Chúng ta

'Xây cầu Hy vọng là hợp lòng dân'

Chủ nhật, 9/12/2018 | 10:33 GMT+7

Mục tiêu xây 100 cây cầu trong vòng 2 năm được cho là vô cùng khó khăn, đặc biệt về mặt vận động kinh phí. Tuy nhiên, ai cũng tin tưởng rằng chỉ cần hợp lòng dân Quỹ Hy Vọng chắc chắn sẽ làm được. 

Tại lễ khánh thành cầu Hy Vọng 2 diễn ra tại ấp Thạnh Hưng 2, ấp Thạnh Phú 2, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ vào sáng ngày 6/12, ông Nguyễn Văn Bé Ba, đại diện cho gần 900 người dân thuộc khoảng 200 hộ gia đình đi lại qua cầu Kênh Nhà Vuông khẳng định chủ trương xây cầu là hợp lòng dân. Đây cũng là tiếng nói chung của hàng vạn người sinh sống tại vùng đồng bằng sông Cửu Long với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt.

Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã chú trọng xây dựng, đổi mới nhưng vẫn không khắc phục được nhiều vì các yếu tố khách quan.

Chủ trương xây cầu là hợp lòng dân bởi việc này xuất phát từ cơ sở tâm tư nguyện vọng của người dân, vì mục tiêu lâu dài. 

Hy-Vong-4-2642-1544323618.jpg

Chị Trương Thanh Thanh phát biểu tại sự kiện khởi công cầu Hy Vọng 7, Hy Vọng 8 và Hy Vọng 10 diễn ra cùng ngày với lễ khánh thành cầu Hy vọng 2. 

Khi Quỹ Hy vọng đề bạt nguyện vọng với địa phương, các cấp đã ngay lập tức chỉ đạo công tác vận động kinh phí, thi công cầu như kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Bé Ba cho biết, trên cơ sở tập hợp các cán bộ và một số người hoạt động tâm đắc trong công tác từ thiện xã hội, Tổ vận động kinh phí xây dựng cầu, đội thi công, tổ giám sát cầu được thành lập để đi vào thực hiện công tác vận động cũng như thi công xây dựng đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương liên tục chỉ đạo các bộ phận chuyên môn trong việc định vị vị trí xây dựng cầu.

Công tác vận động trong và ngoài địa bàn xã cũng được chú trọng bởi phải đảm bảo kinh phí cho việc thi công. Tổ vận động thường xuyên tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm để có định hướng, giải pháp trong khâu vận động, đảm bảo kinh phí cho việc thi công xây dựng. 

Hy-Vong-6-3236-1544323618.jpg

Những cây cầu tạm nhiều năm đã gây khó khăn cho người dân địa phương. 

Ngoài ra, quá trình xây cầu còn được sự đóng góp nhiệt tình của bà con nhân dân trong khâu xây dựng, khâu hậu cần trên 600 ngày công lao động, sự hỗ trợ của Ban từ thiện, bà con nhân dân ấp Thạnh Hưng 2 về cơm, nước bảo đảm tổ thi công hoạt động có hiệu quả. 

Đội thi công đã tiến hành thi công ngày 8/9 và sau gần 3 tháng thực hiện qua các công đoạn như liên hệ mua vật tư, liên hệ hợp đồng trong khâu đóng trụ, tiến hành theo từng bước thiết kế bảng vẽ đóng trụ cầu, đỗ trụ, làm mang cá, gát dầm, đỗ mâm, lang can, đường dẫ, ngày 29/11, cầu đã hoàn thành 100% theo thiết kế bảng vẽ. 

Cầu được thiết kế kiên cố, bê tông cốt thép có chiều dài 25m, rộng 4m, độ thông thuyền 8m, độ cao 4m bảo đảm cho tàu, thuyền qua lại. Kinh phí xây dựng cầu là 300 triệu đồng, trong đó Quỹ Hy Vọng hỗ trợ 150 triệu đồng, phần còn lại do bà con nhân dân trong và ngoài địa bàn đóng góp.

