Từ sinh viên công nghệ đến quản lý dự án năm 25 tuổi
Thanh Sơn mang trong mình một “thần thái” và nguồn năng lượng tích cực rất đặc biệt. Trong suốt một tiếng trò chuyện, Sơn hào hứng kể về con đường của mình tại FPT, ta mới hiểu được tại sao một cậu sinh viên công nghệ có thể trở thành quản lý dự án với tuổi đời trẻ như thế.
Phải khó khăn lắm, Thanh Sơn mới sắp xếp được một cuộc trò chuyện, vừa xuất hiện, chàng trai trẻ đã cười xoà vì luôn trong trạng thái bận dự án nên trễ hẹn phỏng vấn.
- Mọi câu chuyện đều có một điểm khởi đầu. Vậy điểm khởi đầu của Thanh Sơn và FPT đã diễn ra như thế nào?
- Thời điểm vào FPT, mình đang là sinh viên năm cuối ngành Công nghệ phần mềm của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT). Do trường có liên kết với FPT để nhận sinh viên thực tập, nên mình cũng đi phỏng vấn như mọi người và được FPT Software nhận vào làm thực tập sinh tại đơn vị ICS.YDC.
Thú thực lúc mới vào công ty, mình tự thấy bản thân… chưa biết gì về IT cả, dù học ngành IT thật. Hồi đó nghĩ đơn giản: thi đỗ thì học thôi. Kỳ thực tập của mình kéo dài từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2017, nhưng may mắn từ cuối tháng 8, mình đã được ký hợp đồng OJT (On the Job Training) và khi ra trường thì được nhận vào chính thức.
Là một chương trình hỗ trợ cho các sinh viên thực tập muốn đóng góp cho công ty nhưng lại chưa đủ kỹ năng hay các điều kiện cần thiết, OJT đã vừa tạo nên cơ hội học hỏi, vừa hỗ trợ một khoản “tiền công” ủng hộ tinh thần để những sinh viên như mình thời điểm ấy, để mình có thêm động lực làm việc và đi sâu hơn vào dự án. Hiện tại, mình đang là Project Manager (PM - Quản lý dự án) ở mảng website thị trường Nhật Bản.
- Tại sao theo học ngành công nghệ thông tin nhưng Sơn lại có định hướng làm PM ngay từ sớm? Liệu có lý do nào khiến bản thân “rẽ hướng sang ngang”?
- Mình rất may mắn khi anh BU Lead - Giám đốc Trung tâm Phần mềm chiến lược và anh PM hướng dẫn trực tiếp là những người rất tâm lý. Các anh hỏi han về định hướng công việc, mong muốn cùng những kỳ vọng, từ đó, bản thân mình đã có cơ hội chia sẻ là thích theo nghề quản lý.
Vì đã thích từ trước, nên mình rất để ý cách các anh làm việc, càng nhìn càng thấy ngầu. Nhìn các anh nhiệt tình hướng dẫn bọn mình, mình cũng mong sau này làm được như vậy: được hướng dẫn mọi người và đưa cả nhóm chinh phục những dự án mới, những khách hàng mới trên khắp thế giới. Có lẽ chính từ khi ấy, quyết tâm muốn trở thành một PM của mình đã thực sự thành hình hài.
- Quản lý dự án là một vị trí không dành cho fresher. Vậy từ một fresher “thứ thiệt”, Sơn đã theo đuổi vị trí này như thế nào?
- Sếp mình khi ấy đã khuyên rằng, mình còn trẻ, không nên chỉ làm một PM thuần quản lý, mà nên làm một PM có hiểu biết về kỹ thuật. Có như vậy, mình mới có thể “tận hưởng” cùng anh em, trao đổi với anh em và chạy dự án “mượt mà” được.
Ban đầu, lúc ký hợp đồng chính thức, mình cũng chỉ là dev 1 thôi. Nhưng vì đã được các anh định hướng từ khi còn thực tập, nên ngay từ khi chính thức bước vào FPT, mình đã được tạo điều kiện để làm công việc của một PM. Có lẽ đó chính là may mắn giúp mình có thể phát triển nhanh như vậy.
Tính cả thời gian thực tập, mình chỉ mới ở FPT 4 năm nhưng trong quãng thời gian ấy, mình đã đi từ cơ bản nhất là dev 1 lên dev 3, rồi mới chuyển hẳn sang làm PM. Mình vẫn code, vẫn làm một lập trình viên, nhưng đồng thời cũng làm những nhiệm vụ của một leader để tập làm PM ngay từ những ngày đầu.
- Vậy sau bao lâu thì Sơn chính thức chuyển sang làm Quản lý dự án?
- Mình chính thức chuyển hẳn sang vị trí PM vào cuối năm 2020, nhưng thực chất đã bắt đầu làm quen với công việc này từ cuối 2018. Lúc ấy mình mới chỉ vừa qua dev 2 một chút nhưng khi team có dự án mới, mình đã chủ động xin nhận, phần vì thích được thử thách, phần vì muốn được làm PM. Thế là các anh đồng ý cho mình thử sức!
- Có vẻ Sơn là một người khá chủ động trong việc thử thách bản thân. Vậy có kỷ niệm hay thử thách nào là đáng nhớ nhất với bạn không?
