Chúng ta

Sức hút Hòa Lạc

Thứ sáu, 3/2/2012 | 15:05 GMT+7

Cách trung tâm Hà Nội gần 30 km, khu Công nghệ cao Hòa Lạc đang dần định hình, dù vẫn còn hoang vắng và thiếu thốn cơ sở vật chất. Mỗi lần ra Hà Nội, Hiệu trưởng Đại học FPT Lê Trường Tùng đều lên đây và có khi còn ở lại đến hôm sau.
> Chùm ảnh: Sắc màu ĐH FPT tại Hòa Lạc / Sinh viên FPT sắp có ‘nhà mới’ / Những hình ảnh đầu tiên về sân trượt băng ĐH FPT

Dự án xây dựng Đại học FPT (ĐH FPT) tại đây với nhiều hạng mục đã đi vào hoạt động và có sức hút lớn không chỉ với cán bộ sinh viên nhà trường mà cả với người bên ngoài.

Hạng mục đầu tiên được hoàn thiện của dự án là sân bóng cỏ nhân tạo với tổng diện tích 1.196 m2. Dù không có gì mới lạ nhưng nó lại trở thành “điểm nhấn”, là trung tâm của mọi hoạt động giải trí tại Hòa Lạc. Rất nhiều công ty cũng như cá nhân bên ngoài quanh khu vực đã liên hệ với Ban Giám hiệu nhà trường xin thuê lại hoặc mượn sân. Nhưng nhà trường đã kiên quyết từ chối vì mục tiêu xây dựng sân bóng là để dành riêng cho sinh viên. Cũng vì thế mà thi thoảng bảo vệ lại phát hiện ra một nhóm người “vượt rào, kéo lưới” vào đá trộm.

Sức hút của sân trượt băng nhân tạo đầu tiên trong một trường đại học tại Việt Nam khiến nhiều người tò mò, háo hức. Khi Công ty Trúc Mai Entertainment chính thức bàn giao và lắp ráp, mọi người mới ồ lên: “Ôi tưởng gì, hóa ra chỉ giống như… mặt thớt nhựa của Việt Nam”. Tuy vậy, ngay từ lúc đang thi công, mặt bằng sân trượt băng thực hiện còn dang dở đã thu hút các thầy cô và sinh viên trải nghiệm cảm giác “đo sàn”.

Sinh viên FPT thích thú thử cảm giác

Sinh viên FPT thích thú thử cảm giác "đo sàn". Ảnh: C.T.

Sân trượt băng đã đón rất nhiều đoàn khách sinh viên, học sinh và các câu lạc bộ từ nhiều nơi đến tham quan. Nhà Văn hóa thanh niên TP HCM đã lặn lội ra Hà Nội để “thử” sân. Nhiều lãnh đạo FPT cũng bị lôi cuốn lên thăm Hòa Lạc, thay giầy trượt vào sân để “sống” lại kỷ niệm khi học tại Nga.

Trung bình mỗi ngày, có ít nhất một lớp sinh viên FPT kéo nhau lên tham quan Hòa Lạc và nhất là muốn được thử độ cứng của sân băng. Những “chú Cóc” chưa một lần được trải nghiệm cảm giác trượt băng đã biết thế nào là “học thật, chơi thật, đau thật”.

Ý tưởng thiết kế sân băng bắt nguồn từ Hiệu trưởng Lê Trường Tùng và Phó Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thành với mong muốn đem đến cho sinh viên những trải nghiệm mới của các môn thể thao đình đám ở nước ngoài như trượt băng, khúc côn cầu trên băng (Ice Hockey), liễu kiếm… giúp các em có một sân chơi để nghỉ ngơi, thư giãn giữa giờ học. Chính vì vậy, nhà trường đã quyết định xây dựng sân băng, mặc dù kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn.

