Về quê tận hưởng khoảnh khắc bên người thân hay đi du lịch khám phá vùng đất mới... đều giúp ngày Tết thêm ý nghĩa với người FPT. Tuy nhiên, sau một năm bận rộn với công việc, phần lớn mọi người chọn cách đoàn tụ với gia đình để sắm sửa mâm ngũ quả đầy đặn, bánh mứt tràn đầy, mai đào tươi tắn hay đi thăm người thân, bạn bè.
Chị Lê Thị Hồng Oanh, FPT IS HCM, cho biết, Tết vẫn giữ được nét truyền thống dù có nhiều thay đổi theo thời gian. |
Một kỳ nghỉ Tết được ở bên bố mẹ, người thân là điều mà nhiều người đi làm xa nhà chờ đợi cả năm. "Tết đối với tôi luôn là một điều đặc biệt, là thời gian có thể đoàn tụ gia đình, họ hàng, chúc Tết ông bà. Mặc dù càng có tuổi, tôi vẫn cho rằng Tết cổ truyền người Việt đã đi sâu vào trong tâm thức. Tết vẫn có đôi điều khác xưa nhưng trong lòng vẫn háo hức mỗi khi nó về", chị Lê Thị Hồng Oanh, FPT IS HCM, chia sẻ.
Quay lại tuổi thơ, chị Oanh cho biết lúc nhỏ chỉ mong Tết đến để được lì xì, mặc quần áo đẹp, ăn bánh kẹo thỏa thích… Đến lúc đi học mong Tết được nghỉ học đi chơi và mong lì xì bội thu hơn. Bây giờ đi làm rồi lại thích Tết theo kiểu gia đình được nghỉ ngơi, có thời gian quan tâm nhau, hỏi thăm nhau nhiều hơn và đi chơi cùng nhau. Mặc dù rất sợ Tết đến lại già thêm một tuổi và tốn "nhiều tiền” để trang hoàng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong nhà. "Thật sự Tết đến mua sắm nhiều lắm, nhất là con gái như mình, đâu đâu cũng giảm giá từ quần áo đến mỹ phẩm, giày dép. Rồi tiếp đến là chi tiêu mua trái cây, cúng kiếng và còn đi lì xì cho mấy em nhỏ nữa", chị hài hước.
Bản thân cũng thừa nhận Tết cổ truyền hiện có thay đổi nhưng không bị Tây hóa, chỉ là thủ tục được giản lược và bớt rườm rà hơn. Bây giờ khi kết hôn mọi người đều thích ở riêng và xây dựng tổ ấm riêng, không còn sống chung 3 đến 4 thế hệ trong một nhà như ngày xưa, nên mỗi nơi đều có nét riêng để tạo ra mùa Tết đa dạng. "Gia đình tôi mỗi năm Tết đến cũng không có gì đặc biệt. Sáng mồng 1 Tết thì đi chúc ông bà họ hàng, rồi các ngày còn lại đi chơi nhà bạn bè họ hàng", chị nói.
Mỗi dịp Tết cổ truyền, chị Trần Thị Thu Thủy, FPT Telecom Phú Yên, đều tranh thủ gói bánh cùng gia đình. |
Những món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho, bánh trái... đã trở nên quen thuộc. Nhiều người còn thích nấu nướng hoặc đơn giản là thích ăn ngon lại chọn đón Tết bằng cách thử món ăn mới mẻ. Chị Trần Thị Thu Thủy, FPT Telecom Phú Yên, cũng không ngoại lệ. Dù tuổi càng lớn thì sự háo hức dành cho Tết có phần lắng xuống nhưng bù lại thấy ý nghĩa hơn, vì đó là khoảng thời gian của sum họp gia đình. Niềm vui Tết đến với chị đơn giản còn là giây phút cả nhà ngồi gói bánh chưng, cùng ăn bữa cơm cuối năm, người lớn uống trà nói chuyện, bọn trẻ con chạy nhảy vui đùa...
"Tôi không đặt nặng việc mua sắm vào dịp Tết. Nhưng vẫn chuẩn bị chu đáo hơn mọi ngày vì ai cũng mong sự chỉnh chu trong ngày đầu năm sẽ đem lại may mắn cả năm cho cá nhân và gia đình. Thú thật Tết bây giờ cũng có chút thay đổi so với Tết xưa. Cuộc sống hiện đại hơn, kinh tế khá hơn, mọi thứ đều dễ dàng chăm lo cho Tết chỉ trong vài thao tác", chị nói và cho biết thích cái Tết xưa vì nó giúp mọi người gần gũi nhau nhiều hơn.
