Chúng ta

Thuở hồng hoang của nhà 'Cáo'

Thứ bảy, 9/12/2017 | 14:30 GMT+7

Thương hiệu mạng Trí tuệ Việt Nam (TTVN) không chỉ mang lại tiếng vang lớn cho FPT mà còn cho cả các tài năng trẻ.

Năm 1994, anh Nguyễn Thành Nam đi Hồng Kông mua về cuốn sách lập trình truyền tin bằng giao thức IPX/SPX của Novell. Anh Trương Đình Anh và Khánh Văn coi đây là bí kíp. Thấy môn truyền tin ngon ăn, Trương Đình Anh và các cộng sự Dương Dũng Triều, Nguyễn Đắc Việt Dũng xây dựng phần mềm BCS (Business Communication Services), triển khai cho ngân hàng BIDV. Trên cơ sở BCS, nhóm xây dựng FPT mail.

Anh Nguyễn Thành Nam bèn tổ chức 2 nhóm độc lập, do Trương Đình Anh và Khánh Văn đứng đầu. Phần mềm do Trương Đình Anh viết được chọn chính thức sử dụng cho toàn công ty FPT vào năm 1996 - thời điểm FPT bung ra nhiều văn phòng và nhu cầu trao đổi thông tin trở nên bức xúc. Đó chính là tiền thân của Mạng Trí tuệ Việt Nam. Anh Trương Gia Bình sau đó ra quyết định bắt buộc sử dụng FPT Mail. Nhưng chẳng ai dùng ngoài mấy anh em phần mềm.

Có hai sự kiện đảo ngược tình thế cho mạng TTVN lúc ấy là truyện “Cô giáo T.” do anh Nguyễn Thành Nam share và dự đoán kết quả bóng đá Euro 96. Có đà, mạng càng ngày càng đông đúc. Tất cả thành viên TTVN đều được coi là khách hàng của FPT. Thực tế, đa số họ đều mua modem do nhóm Chu Thanh Hà bán và cài đặt. 

Trên TTVN, các loại hội nhóm, CLB đua nhau ra đời. Nổi bật nhất là Thơ-Ca của Khúc Trung Kiên, Rao-vặt của Thái Thanh Sơn, Thư-giãn của Lê Quang Tiến, Box đọc-báo. Box nhật-ký-của-Nguyễn Thành Nam có thể coi tiền thân của blog sau này. Các loại nick để chat cũng đua nhau nảy nở. Nổi tiếng nhất là Trà My của anh Đỗ Cao Bảo, từng suýt cưa đổ mấy anh. Ít nhất 3 lãnh đạo cao cấp của tập đoàn lấy được vợ nhờ chat trên mạng Trí tuệ Việt Nam.

Sự nổi tiếng của Trí tuệ Việt Nam kéo theo nhiều sự cố đau đầu. Ở Hà Nội, FPT bị kiểm điểm vì tổ chức sự kiện “Đêm hội trí tuệ Việt Nam” làm tắc nghẽn giao thông ở khu vực Láng Hạ. Ở Sài Gòn là sự cố “con rùa bò qua lăng Lê Nin”. 

Lúc đó, báo chí nói mạng Trí tuệ Việt Nam có 10.000 thành viên. Trương Đình Anh và cộng sự tự tin và bị mê hoặc bởi con số đó. Nhà nước cũng tin và cấp phép cho FPT.

Ngày 31/12/1997, Trung tâm Dịch vụ trực tuyến được thành lập, Trương Đình Anh làm giám đốc. Trước đó cả tuần, Trương Đình Anh ôm cuốn từ điển tiếng Anh để tra và đặt tên đơn vị mới. Anh trình lên anh Bình 5 phương án khác nhau. Cuối cùng, hai người dừng lại ở phương án FPT Online eXchange (viết tắt là FOX).

Khi lựa chọn tên, cả hai anh đã tiên kiến về những hoạt động mà FOX sẽ phải đương đầu sau này. Cáo không phải là một loài khỏe như trâu hay hổ báo, hoặc oách và sang như rồng, nhưng lại rất khôn ngoan, khéo léo. Điều này rất phù hợp với FOX, vì trong lĩnh vực hoạt động viễn thông, FOX không phải là người hùng cơ bắp để có thể dàn trận vồ mồi, đánh đồn, đẽo lô cốt như các anh hùng khác trong FPT.

FOX được thành lập với 4 người: Trương Đình Anh, Chu Thanh Hà, Lã Hồng Nguyên và Nguyễn Thị Huệ. Văn phòng 6m2, ở tầng 3, tòa nhà 89 Láng Hạ. Tài sản quý nhất là một chiếc PC Server IBM và 12 cái modem xếp chồng lên nhau trong một chiếc chạn bát bằng nhựa mua ngoài siêu thị và được một chiếc quạt cây thổi liên tục cho mát.

Thanh Tùng

(Theo Fox tự hào có anh)

Ý kiến

()