Chúng ta

‘Tinh thần đoàn kết giúp đoàn FPT Education chinh phục thành công Everest Base Camp’

Thứ ba, 11/6/2024 | 11:30 GMT+7

“Sự đoàn kết, hỗ trợ nhau của mọi người trong đoàn là rất quan trọng. Và có một yếu tố mà tôi cho rằng mang tính then chốt, đó là sự làm gương của người lãnh đạo, trong trường hợp này cũng chính là anh Lê Trường Tùng - Chủ tịch ĐH FPT”, anh Trần Tuấn Anh, thành viên đoàn Tổ chức Giáo dục FPT vừa chinh phục thành công Everest Base Camp chia sẻ.

“Lên Ngàn” là tên gọi của chuỗi hành trình thử thách vượt giới hạn, chinh phục 25 đỉnh núi cao do FPT Education tổ chức, với mong muốn hun đúc tinh thần “vượt qua giới hạn" và “phát triển bền vững" của các nhà giáo áo cam. Và Everest Base Camp là hành trình gian khó nhất của chuỗi thử thách.

Đây là một trong những cung đường trekking nổi tiếng nhất hành tinh, thách thức người chinh phục bởi độ khó ở điểm cao 5.364m, thời tiết lạnh giá, tuyết phủ quanh năm và phải mất nhiều ngày để hoàn thành hành trình. Nhưng Everest Base Camp cũng là điểm đến làm say đắm những bước chân của người thích chinh phục bởi cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, cảm giác vượt qua những giới hạn cao nhất về thể chất, tinh thần của con người.

Mới đây, đoàn FPT Education đã chinh phục thành công Everest Base Camp gồm: anh Lê Trường Tùng, anh Trần Ngọc Tuấn, anh Nguyễn Hùng Quân, anh Trần Tuấn Anh, chị Nguyễn Hà Thành, anh Hà Văn Hiệp, và anh Đỗ Kinh Kha.

Cùng Chungta.vn phỏng vấn anh Trần Tuấn Anh về hành trình đáng nhớ này.

- Khi đăng ký Everest Base Camp, cảm xúc của anh Tuấn Anh thế nào?

- Everest Base Camp là đỉnh khó nhất của chương trình “Lên Ngàn” do Tổ chức Giáo dục FPT triển khai. Khi đăng ký, tôi rất háo hức, mong chờ. Được đến dãy Himalaya, tận mắt nhìn thấy hoặc thậm chí leo lên đỉnh Everest đã là ước mơ từ rất lâu của tôi.

-8772-1718080122.jpg

Anh Trần Tuấn Anh và anh Lê Trường Tùng (phải).

- Anh Tuấn Anh tập luyện như thế nào cho hành trình gian khó này?

- Tôi không có chương trình tập luyện riêng cho chuyến đi này. Thực tế là tôi đã băt đầu chạy bộ rất đều đặn từ hơn 1 năm trước, với cường độ 40-50km/tuần. Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng trước khi lên đường, tôi bắt đầu tập nặng hơn, trong đó có chạy trail cự ly 55km tại giải Dalat Utra Trail, và chạy cự ly 42km tại giải Tiền Phong Marathon. Song song đó, tôi cũng tập chạy đường đèo để quen với việc leo dốc. Và cuối cùng là tôi tập thở sâu và thở bằng bụng theo phương pháp của yoga để chuẩn bị cho điều kiện không khí loãng.

- Hành trình bay từ Việt Nam sang Kathmandu của anh và đoàn thế nào?

- Hành trình từ Việt Nam sang Kathmandu của chúng tôi khá suôn sẻ, trừ một thành viên đầu cầu Hà Nội bị sai tên trên vé máy bay, buộc phải mua vé khác. Hai đoàn HN và TP HCM gặp nhau ở Quảng Châu trước khi nối chuyến đến Kathmandu.

- Những ngày đầu làm quen với việc đi bộ trong thời tiết lạnh và không khí loãng của anh diễn ra thế nào?

