuối cùng, tôi rút ra lời giải cho vấn đề. Nguyên nhân do khả năng trình bày của mọi người quá kém. Nếu mọi người trình bày một cách mạch lạc, rõ ràng, ngắn gọn thì sẽ cảm thấy rất dễ dàng hơn rất nhiều.

Kinh nghiệm của tôi trong một buổi làm việc với anh không được quá 3 vấn đề hoặc 3 nội dung. Tôi sẽ chuẩn bị trước những điều cần nói thật ngắn gọn, súc tích. Được cái anh nắm bắt vấn đề nhanh nên nếu nói dài dòng anh sẽ dứt khoát không nghe, thậm chí đuổi thẳng cổ về nhà, nên nhiều khi nói luôn kết luận anh cũng hiểu cả vấn đề.

Anh còn là một người rất rạch ròi trong việc công và tư. Điều này khiến tôi rất ngạc nhiên. Thông thường, nếu một lãnh đạo có việc cần và muốn cấp dưới thực hiện cho mình, họ sẽ gọi cho cấp dưới yêu cầu đến gặp để giao việc. Nhưng anh Tiến lại khác. Những việc gì anh Tiến cần tôi làm giúp, anh tự đến gặp tôi để giao việc, hoặc chí ít là gọi điện thoại xem tôi có bận không, nếu kkông thì chạy đến chỗ anh để anh giao việc. Đặc biệt, anh không bao giờ giao việc vào những ngày nghỉ hoặc khi tôi đang đi chơi cùng bạn bè, gia đình. Điều này khiến tôi cảm thấy anh giản dị hơn tất cả những lãnh đạo khác của FPT.

Rất nghiêm túc trong công việc nhưng anh Tiến là một kho tiếu lâm. Anh thường xuyên kể những câu chuyện, những tình huống khiến người nghe phải phì cười. Mãi đến năm 2007, tôi mới nhận ra một điều, những câu chuyện hài hước anh Hai kể chẳng có gì là sự thật ngoài những nhân vật trong chuyện là có thật.

Khi anh nguyễn Điệp Tùng chuyển sang làm TGĐ Công ty Chứng khoán FPT, tôi được bổ nhiệm thay thế anh Tùng chức Trưởng ban Tài chính - Kế hoạch. Trong một bữa tối, anh Tiến kể về chuyện lý do tôi thay anh Tùng.

Anh tỉnh bơ nói với tôi: “Hôm nọ, khi thanh toán chi phí cho một nhân viên kinh doanh nhưng Tùng dứt khoát gạt bỏ chi phí này. người nhân viên đó quát ầm lên với anh Tùng rằng: “Back office là đơn vị hỗ trợ, còn chúng tôi là đơn vị kiếm tiền, tại sao lại cắt chi phí của chúng tôi, đi ra chỗ khác làm”. Tùng nghe xong rất cay mũi, dỗi không làm Trưởng Ban Kế toán Tài chính nữa. Công ty thì không thể thiếu Trưởng ban nên đành để Giang thay thế”.

Cả bọn tôi biết tỏng sự thật chẳng phải thế nhưng cũng thể nhịn nổi cười vì thái độ nói phét cứ như không của anh Tiến.

Quan tâm tới anh em

Những người hay làm việc với anh Tiến đều biết rằng, tính anh rất quan tâm tới anh em. Chúng tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên khi anh cứ gặp lại hỏi thăm về một vấn đề. Năm 1997-1998, phòng Tài vụ FPT ở 89 Láng Hạ có rất ít người nên hoàn cảnh từng người anh nắm rất rõ.

Bất kể ai có con, anh đều hỏi thăm. Có người, sau vài tháng, anh lại hỏi thăm: “Con em thế nào rồi?”, nhưng có những người, ngày nào anh gặp, anh cũng hỏi. Có một lần, chị nguyễn Thu Hương (nay chuyển sang làm Kế toán trưởng FPT Securities) khi đó là kế toán ngân hàng của công ty FPT, phải thốt lên khi anh Tiến hỏi thăm đứa con đầu lòng của chị: “Anh vừa hỏi em hai lần trong hôm nay rồi, lần này là lần thứ ba đấy”, anh lại cười, thế à.

Sự quan tâm của anh vô cùng gần gũi với chúng tôi. Tôi cũng chẳng biết rõ vì sao, chỉ biết chắc bạn bè anh Tiến có rất nhiều người làm ở công ty xây dựng. Kết quả, anh Lộc, tôi, anh Dương Dũng Triều, anh Lê Tiến Hải, chị Lê Kim Oanh, chị Chu Thanh Hà, anh nguyễn Hùng Cường (nguyên PTGĐ FPT IS)… đều mua nhà cùng dãy tại khu Mỹ Đình. Tất cả đều do chính anh môi giới, chỗ này bây giờ bán đi, tiền lãi gấp 5 lần mua.

Sau này, khi chuyển về toà nhà The Manor, tôi và một số anh em nghĩ: “Sợ nhất là ở cùng tầng với ông Tiến vì ông ấy già, ông ấy không ngủ được, suốt ngày bia rượu thì chết”. Tôi cũng thấy hãi. Nhưng rất nhiều người ở The Manor lại không ai ở cùng tầng với nhà anh Hai. Cũng chẳng biết vì sao.

Anh là một lãnh đạo của FPT, nhưng với tôi anh là một đồng nghiệp, một đồng nghiệp lớn của tôi trong công việc.

Ý kiến

()