Nhìn lại bối cảnh gần 30 năm trước tại Việt Nam có thể thấy sửa chữa tin học là một nghề “hái ra tiền” khi FPT là công ty đầu tiên mở ra dịch vụ này.
Khi thị trường CNTT khởi sắc sau Nghị quyết 49/CP của Chính phủ về phát triển CNTT tại Việt Nam, FPT cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc nhập khẩu các thiết bị CNTT. Nhờ đó, 2 Trung tâm phân phối thiết bị tin học tại Hà Nội và TP HCM được thành lập và đối tác phân phối đầu tiên là Olivetti. Những năm sau là hàng loạt các tên tuổi lớn như Apple, IBM, Microsoft, HP (2007), Dell, Acer, Transcend, Kingston (2009), Asus, Intel (2013), Garmin, Fitbit, GoPro (2017-2018) đã được FPT đưa về Việt Nam. Hiện tại FPT là đối tác phân phối của hơn 40 nhãn hàng công nghệ có uy tín trên toàn thế giới.
Cùng với sự khởi sắc của ngành Công nghệ thông tin, FPT cũng đón đầu xu thế thị trường viễn thông khi là đơn vị tiên phong trong việc mang các thương hiệu điện thoại lớn trên thế giới tại thời điểm đó về Việt Nam. Khi điện thoại cố định còn đang thịnh hành và là phương tiện liên lạc gần như duy nhất thì những chiếc Motorola đầu tiên đã có mặt tại Việt Nam qua tay nhà phân phối FPT. Những tên tuổi lớn sau đó lần lượt xuất hiện là Siemens, Alcatel, Ericsson. Về sau này là Vertu, Nokia (2007), Samsung, iPhone (2013), Asus Zenfone (2015) và những chiếc điện thoại dán tem FPT đã trở thành huyền thoại với câu cửa miệng “hàng FPT” để phân biệt với hàng trôi nổi trên thị trường xách tay.
Cũng trong thời gian này, khi thị trường linh kiện nở rộ và máy tính lắp ráp trong nước bắt đầu có khách hàng, thương hiệu Máy tính FPT Elead đã ra đời như một sản phẩm tất yếu của người tiên phong. Sản phẩm máy tính FPT Elead đã có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, từ hộ gia đình đến các cơ quan văn phòng. Máy tính FPT Elead có ưu điểm nổi bật là sản phẩm lắp ráp trong nước bởi doanh nghiệp uy tín là FPT, giá thành rẻ.
FPT Trading ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Synnex ngày 12-9-2017 hợp thành Synnex FPT. |
Sự chuyển đổi từ Trung tâm Phân phối thành quy mô Công ty và thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng, Cần Thơ sau 10 năm hình thành và phát triển là quy luật tất yếu sau 10 năm hoạt động của Trung tâm phân phối. Lúc này nhà buôn đã lớn mạnh hơn với nhiều đối tác uy tín, quy mô doanh thu tăng trưởng rất nóng nhờ vào những chính sách cởi mở của nhà nước dành cho ngành công nghệ thông tin.
Cũng như các đơn vị phân phối, Trung tâm Dịch vụ tin học (FSC) cũng lớn mạnh và trưởng thành với quy mô Công ty sau hơn 10 năm hoạt động. Cùng với các chi nhánh tại 3 miền, FSC còn mở thêm nhiều văn phòng đại diện về sau, phát triển dịch vụ sửa chữa tin học và bảo hành trên toàn quốc.
Sự kiện đình đám nhất 2009 của nhà họ buôn là việc hợp nhất 3 người anh em về chung một nhà dưới tên gọi mới “sang chảnh” hơn là nhà thương mại (FPT Trading). Sau hợp nhất, nhà thương mại chia làm 3 nhánh chính là buôn bán sản phẩm tin học, sản phẩm viễn thông và bán lẻ (FPT Shop). Sau 3 năm, FPT đã tách mảng bán lẻ ra khỏi nhà họ buôn để tập trung phát triển thương hiệu FPT shop trực thuộc tập đoàn. Từ 2012, nhà họ buôn còn lại nhánh buôn bán sản phẩm tin học, sản phẩm viễn thông, sản xuất máy tính và điện thoại thương hiệu FPT.
Nhà thương mại sau gần 30 năm đóng góp tỷ lệ lớn doanh thu cho tập đoàn đã được FPT bán một nửa cho đối tác nước ngoài (Synnex Đài Loan). Từ 2017, nhà thương mại có thêm tên mới (Synnex FPT) và đặt mục tiêu mở rộng thị trường, mở rộng phạm vi kinh doanh với tham vọng trở thành nhà phân phối số 1 và nhà cung cấp dịch vụ tin học số 1 tại thị trường Việt Nam.
Hoạt động/thành tích nổi bật: Nhà phân phối xuất sắc nhất của các hãng Dell, HP, Cisco,… trong nhiều năm liên tiếp.
Bài viết “Gia phả nhà họ buôn Synnex” là tác phẩm gửi tham dự cuộc thi “Sử ký FPT 30 năm”. Hiện tại, có 1.239 bài viết hay, độc đáo được cập nhật trên trang Wiki FPT. Hãy đọc và bình chọn cho các bài viết tại đây. |
Bùi Ngọc Khánh
Ý kiến
()