Cuộc sống ngày càng trở nên vội vã, Tết cũng không còn nhiều không khí như trước kia nữa. Năm hết Tết đến, dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa đón Tết là một trong những công việc gia đình Việt không thể bỏ qua. Ngày xưa, các thành viên trong gia đình thường giúp nhau dọn dẹp. Còn ngày nay, không ít người bỏ tiền ra thuê người làm dịch vụ dọn nhà theo nhu cầu chỉ với một vài thao tác nhanh gọn trên điện thoại. Hay thời gian dành cho việc sắm sửa Tết ngày một ít đi do áp lực và bộn bề công việc, nhiều người, nhất là lớp trẻ, chọn giải pháp "đi chợ online". Thay vì hòa vào dòng người tấp nập ra chợ lựa cành đào, chậu quất, bánh kẹo, họ chỉ cần "click" chọn trên điện thoại hay máy tính là có nhân viên giao hàng mang đến tận nơi... Nhưng cá nhân chị Lương Thị Mẫu, FPT Telecom Lào Cai, vẫn chọn cách tiếp cận ngày Tết một cách truyền thống nhất như cùng nhau làm món ăn, dọn dẹp nhà cửa, đi chúc Tết người thân, nấu bánh chưng...
Cũng giống như phần lớn đồng nghiệp nhà F, chị Mẫu thừa nhận khi lớn lên Tết không còn háo hức như hồi bé nữa. Nhưng việc gia đình ở xa nên Tết là cơ hội không thể tuyệt vời hơn để về quê thăm gia đình, gặp gỡ bạn bè, cũng là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Chưa kể, trước kia chưa có gia đình, Tết bố mẹ lo hết. Nay có gia đình nên Tết phải chủ động và lên kế hoạch mua sắm hay chuẩn bị tiền mừng tuổi gia đình người thân, em nhỏ.
"Do cuộc sống no đủ nên Tết nay khác nhiều với Tết xưa. Trước đây ngày Tết con cái bố mẹ quây quần gói bánh chưng, đun bánh chưng, nhưng Tết nay phần lớn mọi người đặt bánh để thắp hương. Trẻ con không còn háo hức ngày Tết để đc mua quần áo mới như trước nữa", chị chia sẻ. Riêng gia đình chị vẫn giữ được nét đẹp truyền thống như mổ lợn ăn Tết, cùng nhau đón giao thừa, đầu xuân cùng nhau đi chúc Tết người thân...
Chị Nguyễn Thị Hà Phương, Synnex FPT Hà Nội, cho biết, Tết sẽ mang lại nhiều niềm vui nhưng cũng không thiếu lo lắng. |
"Tết với tôi mà nói luôn là dịp đặc biệt nhất trong một năm. Thích nhất chính là lúc được ngồi quây quần bên gia đình, cùng dọn dẹp nhà cửa, cùng ngồi xem tivi hay đón anh em họ hàng xa về... rồi kể với nhau đủ thứ chuyện", chị Nguyễn Thị Hà Phương, Synnex FPT Hà Nội, chia sẻ. Ngoài chủ đề vui như "bao giờ lấy chồng" thì nội dung nào cũng khiến Phương thích thú.
Hiện Phương vẫn chưa mua sắm Tết cho gia đình mà mới chỉ chăm lo văn phòng làm việc. Về việc chi tiêu trong ngày Tết, bản thân thấy trước đây và bây giờ cũng có khác nhau nhưng để mà Tây hóa thì còn lâu, thậm chí không xảy ra. Một trong những vấn đề khiến Phương thích thú nhất chính là chi tiêu Tết theo độ tuổi. Trước đây nếu chỉ nhận lì xì thì bây giờ phải chuẩn bị tiền và phong bao lì xì. Những người có gia đình chắc chắn còn chi tiêu nhiều như sắm sửa cho gia đình, sắm sửa quà tết nội ngoại và cho các cá nhân... "Tết chắc chắn cũng là niềm vui nhưng cũng là sự lo lắng của nhiều người, lo lắng làm sao để tết trọn vẹn, đủ đầy nhất", chị đúc kết.
>> FPT Shop lì xì khách hàng dịp Tết Âm lịch
Viết Chung
Ý kiến
()