Chúng ta

Vượt hoài nghi, ‘cặp bài trùng’ xây nền tảng dữ liệu triệu USD

Thứ sáu, 27/12/2019 | 10:44 GMT+7

Thu gần 2 triệu USD với nền tảng xử lý và tích hợp dữ liệu FPT.Fortuna, nhưng nhóm tác giả Phạm Minh Tuấn và Mỵ Duy Long (Khối Giải pháp Chính phủ điện tử - Y tế, FPT IS) từng bị hoài nghi về tính khả thi của ý tưởng về sản phẩm.

Là một trong các siêu phẩm lọt vào Bán kết cuộc thi sáng tạo iKhiến, FPT.Fortuna gây ấn tượng mạnh nhờ con số 2 triệu USD thu về qua dự án với chính quyền TP HCM, đồng thời giải quyết bài toán nhu cầu tích hợp dữ liệu dành cho khách hàng sau cuối. Đặc biệt, đây là sản phẩm đầu tiên dưới mái nhà Hệ thống của anh Phạm Minh Tuấn.

Gia nhập FPT IS từ đầu năm 2014, đến khoảng tháng 12/2014, Tuấn và Mỵ Duy Long làm chung team 4 người trong dự án với chính quyền TP HCM. Khi đó Tuấn là quản trị dự án kiêm dẫn dắt về công nghệ, còn Long đảm nhận vị trí kỹ thuật chính của cả đội. Bài toán khách hàng đặt ra lúc này là phải giải quyết vấn đề tích hợp, xử lý cơ sở dữ liệu. Thời điểm đó trên thị trường chỉ có một số công cụ xử lý dữ liệu dành cho người dùng sau cuối là dân kỹ thuật thay vì khách hàng với trình độ công nghệ thông tin nhất định.

fortuna-s-7805-1577415240.jpg

Phạm Minh Tuấn và Mỵ Duy Long trình bày về FPT.Fortuna tại cuộc thi iKhiến. Ảnh: Quốc Phú

Nhận thấy đây là thị trường tiềm năng, Long và Tuấn trao đổi, quyết định nghiên cứu thực hiện một công cụ giải quyết nhu cầu dữ liệu của khách hàng. Hào hứng chia sẻ ý tưởng với anh em đồng nghiệp, nhưng người thì không hiểu, người hiểu lại nghi ngờ tính khả thi. Ngay cả khách hàng khi đó là chính quyền TP HCM dù đã ký hợp đồng sản phẩm, song vẫn không thực sự yên tâm. “Thậm chí lúc ký xong, họ còn ghé tai tôi, hỏi nhỏ: 'Các ông đã có phương án khác thay thế chưa?', Tuấn cười khổ nhớ lại. "Ngay cả khách hàng cũng còn nghi ngờ”.

Đương lúc không được hưởng ứng, ý tưởng của hai anh em lại lọt 'mắt xanh' của TGĐ FPT IS - anh Nguyễn Hoàng Minh. Trong cuộc họp với ban điều hành nhà Hệ thống, FPT.Fortuna khi đó dù còn ở dạng bản thảo nhưng được anh Minh quan tâm và đề xuất bán được với đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Được tiếp thêm động lực, Long và Tuấn quyết tâm phải làm bằng được hệ thống xử lý dữ liệu bởi “thị trường khi ấy nhu cầu xử lý dữ liệu còn nhiều đất lắm”.

Vừa xắn tay áo vào việc, một khó khăn khác lại xuất hiện: định vị sản phẩm. Để xây dựng nên sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, có vị trí, hướng đi khác biệt, Long, Tuấn và 2 thành viên khác trong team cần khảo sát thị trường công cụ xử lý dữ liệu tương tự. Khi đó có khá nhiều hãng đã cho ra mắt các công cụ tích hợp và xử lý dữ liệu, tuy nhiên đều dành cho người dùng sau cuối là dân kỹ thuật - những người có trình độ công nghệ thông tin cao.

“Sản phẩm xử lý dữ liệu dành cho đối tượng là khách hàng trực tiếp sử dụng lại rất ít, gần như là chưa có”, Phạm Minh Tuấn chia sẻ. “Do đó team không có cơ sở để định vị sản phẩm. Mọi việc đều do cả team vừa đi vừa dò đường”. Khi ấy, Long và Tuấn chính xác là những người tiên phong mở lối trên thị trường công cụ xử lý dữ liệu cho người dùng là khách hàng trực tiếp.

