Chúng ta

'Tạo động lực cho nhân viên quyết định sự thành bại của tổ chức'

Thứ tư, 17/8/2016 | 14:28 GMT+7

Theo Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo, nếu muốn đạt hiệu quả cao trong công việc, người lãnh đạo, quản lý cần xác định rõ nhân viên của mình thuộc đối tượng nào, nhu cầu thật sự của họ là gì, điều gì có ý nghĩa nhất với họ để đưa ra chính sách khuyến khích, tạo động lực cho phù hợp.

Ngày 16/8, Phó TGĐ FPT Đỗ Cao Bảo đã có buổi chia sẻ với 25 học viên tham gia khóa "Hành trang để quản lý nhân lực" về chủ đề tạo động lực cho nhân viên. Chương trình do Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) tổ chức tại tầng 14, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.

Theo anh Bảo, nguồn nhân lực của tổ chức đóng vai trò quan trọng, là nhân tố quyết định sự thành bại trong kinh doanh. Vì vậy, mục tiêu của các nhà quản trị là phải sử dụng có hiệu quả nguồn nhân sự nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công việc, mang lại lợi ích tối đa cho tổ chức. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả công việc chính bằng năng lực cộng với động lực làm việc, trong đó động lực làm việc luôn chiếm tỷ lệ lớn hơn năng lực. Nhà quản lý muốn đạt được mục tiêu về tăng trưởng cũng như lợi nhuận thì nhất thiết phải tạo được động lực cho nhân viên của mình. 

a-bao-5_1471408418.jpg

Anh Bảo chia sẻ về cách tạo động lực cho nhân viên.

Khi một cá nhân có động lực làm việc, họ sẽ dồn hết tâm lực cho công việc và làm việc một cách hăng say, sáng tạo với tinh thần trách nhiệm cao để đạt được mục tiêu của tổ chức cũng như của bản thân. Để có thể tạo động lực cho nhân viên, mỗi nhà quản trị phải sử dụng nhiều công cụ đãi ngộ khác nhau nhằm thoả mãn nhu cầu, ước muốn của nhân viên, kích thích họ làm việc hiệu quả.

Anh Bảo cho hay, có nhiều lý thuyết nổi tiếng đã nghiên cứu những cách tạo động lực cụ thể cho nhân viên nhưng cơ bản có thể chia ra hai cách: Tạo động lực bằng tiền và không phải bằng tiền. Việc tạo động lực bằng tiền với lương thưởng xứng đáng rất quan trọng bởi nhiều doanh nghiệp đã mất nhân tài vì đãi ngộ chưa tương xứng. FPT cũng đã có giai đoạn không giữ được người tài vì điều này. Sau đó, công ty đã xây dựng chính sách lương thưởng đầy đủ hơn để khuyến khích nhân viên. 

"Trước đây, khi FPT còn ít người, việc chia thưởng xứng đáng vào cuối năm dựa trên đóng góp thực tế của mỗi người đã tạo nên sự hứng khởi, hân hoan cho anh em. Đó cũng là thời kỳ mà FPT phát triển mạnh mẽ nhất vì đa số CBNV đều cho rằng phần thưởng nhận được nhiều hơn cái họ đã nghĩ. Do đó, động lực làm việc luôn tăng cao", anh Bảo cho hay.

Nhưng vấn đề đặt ra là khi nào thì khuyến khích bằng tiền và ai thì cần khuyến khích bằng tiền? Theo anh, với nhóm lao động giản đơn, việc khuyến khích bằng tiền, quản lý bằng kỷ luật sẽ rất hiệu quả. Đây là nhóm người thích sự rõ ràng về tiền bạc, tính gắn bó thấp, chỗ nào trả lương thưởng cao hơn sẽ làm.

Ngược lại, nhóm lao động trí tuệ rất khó đo đếm hay khoán bằng tiền. Không thể trả công cho một lập trình viên, nhạc sĩ, nhà thơ... theo cách này. Với nhóm lao động tập thể như đấu thầu, dự án của FPT IS hay FPT Software, khi xác định đóng góp của mỗi người cũng phải rất thận trọng để có sự công bằng cho mỗi cá nhân mà vẫn khuyến khích được sự cố gắng của cả đội.

Với nhiều nhân viên, cách tạo động lực bằng tiền chưa hẳn mang lại hiệu quả. Có nhiều yếu tố khác thu hút họ hơn là lương thưởng. Anh ví dụ, ở FPT IS có một chuyên gia rất giỏi, người đã thiết kế nhiều hệ thống lớn về ngân hàng, thuế... ở Việt Nam, được Intel mời sang làm việc với mức lương gấp 5 lần FPT. Sau một thời gian chia tay FPT IS và làm việc với Intel, anh đã xin quay về vì thấy rằng chưa hẳn làm việc ở tập đoàn lớn của thế giới với mức lương cao là tốt. Ở đó, anh không được thể hiện hết tài năng chuyên môn của mình, không được làm đúng mảng công việc yêu thích, chưa kể văn hóa, đồng nghiệp đều khác hoàn toàn so với những gì anh mong đợi. Vì vậy, anh vẫn muốn quay về với ngôi nhà cũ dù mức lương kém xa Intel đã trả. Hay trường hợp nữ thư ký của anh Bảo, vì có chuyên môn giỏi đã được nhiều hãng lớn của nước ngoài mời sang làm với thu nhập cao hơn FPT IS nhiều lần nhưng chị vẫn từ chối vì muốn tìm cơ hội phát triển của công ty và học hỏi thêm từ lãnh đạo. 

"Như vậy, với nhiều người, môi trường, tương lai, sự học hỏi và đam mê công việc còn quan trọng hơn cả thu nhập. Do vậy, người lãnh đạo, quản lý cần xác định rõ nhân viên của mình thuộc đối tượng nào, nhu cầu thật sự của họ là gì, điều gì có ý nghĩa nhất với họ để đưa ra chính sách khuyến khích cho phù hợp. Khi CBNV cảm thấy hài lòng, có động lực để cống hiến thì công việc sẽ đạt hiệu quả cao, mọi mục tiêu của tổ chức cũng sẽ dễ dàng thực hiện được", Phó TGĐ FPT nói.

Sau phần chia sẻ của anh, các học viên đã đặt nhiều câu hỏi về các tình huống cụ thể trong công tác nhân sự nhằm tìm và giữ người tài, xử lý mâu thuẫn, khuyến khích nhân viên tăng năng suất lao động trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn...

Đây là lớp học offline hỗ trợ cho CBNV đang theo học khóa online "Preparing to Manage Human Resources - Hành trang để quản lý nhân lực" trên Coursera. Trước đó, học viên đã được tìm hiểu những nội dung cơ bản của khóa học như: Các cách tiếp cận trong quản lý nhân sự, các khía cạnh tài chính của lao động, các khía cạnh phi tài chính của lao động và quản lý con người như một phần trong một hệ thống phức tạp, dưới sự dẫn dắt của chị Nguyễn Ánh Lợi, nghiên cứu sinh và trợ giảng tại ĐH Minnesota, giảng viên ĐH FPT. 

Ngày 24/8 tới, FCU sẽ tiếp tục tổ chức lớp học offline hỗ trợ cho khóa online “Marketing in a Digital world” trên Coursera. Qua đó, người FPT sẽ được ôn lại kiến thức cơ bản về marketing và sự thay đổi của các yếu tố này trong thời đại số. 

Tử Quyên

Ý kiến

()