Tập 4 "Cơ hội cho ai? - Whose chance?", vừa lên sóng là cuộc đối đầu của 2 chàng trai nhiệt huyết có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và 2 cô gái xinh đẹp có năng lực trong mảng Marketing.
Trong đó, Lê Mạnh Cường, 24 tuổi, cựu sinh viên FPT Polytechnic, có hơn 2 năm kinh nghiệm làm phát triển phần mềm di động/website, là chàng trai sở hữu câu chuyện truyền cảm hứng, đặc biệt cho những người trẻ đang loay hoay không biết mục tiêu của cuộc đời mình.
"Em từng theo học ngành Luật ở một trường Đại học như bố mẹ mong muốn, định hướng. Học đến năm thứ 3, em bắt đầu suy nghĩ sau mình sẽ làm gì với công việc này. Lên văn phòng ngồi 8 tiếng thế là xong? Nhưng em không muốn như thế! Bản thân em không muốn cái gì gò bó. Em muốn chạy ra ngoài kia và biết thế giới đang như thế nào”, Cường nhớ lại. “Nên em quyết định nghỉ trường Đại học đó và theo học CNTT. Em đã không hối hận vì lựa chọn đó. Và kết quả là em đã trở thành thủ khoa của Cao đẳng FPT Polytechnic".
Rất hài lòng trước thái độ cầu tiến, hiểu rõ bản thân muốn gì của nam ứng viên, Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến chia sẻ thêm: "Tôi giới thiệu cho em một người. Anh đấy là tấm gương rất tốt. Anh ấy học kinh tế, điểm rất cao, lại bỏ ngang học Trung cấp lập trình thôi chứ cũng không được Cao đẳng. Bây giờ anh đấy là COE FPT tại Mỹ, với doanh thu hàng trăm triệu USD. Và anh ấy rất trẻ, mới 39 tuổi thôi".
Tại vòng 1 - Đối mặt, Lê Mạnh Cường đối đầu với Lê Đình Phương, 29 tuổi, cử nhân chuyên ngành tài chính, có kinh nghiệm làm sản phẩm vật lý lẫn phần mềm, sử dụng tốt tiếng Anh và tiếng Trung.
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên ở vòng đối mặt là: "Bạn có nhận xét gì về quan điểm cho rằng: Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ khiến nhiều người lao động mất việc trong tương lai. Liệu AI có ảnh hưởng đến công việc của bạn?"
Là người trình bày trước, Mạnh Cường cho biết: "Ta có thể thấy AI là một thứ gì đó rất cao siêu và mạnh mẽ. Nhưng đó chỉ là máy, là thứ do con người tạo ra. AI khiến công việc hiệu quả hơn nếu chúng ta thay đổi bản thân để phát triển nó. AI khiến ta thông minh hơn khi không phải xử lý các công việc lặp đi lặp lại. Để trả lời cho câu hỏi AI có làm ảnh hưởng đến công việc trong tương lai của cá nhân không thì em xin trả lời là không. Vì em là một lập trình viên, tương lai sau này em sẽ lập trình ra AI, chứ AI sẽ không làm mất đi công việc của em".
Lê Mạnh Cường, 24 tuổi, thủ khoa FPT Polytechnic. |
Trái ngược với quan điểm của đối thủ, Đình Phương phản bác: "Với em AI sẽ làm mất đi nhiều công việc trong tương lai. Để giải quyết vấn đề AI làm mất đi nhiều việc làm, em có một số giải pháp. Đầu tiên, chúng ta phải cải thiện nguồn nhân lực để đáp ứng với sự thay đổi đó. Bên cạnh đó, nên có chính sách từ phía nhà nước, hay chính các sếp ở đây, tạo môi trường làm việc, học tập để chúng ta làm chủ được AI. Khi chúng ta làm chủ được AI, thì nó sẽ trở thành một công cụ giúp ta phát triển kinh doanh, phục vụ rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Đối với em, việc kiểm soát được công nghệ trong tương lai sẽ là một vấn đề của nhân loại".