Thậm chí đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sản phẩm, các hãng mới bắt đầu xuất hiện những sản phẩm tương tự như FPT.Fortuna. Vừa chỉ tay giới thiệu về đứa con tinh thần ấp ủ 2 năm, Tuấn và Long vừa tự hào khẳng định: Ở thị trường Việt Nam, các công ty đối thủ của FPT chưa có sản phẩm nào tương tự.

DSC-8279_1577417616_1577417638.jpg

Phạm Minh Tuấn đại diện team dự án nhận giải Vàng iKhiến số 8 từ PTGĐ FPT Hoàng Việt Anh. Ảnh: Trâm Nguyễn

Trải qua nhiều lần thay đổi, ngày ra mắt, FPT.Fortuna gồm 4 nền tảng chính: Tích hợp dữ liệu có cấu trúc (Forutna - DI); lưu trữ dữ liệu phi cấu trúc (Fortuna - File); xử lý dữ liệu (Fortuna - DTS); dữ liệu mở. Các thành phần này giao tiếp với nhau thông qua các giao thức phổ biến như HTML, ATI…

Trong đó, Fortuna - DI xây kho dữ liệu chung, hệ thống báo cáo thông minh với dữ liệu được cập nhật định kỳ, gần thời gian thực. Fortuna - File lưu trữ và quản lý chia sẻ các dữ liệu phi cấu trúc (tệp dữ liệu). Fortuna - DTS làm sạch, chuyển đổi dữ liệu; cung cấp cho ứng dụng khai thác phía sau hoặc kho dữ liệu dùng chung. Với nền tảng mở, sau khi tích hợp, người dùng có thể chia sẻ và khai thác dữ liệu đã xử lý.

Người dùng chỉ cần các thao tác chuột đơn giản là nhúng, kéo, thả để nhập một số thông tin cơ bản và tích hợp dữ liệu trên nền tảng. Sản phẩm sẽ tự động đồng bộ dữ liệu định kỳ và có thể gần đến mức độ thời gian thực. “Điểm quan trọng nhất của FPT.Fortuna là độ tỉ mẩn của team khi giải quyết từng trường hợp nhỏ”, Mỵ Duy Long chia sẻ. “Cùng là tích hợp dữ liệu, nhưng với phiên bản mới nhất của Oracle 12, team chuẩn bị nhiều công cụ tích hợp nhanh. Với trường hợp khách hàng dùng cơ sở dữ liệu cũ như Microsoft 2002, 2005, team lại xây dựng một phương thức, công cụ tích hợp khác tương thích với tốc độ xử lý của dữ liệu”.

Gần 2 năm sau thời điểm nảy sinh ý tưởng, tháng 9/2016, FPT.Fortuna chính thức được đưa vào sử dụng trong dự án với chính quyền TP HCM. Các cơ sở dữ liệu của thành phố được ứng dụng CNTT khá tốt, nhưng ban đầu chưa được quy hoạch tốt nên chưa đồng bộ, thống nhất. Do đó, nhiệm vụ của FPT.Fortuna là tích hợp và liên thông cơ sở dữ liệu khổng lồ của thành phố, tạo ra báo cáo nhằm giúp quản lý điều hành.

Sau gần 2 năm đưa vào ứng dụng, sáng tạo đã tích hợp, cập nhật hàng ngày gần 1.000GB dữ liệu. Cơ quan quản lý chỉ cần 1 nhân viên giám sát nền tảng và hơn 1 giờ để xuất báo cáo thay vì 2 người làm toàn thời gian trong 4 ngày để xử lý 1GB dữ liệu. Hết năm 2019, tổng doanh thu của dự án là gần 2 triệu USD.

Tiên phong mở ra thị trường sản phẩm tích hợp và xử lý dữ liệu dành cho người dùng sau cuối là khách hàng trực tiếp, nhưng hai anh em Long và Tuấn chỉ nhận FPT.Fortuna là mắt xích nhỏ trên con đường chuyển đổi số.

Thậm chí khi đoạt giải Vàng iKhiến số 8 vừa qua và trở thành 1 trong 9 siêu phẩm lọt vào Bán kết, cả team còn bất ngờ khi biết tin. “Chúng tôi không nghĩ nhận được giải bởi các sản phẩm khác đều rất “khủng”, Tuấn chia sẻ. “Tất nhiên được giải là tốt, nhưng điều quan trọng nhất là sản phẩm tăng được tính thương mại hoá, mở ra nhiều đối tượng khách hàng khác”.

Hoàng Hương

Ý kiến

()