Những khoảng không gian xanh mướt với nhiều loại cây để làm giảm tối đa tác động của môi trường cũng rất được chú trọng. Loại cây chủ đạo trong khuôn viên ĐH FPT là điệp vàng, loài hoa gắn liền với tuổi học trò. Hoa nở quanh năm, không trụi lá, mùa này nối tiếp mùa kia.

Chị Phan Thị Hải Sơn, Phòng Hành chính ĐH FPT, cho biết: “Hiện nay đã trồng được hơn 100 cây điệp vàng dọc theo trục đường chính của trường. Bên cạnh đó, trong khuôn viên trường có xen kẽ các cây: Phượng đỏ, cau vua, hoa Trạng nguyên, hoa sữa, và một số loại cây ăn quả như ổi, khế…”. Các thảm cỏ xanh với những con đường nhỏ đi dạo ven hồ sẽ là nơi lý tưởng để sinh viên đi dạo hoặc ngồi tán gẫu vào những ngày đẹp trời.

“Hiện ĐH FPT tại Hòa Lạc cũng mới giải quyết được bài toán phủ xanh khuôn viên trường. Quá trình xây dựng và hoàn thiện cảnh quan cần một thời gian nữa. Việc xây dựng môi trường xanh không quá khó, bởi đã được thống nhất xuyên suốt từ cấp lãnh đạo nhà trường”, anh Vũ Việt Cường, Kiến trúc sư chính của công trình, nhận định.

Biển tên trường gồm 13 chữ cái bằng thép, mỗi chữ cao hơn 2 m, màu cam nổi bật giữa khu vực quảng trường cũng là một điểm nhấn trong thiết kế của ĐH FPT tại Hòa Lạc. Thiết kế biển hiệu theo phong cách này đến nay chỉ có một đơn vị trong Công viên Phần mềm Quang Trung (TP HCM) thực hiện.

Ấn tượng từ ngay biển tên trường. Ảnh: C.T.

Ấn tượng từ ngay biển tên trường. Ảnh: C.T.

Chi phí thi công hoàn thiện lên tới 50 triệu đồng một chữ. Để tìm được nhà thầu chất lượng tốt và giá cả hợp lý nhất, có khả năng thực hiện được công trình lớn như vậy không phải là điều dễ dàng.

Anh Cường chia sẻ: “Sau khi có ý tưởng từ Ban Giám hiệu, tôi đã bắt tay vào thực hiện. Phải mất hai tháng mới hoàn thành bản thiết kế. Đây cũng là công trình đầu tiên mà nhà thầu thi công, bởi ở Việt Nam có lẽ chưa có công trình nào quy mô như vậy. Quả thực, đôi lúc tôi cũng cảm thấy hơi run”.

Chất liệu thép vừa đặc biệt vừa đòi hỏi trình độ thi công phải tay nghề cao, điển hình như chữ S có đường cong, rất khó uốn. Vừa yêu cầu độ chính xác, tính nghệ thuật cao, việc lắp dựng rất khó, cồng kềnh và nếu va chạm có thể cong vênh, móp méo mất vẻ đẹp của chữ.

“Chất liệu thép đa phần chỉ sử dụng cho các khu công nghiệp, ít có tính nghệ thuật và khó thiết kế. Nhiều người cho rằng thiết kế không khả thi. Thế nhưng, công trình hoàn thành có thể thấy nét đẹp riêng của kiến trúc thép. Công trình là niềm vui lớn của không chỉ riêng tôi mà còn của tất cả cán bộ nhân viên trong trường”, anh Cường cho biết.

Việc tìm nhà thầu cho từng hạng mục cũng làm “hao tâm, tổn trí” các cán bộ phụ trách hành chính dịch vụ và xây dựng nhà trường.

Tổng kinh phí để xây sân bóng hơn 600 triệu đồng. Tuy vậy, đại diện phòng Hành chính của trường đã khéo léo chèo chống, thuyết phục nhà thầu “khuyến mại” thêm cho trường 10 ghế đá băng, 4 quả bóng đá chuyên nghiệp và phục trang đầy đủ cho hai đội bóng lớn với số lượng là 25 bộ quần áo.