Không cho là đúng, Mạnh Cường ngay lập tức chất vấn: "Chúng ta là những người làm lập trình. Chúng ta tạo ra AI. Vậy tại sao chúng ta không giúp những người làm nghề may, những người làm những công việc lặp lại hàng ngày vẫn có thể tạo ra AI, không quá cao siêu nhưng phục vụ đủ cho mục đích của họ".
Giữ vững quan điểm của mình về việc AI sẽ uy hiếp đến rất nhiều cơ hội việc làm trong tương lai, Đình Phương khẳng định: "Công nghệ có tính mở rộng quy mô rất nhiều. Chỉ cần 1 phát minh, ý tưởng sẽ thay thế, làm giảm rất nhiều việc làm". Tuy nhiên, nam ứng viên đồng tình với ý kiến của Mạnh Cường trong việc giúp những người lao động bình dân tiếp cận gần hơn với công nghệ.
Hỏi xoáy đối thủ, Đình Phương đặt nghi vấn: "Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, trong tương lai hoàn toàn có thể có một "Cường chấm phẩy", cũng tốt như bạn vậy, thì việc Cường mất việc là hoàn toàn có thể xảy ra".
Tự tin vào việc có thể kiểm soát được AI, chàng thủ khoa Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết: "Như đã nói từ đầu, tôi là một lập trình viên, tôi tạo ra AI, vậy thì tại sao tôi lại đứng yên một chỗ để cho bản thân mất đi công việc. Ta xác định thời đại này 4.0, ta không bao giờ có thể ngừng nghỉ, điều đó gần như là bắt buộc đối với một lập trình viên muốn bước xa trên con đường sự nghiệp".
Kết thúc vòng Đối mặt, Mạnh Cường vượt mặt đàn anh, giành chiến thắng với tỷ số 4/7 bình chọn, đủ điều kiện để bước vào vòng tiếp theo - Chinh phục.
Ở vòng Chinh phục, Mạnh Cường nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc "va-ly bí mật" mà ban tổ chức cung cấp. Sếp Tiến là người đầu tiên đặt ra thử thách cho ứng viên: "Tôi chọn bạn vào vòng này vì tôi có một tình cảm rất đặc biệt, đó là bạn học Cao đẳng. Tôi khoe với các bạn là nơi tôi làm việc có 29% cán bộ, quản lý, chuyên gia có trình độ Cao đẳng. Đấy là điều rất đặc biệt ở FPT. Bằng cấp không quan trọng. Quan trọng là năng lực tự học của bạn đến đâu. Tôi thấy bạn đã làm sản phẩm liên quan đến Bluetooth. Bạn nghĩ như thế nào về tương lai của mạng 5G và IoT (Internet vạn vật)?".
Ngay lập tức đáp lời, Mạnh Cường cho biết: "Về vấn đề lưu thông đường mạng, em không nghĩ chỉ dừng lại ở 5G đâu. Mạng 5G sẽ phủ sóng toàn bộ thế giới. Về IoT, nó giúp chúng ta thuận tiện hơn, thoải mái hơn, chúng ta có thể dùng thiết bị này để điều khiển thiết bị kia".
Tỏ ra khá hài lòng với nam ứng viên, sếp Nguyễn Tuấn Lương (PCT VNPAY) bảy tỏ mong muốn có Mạnh Cường trong đội hình của mình.
Thể hiện rõ tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, Mạnh Cường chia sẻ về khoảng thời gian đi làm, đi thực tập sớm với mục đích tích lũy kinh nghiệm thực tế: "Em muốn làm việc tại một môi trường đầy thử thách. Trường em học 7 kỳ, em đi làm từ kỳ thứ 4, vào một công ty thực tập part-time. Sau đó, em đi thực tập. Hiện tại, em đã thực hiện được kha khá những thách thức tự em đề ra cho đến năm 25 tuổi. Em muốn học nhiều hơn nữa những điều tinh túy và cốt lõi của nhân loại".