Đáng nhớ nhất có lẽ là mùa hè năm 2018. Khi ấy, mình vừa về Hà Nội sau khi xung phong đi “cứu cháy” cho một dự án ở TP HCM, thì đã tham gia ngay vào một dự án smartphone, yêu cầu phát triển một hệ thống lớn, gồm rất nhiều màn hình, còn mình là lead của đội màn hình đó.
Mình khi ấy mới chỉ là một ông “Cuder” dev 2, nhưng lại được giao phụ trách một đội sinh viên thực tập khoảng 4-5 người, cùng với 2 bạn dev khác. Suốt mấy tháng trời, mình quay cuồng trong công việc, mọi thứ cứ ào ào ập đến, làm không xuể. Có những lần release lúc 2-3 giờ sáng, rồi sau đó phải… đập đi làm lại hết. Mình vừa phải đảm bảo công việc của bản thân, vừa đảm bảo chất lượng của đội, lại vừa phải phải chú tâm đến từng thành viên trong team.
Rồi những khi kinh nghiệm còn non, mình bị khách hàng nhận xét cả một file siêu dài. Đó là lần đầu tiên, mình miệt mài ngồi đọc từng dòng nhận xét, rồi tận tuỵ phân tích. Cứ như vâỵ, đọc nhận xét của khách hàng, rồi tự đánh giá sản phẩm của mình, rồi phân tích đi, phân tích lại, làm ngày làm đêm...
Mình nhớ như in hôm cuối cùng phải release. Hôm đó là tối 27 Tết, đáng ra mình phải lên máy bay về quê, nhưng 7 giờ tối vẫn đang ngồi fix bug (vá lỗi). Mà lại còn fix trong cái cảnh: cả khách hàng, cả onsite bên mình đều đang chờ để đóng dự án. Ai cũng thấp thỏm, vì trượt “một phát” là khỏi ăn tết!
- Bận rộn và thử thách là vậy, nhưng Thanh Sơn vẫn chọn gắn bó với FPT. Hẳn đã có một khoảnh khắc nào đó Sơn cảm thấy: đây chính là nơi mình thuộc về?
- Thực ra nói là khoảnh khắc thì cũng không có một khoảnh khắc nào cụ thể. Đơn giản là mình thấy môi trường ở FPT khiến bản thân có thể phát triển lâu dài. Mình nhận ra năng lực của bản thân. Ở đây mình có thể làm và thậm chí là làm tốt, nên mình không thấy có lý do gì để rời đi. Mình muốn xem mình làm được gì và làm được trong bao lâu.
Các quy trình của FPT cũng rất bài bản, chuyên nghiệp và cụ thể. Nhân viên luôn được phân việc rõ ràng, không bị trùng lặp, nhập nhằng và quan trọng là khi được thử sức trong các dự án, bản thân mỗi người sẽ nhận ra mình thực sự phù hợp với vị trí nào. Việc luân chuyển cán bộ ở FPT chính là một cơ hội để tìm ra “chân ái” của mình.
Mình nghĩ FPT là một môi trường rất tốt để cọ xát và phát triển bản thân, bởi FPT rất lớn, có nhiều đơn vị khác nhau, làm với nhiều top khách hàng. Với tôn chỉ là một “tổ chức học tập suốt đời”, chỉ cần bạn muốn làm muốn học, FPT sẽ cố gắng tạo những điều kiện tốt nhất. Đây là cơ hội giúp mỗi nhân viên phát triển bản thân và cũng là điểm mạnh của FPT mà không phải ai cũng biết.
Không chỉ vậy, FPT còn mạnh ở việc kết nối con người. Môi trường nơi đây khiến mỗi người được là chính mình nhưng luôn kết nối với những người xung quanh qua nhiều hoạt động đoàn thể. Mỗi đơn vị đều có một “ban văn hóa đoàn thể mini”, đây là những hạt nhân đi đầu, đảm bảo đời sống tinh thần cho từng cá nhân.
- Qua hành trình của mình, Sơn có lời khuyên gì cho các bạn fresher mới ra trường không?
- Fresher của FPT Software thường được đào tạo rất bài bản thậm chí có "chiêu trò" gì thì cũng biết hết. Vì được trực tiếp dìu dắt bởi chính lớp nhân viên đi trước nên khi đào tạo xong, fresher cũng giống như một nhân viên chính thức: nắm được hầu hết các quy tắc, được tiếp xúc phần nào đó với những dự án thật, nên fresher của FPT luôn có một nền tảng khá tốt.
Mình muốn nói nhiều hơn về sinh viên thực tập, hay với những ai còn mông lung như mình lúc trước. Mình hay tâm sự rằng kỳ thực tập là quãng thời gian rất quý. Khi đi học, không phải cứ muốn là sẽ được tham gia dự án cụ thể. Còn khi đi thực tập, thì không phải ở đâu cũng được làm dự án. Vậy nên nếu thực tập tại FPT, hãy tận dụng cơ hội này để được cọ xát trong môi trường làm việc cực kỳ chuyên nghiệp.
Đừng chỉ nghĩ về những lợi ích kinh tế, cần suy nghĩ về việc mình đóng góp được gì, và thực sự mang lại giá trị như thế nào.
Nội dung: Hoàng Thảo
Thiết kế: HR Team
Ý kiến
()