- Điểm bắt đầu của hành trình là ở Lukla có độ cao khoảng trên 2.800m so với mực nước biển. Ở độ cao này, áp suất không khí bằng khoảng 75% ở đồng bằng và nhiệt độ khá mát mẻ nên mọi người vẫn thấy dễ chịu và chưa cảm nhận được sự khác biệt gì rõ rệt. Hành trình đến Everest Base Camp được chia thành nhiều chặng có khoảng cách trên dưới 10km, với độ cao sẽ tăng thêm trung bình 500m ở mỗi chặng nhằm giúp người đi thích nghi với áp suất không khí và nhiệt độ giảm dần.

-2746-1718080122.jpg

Đoàn FPT Education trong ngày thứ 5 của hành trình chinh phục Everest Base Camp.

Những ngày đầu tương đối dễ dàng với cả đoàn, mọi người đều ăn ngon ngủ sâu sau khi hoàn thành lộ trình trong ngày. Tuy nhiên, các vấn đề bắt đầu xuất hiện khi độ cao tăng dần, cùng với đó là không khí ngày càng loãng và nhiệt độ xuống thấp. Đến ngày thứ 5, đoàn đến Dingboche ở độ cao 4.300m. Lúc này, áp suất không khí chỉ còn chưa đến 60% và nhiệt độ về đêm xuống dưới 0 độ. Ngày hôm sau đoàn leo lên đỉnh Nangkartsang cao 5.083m rồi quay xuống lại Dingboche ở thêm một đêm để làm quen độ cao. Lúc này, tôi bắt đầu gặp hiện tượng đang ngủ lại tỉnh dậy “đớp” không khí một lúc rồi mới ngủ lại.

- Trong 8 ngày chinh phục Everest Base Camp, theo anh, đâu là ngày khó khăn nhất? Và anh cùng đoàn đã vượt qua như thế nào?

- Ở chặng tiếp theo, khi đến Lobuche ở độ cao trên 4.900m, nhiệt độ ban đêm xuống -10 độ C và áp suất không khí chỉ còn trên 50%, nghĩa là nếu bạn thở bình thường thì chỉ tiếp nhận khoảng 1/2 lượng oxy so với ở đồng bằng. Lúc này, giấc ngủ đêm của tôi và các đồng đội khá chập chờn, cứ vài tiếng lại thức dậy thở gấp vài ba phút. Chúng tôi ngủ không sâu. Đặc biệt, một số thành viên khác trong đoàn còn bị nặng hơn khi thức trắng cả đêm, đầu óc lơ mơ và mất cảm giác khi ăn uống. Điều này ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sức khoẻ của mọi người ở những chặng cuối trước khi đến Everest Base Camp.

“Một hành trình vượt ngưỡng của bản thân và gian khổ là từ không thể tả hết trên những chặng đường”, chị Nguyễn Hà Thành bày tỏ.

Và đúng với logic, ngày cuối là ngày khó khăn nhất khi đoàn phải đi 2 chặng khá ghập ghềnh hiểm trở từ Lobuche lên Gorak Shep và đi tiếp lên Everest Base Camp EBC trong bối cảnh đêm trước đó hầu như cả đoàn đều không có được giấc ngủ trọn vẹn.

- Khi đến Everest Base Camp, cảm xúc của anh như thế nào?

- Khi lên đến Everest Base Camp EBC, ai nấy đều cảm thấy phấn khích vì cuối cùng đã đạt được mục tiêu sau một hành trình vất vả. Riêng cá nhân tôi vẫn cảm thấy có chút tiếc nuối vì trong thâm tâm mong muốn ít nhất phải chinh phục được một đỉnh núi “thực sự” có độ cao 6.000-7.000m và phủ đầy tuyết trắng.

- Ngày 4/5, khi trên đường xuống, anh đã cùng 2 đồng nghiệp theo đường bộ tiếp tục xuống núi, vừa leo vừa tìm bắt xe đò để trưa hôm sau có mặt ở Kathmandu. Trong khi tốp còn lại kẹt ở sân bay Lukla trên độ cao 2.860m, chờ trực thăng cứu hộ. Tại sao anh lại chọn cách đi tiếp thay vì chờ máy bay? Hãy kể về những khó khăn khi chọn cách này?