Lo lắng sẽ mất ứng viên ưng ý về tay các sếp có lĩnh vực kinh doanh phù hợp hơn với bối cảnh của Mạnh Cường, sếp Dương Long Thành (Chủ tịch Thắng Lợi Group) sử dụng chiến thuật đánh vào nhu cầu thực tế của những người trẻ: "Bối cảnh của Cường khá giống với tôi, vì ngày xưa tôi cũng học lập trình. Cường có đặt ra mục tiêu đến năm 30 tuổi kiếm được bao nhiêu tiền không?".
Chàng lập trình viên 25 tuổi chia sẻ: "Em mong muốn khoảng 700 - 800 triệu sau khi trừ đi các khoản ăn uống, sinh hoạt hàng ngày".
"Thế thì đến bao giờ mới mua được nhà?", sếp Thành, một lãnh đạo công ty bất động sản, bật câu hỏi khi nghe kế hoạch của Mạnh Cường. "Tôi trao cho em một cơ hội đổi đời. Thắng Lợi đang có 1 team về công nghệ khoảng 10 người, tôi muốn em tham gia để làm Founder. Để chốt lại, tôi có lời khuyên cho Cường là hãy sống với đam mê, nhưng hãy thực dụng và thực tế", sếp Thành khuyên ứng viên.
Kết quả, Mạnh Cường sở hữu 3 đèn xanh đến từ sếp Thành, sếp Lương và sếp Tiến, đủ điều kiện để bước vào vòng cuối cùng - Cơ hội cho ai.
Mức lương kỳ vọng của Mạnh Cường là 20.888.888 đồng. Nam ứng viên nhận được lời mời làm việc tại: FPT Telecom của sếp Tiến, vị trí Giám đốc Phát triển Sản phẩm (Mega app) với mức lương 22.678.900 đồng; VNPAY của sếp Lương, vị trí Lập trình viên với mức lương 24.000.000 đồng; Thắng Lợi Group của sếp Thành, vị trí Trưởng nhóm Mobile app với mức lương 25.999.999 đồng.
Nhận thấy giữa sếp Tiến và Mạnh Cường có sợi dây liên kết vô hình cũng như có những điểm tương thích nhất định, aếp Thành "tung chiêu", sử dụng đến "mỹ nhân kế" để quyết tâm chiêu mộ ứng viên: "Nếu em gia nhập, em sẽ được tiếp xúc với 200 bạn nữ xinh đẹp, vẫn đang độc thân. Dân lập trình là hay FA (ế) lắm. Nếu em về Thắng Lợi, em sẽ là mặt trời. Còn nếu về với FPT, thì em chỉ là 1 ngôi sao trong hàng vạn những ngôi sao khác".
Sếp Lưu Nga (Nhà sáng lập - Chủ tịch ELISE) hóm hỉnh ủng hộ đối tác: "Công ty tôi sẽ là đối tác của công ty anh Tiến. Nên có khi em sẽ ngồi ở công ty bên tôi. Mà công ty tôi 90% nữ". Sếp Tiến bật cười chia sẻ thêm để thuyết phục ứng viên: "Hiện nay ở riêng Hà Nội, công ty tôi có 3.000 cô gái".
Ứng viên Mạnh Cường và Chủ tịch Hoàng Nam Tiến ký kết hợp đồng. |
Tuy nhận được rất nhiều lời hứa về mức đãi ngộ, cơ hội phát triển tốt sau khi gia nhập tổ chức từ các sếp, Mạnh Cường chứng tỏ là một thanh niên hiểu rõ bản thân mình muốn gì, cần gì. Anh quyết đoán lựa chọn vị sếp, doanh nghiệp mà bản thân đã mong ước được làm việc ngay từ đầu.
"Em không phải là FA. Em sẽ không lay động”, chàng lập trình viên 25 tuổi khẳng định. “Em quyết tâm theo ngành này. Em sẽ phát triển đến cùng, học hỏi nhiều hơn. Em mong muốn về với sếp Tiến". Kết quả chung cuộc, Mạnh Cường quyết định gia nhập FPT Telecom của sếp Tiến ở vị trí Giám đốc Phát triển Sản phẩm (Mega app) với mức lương 22.678.900 đồng.
Video tập 4 Cơ hội cho ai:
>> Ví điện tử của FPT Telecom chính thức trình làng
Ngọc Huy
Ý kiến
()