Hy-Vong-2-9960-1544323618.jpg

Chủ trương xây cầu được đánh giá là hợp lòng dân. 

Chú Lê Văn Sáu, người dân trong ấp xúc động: "Công trình được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng Ủy, Ủy ban nhân dân xã, sự đoàn kết trong tập thể Ban từ thiện, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên mới đạt được kết quả như trên. Chủ trương xây cầu vô cùng hợp lòng dân, nhân dân làng trên xóm dưới ai cũng nhiệt tình ủng hộ, tất cả vì mục tiêu chung.

Chị Trương Thanh Thanh, chủ tịch Quỹ Hy Vọng, cũng vô cùng cảm kích, bởi 3 tháng trước khi dự án khởi động, chẳng nghĩ rằng chỉ trong vòng 90 ngày đã có 10 cây cầu khởi công. Và trong quá trình đó, có vô số điều kỳ diệu xảy ra khi rất nhiều tình nguyện viên đã tham gia vào dự án, khi các mạnh thường quân ngỏ lời muốn chia sẻ vật chất và tinh thần đến xã hội. "Điều này chứng tỏ, chỉ cần có lòng nhân ái, chỉ cần nói lên tiếng nói của mình về sự yêu thương, chắc chắn chúng ta sẽ làm được", chị Thanh nói. 

Ban chỉ đạo dự án đánh giá quá trình xây dựng được đánh giá là công khai minh bạch rõ ràng, có niêm yết trong các hoạt động thu chi. Tuy nhiên, quá trình xây dựng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là kinh phí xây dựng tương đối lớn, công tác vận động thời gian đầu gặp khó khăn. Trang thiết bị cơ sở vật chất phụ vụ thi công còn hạn chế. Trong khi đó, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn còn chiếm tỷ lệ cao nên công tác vận động kinh phí cũng gặp nhiều khó khăn.

Hy-Vong-3-1524-1544323618.jpg

Người dân địa phương vui mừng trước sự thay đổi cơ sở vật chất tại địa phương. 

Nâng bước em đến trường là dự án của Quỹ Hy vọng với mục tiêu xây dựng 100 cây cầu bê tông tại đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn 2018-2010, với mong muốn tạo cơ hội phát triển kinh tế và xã hội cho đồng bào nghèo, nơi có hệ thống sông ngòi chằng chịt và đan xen nhau, nhưng còn rất nhiều cây cầu đang trên đà xuống cấp và hư hỏng nặng.

Tại đây, học sinh gặp khó khăn khi đi học vì phải qua kênh bằng phà tự chế hoặc thường bị ngã, bị dơ quần áo, gặp thương tích do đi trên những con đường mòn xuyên cỏ cây lầy lội để đến trường. Người dân gặp nhiều gian nan và tốn kém tiền bạc trong việc đi lại bằng xuồng, và gặp trở ngại to lớn nếu có người thân cần cấp cứu vào ban đêm hoặc trong mùa mưa lũ. 

Dự án Nâng bước em đến trường sẽ giúp ích không chỉ cho các em học sinh mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Kinh phí xây cầu sẽ được góp sức bởi chính quyền địa phương 50% tổng số tiền. 

Tính đến nay, đã có 10 cây cầu Hy Vọng được khởi công, 2 cầu đã đưa vào sử dụng. Cả 2 đều thuộc huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Với mục tiêu hoàn thành 100 cây cầu trong 2 năm, Quỹ Hy vọng luôn mong muốn cập nhật những địa điểm cần sự hỗ trợ tại địa phương Cần Thơ và sự chung tay đóng góp của cộng đồng. 

Quỹ Hy vọng là quỹ từ thiện xã hội được bảo trợ bởi tập đoàn FPT và báo VnExpress. Chi tiết về Quỹ Hy vọng xem tại trang: https://quyhyvong.com/

>> Cầu Hy vọng 2 đã chính thức 'nâng bước em đến trường'

Xuân Phương

Ý kiến

()