Chúng ta

'Thất nghiệp là giai đoạn cần thiết để nhìn lại mình'

Thứ tư, 30/3/2016 | 15:35 GMT+7

"Tất cả sinh viên đều có chung một nỗi ám ảnh to lớn - thất nghiệp. Đừng bao giờ đau khổ hay bi quan. Đó là giai đoạn cần thiết, là giây phút để các bạn tự nhìn lại bản thân. Hãy lấp đầy những lỗ hổng và những thiếu sót bằng việc trau dồi thêm kiến thức, hãy kiên nhẫn và bạn sẽ tìm thấy điều mình đang mong chờ", Thạc sĩ Võ Minh Hiếu, ĐH FPT nhắn nhủ. 

Cóc Talk kỳ 1 với chủ đề "Understanding about business student’s career future" (Tìm hiểu về tương lai của sinh viên kinh doanh) do phòng Phát triển cá nhân, ĐH FPT, tổ chức đã diễn ra sáng ngày 26/3 tại hội trường toà nhà Innovation, công viên phần mềm Quang Trung, quận 12, TP HCM. Trong chương trình đầu tiên của năm, buổi hội thảo hướng đến sinh viên ngành kinh tế nói riêng và sinh viên FPT nói chung đang băn khoăn về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. 

Diễn giả chia sẻ với sinh viên FPT trong Cóc Talk kỳ này là Thạc sĩ Võ Minh Hiếu - Chủ nhiệm bộ môn Marketing ĐH FPT và cựu sinh viên ĐH FPT Phạm Tuấn Hải - Chuyên viên Digital Marketing tại Mercedes Benz TP HCM.

Trong xu hướng phát triển và hội nhập toàn cầu của nền kinh tế, marketing luôn được coi là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh. Tuy nhiên, hầu hết học sinh THPT khi chọn nghề đều có cái nhìn mơ hồ về marketing. Thậm chí khi vào đại học, sinh viên vẫn còn rất mù mờ về công việc nghề nghiệp liên quan đến marketing.  

"Marketing thực sự rất rộng. Bộ phận marketing là nhân tố tạo nên thành công của một công ty, bởi nó sẽ quyết định thương hiệu công ty sẽ được xây dựng như thế nào", cựu sinh viên FPT Phạm Tuấn Hải phân tích. 

Từng làm việc ở 4 vị trí marketing khác nhau và qua 3 lần thăng chức, Hải tiết lộ, để xúc tiến sự nghiệp, bản thân phải luôn tự trau dồi cho mình nguồn kiến thức bên ngoài những gì đã học ở đại học.

"Tất cả sinh viên đều có chung một nỗi ám ảnh to lớn - thất nghiệp. Đừng bao giờ đau khổ hay bi quan. Đó là giai đoạn cần thiết, là giây phút để các bạn tự nhìn lại bản thân mình.

Diễn giả chia sẻ với sinh viên FPT trong Cóc Talk kỳ này là Thạc sĩ Võ Minh Hiếu (áo trắng) và cựu sinh viên ĐH FPT Phạm Tuấn Hải.

Gác lại việc đề cập đến các ngành nghề, anh Hải và thầy Hiếu bắt đầu "bật mí" những trải nghiệm mà hầu hết sinh viên đều phải trải qua như: Thực tập (OJT - On The Job Training), viết CV, bảng điểm, “gõ cửa” nhà tuyển dụng...

Anh Hiếu chia sẻ, hầu hết sinh viên đều có chung một nỗi ám ảnh lớn đó là thất nghiệp. Tuy nhiên, Chủ nhiệm bộ môn Marketing ĐH FPT nhắn nhủ, các bạn trẻ đừng bao giờ đau khổ hay bi quan về điều này. Đó là giai đoạn cần thiết, là giây phút để các bạn tự nhìn lại bản thân.

"Đừng đổ hết  lỗi lầm cho mình vì rất có thể bạn chỉ đang thiếu một chút may mắn. Hãy lấp đầy những lỗ hổng và những thiếu sót bằng việc trau dồi thêm kiến thức, hãy kiên nhẫn và bạn sẽ tìm thấy điều mình đang mong chờ", anh Hiếu nhắn nhủ. 