- Có lẽ do yếu tố tinh thần nên khi đến Everest Base Camp tôi vẫn cảm thấy sung sức, và đau đáu cảm giác muốn chinh phục tiếp. Khi hướng dẫn của đoàn đưa ra 2 phương án để trở lại Kathmandu, tôi và 2 đồng nghiệp rất nhanh chóng lựa chọn phương án đi đường bộ, một phần vì chi phí đi trực thăng khá cao, còn phần lớn hơn là vì 3 chúng tôi vẫn chưa thấy “đã” và muốn vận động tiếp.

-3431-1718080122.jpg

Đoàn FPT Education chinh phục thành công Everest Base Camp ở độ cao 5.364 m, là một điểm đến nổi tiếng với những người leo núi.

Quãng đường bộ từ Lukla về Kathmandu chia thành 3 chặng, gồm: chặng 1 là trekking hơn 13km (khoảng 6 tiếng) từ Lukla đến điểm đón xe “jeep”, mà thực chất là các xe bán tải thương hiệu Ấn Độ để đi tiếp chặng 2 khoảng hơn 50km đường đất trên núi trong 7 tiếng, trước khi chuyển sang một xe khác để đi tiếp chặng 3 hơn 200km đường nhựa trong 10 tiếng đến Kathmandu.

Tổng thời gian cho 3 chặng là đúng 24 giờ liên tục với khó khăn riêng cho từng chặng.

Chặng 1: cứ ngỡ là “xuống núi” nhưng thực tế là sau khi xuống khoảng hơn 500m độ cao thì chúng tôi phải leo lại gần 600m độ cao mới đến được chỗ đón xe, vất vả không kém gì các chặng lên Everest Base Camp trước đó.

Chặng 2: chỉ hơn 50km nhưng là đường đất trên núi rất dằn xóc và bụi bặm, sau hơn 7 giờ bị nhồi lắc cả 3 chúng tôi đều mệt lử.

Chặng 3: hơn 200km nhưng đi mất gần 10 giờ vì toàn đường hẹp và quanh co sườn núi, xe liên tục lượn theo cung đường nên hành khách hết bị xô qua trái lại xô qua phải. Chúng tôi ngủ vật vờ cả đêm trong tình trạng như vậy cho đến khi đến Kathmandu.

- Đúc kết lại, anh Tuấn Anh cho rằng điều gì là quan trọng nhất để một tập thể chinh phục thành công Everest Base Camp?

- Khi đến những chặng cuối, ý nghĩ bỏ cuộc đã thoáng xuất hiện trong các thành viên của đoàn, nhưng mọi người vẫn động viên nhau tiếp tục hành trình chinh phục thử thách. Lúc này nhân tố tinh thần và sự quyết tâm của từng thành viên mang tính quyết định để những đôi chân mệt mỏi vẫn tiếp tục tiến lên.

“Lên đỉnh là quan trọng. Hạ sơn an toàn còn quan trọng hơn”, anh Lê Trường Tùng chia sẻ.

Sự đoàn kết, hỗ trợ nhau của mọi người trong đoàn là rất quan trọng. Và có một yếu tố mà tôi cho rằng mang tính then chốt, đó là sự làm gương của người lãnh đạo, trong trường hợp này cũng chính là anh Lê Trường Tùng - Chủ tịch ĐH FPT. Có thể thấy, từ chặng Lobuche trở đi anh Tùng rất mệt mỏi vì mất ngủ và không ăn được do ảnh hưởng của không khí loãng. Tuy nhiên, anh Tùng kiên quyết không bỏ cuộc, quyết tâm hoàn thành toàn bộ quãng đường còn lại cho đến Everest Base Camp. Anh chính là tấm gương và là động lực cho cả đoàn hoàn thành mục tiêu của hành trình.

Chuỗi 25 đỉnh núi trong và ngoài nước đã và đang trở thành mục tiêu quan trọng mà người FPT Education chờ mong đến ngày chinh phục trong suốt năm 2024, để kỷ niệm 25 năm thành lập Tổ chức Giáo dục FPT (1999-2024).

Lĩnh Nam (thực hiện)

Ý kiến

()