Với nhà thầu sân trượt băng nhân tạo, quá trình thương thảo giữa hai bên đôi khi khá căng thẳng. 2,5 tỷ đồng mới chỉ là chi phí xây dựng cơ bản. Để hoàn thiện tất cả dịch vụ hỗ trợ cho sân, chi phí sẽ còn đội lên rất lớn. Phòng hành chính đã ra sức thương lượng để mong đem lại nhiều giá trị lợi ích hơn nữa cho nhà trường và sinh viên. Cuối cùng, phòng Hành chính đã thuyết phục nhà thầu tặng thêm 4 bộ liễu kiếm, phục trang và dụng cụ cho một đội chơi khúc côn cầu (ice hockey) bao gồm 5 bộ cho cầu thủ và một bộ cho thủ môn. Chỉ tính riêng một chiếc quần của thủ môn hockey đã lên đến 1.000 USD.

Bộ Hocky chuyên nghiệp đối tác thi công tặng cho sinh viên FPT. Ảnh: C.T.

Bộ Hocky chuyên nghiệp đối tác thi công tặng cho sinh viên FPT. Ảnh: C.T.

Rồi câu chuyện giải tỏa lều vịt ở khu vực hồ nước trước mặt khu ký túc xá số 1. “Mất rất nhiều thời gian để thương lượng với người dân, vì không chỉ lều vịt mà họ còn nuôi rất nhiều cá trong hồ. Thời gian di chuyển chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ, tuy nhiên phải mất đến hàng tháng trời mới thuyết phục được họ. Bây giờ xung quanh hồ nước đã rất gọn gàng, sạch sẽ, thậm chí người dân còn tặng lại nhà trường 10 con vịt”, chị Sơn nhớ lại.

Giai đoạn đầu của dự án xây dựng ĐH FPT tại Hòa Lạc đã hoàn thành với hai ký túc xá, một giảng đường và một số hạng mục khác. Để đạt được đúng tiến độ, nhiều cán bộ nhân viên của Ban quản lý dự án đã phải gắn bó hàng tháng trời, thậm chí ăn ngủ tại công trường đang thi công. Anh Tùng đã có những ngày bay từ TP HCM ra Hà Nội, đi thẳng xuống Hòa Lạc để giám sát và làm việc với Ban quản lý dự án đến 1-2h sáng rồi mới đi tìm nơi ở trọ. 6h sáng hôm sau anh đã lại có mặt tại công trường.

“Tổng thể khuôn viên ĐH FPT tại Hòa Lạc khi hoàn thành giai đoạn đầu hầu như hoàn toàn theo thiết kế ban đầu của đối tác Nhật Bản. Ấn tượng nhất là được chứng kiến các hạng mục dần dần được hình thành, tạo thành một bức tranh tổng thể. Cứ mỗi tuần qua, Hòa Lạc lại có một diện mạo mới, thay đổi từng ngày”, anh Cường chia sẻ.

- Ngày 12/10/1998, Khu Công nghệ cao Hoà Lạc được thành lập với tổng diện tích gần 1.600 ha. Đây là khu công nghệ cao đầu tiên của cả nước được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ dịch vụ tiện ích và những khu chức năng như: khu Phần mềm, Nghiên cứu và Triển khai, Công nghệ cao, Giáo dục đào tạo, Trung tâm và Dịch vụ tổng hợp.

- Tháng 8/2009, ĐH FPT là một trong hai trường đại học đầu tiên khởi công tại Hòa Lạc với tổng diện tích 30 ha.

- Giai đoạn I của dự án đầu tư xây dựng ĐH FPT được thực hiện từ năm 2009 đến 2011 trên diện tích 9,1 ha với khoảng 94.000 m2 sàn, phục vụ nhu cầu của 3.000 sinh viên.

Giai đoạn II từ năm 2012 đến 2015, thi công trên 213.000 m2 sàn, đáp ứng được 7.000 sinh viên.

Thu Thủy

Ý kiến

()