Theo Thạc sĩ Võ Minh Hiếu, cuộc sống là không có gì hoàn hảo, chúng ta nên ngừng than vãn mà hãy bắt đầu thay đổi. Tất cả thành công trong công việc sau này cũng được đánh đổi từ chính mồ hôi, nước mắt và sự cố gắng của mỗi người trong suốt quá trình tìm đến nó. Anh Hiếu cũng đề cập đến thực trạng sinh viên hiện nay ngại khó, ngại khổ, lơ là việc học tại trường nên tỏ ra lúng túng và vô định khi bắt đầu “bước vào đời”.

Nói về chuyện xin việc, Thạc sĩ Võ Minh Hiếu cho rằng, khi đi xin việc/phỏng vấn cần ăn mặc nghiêm túc; Cần chuẩn bị cho mình hành trang vững chắc về kiến thức, kỹ năng mềm, và đặc biệt là ngoại ngữ. Khi đã có đầy đủ hành trang, hãy tự tin bước vào phòng phỏng vấn với một phong thái chuyên nghiệp nhất có thể. Bản thân đã từng gặp sự cố khi đi phỏng vấn, nhưng anh Hiếu đã khéo léo để chuyển lợi thế nghiêng trở lại về phía mình. Việc sử dụng email chuyên nghiệp cũng là một cách dễ dàng để chiếm cảm tình của nhà tuyển dụng ngay từ lần gặp đầu tiên.

Để phòng ngừa những rủi ro một cách chủ động, Tuấn Hải chia sẻ thêm những kinh nghiệm mà cậu đã tích luỹ được trong thời sinh viên của mình. Với Hải, có 5 yếu tố quan trọng nhất khi học đại học là vốn ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, đam mê, và điểm số.

"Hãy trau chuốt bảng điểm của các bạn. Hãy thực sự nghiêm túc với việc học của các bạn. Thật buồn cười nếu như ai đó cho rằng kỹ năng quan trọng hơn các điểm số. Họ thật thiển cận khi nguỵ biện cho sự lười biếng và thiếu chuyên nghiệp của bản thân bằng câu nói này. Hãy bắt đầu từ kiến thức vì kiến thức là nền tảng của tất cả kỹ năng", cựu sinh viên ĐH FPT nhấn mạnh.

Những điều mà Hải chia sẻ thật sự làm cho các bạn trẻ rất bất ngờ và thích thú vì nó đi ngược lại những quan điểm mà số đông sinh viên đều đi theo. Khi được biết có nhiều sinh viên mong muốn mở doanh nghiệp, làm chủ thay vì nộp đơn vào các công ty, cựu sinh viên khóa 6 ĐH FPT chia sẻ: "Hãy khởi sự bằng việc đi làm thuê, nếu các bạn muốn tận dụng các nguồn lực có sẵn nơi công ty bạn và tạo sự vững bền tài chính cho những mục tiêu lớn lao sau này”.

góp phần định hướng tương lai nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi còn đang trên ghế nhà trường.

Cóc Talk góp phần định hướng tương lai nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi còn đang trên ghế nhà trường.

Sau hơn hai tiếng trò chuyện, sinh viên FPT nói chung và sinh viên đang theo học ngành Quản trị kinh doanh nói riêng có thêm những điều thú vị về ngành nghề bản thân đang theo đuổi cũng như tích lũy thêm được nhiều “bí kíp gối đầu”. 

"Các diễn giả chia sẻ nhiệt tình và cởi mở nên em tiếp thu thêm nhiều kiến thức hữu ích cho bản thân. Bất kỳ sinh viên nào cũng đều phải trải qua những giai đoạn từ ghế nhà trường đến doanh nghiệp, vì vậy, hành trang về nền tảng kiến thức, kỹ năng mềm là hoàn toàn cần thiết khi bước vào thị trường lao động", Bạch Minh Nam - sinh viên khoá 11 ngành Công nghệ thông tin ĐH FPT, bộc bạch.

Cóc Talk là chuỗi các buổi định hướng do một cựu sinh viên cùng giảng viên ĐH FPT chia sẻ về một chủ đề nào đó. Khác với VIP Talk thường mời những diễn giả bên ngoài, diễn giả của Cóc Talk là “người nhà” nên sinh viên có thể dễ dàng chia sẻ những lo lắng, băn khoăn của bản thân. Qua đó, góp phần định hướng tương lai nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên khi còn đang trên ghế nhà trường.

>> FPT Telecom tìm lời giải bài toán 'lương cao, việc nhàn hạ'

Thiên Bình (tổng hợp)

Ý kiến

()